3. Đạo Phật và rắn Naga: (theo Phật thoại)
Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, nhằm
chỉ con rắn hổ mang, loài rắn này còn tượng trưng cho thần Civa vì chúng bao
hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh.
Phật thoại đã mô tả cuộc đời của Đức Phật từ khi
ngài mới đản sinh cho đến khi nhập cõi Niết Bàn đều có liên quan ít nhiều đến
rắn Naga. Câu chuyện đầu tiên khi hoàng hậu Maya hạ sinh ngài tại vườn Lâm Tì
Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Naga chín đầu phun nước tắm.
Truyện tích về Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật kể
rằng: khi ngài đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề thì một cơn mưa trái mùa như
trút nước dội xuống thân thể ngài, đúng lúc đó một vị vua rắn Naga liền bò ra
khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi
dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc
táng che cho Đức Phật. Rắn Naga chính là vị thần
Hộ pháp (Dvarapala) canh giữ viên ngọc của mọi điều ước, viên ngọc ấy cũng
tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Phật- Pháp- Tăng).
4.
Chuyện “Rắn lột xác”: (theo truyện cổ dân gian)
Dân gian có câu: “Rắn già rắn
lột, Người già người cột vào săng”. Đi liền với nó là câu chuyện cổ dân
gian lý giải rằng ngày xưa Người và Rắn
cùng chung sống, “dân số” ngày một đông, hết đất sống! Để cân bằng trở
lại một ngày kia, Ngọc Đế sai Thiên Lôi xuống truyền lệnh rằng: “Người già người lột, rắn già cột vào săng”,
không hiểu sao, Rắn biết được và tìm cách “mua
chuộc” Thiên Lôi, khi đến hạ giới Thiên Lôi lại phán ngược lại. Và thế là,
người già, người chết, rắn già thì rắn lột da.
Ngẫm ra, từ câu ca đến câu chuyện vừa phản ánh một hiện tượng tự
nhiên vừa mang tính triết lý sâu sắc.
5. Chuyện “Vẽ Rắn Thêm Chân”: (truyện ngụ ngôn)
“Vẽ rắn thêm chân”
(Họa Xà Thêm Túc) là thành ngữ, được lấy từ điển tích: Có một người nước
Sở tặng cho những người giữ nhà một chai rượu. Mấy người nầy thương lượng với nhau: Rượu thì ít quá, nếu
mọi người uống thì chẳng thấm tháp vào đâu. Còn nhường hết cho một người thì biết nhường
cho ai. Thôi thì ta thi nhau lấy que vẽ hình một con rắn trên mặt đất này. Hễ
ai vẽ nhanh nhất thì được chai rượu.
Mọi người đồng ý và bắt đầu vẽ. Có một người vẽ
xong trước nhất. Anh ta cầm ấm rượu định uống, nhưng lại đắc chí lấy
tay trái cầm ấm rượu, tay phải tiếp tục vẽ rắn, miệng nói: “Các
người xem, ta còn có thời gian để vẽ thêm mấy chiếc chân cho rắn đây.”
Thế nhưng không đợi anh ta vẽ xong chân
rắn, một người khác đã vẽ xong rắn. Người đó giằng lấy ấm rượu
nói: “Rắn làm gì có chân, anh vẽ thêm chân cho rắn làm gì”, nói xong
liền uống rượu trong ấm. Người vẽ thêm chân cho rắn đã để mất ấm
rượu đáng lẽ thuộc về anh.
Đến khi hai anh cãi nhau, mọi người đổ xô vào xem và cười ồ lên:
"Đó đâu có phải là con rắn.. con rắn làm gì có 4 chân".
Chuyện ngụ ngôn này nói với mọi người,
nếu làm một việc, cần phải có yêu cầu cụ thể, rõ ràng, hoàn thành nó với sự tỉnh táo, chớ bày vẽ lôi thôi, không hợp tình hợp lý do mê muội đầu óc…
6. Chum vàng, chum rắn: (truyện cổ tích)
Ngày xưa có hai vợ chồng quê nghèo đói
nhưng ăn ở hiền lành và tử tế với mọi người. Một hôm, trong lúc cầy cuốc ở
ngoài đồng, người chồng gặp được hũ vàng. Anh lẳng lặng vùi hũ vàng lại rồi về
khoe với vợ: - Mình ơi! Hôm nay tôi đào được hũ vàng ngoài đồng, tôi còn để
ngoài đồng, chưa đem về.
Người vợ dẫy nẩy người: - Bắt được vàng sao
không mang về. Để như thế, lỡ ai trông thấy lấy mất thì sao.
Người chồng bình tĩnh: - Mình đừng lo! Vàng đó là của trời.
Trời đã cho thì không mang về, nó cũng theo mình về. Trời đã không cho mà vào
tay kẻ khác thì tiếc rẻ làm chi.
Thằng ăn trộm
nấp ở góc nhà nghe lỏm được câu chuyện. Đợi hai vợ chồng ngủ say, nó lẻn ra
khỏi nhà và chạy ra đồng thẳng tới chỗ chôn vàng. Tìm được hũ vàng, nó mừng rỡ
vác về nhà. Nhưng vừa mở nắp ra, nó chỉ toàn thấy toàn rắn là rắn loi nhoi, lúc
nhúc trông thật là ghê rợn. Nó bèn đậy nắp lại rồi giấu kín vào một nơi .
Sáng hôm sau, người nhà quê ra rung tìm
hũ vàng thì hũ vàng đã biến mất. Đêm hôm ấy, anh về cho vợ hay thì bị vợ mắng: -
Anh thật là một thằng ngốc. Anh đã không chịu nghe tôi nên mất vàng là đáng
kiếp.
Người chồng vẫn một giọng bình tĩnh: -
Mất thì thôi chớ sao. Trời cho thì mình được. Trời lấy về thì xin vâng.
Cuộc đối thoại giữa hai vợ chồng lại bị
thằng ăn trộm nghe lỏm. Nó nghĩ thầm: - Rõ là hũ rắn mà anh này lại nhìn ra
vàng. Để sáng mai ta đem trả cái hũ vào chỗ cũ mới được.
Sáng hôm sau, người nhà quê ra đồng làm
việc. Gặp lại cái hũ, anh mở ra coi thì thấy số vàng còn nguyên vẹn. Chiều về
anh khoe với vợ: - Mình à! Hũ vàng chưa mất. Còn nguyên chỗ cũ. Đấy, tôi nói có
sai đâu! Trời đã cho thì không ai lấy của mình được.
Nghe nói vậy, người vợ bèn giục: - Sao
không đem ngay cái hũ về đi. Còn đợi gì nữa?
Người chồng lừng khừng: - Mang về làm
gì cho cực cái thân. Mình đừng có lo! Tôi đã bảo là một khi Trời cho thì trước
sau nó sẽ về tay mình.
Đêm ấy, thằng ăn trộm cũng nghe được
câu chuyện đối đáp giữa hai vợ chồng. Nó mỉm cười nghĩ thầm: - Anh thằng này
tin ở Trời quá hoá mù quáng rồi, chẳng thấy gì nữa. Phải cho nó một bài học mới
được.
Nó lẻn ra đồng ngay đêm hôm đó, bê cái
hũ về để ngay trước nhà hai vợ chồng người nhà quê, và tin rằng thế nào rắn
cũng sẽ bò ra cắn chết hai vợ chồng.
Sáng hôm sau, người chồng thức dậy, thấy
cái hũ ở trước cửa nhà. Anh mừng rỡ mở ra nắp ra coi. Thấy hũ đầy ắp những
vàng, anh bảo vợ: - Mình ơi, vàng nè! Ra đây mà coi! Tôi nói có sai đâu. Trời
đã thật sự cho chúng mình rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét