27/9/13

396. HỌC THẦY - HỌC BẠN

           Mộc Nhân          
           Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Để tỏ lòng tôn trọng, biết ơn thầy giáo và ghi nhận vai trò to lớn của thầy giáo đối với sự thành đạt của mỗi cá nhân, tục ngữ ta có câu: "Không thày đố mày làm nên". Nhưng với tinh thần hiếu học nhân dân ta lại khuyên bảo: "Học thầy không tầy học bạn".
          Phải chăng hai câu tục ngữ thể hiện hai quan niệm dường như mâu thuẫn ?
          Đọc qua, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra là cấu trúc kết hợp trong hai câu là khó rõ ràng, tường minh.
          a. "Không thầy đố mày làm nên" là một phát ngôn khẳng định rõ ràng, dứt khoác về vai trò của người thầy dạy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy và người học. Người dạy (thầy) có sứ mệnh truyền thụ các kiến thức hoặc hướng dẫn kĩ năng cho học trò theo một chương trình học nhất định. Và người học (mầy) rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắn của thầy để các em có thể tiếp cận và tiếp thu tri thức một cách tốt nhất.
          Thầy không chỉ là người dạy dỗ chúng ta về kiến thức mà còn là người dạy ta đạo đức, phẩm chất, nhân cách con người. Học chữ, học làm việc, học làm người, tất cả mọi sự học đều phải có thầy. Vì thầy là thế hệ đi trước, trải qua bao kinh nghiệm trong cuộc sống, nay truyền thụ lại kiến thức cho học sinh, mở đường chỉ lối, giúp ta có con đường đúng đắn nhất để đi. Suốt quá trình học tập thì thầy là người luôn sát cánh bên ta, trợ giúp, nâng đỡ, chắp cánh cho ta bay vào tương lai. Không một người học sinh nào có thể thành đạt vào đời mà không có sự kèm cặp của thầy. Người thầy không những “cầm tay chỉ việc”giúp các em “học đâu biết đó” mà phải rèn luyện cho các em kĩ năng tự học "học một biết mười”. Khổng Tử ngày xưa đem những câu chuyện của cố nhân để rút ra những bài học luân lí rất sâu sắc nhằm răn dạy học trò. Einstein thường tâm sự: “Tôi muốn các bạn biết khái quát vấn đề dựa trên sự tưởng tượng. Tri thức là cần nhưng chính sự tưởng tượng mới làm cho mọi tri thức có giá trị”. Như vậy, thầy giáo là người đứng trên ta một bậc về tầm hiểu biết tri thức khoa học, đạo lý làm người và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Vậy nên nhân dân ta luôn thể hiện tinh thần "Tôn sư trọng đạo" : "Muốn sang thì bắc cầu kiều / Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".
          Chính vì vậy chúng ta cần phải biết rằng tâm huyết của thầy dành cho chúng ta là hết mình nên chúng ta cũng phải nỗ lực, cố gắng, chịu khó để không phụ lòng những công ơn đó. Câu tục ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của người thầy đối với nền giáo dục và học sinh, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo, điều ấy mang giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ rất lâu đời.
          b. "Học thầy không tày học bạn" có nghĩa hiển ngôn là học thầy không bằng học bạn. Bạn là những người cùng trong lứa, cùng vào vai người đi học, xuất phát điểm như nhau nhưng trong cuộc đua tri thức lại có thể không giống nhau: người tiếp thu nhanh, người tiếp thu chậm; người giỏi môn này, người trội môn kia. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tư chất, năng khiếu, sự chăm chỉ, (cần cù bù thông minh), hoàn cảnh cá nhân … Dù vậy nhưng trong tâm lí chung thì "Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li" bởi cứ theo lẽ thường kém thầy là chuyện đương nhiên nhưng kém một bạn dễ làm cho ta cảm thấy tự ti, tự ái: "Cũng cơm, cũng gạo, cũng thầy/ Mà sao em kém thế này, em ơi!" (ca dao). Lòng tự trọng và cả tính hiếu thắng lành mạnh đã thành động lực thôi thúc nhiều học sinh cố gắng học hỏi để vượt lên không chịu “thua chị kém em”. Muốn học bạn, chúng ta phải biết học hỏi với tinh thần cầu thị, đừng có ngại ngùng hay sĩ diện hão, biết vượt qua trạng thái tâm lí mặc cảm, thiếu tự tin. Việc học bạn làm cho sự học của chúng ta đa dạng, đa chiều hơn, tăng lượng kiến thức, sự sàng lọc, kiểm chứng trở nên tối ưu hơn. Hãy biết vận dụng vốn kiến thức của thầy đã truyền thụ kết hợp với tinh thần học tập tích cực từ bạn bè để gặ hái những thành công trên con đường học tập.
          Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ dân gian, cũng không hiếm gì các cặp câu tục ngữ lúc đầu mới đọc cứ ngỡ chúng có những nghịch lí mâu thuẫn nhưng chúng vẫn hoàn toàn đúng nếu chúng ta xét trong từng hoàn cảnh phát ngôn…  
          Có thể nói đây là hai lời khuyên chí lí, hai bài học có giá trị bổ sung cho nhau để việc học đi đến hiệu quả nhất. Xét cho cùng thì hai câu tục ngữ trên không hề mâu thuẫn vì cả hai câu đều nói về vai trò và tác dụng của người dạy đối với người học. Nhưng lại có chỗ khác nhau do sự tách biệt người dạy là thầy giáo và người dạy là bạn bè ở mỗi câu. Do sự tách biệt trong so sánh mà hai câu tục ngữ bị đẩy về hai thái cực. “Không thầy đố mày làm nên” thì tuyệt đối hoá vai trò của người thầy còn “Học thầy không tầy học bạn” lại tuyệt đối hoá vai trò của người bạn nên cả hai câu đều có điểm chưa thoả đáng.
          Câu “Không thầy đố mày làm nên” chưa thoả đáng vì quá đề cao vai trò của người thầy, tuyệt đối hoá tác dụng của người thầy đối với cuộc đời, sự nghiệp của người học. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của thầy giáo đối với sự thành đạt, “làm nên” của học trò, nhưng không thể vì thế mà người thầy hoàn toàn quyết định, phần quyết định vẫn là sự nỗ lực chủ quan tự thân vận động của chính họ để học hỏi và tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng...  Trong quá trình tự vận động đó, có nhiều điều họ tiếp nhận từ gia đình, bạn bè, xã hội chứ không phải chỉ từ người thầy. Nếu có thầy dạy nhưng chúng ta không biết tiếp nhận, không biết vận dụng thì công sức của thầy cũng chỉ là không.
          Câu “Học thầy không tầy học bạn” chưa thoả đáng vì quá hạ thấp vai trò của người thầy, quá đề cao tác dụng của bạn bè trong việc học. Trong học tập, thầy giáo là người chủ đạo, bạn bè là người hỗ trợ, giúp đỡ, “xúc tác”. Vì vậy nói “học thầy không tầy học bạn” là thái quá trong việc đề cao vai trò, tác dụng của việc học hỏi bạn bè, xem học bạn hơn học thầy.  
          Để đánh giá đúng hai câu tục ngữ nói trên, chúng ta cần lưu ý đặc trưng loại thể tục ngữ, một loại hình nghệ thuật dân gian thiên về lý trí, trí tuệ dùng để đúc kết kinh nghiệm sống và răn dạy về ứng xử. Nhằm mục đích đó và để cho dễ nhớ, tác giả dân gian thường dùng lối nói ngắn gọn hàm súc, ngoài nhịp điệu, nhiều khi dùng lối nói phóng đại, một chiều để nhấn mạnh, khắc sâu, đề cao bài học trong các câu tục ngữ.
          Hai câu “Không thầy đố mày làm nên”“Học thầy không tầy học bạn” khi sóng đôi, chúng sẽ cho ta bài học bổ ích, hoàn chỉnh. Mỗi câu tục ngữ muốn nói với chúng ta một điều sâu sắc nhất: vừa kính trọng thầy, vừa coi trọng bạn. Kính trọng thầy để tỏ lòng tôn sư trọng đạo đối với người đã dìu dắt ta “làm nên”. Đó chính là hãy hiểu được vai trò giá trị của người thầy, hãy biết suy nghĩ một cách toàn diện nhất để có những thái độ bộc lộ sự kính trọng đối với thầy, không chỉ là lời nói, mà còn bằng hành động. Tôn trọng bạn để học hỏi, nâng đỡ nhau cùng tiến bộ. 

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

..."Học thầy không tầy học bạn"-nói chung chúng ta đang học là rất tốt và phải còn học hơn nữa, hoc ở mọi nơi, học ở người bạn thiên nhiên người bạn google...

Nặc danh nói...

..."Học thầy không tầy học bạn"-nói chung chúng ta đang học là rất tốt và phải còn học hơn nữa, hoc ở mọi nơi, học ở người bạn thiên nhiên người bạn google...LKT