6/11/12

237. ĐỌC LẠI TRUYỆN XƯA


1. LÚC ĐI TRẮNG, LÚC VỀ ĐEN
Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng, đi được nửa đường, gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố ướt cả cho mượn cái áo thâm.
Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh.
Anh là Dương Chu chạy ra bảo:
"Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi, thì trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?"

Lời bàn:
Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó trong truyện này.

2. KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? - Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"
Lời Bàn:
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tùng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.

3. TU THÂN
Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ đi.
Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy. Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.
Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế thì dù muốn không dở cũng không được.

Lời bàn:
Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế, thì mới tu thân được.
            (Theo: Cổ học tinh hoa)

1 nhận xét:

Blogger nói...

Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", ai dám viết blog lề trái; ông và nhóm phản biện có mấy người tự khổ thân để làm việc nghĩa, viết blog lề trái thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? - Mặc Tử nói: "Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, không ái dám phản biện, không ai dám viết và đọc lề trái thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"
Người bạn nghe Mặc Tử nói vậy thấy xấu hổ nhưng chỉ biết cúi đầu.
Lời Bàn:
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa?