21/1/13

286. MÂU THUẪN TRONG THÀNH NGỮ


     Nguyễn Đức Dân                                                               
Có không ít lần chúng tôi được nghe bình luận về sự phi lý của câu thành ngữ “con ông cháu cha” : Sao lại là con của ông, cháu của cha ? Phải là con cha, cháu ông mới đúng chứ ! Thậm chí, ngay cả giới nghiên cứu tiếng Việt cũng có người băn khoăn về hiện tượng này, không nhìn nhận lối nói “con ông cháu cha” là đúng.  
          Cũng có chuyện “lô gich” tương tự với hàng loạt thành ngữ khác như: cao chạy xa bay phải là xa chạy cao bay mới đúng …
          Muốn hiểu điều này phải nói về qui luật của một loại thành ngữ (TN) 4 âm tiết trong tiếng Việt, qua đó giải thích được điều tưởng như phi lô gich trong những TN loại này.

          Thế nào là một TN 4 âm tiết ? Đó là chân lấm tay bùn, ăn xổi ở thì, là tóc bạc da mồi, nằm gai nếm mật, thất cơ lỡ vận, là tắt lửa tối đèn, vá trời lấp biển, tô son điểm phấn, bầm gan tím ruột, vào luồn ra cuối, mạt cưa mướp đắng… Vậy đó là những lối nói cố định  gồm 4 tiếng để nói một ý, một nghĩa nào đó không có ở riêng từng tiếng.
          Điều trước tiên mà chúng ta nhận thấy là ý nghĩa của TN không phụ thuộc vào thứ tự sắp xếp của cặp từ. Nói “xa chạy cao bay” hay “cao bay xa chạy” thì cũng  vẫn tạo ra một ý như nhau là nhanh chóng rời khỏi một nơi nào đó bằng một phương tiện nào đó chứ không nhất thiết bằng cách chạy hay là bay.
          Quan sát thứ hai: Sự kết hợp tiếng nào cũng không quan trọng lắm, người ta không chú ý tới cái lô gich đã chạy là phải xa mà không thể “chạy cao”…
          Quan sát thứ ba là : Trong TN 4 tiếng, nếu bỏ đi một nửa thì phần còn lại không có nghĩa hoặc chỉ có nghĩa đen và nghĩa của TN đã biến mất. Ở các TN bới lông tìm vết hoặc bóng chim tăm cá, nếu bạn cắt đi một nửa thì nửa còn lại “bới lông”, “bóng chim”… chẳng còn bóng dáng của TN vừa nêu nữa. Thế là cái nghĩa đen “bới lông”, “bóng chim” chẳng có giá trị gì để làm nên nghĩa của TN cả.
          Đi tìm qui luật hình thành nghĩa của loại TN 4 tiếng này, quan sát thứ ba cho ta thấy trong loại TN này luôn song hành hai cặp kết hợp. Từ quan sát thứ hai, 4 tiếng của mỗi TN được tách thành hai nhóm: cao, xa và bay, chạy. Hơn nữa mỗi tiếng của nhóm đầu tiên có thể tùy ý kết hợp với một tiếng của nhóm sau. Quan sát thứ nhất giúp ta không cần quan tâm tới thứ tự sắp xếp của các cặp đó. Thế là ta có tới 4 cách nói đều tạo ra cùng một nghĩa: cao chạy xa bay, cao bay xa chạy, xa chạy cao bay, xa bay cao chạy.
          Vậy bản chất của qui luật hình thành nghĩa của TN  loại này như thế nào ? Đó là qui luật hình thành nghĩa theo con đường biểu trưng.
          Trong cuộc sống, người ta thường qui ước dùng một sự vật nào đó để nói lên một điều gì đó. Cách dùng như thế được gọi là biểu trưng. Chẳng hạn, người Việt chúng ta thường dùng các bộ phận của lục phủ, nghĩa là ruột, gan, dạ dày, bụng, lòng, phổi để biểu trưng cho ý chí, tâm tư, tình cảm, tấm lòng… Các bạn có thể kiểm tra điều này qua những TN và tục ngữ: “ruột để ngoài da”, “phổi bò”, “lòng vả cũng như lòng sung”, “miệng nam mô bụng bồ dao găm”, “suy bụng ta ra bụng người”, “bụng bảo dạ”
          Tới đây, hẳn các bạn nhận ra qui tắc làm nên TN “con ông cháu cha”. Có hai nhóm từ ông, chacon, cháu. Nhóm đầu biểu trưng cho tầng lớp quyền thế trong xã hội, nhóm sau được dùng với nghĩa dòng dõi, gần như nghĩa đen “con cháu”. Mỗi từ của nhóm này kết hợp với một từ của nhóm kia, thành hai cặp, đặt cạnh nhau, thế là làm nên một thành ngữ mà nghĩa (biểu trưng) là “con cháu, dòng dõi nhà quyền thế”. Một khi chỉ chú ý tới tính biểu trưng thì ta không cần quan tâm tới nghĩa đên của từng cặp, bởi lẽ nghĩa đen này chẳng có giá trị gì cả, như trên đây chúng ta đã nêu trong quan sát thứ ba. Thế là không còn có cái chuyện “lô gich” hay “không lô gich” trong từng cặp kết hợp nữa : “con cha” cũng được mà “con ông” cũng thế ; ông và cha được dùng theo kiểu biểu trưng mà !
          Cuối cùng, xin các bạn lưu ý là không phải mọi TN 4 âm tiết đều được cấu tạo theo qui luật trên. Chẳng hạn, nghĩa của TN “miệng quan, trôn trẻ” lại được hình thành thông qua sự so sánh hai cặp từ “miệng quan”“trôn trẻ”. Thuộc tính của cái trôn trẻ con là không sai lường trước được lúc nào thì bé “tè”, bé “ị”. Điều hiển nhiên này, qua áp lực của phép so sánh, cũng trở thành thuộc tính của “miệng quan”: tùy tiện, thay đổi đảo điên khôn lường. Thế là TN này cốt để nói về “miệng quan”. Đây cũng là một biện pháp để hình thành nghĩa của TN, tục ngữ: qua phép so sánh với một điều hiển nhiên để “ chứng minh” thuộc tính của một sự vật khác.

1 nhận xét:

tieudao nói...

Bài viết rất kỳ công .Rất hay