25/7/15

653. HOA LẠ NGÀY THƯỜNG

               Huỳnh Minh Tâm
                                       (cảm nhận về tập thơ "Những vũ điệu và khúc ca" 
                                          của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh - nxb Hội Nhà Văn, 2015)

         
       Đọc “Những vũ điệu và khúc ca” của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh tôi chợt miên man nghĩ đến những bông hoa lạ ngày thường. Những bông hoa gần gũi với đời sống  vậy đó nhưng đôi khi nhìn ngắm dấu yêu miệt mài chúng ta mới nhận ra nhiều hình ảnh xa lạ và cuốn hút - như một tình yêu nguyên sơ bí ẩn: “em mang theo những giấc mơ cổ tích/ có cả hạnh ngộ và niềm vui tĩnh mịch/ nhảy múa trên đôi chân trầm mặc điềm nhiên/ ẩn sâu những nghĩ ngợi về nỗi đau ám chặn đời người” (Những vũ điệu và khúc ca). 

       Mộc Nhân Lê Đức Thịnh là một giáo viên văn thực thụ, đầy nhiệt huyết. Anh đã có 30 năm đứng trên bục giảng để “rao truyền” về cái đẹp, nét tinh tế, sâu sắc của các kiệt tác văn chương, và dường như những “sinh nghề” trên đã ám vào anh, để anh yêu văn chương, ham thích viết văn làm thơ như một lẽ tất nhiên. Dẫu công việc sáng tạo, viết lách với anh không phải là một “khát vọng đến chết”, một “tử nghiệp mãnh liệt”, nhưng điều chắc rằng, đó là điểm tựa tuyệt vời của cuộc sống, mở ra những trang sách vĩ đại của tâm hồn:
       “đôi khi tôi vẫn nghĩ về em/ những cánh hoa vàng và nụ cười tươi/ em ban tặng tôi trong những tháng ngày cô đơn/ như ân sủng thiên thần và cứu rỗi” (Tôi có người em sống bên kia đồi cỏ)
       Và, cũng như những bông hoa, chúng ta hãy nhìn sâu vào nó, nhìn vào bản thể hồn nhiên lai láng tuyệt mật, rồi chúng ta sẽ bị nó hớt hồn, sẽ đưa chúng ta đi đến một bến bờ tình yêu nồng đượm sâu xa tuyệt tận- thơ ca cũng vậy. Dường như thơ ca ngày càng đi vào chiều sâu cuộc sống của nhà giáo Đức Thịnh, và nó mang anh đi qua nhiều ngóc ngách của tình yêu về “quê hương của thời trai trẻ”, về những kỉ niệm mênh mang núi rừng sông suối, về những đêm ca hát bất tận, về những giấc mộng kì hồ.
       “Anh đã quên cỏ vàng cồn lau xác xơ chiều đứng gió/ đường vào bản lẻ Pà Dương xa cõi người gần ma xó/ bóng cô hồn khuất trong chập choạng tà dương/ anh đã quên đá rêu xõa tóc em xanh/ bên thác G'răng gội trời xanh tháng giêng/ những cội rễ nhọc nhằn/ dây leo rối bời giăng mạng nhện bắt sao đêm tháng ba/ trăm năm chênh vênh nỗi cô đơn cùng vách đá/ mạch ngầm từ đâu đong nỗi buồn rỉ rả/ chảy tràn qua đồi gió hú khe truông” (Anh đã bỏ quên).
       Những cánh cửa thơ tự do, nhiều tiết điệu sông suối thác ghềnh đã cho anh cơ hội mở ra chiều sâu của suy tư và chiều rộng của cảm xúc, và anh đã ký thác được nhiều “thông điệp”, nhiều “chữ nghĩa”: “Bên kia nỗi buồn có điều được gọi tên là niềm vui/ nhưng để đến được phía ấy/ chúng ta phải mang theo nụ cười qua cơn gió/… chúng ta đang tìm kiếm/ bông hoa hướng dương lúc cuối đông/ hay những tia nắng khi trời vần vũ/ và tất thảy nằm ở/ bên kia cuộc đời” (Bên kia); : “Khi em đọc điều này/ sự chết đã hóa kiếp/ dưới dòng sông vật vờ mùa lũ/ sâu thẳm biển khơi/ khe suối rì rào/ góc rừng âm u/ trong hương khói nghĩa trang/ ven đường nấm mồ vô chủ” (Khi em đọc điều này).
       Nhưng dường như anh còn ham muốn nhiều hơn thế, anh cũng đã thử bút ở nhiều dạng thể thơ ca:  thơ sáu chữ, thơ năm chữ, thơ lục bát, thơ vắt dòng, đoản thi, và rõ ràng điều ấy thật là khó khăn khi ra “biển lớn thơ ca”. Dẫu sao đó cũng là một tín hiệu rất đáng trân trọng cho một tâm hồn nhạy cảm với cái đẹp, với thơ ca, với khát vọng mới mẻ chính mình: “giản dị/ như mùa xuân/ chồi non/ thành ngòi bút/ chờ câu thơ/ mở nụ/ vàng/ cả chiều bâng khuâng” (Điều giản dị).
       Với tập thơ đầu tay thì tác giả bao giờ cũng háo hức chờ đợi tín hiệu vọng lại từ độc giả, với bao hồi hộp, bao âu lo và hy vọng. Nhưng tự bản thân “ tác phẩm thơ ca” bao giờ cũng tạo ra nguồn hạnh phúc miên viễn và đơn độc cho “người cha tâm hồn”. Bởi vì : “Thơ ca làm cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trên đời trở thành bất tử - Shelly”, “là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên- Lamactin”; “Thơ, đó là những cách đi tới nơi tận cùng của ý thức”, “Thơ, là chiếc lá chói lọi của tưởng tượng. Nó phải rực sáng và làm cho bạn gần như mù quáng”, “Thơ, được tạo thành bởi những quầng sáng tan dần trong đại dương âm thanh”, “Thơ, là một tiếng nói ly khai chống lại sự lãng phí từ ngữ và sự thừa thải điên rồ của chữ in”, “Thơ, là cái gì tồn tại giữa các dòng chữ”, “Thơ, được tạo nên bởi âm tiết của những giấc mơ”, “Thơ, là cấu trúc (gestalt) của trí tưởng tượng-Lawrence Ferlinghetti”.
       Dù có những định nghĩa, những quan niệm phức tạp hoặc giản dị về thơ ca, thì tiếng nói, ngôn ngữ thơ ca của mỗi người đều rất riêng tư và hứng khởi. Và tôi rất hy vọng Đức Thịnh sẽ tiếp tục hành trình thơ đầy chông gai, khổ ải nhưng cũng tràn trề niềm vui thú cho những bước chân lên những đỉnh núi sắp tới, với cái nền dung dị, đầm ấm thơ ca của anh-như hoa cỏ ngày thường nhiều hương sắc lạ.
                                   Đại Lộc, ngày 17 tháng 7 năm 2015
                                                 

1 nhận xét:

gocque nói...

Tôi chưa đọc hết tập thơ của MN nhưng hy vọng MN sẽ đem đến những người yêu thơ một cách nhìn mới, đồi thường mà cao trọng, giang hồ mà nhân văn, riêng tư mà phổ biến.Miền ký ức mà MN nói đến luôn cựa quậy tâm khảm bao người, tình yêu nghề luôn là mê mải. Chúc thầy MN sinh đẻ mẹ tròn con vuông .
gocque