19/9/18

1.229. NHỮNG NGƯỜI ANH EM XỨ XA

Mộc Nhân
              (ngày thứ hai ở Đà Lạt - thăm những người anh em lưu lạc xứ xa)

Chuyến đi Đà Lạt lần này tôi có tâm nguyện đến thăm gia đình cậu tôi tại Trạm Hành – Đà Lạt.
Cuộc đời của cậu tôi từ thưở thiếu thời đến khi nhắm mắt xuôi tay là một câu chuyện của con người khốn khổ.

Cậu xa quê lúc còn tuổi thiếu niên. Và dường như cậu không có tuổi thơ.
Cha mẹ mất sớm, bà con thân thích trong làng xóm cũng khốn khổ nghèo đói nên chẳng ai để mắt đến nỗi bất hạnh của một đứa bé mồ côi. Những bát cơm cưu mang hàng ngày rồi cũng thưa dần…
Cậu bắt đầu biết làm việc để nuôi sống bản thân mình (nghe nói năm đó cậu khoảng 12 tuổi) – chăn trâu thuê cho người ta, mót khoai ngô sống qua ngày và có cả lê la xin cơm những người bà con tốt bụng ít ỏi.
Một lần, cậu bị chủ đánh thậm tệ. Dường như không thể tồn tại nơi quê xứ của mình, cậu bắt đầu bỏ đi lang thang ra khỏi làng… và cũng không ai chú ý đến sự biến mất của một đứa bé.
12 tuổi, thời chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu, bàn chân đưa đẩy, vậy là cứ đi, đi, đi… đi mãi, đi như một bản năng trên hành trình mang đến cho nó bát cơm và bảo tồn thân xác.
Cả dải đất miền Trung này cậu đều lê bước qua, vừa đi vừa làm thuê vừa xin ăn…
Về sau này, cậu kể lại với các con là cậu được một chủ xe hàng cho đi theo trên một chuyến xe nào đó, đến chốn rừng núi hoang vu mà sau này định danh là Trạm Hành, Đà Lạt.
Những năm 1950-60, nơi này là chốn hoang sơ, cư dân thưa thớt, không có bạt ngàn triền đồi cà phê như bây giờ, một số ít di dân vì lí do nào đó đến đây ẩn cư, phát rừng làm rẫy, sống cùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cậu lại tiếp tục là cậu bé làm thuê; làm những việc có thể làm được để có miếng cơm.
Rồi cậu được một người dân cho sống chung nhà và nhận làm con nuôi. Chắc cũng để thêm người trong nhà cho bớt  quạnh hiu nơi rừng đồi vắng lạnh và có thêm tay làm việc rẫy.
Cậu lớn lên như thế. Thành một thanh niên biết lao động có trách nhiệm, có suy nghĩ và rung cảm…
Cậu quen mợ tôi cũng là cư dân nơi ấy. Cả hai thân phận đều nhọc nhằn khốn khó được hai bên tác hợp nhau mà thành một gia đình nhỏ.
Vậy là cậu tôi có vợ, lại quần quật làm ăn nơi rẫy nương rừng núi còn đâu nghĩ đến quê xứ của mình.
Chiến tranh kết thúc, cậu vẫn sống khốn khó không hơn gì lúc trước chiến tranh nhưng có cái khác là cậu đã có một gia đình đông đúc với 7 người con.
Cái xứ Trạm Hành những năm sau này trở thành đất di dân tứ xứ. Nơi đây đất đai mênh mông núi đồi chưa ai khai phá, lại là miền đất bazan tốt cho cây cà phê và các loại rau trái nên dân đến ở ngày càng đông.
Một góc nhỏ xứ Trạm Hành - Đà Lạt

Một ngày nọ, khi các con đủ khôn lớn để hỏi cậu tôi : “quê mình ở đâu hả ba ?” – cậu đã khóc.
Bằng trí nhớ rời rạc, phai nhạt của mình, cậu đã kết nối lại các định danh: huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (không nhớ tên làng xã nhưng biết làng ấy nằm bên một dòng sông do Pháp đào, gần phố chợ), gốc gác tộc Đỗ, bà con có ông A… chỉ có vậy thôi…
Rồi cậu nhắm mắt xuôi tay.
Nhiều năm sau, mợ và các con bắt đầu cuộc hành trình tìm về quê xứ mình.
Từ những thông tin ít ỏi đó, rồi qua hỏi han những người biết về Đại Lộc, mợ và các con đã suy luận rằng: cậu là người tộc Đỗ (sau này cậu đã khai sang tộc Phạm vì một sơ xuất nào đó mà cũng không bận cải chính) – cái làng ấy chắc là làng Phú Lộc ở Đại An, huyện Đại Lộc, Quảng Nam.
Và thật ngẫu nhiên, sau chặng tìm kiếm nhiều ngày, mợ đã tìm về đúng cái làng ấy, gặp những người đồng niên thưở nhỏ có chăn trâu cùng cậu tôi… “Vậy mà tao tưởng thằng Trà mất tích từ nhỏ rồi”, “Hình này thì đúng là nó rồi”, “Cô là vợ nó à?” (cậu tôi có đi lính lúc thanh niên và chụp vài cái hình); “Những chuyện cô vừa kể đúng là chuyện của nó thời nhỏ, tôi biết mà” …
Vậy là nhận ra nhau. Mợ và các em tôi đã toại nguyện vì tìm được nơi quê cha đất tổ. Cuộc đoàn tụ thiếu bóng cậu tôi nhưng trong những câu chuyện thưở thiếu thời khốn khổ đều có bóng dáng cậu và vài anh em đồng lứa: nào đi mót, chăn trâu, bị đánh đập, bị đói lạnh, bị khước từ, những cái tên địa chủ ác bá cũng được nhắc đến…
Sau nhiều năm cậu mợ tìm ra quê xứ, anh em hai bên cũng nhận nhau, vui vầy sum họp ấm tình dù trước đó chẳng ai biết gì về nhau cả.
Cái còn lại là tình người – tình anh em tộc họ.
Tôi đến thăm mợ và các em trong buổi sáng sớm lạnh ở Đà Lạt. Trời mưa lất phất dọc quốc lộ 27 từ Đà Lạt đi Trạm Hành.
Thật dễ dàng tìm ra nhà mợ các em tôi vì hầu như hỏi ai cũng biết (không cần gọi ra đón). Các em là những người thành đạt và sống tử tế ở địa phương nên ai cũng mến mộ, biết tiếng.
Nghe tin tôi báo trước là sẽ đến thăm gia đình, mợ, các em và con cháu đã gọi nhau đến nhà em Nguyên để dón tiếp người anh quê hương.
Tôi xúc động vì mình được đón tiếp trọng thị như vậy, bằng cái tình chân thực. Đi thăm các em, từng nhà, từng nhà, vợ chồng, con cái bỏ một buổi làm để ở nhà đón anh.
Bữa tiệc trưa vui vẻ đầy tiếng cười tràn những câu chuyện thời khó và rưng rưng nước mắt.
Tôi chỉ là một đứa cháu, một người anh họ xa vừa mới nhận nhìn nhau; tôi có là gì đâu mà các em yêu quí thế nhỉ… thậm chí không có tôi và những người anh em mới kết nối thì các em và gia đình vẫn sống đời sống của mình; vậy cái đọng lại là gì: là tình anh em, tình người kết tinh sau năm bao khát khao truy tìm cội rễ ; là sự yêu quí và trân trọng nhau khi biết nhau giữa cõi đời.
Xin cảm ơn mợ và các em Tuấn – Mười; Sơn – Lệ; Nguyên – Trung; Giãn – Hoa; các cháu Khải, Na, Ny… đã kết nối với người anh này bằng tấm lòng thành của người xứ Quảng.
Chia tay xứ Trạm Hành khi trời hửng nắng bên những triền đồi cà phê, hoa trái, rau quả .. cao nguyên.
Con đường đèo quanh co, xa lắc giờ thấy gần gũi và dễ thương chi lạ.
Rồi chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều.

Không có nhận xét nào: