8/1/13

278. BỐ THÍ


Mộc Nhân – thu hoạch từ pháp ngôn 
(do sở tri hạn hẹp nên có ý nào bất ổn, mong chư vị lượng thứ)
Bố thí là một từ Hán Việt (bố: cùng khắp, rộng khắp; thí: làm, thực hiện, tặng, cho) bản thân nó không mang sắc thái ý nghĩa gì. Tuy nhiên qua quá trình sử dụng ngôn ngữ cộng với thái độ, cách nghĩ về hành động này mà “bố thí” mang thêm sắc thái ý nghĩa miệt thị tiêu cực. Con người bình thường hay có ý nghĩ không mấy thiện cảm về hai chữ “bố thí”. Vậy nên hành động bố thí thường gắn liền với khách thể là kẻ lang thang, ăn xin, cơ nhỡ … còn chủ thể bố thí thì đôi khi cũng tỏ thái độ trịch thượng, bề trên coi thường đối tượng nhận thí.

Nhà Phật quan niệm về bố thí rất nhân văn, xuất phát từ cái tâm và cao hơn là sự giác ngộ. Bố thí là chia sẻ là thể hiện sự cảm thông với cái khó của những người xung quanh. Bố Thí có tác dụng hai chiều, đem lại lợi ích cho người cũng như cho mình, bởi vì ngoài tương quan nhân quả tất yếu của “gieo nhân lành, hái quả lành”, thực hành bố thí cũng để chuyển cái độc hại của một tâm tham lam qua sự tươi mát, thanh tịnh của một tâm từ bi hỉ xả, và do đó chuyển hóa từ nghiệp ác qua nghiệp thiện. 
Vì vậy việc bố thí được nâng lên thành “hạnh bố thí”. Kinh Phật có nói rằng: người bố thí khi cho tâm phải trong sạch, hoan hỷ và đơn thuần. Người nhận của bố thí, tâm cũng phải trong sạch, hoan hỷ và đơn thuần thì cả hai đều nhận được phước báu. 
Bố thí có hai loại: bố thí vật chất (tài thí) và bố thí pháp (pháp thí). Tài thí là đem cho những của cải vật chất, hoặc công sức của mình ra giúp cho người. Trong chùa gọi là cúng dường, ngoài đời gọi là “cho”. Pháp thí là đem chánh pháp  của Ðức Phật ra quảng bá, làm cho người khác cũng được giác ngộ tựa như đem một ngọn đèn châm thành vô số ngọn đèn khác, tất cả đều rực rỡ sáng ngời, làm cho thế giới này thêm đẹp đẽ, an vui. 
Người thường như chúng ta đều có thể làm được hai kiểu bố thí này. Tài thí bằng cách quyên góp, ủng hộ … Pháp thí bằng cách tặng kinh sách, băng đĩa về Phật pháp cho nhau.
Bố thí được hình thành với ba yếu tố chính: người cho, vật cho, và người được cho. Hạnh bố thí quan trọng nhất không phải do nơi vật bố thí mà do tâm của người bố thí mà ra (Của cho không bằng cách cho).
Nếu tâm nhỏ hẹp thì phước báo nhỏ hẹp, tâm rộng lớn thì phước báo rộng lớn. Bố thí với một tâm suy tính, kiêu ngạo, cầu danh v.v... thì chẳng có phước báo gì. Nhưng nếu cho với sự hoan hỉ, muốn chia xẻ, muốn giúp người, thì phước báo rất nhiều. Bởi vì khi còn thấy mình là người ban phát thì dễ trở nên ngạo mạn, còn tính toán vật cho thì vẫn chưa xả được tâm, và còn thấy có người nhận ơn của mình thì vẫn có cái nhìn phân biệt, bất bình đẳng giữa mình và người. 
Hạnh bố thí cao nhất là bố thí trong vô ngã, vô tướng, tức là bố thí mà trong tâm không có niệm khởi về người cho, vật cho và người được cho gọi là “Bố Thí Ba La Mật”. Công đức của bố thí Ba la mật sẽ đem lại sự an lạc bất tuyệt, còn bố thí với tâm phân biệt đối đãi thì vẫn còn ở trong phiền não.
Có những khi vật cho không có giá trị vật chất bao nhiêu nhưng đem lại phước báo vô lượng, đó là vì người bố thí cúng dường có một tâm nguyện rộng lớn bao la.
Bố thí phải đúng lúc thì  mới có hiệu quả lớn lao. Trong tục ngữ ta có câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thật vậy trong cơn hoạn nạn, một ngụm nước, một muỗng cơm đôi khi cũng thật có ý nghĩa với kẻ khó.
Bố thí là một trong Lục độ hay Lục Ba la mật tức là có sáu điều phải hành trì để đưa đến đạo quả viên mãn. Trong đó Bố Thí đứng hàng đầu, sau đó là Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.  Ðó cũng là sáu phương tiện để vượt qua sông phiền não, chuyển từ bờ mê qua bến giác. Bố Thí được đặt tầm quan trọng lên hàng đầu vì con người sống luôn sống trong mối liên hệ giữa bản thân và thế giới bên ngoài: giữa con người với nhau, giữa người với môi trường, vạn vật. 
Bố thí cũng là một trong bốn pháp (Tứ nhiếp pháp) để thu phục nhân tâm, chung sống hài hòa trong gia đình cũng như trong Tăng chúng và trong xã hội.  (mời đọc thêm tại đây).
Bố thí là một trong 3 điều hạnh được người hiền trí, bậc thiện nhân tán thán đó là: Bố thí, Xuất gia, và Phụng dưỡng cha mẹ. 
Bố thí là một nghĩa cử tuy nhỏ nhoi, nhưng có thể có tác dụng thật lớn lao, như một gợn sóng trên mặt hồ sẽ lan tỏa thành nhiều gợn sóng khác khắp nơi, ảnh hưởng đến con người và cả xã hội, thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta hãy thực hành bố thí cho người thân (biếu, giúp ...), cho bạn bè (tặng, ủng hộ...), cho chùa chiền (cúng dường, công quả...) và cả những người không quen biết (cho, phát, trao...) để mang lại một chút an lạc trong tâm hồn, mang niềm vui cho người khác.

1 nhận xét:

HỌC TRÒ nói...

Hai chữ bố thí-tưởng chừng rất đơn giản về ý nghĩa nhưng qua cách lập luận rất sâu sắc -ta hiểu rõ hơn để rồi có hành động đúng đắn nhất