“Quốc văn giáo khoa thư” cùng cuốn “Luân lý giáo khoa thư” là hai cuốn
sách xuất bản từ những năm 30 - 40, là một trong những cuốn sách giáo khoa tiếng
Việt được dạy song hành ở các trường tiểu học Việt Nam trong suốt những thập
niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX. Qua đó cho thấy sự coi trọng vấn đề luân lý, đạo
đức con người của người xưa, nó không chỉ là một môn học thông thường mà là một
nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ.
Tuy một số nội dung không còn phù hợp hoàn toàn với hoàn cảnh xã hội hiện
nay nhưng về cơ bản thì ý nghĩa và giá trị giáo dục thì vẫn có tác dụng cao do
cách dẫn dắt dễ hiểu, sát với cuộc sống và gần gũi với tâm sinh lí trẻ nhỏ.
Nhân dịp năm học mới MN trích đăng một số bài trong tập sách để các em
học sinh tham khảo.
Ông Trịnh Đàm
Toàn làm quan đời xưa, có tiếng là người nhân từ trung hậu, chỉ siêng việc nước
giúp dân yên, hết lòng bênh vực những kẻ hèn yếu. Thường ai cho gì ông cũng
không lấy. Một ngày kia, có người đem lễ một bao trà, ông không muốn nhận, người
kia cứ nói mãi, ông nể lòng, bảo cất đi. Đến khi xem ra thì thấy trong bao toàn
những đồ vàng cả. Ông không nói gì, lại đậy nắp lại, rồi cho gọi người ấy đến
mà bảo rằng: “Vừa rồi ta tưởng hết trà uống, mà nhà ngươi lại có lòng tốt đem
cho, thì ta lấy. Nhưng bây giờ xem ra thì trong nhà hãy còn đủ uống”. Nói xong
đưa bao trà trả lại. Nói rồi ông cũng không tỏ cho ai biết là người ấy người ấy
đến cầu cạnh mình. Ấy, không những ông là một người làm quan thanh liêm mà lại
có tính hồn hậu, không hay đem chuyện bí mật của người ta mà thổ lộ ra ngoài.
2. CHUYỆN MỘT NGƯỜI THỢ ĐÁ CÓ LƯƠNG TÂM
Người ta ở đời phải ăn ở có
trung hậu thành thực, dẫu được giàu sang mà làm điều trái đạo, thì thế nào cũng
không làm, mà làm điều ngay lành, thì dẫu có cực khổ, cũng cố làm cho được.
Xem như đời xưa, người Sái Kinh
là một đứa gian nịnh có quyền thế, thấy bọn Tư Mã Quang là trung thần, không chịu
vào đảng với mình, bèn đem lòng ghen ghét, sai thợ khắc tên những ông ấy vào
bia đá, bày ở các phủ huyện để làm cho xấu xa.
Lúc ấy có một người thợ đá tên
An Dân, không chịu khắc, nói rằng: “Chúng tôi ngu, không hiểu ý làm sao, nhưng
cứ như bọn ông Tư Mã Quang thì ai cũng khen là chính trực, mà sao lại bảo là
gian tà, tôi không nỡ khắc”. Quan phủ giận, toan bắt tội. An Dân khóc mà nói rằng:
“Bắt làm thì tôi xin làm, nhưng xin tha cho, đừng bắt khắc tên người thợ đá ở
dưới bia”. Quan phủ nghe câu ấy, cũng thẹn mặt với người thợ đá.
3. ĐI HỌC PHẢI ĐÚNG GIỜ
Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp câu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: "Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?
Thôi, hãy hượm, đừng đi, anh ạ.
Này con khăng tôi đã sẵn rổi.
Cùng nhau ta hãy đánh chơi.
Lát rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa."
- Thu đáp lại: "Dẫu giờ còn sớm,
Cũng nên đi, kẻo chậm làm sao?
Nếu chờ khi đánh trống vào,
Dầu ta rảo bước tài nào kịp cho.
Trễ giờ ta phải nên lo."
4. AI ƠI, CHỚ VỘI KHOE MÌNH
Con bươn bướm kia, cánh vàng rực
rỡ, lại có những đốm đen, đốm đỏ, trông rõ thật đẹp. Một hôm, bay nhởn nhơ trên
bụi cây ở vệ đường. Hết ngành nọ, sang ngành kia, thảnh thơi vui thú. Tưởng
mình đã đẹp, thì ai chẳng kính yêu. Ngờ đâu có ba anh học-trò đi học về, bỗng
trông thấy bướm kia đang bay ở bụi cây trước nặt, vội vàng, anh thì lấy nón úp,
anh thì lấy sách đập, xô đẩy nhau đuổi bắt cho được.
Con bươm bướm kia đã vào tay lũ
trẻ, thôi thì hết anh này lôi cánh, lại đến anh kia kéo chân, thật là rã rời
tơi tả, chẳng được bao lâu mà hóa ra tửng mảnh. Ấy cũng vì con bươm bướm có cái
sắc đẹp, mà phải những cái tai hại thảm thiết như thế. Thật đáng thương thay!
5. TỐI Ở NHÀ
Cơm nước xong, trời vừa tối. Ngọn
đèn treo, thắp giữa nhà. Cha ngồi đọc nhật báo. Anh đang ngồi cúi xuống xem
sách hay làm bài. Mẹ và chị, kim chỉ vá may. Ở bên cạnh, hai đứa em nhỏ đang
nghe bà kể câu chuyện cổ tích, thỉnh thoảng lại khúc khích cười với nhau rất
vui vẻ.
Ban ngày đi làm ăn khó nhọc; tối
đến cả nhà được đông đủ sum vầy như vậy, tưởng không có cảnh nào vui hơn .
6. LÒNG THẢO HIẾM CÓ
Mẫn tử Khiêm, mẹ mất sớm, bị người
dì ghẻ ác nghiệt, xử tàn nhẫn lắm. Mùa rét chỉ cho Mẫn tử mặc một manh áo mỏng,
còn hai con riêng mình, thì cho mặc áo bông, áo mền tử tế.
Một hôm, người cha sai Mẫn tử đi
đẩy xe, Mẫn tử rét quá, lập cập vấp ngã. Cha quở mắng, Mẫn tử cũng không nói
gì. Sau cha biết người dì ghẻ để cho Mẫn tử phải chịu đói rét, và thường khi lại
còn hành hạ khổ sở, thì muốn đuổi ngay đi.
Mẫn tử biết ý, can cha rằng:
"Dì con mà còn ở lại, thì chỉ có một mình con chịu rét mà thôi, chớ dì con
mà không ở đây nữa, thì ba anh em chúng con đều bị đói rét cả."
Người cha nghe nói, cho là phải,
và người dì ghẻ thấy Mẫn tử hiếu đễ như thế, lấy làm cảm động, từ đó cư xử với
Mẫn tử rất là tử tế.
7. LÒNG KÍNH YÊU CHỊ
Ông Lý-Tích làm quan to đời xưa. Ông
đã già mà vẫn yêu kính chị một cách khác thường. Một hôm, bà chị ốm, ông thân
hành đi nấu cháo cho chị ăn, chẳng may gió quạt ngọn lửa cháy cả râu. Bà chị
nói rằng; "Nhà thiếu gì đầy tớ mà em lại khổ thân như vậy?" - Ông đáp
lại rằng: "Nay chị đã già, mà em cũng già rồi, dẫu em có muốn nấu cháo cho
chị ăn mãi, phỏng đã dễ mà được hay sao?"
Một người như ông Lý Tích, làm quan
quyền quí bao nhiêu mà yêu chị như thế, thật là đáng khen thay!
Ôi! Anh chị em là cùng một cha mẹ
sinh ra, ở với nhau từ thuở nhỏ dại cho đến khi khôn lớn, dạy bảo nhau, bênh vực
nhau, lúc vui cười, lúc buồn-bực, bao giờ cũng có nhau, thì cái tình thân ái biết
bao giờ cho phai nhạt đi được!
8. KÍNH TRỌNG NGƯỜI GIÀ CẢ
Một lũ học trò ngồi xúm xít ở hàng nước,
đang cười cười nói nói. Có một cụ già lưng còng, tóc bạc, cũng muốn vào hàng nước
nghỉ. Nhưng mấy cái ghế chật ních cả rồi, cụ cứ loanh quanh (xa xẩn) đứng ở
ngoài.
Một cậu học trò ít tuổi nhất, thấy thế,
vội vàng đứng ngay vậy, nhường chỗ mời cụ ngồi. Sau lại cầm hộ cả cái điếu đưa
cho cụ hút thuốc. Mấy cậu ngồi bên cạnh, bây giờ cùng bảo nhau ngồi dồn lại cho
rộng chỗ.
Cụ già ăn thuốc xong, khen các cậu rằng:
“Các cậu là học trò tràng nào, mà khéo học được những điều lễ phép như thế! Lão
đây thật lấy làm quí hoá cái nết của các cậu”.
9. LÒNG THƯƠNG KẺ TÔI TỚ
Ông Lưu Khoan thuở xưa là một ông
quan có tiếng nhân từ. Một hôm, ông mặc áo, đội mũ chỉnh tề, sắp đi chầu. Con
thị tì bưng bát cháo lên hầu. Chẳng may lỡ tay đánh đổ cháu ra áo chầu. Con thị
tì sợ hãi, vội vàng lấy tay vuốt chỗ cháo đổ. Ông Lưu Khoan không đổi sắc mặt,
từ từ nói rằng: “Mầy có bỏng tay không?”
Ôi! Tay người ta bỏng thì đau đớn nhiều,
áo quí mà hoen bẩn là việc nhỏ. Ông Lưu Khoan biết quên cái áo bị bẩn của mình,
mà chỉ nghĩ đến tay bỏng của người đầy tớ, thật là người có đại độ, biết thương
người dưới.
10. LỜI KHUYÊN CON
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng
Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu-thùa.
Trai thì đọc sách, ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.
11. THƯƠNG NGƯỜI NHƯ THỂ THƯƠNG THÂN
Thấy người hoạn nạn thì thương,
Thấy người tàn tật lại càng trông nom.
Thấy người già yếu ốm mòn,
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.
Trời nào phụ kẻ có nhân,
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
Nguyễn Trãi gia huấn.
Đại ý - Trong bài nói phải thương hết cả mọi người cùng khổ, hoạn nạn, như
người tàn tật, người già cả, người ốm yếu. làm điều hay thì gặp hay, dù không nữa,
thì trong bụng cũng được hả hê.
12. CON CHỒN VÀ CON GÀ TRỐNG
Một hôm, con chồn gặp con gà trống
ở bụi tre. Gà sợ, kêu rối rít. Chồn cũng sợ chủ nhà họ bắt được, thì họ đập chết.
Chồn bèn lấy lời ngon ngọt dỗ gà rằng: "Sao bác lại gắt gỏng như vậy? Tôi
với bác là họ hàng bà con với nhau cả đấy mà." Gà thấy chồn nói dễ nghe, cất
tiếng gáy vui vẻ lắm. Chồn khen nức nở: "Ôi chao! bác gáy sao mà hay như
thế! Song tôi còn nhớ ngày xưa ông nhà ta gáy còn hay hơn mấy, vì lúc cụ gáy cụ
cứ nhắm mắt lại." Gà lại gáy, nhưng vẫn còn ngờ vực, chỉ nhắm có một mắt
mà thôi. Chồn ở dưới làm như gõ nhịp, vừa cười vừa nói: "Ôi chao ôi hay
quá! Nhưng nếu bác nhắm cả hai mắt lại mà gáy, thì tôi chắc bao nhiêu gà ở xung
quanh đây nghe tiếng chỉ những nổi cơn ghen lên mà chết!" Gà đắc ý, nhắm
tít cả hai mắt lại, định gáy cho thật hay, nhưng vừa há mỏ, chồn đã nhẩy chồm
lên cắn cổ mà tha về tổ để ăn thịt.
Ôi! Mật ngọt chết ruồi! Hay ưa nịnh
hót có khi hại đến thân.
13. CHƠI ĐÙA KHÔNG PHẢI LÀ VÔ ÍCH
Cứ đến giờ chơi, học trò ra cả
ngoài sân, đứa thì chạy nhảy, đứa thì đánh quay (đánh vụ), chơi đùa ầm ĩ, thật
vui vẻ. Duy có cậu Tí cứ cầm quyển sách đọc, không chịu chơi.
Thầy giáo thấy thế đã nhiều lần,
một hôm gọi cậu Tí lại hỏi. Cậu ấy thưa rằng: “Thưa thầy, con tưởng đã đi học,
thì chỉ chăm lo học hành, chơi đùa làm gì cho phí thời giờ”. Thầy nói: “Cũng
khá khen cho con là đứa chăm học. Nhưng miễn là đừng lười biếng thì thôi, chứ
chơi đùa chạy nhảy, cũng không phải là vô ích. Nếu con mãi miết học cả ngày,
không nghỉ một phút nào, thì trí khôn sinh quẫn, mà thân thể cũng mỏi mệt, học
sao tinh tường được. Vậy phải có học và có chơi, thì sự học mới dễ dàng và
chóng tấn tới.
14. CHỖ QUÊ HƯƠNG ĐẸP HƠN CẢ
Một người đi du lịch đã nhiều
nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một
người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy
ông cho ở đâu là thú hơn cả?” Người du lịch đáp rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông
thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn
quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ
cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi
ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”
15. NGƯỜI NGHIỆN THUỐC PHIỆN
Trông thấy Chánh Còm, ai cũng biết
là người nghiện. Trước khi, thầy là người béo tốt phương phi, tinh nhanh khôn
khéo, mà bây giờ thì mặt bủng da chì, xo vai rụt cổ, giọng nói khàn khàn, cái
môi thâm sịt, nom người lẻo khoẻo như cò hương. Thầy mới ăn thuốc phiện mấy năm
nay mà đã khác hẳn đi như vậy.
Thầy Chánh Còm từ khi đa mang
thuốc xái đến bây giờ, thành ra lười biếng, chậm trễ. Sáng dậy, ít ra cũng phải
mươi lăm điếu mới mở mắt ra được, và cả ngày quanh quẩn cạnh bàn đèn, chỉ cái
xe (thoe) cái lọ, ngoài ra không thiết đến việc gì nữa.
Xem thế mới biết thuốc phiện là
một thứ thuốc độc rất hại. Nó hại sức khỏe, hại tinh thần. Nó làm mất thì giờ,
mất tiền của, có khi mất cả phẩm giá con người nữa. Vậy ta chớ nên hút thuốc
phiện.
16. NGƯỜI TA PHẢI LÀM VIỆC
Người làm ruộng có trồng trọt cấy
cày, thì ta mới có thóc gạo mà ăn. Thợ nề, thợ mộc có làm nhà, thì ta mới có
nhà mà ở. Thợ dệt có dệt vải, thợ may có may áo, thì ta mới có đồ mặc vào mình.
Quyển sách ta học cũng phải có người làm, người in. Cái đường ta đi cũng phải
có người sửa, người quét. Nói tóm lại, nhất thiết một chút gì ta cần dùng đến,
cũng là có người chịu khó làm việc mới nên.
17. KHUÂN TẢNG ĐÁ
Trời nhá nhem (chạng vạng) tối.
Tôi thấy một ông già hì hục khuân một tảng đá. Nhắc lên, để xuống đến bốn năm lần,
mới đem được từ giữa đường đến chỗ bụi cây mà bỏ đấy. Tôi lấy làm lạ, chạy lại
hỏi, thì ông cụ vừa thở vừa nói rằng: “Lão đi lỡ vấp phải tảng đá này, sầy cả
chân, đau lắm. Nên lão khuân bỏ vào đây, sợ cứ để đấy, lại có người vấp ngã nữa
chăng.”
Tôi thấy nói, lấy làm nghĩ. Ông
cụ già chịu nhọc mình một lúc, để đỡ cho người đi đêm trên con dường không vấp
phải tảng đá, cũng là một việc làm phúc đáng khen vậy.
18. ĐI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?
Bác hỏi tôi đi học để làm gì.
Tôi xin nói bác nghe.
Tôi đi học để biết đọc những thư
từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để
biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.
Tôi đi học để biết tính toán, biết
mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết
luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành người được người con hiếu thảo và người
dân lương thiện.
19. CÔNG VIỆC NHÀ NÔNG
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng
Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai.
Ruộng cao đóng một gàu giai,
Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng.
Chờ cho lúa có đòng đòng,
Bấy giờ ta sẽ trả công cho người.
Bao giờ cho đến tháng mười,
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta.
Gặt hái ta đem về nhà,
Phơi khô, quạt sạch, ấy là xong công.
20. CÓ HỌC PHẢI CÓ HẠNH
Sài Thế Viễn, thuở bé đi học,
không chuộng nghề văn chương mấy, chỉ chuyên chú về đường tâm tính tức là khoa
tu thân luân lý vậy. Có người thấy thế, bảo ông rằng: "Đi học cốt là để cầu
cho được văn hay chữ tốt, thi đỗ làm quan, chớ tâm tính học tưởng không cần gì
cho lắm". Ông Sài Thế Viễn đáp: "Học hành ai cũng muốn cầu cho giỏi,
nhưng học giỏi mà lại giữ được phẩm hạnh mới thật là đáng quí. Chớ học mà không
có hạnh cũng chẳng làm gì. Phẩm hạnh tức là danh giá của con người ở đời vậy."
Nhiều người nghe nói, cười ông
Sài Thế Viễn là vu khoát.
Sau, ông thi đỗ tiến sĩ, làm
quan đến bậc thượng thư, nổi tiếng là một người có phẩm hạnh.
Còn nữa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét