15/1/13

284. CHƯƠNG TRÌNH và SGK NGỮ VĂN vẫn nặng tính hàn lâm


Nguồn: GDVN
Chương trình và sách giáo khoa Ngữ Văn vẫn nặng tính hàn lâm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh - nhất là phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo.
Đó là những đánh giá được Bộ GD-ĐT đưa ra sau khi tổng hợp các báo cáo và ý kiến thảo luận tại hội thảo khoa học quốc gia về dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam.

Nhiều yếu kém được chỉ ra
Bộ GD-ĐT cũng cho hay, Hội thảo này cũng đã khẳng định chương trình (CT) chưa nhất quán theo một trục qua các cấp học, nội dung còn nhiều trùng lặp, tính tích hợp giữa các hợp phần càng lên các lớp trên càng mờ nhạt.
Nhiều bài học trong sách giáo khoa (SGK), nhất là ở các lớp trên, nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho HS. Một số nội dung còn cao đối với khả năng tiếp thu của HS, nhất là HS nông thôn, miền núi và những HS có ở những vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Thời lượng dành cho một số nội dung học tập chưa hợp lý. Hầu hết tác phẩm dạy trong SGK THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời quá lâu, nhiều tác phẩm không phù hợp với tâm lý của HS hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập của các em.
Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá vẫn chưa thựnc sự chuyển biến, nhiều khi còn dừng ở hình thức, chưa có chiều sâu. Phương pháp dạy đọc hiểu chưa có hiệu quả, giáo viên (GV) chưa chú ý đến việc hình thành cho HS phương pháp đọc văn bản. Việc kiểm tra đánh giá vẫn chủ yếu là kiểm tra kiến thức nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại,... học tác phẩm nào thi đúng tác phẩm đó, chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức, chưa chú trọng việc đánh giá thường xuyên trên lớp học và sử dụng kết quả đánh giá để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy và học.
Chất lượng đầu ra của sinh viên chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn mặc dù điều kiện học tập ngày càng tốt hơn. Nhiều SV sau khi ra trường lúng túng trong việc dạy học bởi khoảng cách giữa việc học tập - thực tập ở nhà trường và thực tế dạy học. Kiến thức Văn, kĩ năng nghề của SV ngày càng sa sút, chưa coi trọng học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm.
Công tác tuyển sinh còn nhiều vấn đề cần bàn, phương pháp đào tạo lạc hậu, chưa phát huy tính tích cực và năng lực tự học của sinh viên. Đội ngũ GV thụ động trong việc đáp ứng những đòi hỏi của việc thay đổi của chương trình, sách giáo khoa do ý thức tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Công tác bồi dưỡng GV tuy được tổ chức thường xuyên, nhưng chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu của GV, hiệu quả thấp.
Sẽ tích hợp và phân hóa đối môn Ngữ Văn
Cũng theo thông báo của Bộ GD-ĐT, khuyến nghị của hội thảo về định hướng và giải pháp đổi mới dạy học Ngữ văn trong thời gian tới đó là định hướng dạy học theo năng lực đòi hỏi các môn học tích hợp một số nội dung tri thức và kĩ năng nhằm giải quyết các tình huống trong học tập và trong cuộc sống. Tích hợp các mạch kiến thức lớn (văn học, tiếng Việt và Làm văn, văn hóa) trong nội bộ môn học qua trục kĩ năng. Ngoài ra, cần tích hợp nhiều hơn, tự nhiên hơn những lĩnh vực/ môn học khác.
Lấy trục kĩ năng làm chính, việc phân hóa vi mô được thể hiện qua Chuẩn CT các cấp, lớp học và được thực hiện thông qua quá trình dạy học. Cần chú ý tới hướng tổ chức nội dung môn Ngữ văn đáp ứng yêu cầu phân hóa vĩ mô thông qua các nội dung học tự chọn ở các lớp trên nhằm mục đích hướng nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các HS khác nhau về làm văn và văn học.
Bên cạnh đó cũng cần nhận thức đúng vị trí, vai trò của môn Ngữ văn ở trường phổ thông là: Hình thành và phát triển các năng lực cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học; đặc biệt là năng lực giao tiếp (kiến thức tiếng Việt cùng với 4 kĩ năng cơ bản: nghe, nói, đọc, viết và khả năng ứng dụng các kiến thức và kĩ năng ấy vào các tình huống giao tiếp khác nhau trong cuộc sống) và năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học; bồi dưỡng và nâng cao vốn văn hóa cho người học thông qua những hiểu biết về ngôn ngữ và văn học, góp phần tích cực giáo dục, hình thành và phát triển cho HS những tư tưởng, tình cảm nhân văn trong sáng, cao đẹp.
Mạnh dạn thay đổi cấu trúc môn học và cách biên soạn SGK không theo lịch sử văn học mà cần tuyển chọn các văn bản theo hướng phù hợp với tâm lí lứa tuổi học sinh, phục vụ có hiệu quả cho việc rèn luyện các kĩ năng (không phân biệt giai đoạn, thời kì, trong và ngoài nước). Vấn đề lịch sử văn học sẽ được hệ thống hóa ở các lớp cuối cấp, các chuyên đề chuyên sâu chỉ dành cho HS giỏi, HS sẽ dự tuyển vào ngành văn; các tri thức lí luận văn học sẽ được tích hợp vào quá trình dạy đọc văn và dạy viết văn nhằm nâng cao tính thiết thực, tránh lí thuyết hàn lâm.
Ngoài ra định hướng phát triển năng lực, các môn học đều phải góp phần hình thành và phát triển một số năng lực chung bên cạnh các năng lực chuyên biệt của môn học. Theo yêu cầu này, môn Ngữ văn có ưu thế trong việc hình thành và phát triển năng lực giao tiếp (đó là năng lực chung/năng lực cốt lõi). Cần trao đổi tiếp để xác định những năng lực chuyên biệt, cụ thể nào trong môn Ngữ văn cần được hình thành và phát triển ở HS.
Các chuyên gia cũng kiến nghị nên lựa chọn sử dụng các phương pháp phù hợp, quan tâm sâu sắc, tác động trực tiếp đến hoạt động học của HS để tạo ra sự chuyển biến trong quá trình học tập. Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, khả năng hợp tác, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hoá các hình thức hoạt động học tập Ngữ văn, xây dựng môi trường học tập tích cực, tương tác, thể hiện rõ đặc trưng bộ môn Ngữ văn. Sử dụng phối hợp các phương pháp để giúp HS rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành năng lực giao tiếp, trong đó bao gồm cả giao tiếp đời sống và giao tiếp nghệ thuật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học Ngữ văn, khai thác thế mạnh của internet và các phần mềm dạy học.
Mở rộng nghiên cứu và chắt lọc những kinh nghiệm quốc tế vào dạy học và kiểm tra đánh giá Ngữ văn - nhất là khoa học về đánh giá thường xuyên trên lớp học. Cần vận dụng các bộ công cụ đánh giá quốc tế theo hướng của PISA để đo lường năng lực đọc hiểu Ngữ văn của HS. Đổi mới cách ra đề và hướng dẫn chấm phù hợp để đánh giá được năng lực của người học, tránh hiện tượng học vẹt, viết theo bài văn mẫu, học tác phẩm nào thi tác phẩm đó.
Tạo bước đột biến trong đào tạo bồi dưỡng giáo viên
Theo đánh giá của các chuyên gia tham dự hội thảo, đào tạo bồi dưỡng giáo viên được xác định là khâu then chốt của quá trình đổi mới; phải thiết kế được một chương trình đào tạo giáo viên bảo đảm tính khoa học cao, tích hợp giữa khoa học sư phạm và khoa học cơ bản, đáp ứng Chuẩn nghề nghiệp GV.
Do đó, hướng đổi mới quan trọng nhất là rèn luyện năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề của sinh viên, đánh giá đúng tầm quan trọng và tăng cường các giải pháp, thời lượng cho việc học tập và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. Nâng cao nhận thức của GV về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng.
Xác định bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ không chỉ là trách nhiệm của các cấp quản lý mà phải trở thành và xuất phát từ nhu cầu thường xuyên của mỗi GV. Đa dạng hóa, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng giáo viên nhằm bồi dưỡng toàn diện: về chính trị đạo đức, phẩm chất, năng lực SP, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực kiến thức bổ trợ (tin học, ngoại ngữ, năng lực tổ chức hội thảo, nghiên cứu khoa học…). Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lí giáo dục, trường sư phạm và giáo viên, trường phổ thông trong quá trình bồi dưỡng thường xuyên GV.

Không có nhận xét nào: