10/1/13

279. NĂM TỴ KỂ CHUYỆN RẮN (1)

 (Theo truyện dân gian)
1. Chuyện “Rắn báo oán” - vụ án Lệ Chi Viên:
Truyện kể rằng: lúc lập vườn tại Côn Sơn, trong một đêm nọ, Nguyễn Trãi được một người đàn bà báo mộng xin tha mạng mình và ba đứa con. Sáng ra ông được biết lính hầu đã giết chết một ổ rắn gồm có 3 rắn con, còn rắn mẹ chạy mất. Sau đó rắn mẹ tìm về bò lên trần định trả thù nhưng bị phát hiện đánh đuổi. Rắn nhỏ xuống một giọt máu đào, xuyên thấm qua ba tờ giấy, nhằm ám chỉ là sau này sẽ trả thù ba họ kẻ đã hại con mình.

Một hôm Nguyễn Trãi gặp một ả bán chiếu gom ở Tây Hồ, thấy dung nhan đẹp đẽ khác thường nên ông xướng bài thơ như sau:
Ả ở đâu, bán chiếu gom?
Chẳng hay chiếu đã hết hay còn?
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa? Được mấy con?
Cô gái liền họa lại:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gom
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh mới độ trăng tròn lẻ,
              Chồng còn chưa có, hỏi chi con.
Nguyễn Trãi tấm tắc khen và sau đó thì cô gái- tên là Thị Lộ- đã trở thành tì thiếp của ông.
Vào năm Nhâm Tuất (1442), vua Lê Thái Tôn đi tuần phương Đông, duyệt võ ở Chí Linh, Hải Dương, nhân khi nhà vua ghé thăm chùa Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi ở, thấy nàng tì thiếp của ông là Nguyễn Thị Lộ, nhan sắc lộng lẫy, lại có tài văn chương nên nhà vua liền phong ngay cho chức Lễ Nghi Học Sĩ, ngày đêm hầu cạnh nhà vua. Khi xa giá vua đến vườn Lệ Chi,  thình lình nhà vua nhuốm bịnh sốt. Thi Lộ hầu hạ suốt đêm, rồi vua Lê Thái tôn mất. Các quan hốt hoảng, vội vã bí mật phụng giá về Kinh, nửa đêm mới làm lễ phát tang. Tất cả triều thần đều cho là Thị Lộ âm mưu giết vua, liền đem nàng giết chết. Lại có nhiều người trước đây đố kỵ việc Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ trọng dụng, đem lòng oán ghét, nhân cơ hội này vu cho ông là chủ mưu nên ông bị hại chết và tru di cả họ.
Mãi tới 22 năm sau, vua Lê Thánh Tôn mới xét lại vụ án, thấy nhiều điểm hàm hồ, oan ức cho vị khai quốc công thần, liền truyền hủy bỏ án trước, truy phục chức cho Nguyễn Trãi, con cháu ông được trọng dụng làm quan, lại cấp tư điền để lo việc tế tự hàng năm. Riêng nàng Thị Lộ, dân gian người cho rằng: nàng là hóa thân của con rắn hổ mang xưa kia vì có thù oán sâu nặng với Nguyễn Trãi nên đã tìm mà trả thù cả ba họ nhà ông.

2. Chuyện Dã Tràng và viên ngọc rắn:
Xưa có người tên là Dã Tràng, thường ngày làm cỏ trong vườn vẫn thấy có một cặp vợ chồng rắn hổ mang ra vào trong hang. 
Khi rắn vợ lột xác mình mẩy yếu ớt thì rắn chồng kiếm mồi về nuôi vợ. Ít lâu sau rắn chồng đến kỳ lột xác, rắn vợ lại theo một con rắn đực khác, hai con bò quấn lấy nhau và định vào hang để hại con rắn chồng. Dã Tràng thấy ngứa mắt, bèn rút một mũi tên nhằm con rắn đực mới đến, bắn ngay một phát. Không ngờ mũi tên lại trúng vào đầu con rắn vợ chết tươi, còn con kia hoảng hồn chạy mất.
Dã Tràng thuật chuyện đó cho vợ nghe. Có một con rắn hổ mang lớn, ở trên xà nhà nhả một viên ngọc. Ông vừa cầm lấy thì bỗng nghe được tiếng rắn nói: 
- Tôi cứ ngỡ là kẻ thù. Nghe ông kể chuyện tôi mới biết là lầm. Xin biếu ông viên ngọc nghe này. Đeo nó vào mình thì có thể nghe được mọi tiếng muông chim ở thế gian. 
Dã Tràng sung sướng nhận viên ngọc quý và từ đó không bao giờ rời.
Một hôm, có một bầy quạ đến đậu ở mấy ngọn cau, Dã Tràng nghe chúng nó bảo: "Ở núi Nam có một con dê bị hổ vồ. Hãy lên đó lấy về mà ăn nhưng nhớ để lòng lại cho chúng tôi với". Dã Tràng làm theo lời quạ, đến núi Nam xẻo lấy một ít thịt xách về. Ông mách cho xóm giềng biết mà đi lấy nhưng ông không ngờ người ta đi đông quá, thành ra họ lấy chẳng chừa một tí gì. 
Lũ quạ cho là Dã Tràng lừa, bèn đến vườn ông réo om sòm mặc cho ông phân trần chúng cứ chửi mãi. Tức mình, ông bèn lấy cung tên ra bắn để đuổi đi. Chẳng ngờ bầy quạ cho là ông lấy oán trả ân, liền cắp mũi tên có tên Dã Tràng ở đuôi, đem mũi tên ấy cắm vào xác chết. Dã Tràng bị nghi là thủ phạm giết người nên lính bắt ông hạ ngục. 
Dã Tràng hết sức kêu oan, nhưng mũi tên là một chứng cớ sờ sờ đành chịu chui đầu vào gông. Ông bị điệu đi, dọc đường ông nghe có một đàn chim sẻ bay ngang đầu nói chuyện với nhau: “Vua nước bên kia đang kéo quân  sang đánh úp bên này, nhưng xe thóc đến biên giới thì đổ hết. Ta đến đó tha hồ chén”.
Nghe đoạn, Dã Tràng bảo bọn lính: Xin các ông bẩm lại với quan tôi có việc cấp bách càn báo. Khi gặp quan lớn, Dã Tràng liền cho họ biết rằng quân ở phương bắc đã sai tướng cầm quân sang đánh úp nước mình. Hiện họ đang đóng quân đầy ở biên giới, chỉ vì xe lương đổ hết, chưa tấn công được.
Quân do thám được tung đi lấy tin và quả thật đúng như vậy. Dã Tràng được thả vì lời mách của ông là đúng và vừa vặn để chuẩn bị đối phó với địch. 
Được tha, Dã Tràng về nhà. Ông tìm vào nhà người bạn nghỉ chân. Bạn bảo vợ: “Sẵn có cặp ngỗng ta làm thịt một con, ngày mai đãi bạn lên đường”. Cặp ngỗng ở ngoài chuồng nghe được câu chuyện, hai con tranh nhau chết để con kia được sống. Dã Tràng nằm nghe được tiếng ngỗng than thở nên chờ lúc bạn ra bắt ngỗng làm thịt thì cản lại. Khi Dã Tràng từ giã bạn lên đường về nhà ông được vợ chồng ngỗng tặng một viên ngọc mang vào người có thể đi được dưới nước dễ dàng không khác gì trên bộ, nếu đem ngọc này xuống nước mà khoắng thì sẽ rung động đến tận đáy biển. 
Khi đến bờ sông, Dã Tràng muốn thử xem công hiệu của viên ngọc mới, liền cứ để nguyên áo quần đi xuống nước. Thì lạ thay, nước rẽ ra thành một lối cho ông đi thẳng xuống đáy sông. Ông cầm viên ngọc khoắng vào nước nhiều lần để thử xem thế nào. Cả thủy cung bị rung động, cơ hồ muốn đổ. Long Vương lập tức truyền cho bộ hạ đi dò la sự tình thì thấy Dã Tràng đang cầm ngọc khoắng vào nước. Họ khéo mời ông xuống chơi thủy phủ. 
Gặp Long Vương, Dã Tràng cho biết đó là mình chỉ mới làm thử để xem phép có hiệu nghiệm chăng. Long Vương và triều thần nghe nói, ai nấy đều xanh mặt. Nếu hắn làm thật thì thế giới thủy phủ sẽ còn gì nữa ! Vì thế, Long Vương đãi Dã Tràng rất hậu, còn đem vàng bạc tống tiễn rất nhiều.
Dã Tràng về tới nhà, bà con xóm giềng thấy ông đã không việc gì mà lại trở nên giàu có thì ai cũng lấy làm mừng cho ông. Từ đó Dã Tràng rất quý hai viên ngọc. Ông may một cái túi đựng chúng và luôn luôn đeo ở cổ. 
Một hôm Dã Tràng đến nhà một người bà con ăn giỗ. Lúc đến nơi Dã Tràng sờ lên cổ giật mình mới nhớ ra vì vội vàng quá nên ông đã bỏ quên mất túi ngọc ở nhà. Ông vội cáo từ về ngay. Nhưng khi về đến nhà, ông tìm mãi vẫn không thấy túi ngọc đâu cả, vợ cũng không thấy nốt.
Cuối cùng ông bắt được một mảnh giấy do vợ ông viết để lại gài ở chỗ treo áo, vợ ông nói rằng có người của Long Vương lên bảo hễ ai bắt được túi ngọc đưa xuống dâng Long Vương thì sẽ được phong làm hoàng hậu, bởi vậy bà ta đã trộm túi ngọc đem xuống thủy phủ rồi.
Dã Tràng tiếc quá nên dự tính chở cát lấp biển thành một con đường đi xuống thủy phủ để lấy lại túi ngọc dầu mọi người can ngăn, ông cũng không nghe. Cho tận đến chết, Dã Tràng vẫn không chịu bỏ dở công việc. Chết rồi ông hóa thành con còng còng hay cũng gọi là con Dã Tràng ngày ngày xe cát để lấp biển. Tục ngữ có câu: 
Dã Tràng xe cát biển Đông. 
Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. 

Không có nhận xét nào: