10/8/20

1.853. BỨC TRANH THU BÌNH DỊ


        Mộc Nhân

Ai từng đi học cũng đều thuộc bài Mùa Thu Câu Cá của Nguyễn Khuyến:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Và ai cũng cảm nhận bài thơ dưới những chỉ dấu khá phổ biến thuộc tri thức học đường qua lời giảng của giáo viên – tóm tắt:
- Bài thơ đã mở ra một không gian nghệ thuật, một cảnh sắc mùa thu đồng quê với hình ảnh ao thu lạnh lẽo nước trong veo vừa có hình vừa có khí thu. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo gợi tả sự cô đơn, tạo nét thu đẹp và êm đềm.
- Không gian với màu sắc hòa hợp: “sóng biếc”/ “lá vàng”; chuyển động khẽ khàng: “hơi gợn tí”/ “sẽ đưa vèo” làm nổi bật một nét thu dù rất mỏng nhưng có thể nhìn thấy và nghe thấy.
- Bức tranh thu được mở rộng đến “Từng mây”/ “Ngõ trúc” … Đất trời mênh mông “xanh ngắt”, bao la, thoáng đãng, êm đềm, tĩnh lặng, không một bóng người “khách vắng teo”.
- Mãi đến phần kết mới xuất hiện người câu cá trong tư thế nhàn: “tựa gối ôm cần” đợi chờ “lâu chẳng được”. Đến khi chợt tỉnh mơ hồ nghe “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Người câu cá như đang ru hồn mình trong giấc mộng mùa thu... Tiếng cá “đớp động” sau tiếng lá thu “đưa vèo” là tiếng thu của làng quê xưa. Âm thanh ấy hòa quyện với đất trời đưa hồn ta về với mùa thu quê hương, hiểu được tâm trạng cô đơn, buồn lặng của tác giả. Một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao đáng trọng.
Đó là những chỉ dấu cơ bản nhất và hầu hết chúng ta chỉ dừng ở đó, ít ai có trạng thái kinh ngạc vì sao bài thơ bình thường, giản dị mà lại hay đến thế?
Trời đất, cỏ cây, bốn mùa ở đâu cũng có; chỉ có thi sĩ là khác nhau, chỉ có tâm trạng, cảm hứng, cảm xúc là khác nhau. Có cả trăm tác giả viết thơ về mùa thu: Thơ Đường, thơ Hán – Nôm, thơ Việt hiện đại… và chắc hẳn họ chịu ảnh hưởng của thi liệu, ảnh hưởng của nhau, thật khó thoát ra được.
Nguyễn Khuyến với bài “Mùa thu câu cá” thì ai cũng phải công nhận đây là một tuyệt tác:
1. Đây là bài thơ mang phong cách Việt, gần gũi, bình dị, không chịu ảnh hưởng bởi các thi liệu cổ điển.
2. Mỗi câu thơ (hoặc cặp câu) riêng lẻ trong bài có thể rất thường, dường như người làm thơ nào cũng viết được, nó không có gì đặc biệt về ngôn từ, hình ảnh (tức là không có nhãn tự, thần cú) bởi nó chỉ là những câu tả hoặc kể, ít dụng công nghệ thuật. Tuy nhiên nếu ngắm cả bài thơ như ngắm một bức tranh toàn cảnh thì nó là bức họa tuyệt tác bởi các chi tiết miêu tả hình ảnh, âm thanh như ao thu, thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, từng mây, ngõ trúc… đều cho chúng ta cảm giác về sự vật nhỏ bé, trong không gian yên tĩnh, chuyển động khẽ khàng, êm dịu, lặng lẽ. Tất cả kết hợp nhau tạo nên bức tranh làng quê yên ả.
Sự bình thường trở thành tuyệt diệu dưới bàn tay của thiên tài. Và Nguyễn Khuyến đã làm được điều ấy không chỉ bằng hình ảnh mà còn tạo nên những liên tưởng, âm vang của ngôn ngữ: trong veo, bé tẻo teo, vèo, vắng teo… Chất thơ của một ngôn ngữ chính là văn hóa, đời sống, bản sắc dân tộc không thể nào dịch sang ngôn ngữ khác được.
3. Nhiều bài thơ thu Trung Đại trước đó thường cố gắng bắt chước người xưa để trở thành cầu kỳ, khuôn sáo qua các hình ảnh hoặc điển cố: cây ngô đồng, cây trúc, cây phong, hoa cúc, hoa sen tàn… Nguyễn Khuyến không đi vào lối mòn đó nữa. Ông sử dụng ngôn ngữ dân tộc, hình ảnh làng quê nước Việt: chiếc ao nhỏ, thuyền câu nhỏ, chiếc lá nhỏ, lối đi quanh co, ông câu, chân bèo… một cách thuần phác.
Phép đối ở các cặp câu thực và luận dù rất chuẩn nhưng không gò bó mà là tiếng nói tự nhiên khiến người đọc cảm thấy thoải mái, xúc cảm.
      Chiếc lá thu rơi là hiện tượng tự nhiên nhưng mỗi thi sĩ vẫn có thể giúp chúng ta nhìn thấy những chiếc lá thu ngỡ như : Tản Đà nhìn chiếc lá thu bay mà thấu cảm cõi người Vèo trông lá rụng đầy sân/ Công danh phù thế có ngần ấy thôi; Lưu Trọng Lư không chỉ nhìn lá rụng mà còn nghe âm thanh xào xạc dưới gót chân nai Em không nghe mùa thu/ Lá thu rơi xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên là vàng khô… Sau này Hữu Thỉnh viết Sang Thu với thi liệu mới: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về
Muôn ngàn năm sau nữa, lá thu vẫn tiếp tục rơi trên mặt đất. Loài người vẫn tiếp tục xúc động. Và mỗi thi sĩ vẫn tiếp tục làm mới tiếng nói, để giúp chúng ta đọc lại thấy mỗi mùa thu đều mới, mỗi chiếc lá rụng giống như mới rụng lần đầu tiên.
Và chỉ có những gì mới lạ hoặc giản dị mới lưu lại trong tâm hồn người thơ.

Không có nhận xét nào: