28/1/13

291. DÒNG SÔNG VÀ CON ĐƯỜNG

Tạp bút: Huỳnh Minh Tâm *
                                      (Bài đăng trên Đặc san ĐẠI LỘC - xuân Quí Tỵ 2013)

LTS: Đặc san ĐẠI LỘC – xuân QUÍ TỴ 2013 đã ra mắt cùng bạn đọc gần xa. Tuy nhiên do bản in có hạn và việc phát hành không rộng rãi nên nhiều bạn đọc trong và ngoài địa phương không được xem đặc san quê nhà.
Được sự cho phép của Phòng VHTT Đại Lộc, kể từ hôm nay, chúng tôi sẽ lần lượt đăng lại nhiều bài trong ĐS nói trên nhằm mang đến một món quà tinh thần cho bạn bè trong dịp Tết đến xuân về.
***
Khi tôi đọc và đọc, viết và viết, lắng nghe và lắng nghe thì dường như, bất chợt nhận ra có một dòng sông nào đó, dòng chảy nào kia lẩn khuất chỗ này, rạt rào chỗ nọ “ám” vào máu  huyết, trí não tôi. Dòng sông ấy có lúc hớn hở vui mừng, có khi đớn đau xao xuyến, có bận ngủ gà ngủ gật, có buổi vắng vẻ đìu hiu; nhưng trên tất thảy, nó cho tôi một dáng vẻ ái tình, hoặc như một tiếng thét của đời sống, hoặc là một lý do để tồn tại: “Tiếng chuông thả vào đêm/ tiếng chuông tan vào đêm/ tịch lặng/ sương mờ /ngập tràn/ lạnh gót mềm/ lá rung vườn gió/ mùa trăng đầy/ hồn vẫn cài then”( Nhạc : Ngọc Phước)

Nhạc sĩ R' Tuân (trái) và nhà thơ Huỳnh Minh Tâm (phải)
trong đêm giao lưu văn nghệ Đại Lộc cuối năm

                 Vâng, thế là tôi đã tìm ra tiếng động đậy kia, cái hình ảnh nọ là tiếng chuông cảnh tỉnh, là tiếng gọi của tiềm thức, căn nguyên, là tiếng mẹ tôi ngày cắt rốn chôn nhau, là tiếng nhật nguyệt hồn hoa linh dại
Có một dòng sông của thi ca, có một dòng chảy của sự thật, nhưng nó ở đâu đây? Trong lòng bạn bè tôi, những kẻ hát rong khổ ải, những con mọt sách cô độc đăm chiêu, những anh lang bạt kỳ hồ uống rượu và tán dóc, những em trai tơ tục tằng và hám gái? Hay tất thảy điều kia lý nọ cũng là sự thật ? Sự thật vui vẻ và phũ phàng. Sự thật huyền diệu và đớn đau.
Tôi ra đi trên những con đường không đầu không cuối. Tôi dừng lại ở những chỗ không đẹp không xấu. “Lãng đãng bên đời một chút sương mai/ Rét ngọt gói tình vào sợi cỏ/ Tơ vàng hong tay em mây ngàn lá gió/Thơm tho mùa xuân qua sông/ Có gì vui ngoài kia trên đồng/ Lúa xanh con gái xôn xao cò trắng/ Mẹ bưng nhọc nhằn cẩn vào im lặng/ Ánh lên bảy sắc cầu vồng” (Giao mùa-Nguyễn Hải Triều)
 Hoặc là tôi giật mình thảng thốt mà thương nhớ giấc mộng tuổi thơ về cánh diều bay cao, no gió; hoặc là tôi mơ tưởng người cha già tóc bạc những sớm dắt trâu ra đồng cày ruộng, những chiều vác cuốc trổ mương; hoặc là mênh mông thương nhớ quê nhà: “Đem một khúc sông đi rồi chẳng đem về/ Ký ức ở trần bỏ quên mất áo/ Lau bói đã xanh tràn biền bãi.../ Chòng chành tuổi tác cập vào đâu ?/ Hôm sớm tuồng như sầm sập qua cầu/ Bóng đò khuất bảy đời dương còn neo tiếng ới” (Áo giấy cho sông- Nguyễn Đức Dũng)
Dòng chảy thi ca thoát tục lưu ly hay trát bùn trát trấu, là đồ bỏ đi hay chỗ để khơi nguồn. Và, tôi nhìn bên kia sông Vu Gia có những đàn bướm mờ xa gãy cánh. Rồi tôi nhìn bên này sông Thu Bồn, bãi cát vàng mênh mông lau sậy, mái tóc em còn vướng vài lá dâu xanh: “Thu Bồn chảy miên man những rừng lục bình không kịp dừng để tím/ Mây chập chờn bông lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Cây hát ngược nguồn thương cha nhớ mẹ/ Con nước về xuôi gặp biển rưng rưng/Trôi cả cơn mơ nuôi tôi xanh bãi xanh đồng xanh những triền đất bạc/Trôi ký ức tôi em khăn gói gió đưa rời bến một ngày/ Tôi đứng khóc những khúc sông vắng bờ xe nước…” (Riêng với Thu Bồn- Phùng Tấn Đông).
Có một dòng chảy của Nguyễn Giúp đã làm cho tôi trở mình, bồi hồi xúc động về quê mùa cũ kỹ, về quê hương của bản năng, về quê quán của bản lai, về quê nhà của bản địa: “Anh ra đi trên chuyến tàu này/ Cổ máy và những toa tàu có khi nào vượt ngoài chân mây/ Hành lý có nghĩa lý khi anh không còn thở/ Hăm hăm một nỗi buồn hoặc niềm vui định trước có làm sao không hỡi cánh chim ngược gió/ Tâm hồn anh xanh thẳm phía chồi non sắp bật / Môi em ngoan màu mực lần đầu tiên anh cầm cọ vẽ bình minh rực rỡ đắm say/ Ôi mê ly phù vân giá mà có em đồng hành chuyến tàu sẽ quay ngược lại/ Và ta cùng di cư” (Phế tích một sân ga- Nguyễn Giúp)
Và biết bao dòng sông vẫn rạo rực dưới đèn khuya sao khoắt.
Lý ra tôi phải vui mừng hoan hỉ lắm chứ! Cớ sao tôi lại khóc được nhỉ? Thế giới phẳng quá chăng? Mỏng quá Chăng? Rõ ràng quá chăng? Ồn ã quá chăng?...: “Áo mỏng quần mỏng/ Nằm nghiêng tôi khóc/ Khế rụng đầy vườn/ Nằm nghiêng tôi khóc/ Hoa rụng đầy sương/ Nằm nghiêng tôi khóc/ Ai khóc cùng tôi/ Chiếc giường nằm nghiêng/ Chiếc bàn bối rối/ Đứng thẳng và nghiêng/ Đọc bài sám hối/ Tôi khóc nằm nghiêng/ Hết nghiêng đến sấp/ Hết sấp đến ngửa/ Đôi con mắt khép/ Mai vàng thắp hiên” ( Nằm nghiêng tôi khóc hay khúc sô lô cho 4 chữ-Huỳnh Minh Tâm).
Hóa ra tôi chỉ là con chim cánh cụt!
Tôi chợt nghĩ những con đường. Tôi vẽ con đường với những người ra đi. Có lúc gặp gỡ có khi riêng biệt. Con đường vô tận, chẳng về đâu.
***
* Huỳnh Minh Tâm: gv Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ - Đại Lộc
                                   Hội viên Hội VHNT Q.Nam

Không có nhận xét nào: