31/1/13

295. TẢN MẠN VỀ TẾT

           Ngô Thị Thục Trang
                        (Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC - xuân Quí Tỵ 2013)

Sáng nay, chị bạn đồng nghiệp kêu: “Lại sắp Tết rồi, sao mà mau quá, chị nhớ mới đi xin xăm đầu năm đây, giờ đã giữa tháng chạp rồi.” Tôi nhìn ra đường, nắng đã là nắng Tết vàng rưng. Bỗng muốn bỏ hết việc, về quê đắm vào cái không khí mùa xuân vừa chớm mà tìm lại chút bâng khuâng dậy giữa lòng, một cảm giác lâu rồi không gặp.

Tết bây giờ muốn thứ gì cũng có: từ đầu tháng chạp bánh mứt đã bày bán khắp phố, ngay cả chiều ba mươi vẫn mua được thịt tươi, sáng mồng một thiếu rau vẫn có chỗ để... sà vào. Nhưng vị Tết thì đã không còn đậm đà như xưa. Vì tôi đã xa rất xa những điều làm nên hương vị Tết, đó là những buổi chiều ngồi xắt dừa, gọt vỏ quất cho mẹ làm mứt, là những buổi trưa đội nếp đi rang nổ ở cái chảo gang to trước nhà chú Mẹo,  những buổi dậy sớm mang bột nếp ra phơi lấy sương để bánh in không bị nát, buổi tối ngồi coi ba trải nào lá chuối xanh, nào nếp, nào đậu xanh, cả thịt mỡ ra nong gói bánh tét, giành nhau với em gái chùm bánh ú ba gói riêng cho mấy chị em. Thế mới biết Tết đâu phải ở có bao nhiêu bánh mứt trong tủ, đâu phải vì cây hoa chưng giữa nhà hoành tráng.
Tôi đã nhiều lần tự hỏi ý nghĩa của cuộc sống này. Nhân loại, từ chỗ ăn lông ở lỗ đến nay, đã hàng hàng thế kỉ. Con người trí tuệ hơn tất thảy sinh vật khác, đã nghĩ ra quá nhiều thứ để làm mới mình, cũng là làm cho cuộc sống thú vị hơn. Tết cũng là một tác phẩm của con người, ra đời chắc cũng vì nhân loại biết buồn đau từ rất sớm. Tết là cột mốc để con người nhìn lại một chặng đường mình đã đi với những buồn vui được mất. Tết cũng là nhịp cầu nối con người đến gần nhau hơn, nói với nhau những lời yêu thương, cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp. Tết, còn là điểm khởi đầu của ước mơ và hi vọng cho một cuộc sống bình an và nhiều ý nghĩa. Với người Việt chúng ta, Tết còn là thời khắc để hướng về tổ tiên, nguồn cội. Ai dù đi đâu xa, Tết cũng là dịp để quay về đầm ấm với gia đình. Vì thế, Tết là một điều thiêng liêng không thay thế trong lòng mỗi người.
Nhưng con người là một sinh vật không ngừng nghỉ. Và cuộc sống là một hành trình đi tới, hôm nay nhất định phải tốt hơn hôm qua. Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn. Và nhiều cái hơn khác nữa, đã làm nên thời hiện đại của chúng ta bây giờ, với nhiều nền văn minh đã bị xoá sổ, nhiều nếp sinh hoạt cộng đồng chỉ còn trong sách vở. Riêng Tết thì vẫn còn, có vẻ như càng rộn rịp. Nhưng cũng kịp bắt nhịp với thời đại, Tết đã trở nên “nhanh gọn” hơn. Vì thế, mùi vị Tết có phần phai nhạt đi nhiều.
Không còn cả tháng chạp rục rịch bánh mứt, chỉ cần ghé chợ hoặc siêu thị một buổi là xong hết. Không cần phải chăm cây mai từ tháng mười, chỉ một vòng dạo chợ hoa xuân thì cây gì cũng có. Ba ngày Tết, nhiều gia đình đã chọn cho mình một chuyến du lịch nước ngoài thay vì ở nhà nấu nướng cúng gia tiên và đến nhà họ hàng, xóm giềng ngồi cắn hạt dưa, lì xì cho trẻ nhỏ. Đó âu cũng là một hệ quả tất yếu của nhịp sống công nghiệp và Âu hoá. Nhưng sao, tôi vẫn thấy nó xa lạ với cái ý nghĩ Tết là dịp để đoàn tụ, sum vầy. Tết trong tôi bao giờ cũng phảng phất mùi nhang trầm của buổi sáng mồng một, một không khí thiêng liêng nơi nghĩa trang với những cái cúi đầu thành kính trước người đã khuất.
Rồi đây, nhân loại sẽ còn tiếp tục bứt lên, sẽ những cái mới thay cho cái cũ, như email đã thay chỗ những lá thư tay. Tết sẽ nhanh và gọn đến mức nào, tôi chưa đoán được. Và con người sẽ lấy gì thay vào khoảng trống để lại của những cái Tết truyền thống với mùi lá chuối luộc quyện mùi khói củi, vị cay nồng của rổ gừng xắt làm mứt, màu nắng trải vàng trên những luống cải xanh?.
Chỉ biết giờ này ở quê, mẹ tôi chắc đang đánh trứng làm bánh ga tô, ba thì ra vườn xem buồng chuối mốc có kịp Tết không, rồi ba tần ngần: “Không biết Tết này, mấy đứa về ở được mấy ngày...”

Không có nhận xét nào: