30/8/20

1.859. NORWEGIAN WOOD – THƯỜNG MÀ KHÔNG THƯỜNG


Norwegian Wood là một bài hát nổi tiếng nằm trong album Rubber Soul (1965) của ban nhạc The Beatles do John Lennon sáng tác. 
Norwegian Wood có thể hiểu theo 2 nghĩa: (1) Rừng Na-uy, (2) Gỗ Na-uy. Hiểu theo nghĩa nào cũng không sai bởi chúng có quan hệ nội hàm với nhau. Đa số đều dịch là Rừng Na-uy. Vậy Rừng Na-uy là gì? Đó là loại rừng thông người ta trồng phổ biến ở xứ Na-uy. Loại cây này không có giá trị gì lớn, thường chỉ để làm nhà ván thông lắp ghép hoặc đóng đồ gỗ thông thường.
Vậy thì The Beatles có cảm hứng về Norwegian Wood và đưa nó vào bài hát với ý nghĩa gì? Nếu bạn nghe hết phần ca từ bài hát bạn sẽ nhận ra dòng tự sự trong ca khúc toàn là những điều xoay quanh chữ “thường” - thường như gỗ Na-uy. Này nhé:
- Cô gái kia là người bình thường, làm công việc thường thường sáng đi sớm, tối về.
- Nhan sắc cũng thường, chẳng có gì phải ca ngợi như trong các tình khúc đều thế.
- Cô ở trong ngôi nhà bằng gỗ thông Na-uy thường, vật dụng trong nhà đơn sơ thiếu hụt, ngó quanh chẳng có cái ghế nào để tiếp khách.
- Còn chàng trai là gã thất nghiệp, đi rông, tán gái.
- Chàng về nhà cô gái cũng chẳng có hứng khởi gì lắm.
- Họ nói với nhau những câu chuyện tầm phào thường thường, tiếp đón tình nhân tuềnh toàng, ngồi trên thảm, làm tình rồi ngủ luôn trong phòng tắm.
- Sáng ra chia tay đột ngột, cô gái đi làm, chàng ngủ nướng. Chắc chắn là tình cảm của họ cũng bình thường kiểu qua đường không có gì để lưu luyến. Vậy nên chàng trai thức dậy ngồi buồn không biết làm gì nên đốt đi vài đồ vật bằng gỗ trong gian phòng. Đốt xong chàng nhìn ngọn lửa mà thốt lên “Chẳng lấy gì làm đẹp cho lắm” (isn't it good) !
Câu chuyện trong bài hát đúng là thường, ca từ hết sức giản dị. Nhưng cần phải hiểu cái chất "thường" trong câu chuyện ấy nằm trong bối cảnh thời đại mà tuổi trẻ phương Tây chịu ảnh hưởng của triết học Hiện sinh - chứ không phải một câu chuyện "tào lao" hát cho vui.
Đó là phần ca từ, còn phần âm nhạc thì bài hát này hay chỗ nào:
- Chất nhạc và sự mới mẻ trong điệu Waltz (Valse) - là một điệu The Beatles rất ít sử dụng, trong mấy trăm ca khúc Beatles chỉ mỗi bài này viết theo điệu waltz (Valse) lại thêm hòa âm phối khí lạ khiến bài hát thu hút người nghe. Tạp chí âm nhạc RollingStone đánh giá đây là “Sản phẩm âm nhạc thuần chất, một trong những ca khúc pop hay nhất đương thời”. Họ đã sử dụng đàn sitar thay cho guitar để chạy các câu lead cho giai điệu. Điều đó thể hiện ảnh hưởng của âm nhạc Ravi Shankar - Ấn Độ khiến bài hát là câu chuyện hiện sinh phương Tây nhưng được diễn tả bằng âm sắc phương Đông.
- Giới phê bình nghệ thuật cho rằng “Không nghi ngờ rằng đây là phần ca từ hay nhất mà The Beatles từng viết giữa làn sóng folk rock”. Trước đó, The Beatles viết về tình yêu, tình dục thường sử dụng ngôn ngữ lãng mạn cổ điển kiểu như: Don't let me down, I'm in love for the first time, All you need is love, Please take hold of my hand… giờ đây họ muốn viết về những gì nhạt nhẽo, thoáng qua nhưng cũng gây được cảm hứng.
- Tuy nhiên nếu sử dụng cụm từ “Gỗ thông” trong bài hát thì sẽ chẳng có ấn tượng gì về độ “thường” trong ca khúc nên họ đã dùng cụm từ Norwegian Wood  để gây chú ý.
Bài hát này có thường hay không? Mỗi người hãy nghe và cảm nhận theo cách, theo sở tri, theo mỹ cảm âm nhạc của mình. Có điều chắc chắn rằng văn hóa, ngôn ngữ và thời đại khiến chúng ta chưa cảm nhận hết cái hay của bài hát. Người viết chỉ nêu ra mấy thông tin sau:
- Norwegian Wood  được tạp chí âm nhạc “Rolling Stone” xếp thứ 12 trong danh sách 100 bài hát xuất sắc nhất của The Beatles.
- Norwegian Wood đứng thứ 83 trong danh sách “500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại”.
- Năm 1987, Haruki Murakami, nhà văn người Nhật, từ niềm cảm hứng với bài hát này đã viết nên tiểu thuyết “Norwegian wood” (Rừng Na Uy). Cuốn sách đã lay động trái tim của hàng triệu độc giả trên thế giới và đưa tên tuổi của tác giả lên vị trí của một trong những nhà văn được yêu thích nhất của Nhật Bản và thế giới.
- Năm 2010, bộ phim điện ảnh “Norwegian wood” ra đời chuyển thể từ tiểu thuyết nói trên.
Phải chăng nhiều giá trị thẩm mỹ ẩn trong những điều bình thường. Và nói như William James: “Nghiên cứu thứ bất thường là cách tốt nhất để hiểu mỹ học của sự bình thường”. (To study the abnormal is the best way of understanding the aesthetics of normal).


Lyrics NORWEGIAN WOOD
I once had a girl. Or should I say, she once had me.
She showed me her room. Isn't it good. It’s Norwegian wood.

She asked me to stay and told me to sit anywhere.
So I looked around and I noticed there wasn't a chair.

I sat on a rug, biding my time, drinking her wine.
We talked until two and then she said “It's time for bed”.

She told me she worked in the morning and started to laugh.
I told her I didn't and crawled off to sleep in the bath.

And when I awoke I was alone. This bird had flown.
So I lit a fire. Isn't it good. Norwegian wood.

Không có nhận xét nào: