27/9/16

838. LÊ TRÂM và PHÍA GIÓ BIỂN KHÔNG CÒN AI

Lê Đức Thịnh
* Giới thiệu tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” của Lê Trâm
Bài đăng trên báo Công An Đà Nẵng số 231 ra ngày 26-9-2016
 các trang tin điện tử: cadn.com.vn ; baomoi.com
Nhà văn Lê Trâm lại ra mắt tác phẩm thứ chín trong sự nghiệp cầm bút của mình: tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” – nxb Trẻ 2016. 
          Tập sách gồm 13 truyện, mỗi câu chuyện là một mảng đời sống trong trạng huống nào đó mà chắc chắn bạn sẽ nhận bóng dáng của bản thân, con người, làng quê mình trong nhiều trạng huống khác nhau.
Ngẫm lời bạt đầu sách của tác giả: “tôi mất khá nhiều năm mới hoàn thành tập truyện ngắn này. Đã viết một cách khó khăn từ những ám ảnh thực tại…” nên cứ nhẩn nha; nương theo những không gian thi pháp từ làng quê đến phố thị, từ đồng bãi đến núi đồi, từ “Ven đô” chộ rộ đến “Phía gió biển không còn ai”… để thấm thía với những câu chuyện giản dị, gần gũi.

Những câu chuyện của Lê Trâm mang bóng dáng đời thường được tác giả nhặt ra từ dòng kí ức trải dài từ tuổi thơ theo đến tận kiếp người gắn với quê hương xứ Quảng với bao biến cố của tự nhiên và xã hội: lũ lụt - những dòng sông bên lở bên bồi, chiến tranh – trại định cư, con người – số phận… Tác giả mang đến cho bạn đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không mang nặng tính triết lý nhưng gợi nhiều suy nghĩ cho bạn đọc.
Chuyện của Hương trong “Phía gió biển không còn ai” là câu chuyện của một cô gái có học thức, biết suy nghĩ, tâm hồn dào dạt yêu thương, sẵn sàng dấn thân theo những xúc cảm nhưng rồi những cuộc tình lần lượt “tan tành, trong thoáng chốc mọi thứ tồn tại trong lòng nàng bao nhiêu tháng năm đâm ra mất hút, tan biến không một tăm tích” để cuối cùng nàng trôi dạt về một xứ cát hoang sơ nhưng lại không được yên phận vì người ta lại săm soi như với một đứa cave xấu xa khiến sức chịu đựng của nàng lên đến cùng cực. Và rồi trong một đêm thúc bách bứt rứt, nàng với chiếc thúng chai từ từ trôi ra phía biển không còn ai…
Chuyện của một nhân vật không tên trong “Xe đang trôi trên đường” lạc lõng giữa cuộc sống xô bồ nhộn nhịp với những chuyến đi và cung đường rơi vào tình huống dở khóc dở cười khi cô gái mà anh ta cho quá giang giữa đường bỗng dưng quặn người trong cơn đau phải nhập viện mổ cấp cứu. Gã trở thành người nhà bất đắc dĩ của cô gái. Và trong những khoảnh khắc trống rỗng giữa những tình   tiết bất đắc dĩ đó, gã nhận ra cuộc đời thật lắm bất trắc, nhiều điều đáng ngạc nhiên và không thể nào nhận diện cho ra cái cõi nhân gian rộng lớn.
Chuyện của nhân vật tôi “Trong khu vườn kí ức” là những mảng rời kéo dài từ tuổi thơ nhìn chiến tranh cũng vui thật, nhìn thấy người bạn gái của mình trở thành thiếu nữ với những nét gì đó là lạ đầy quyến rũ; rồi sau chiến tranh mỗi người dù dạt về đâu đó xa lắc nhưng lại gặp nhau… và cuối cùng là cái kết của đời người mang theo ám tượng tuổi thơ đầy mãn nguyện…
 “Truyện đốt theo sông” mang theo cái hiện thực huyền ảo từ xa xăm. Có bóng dáng ma quái huyền hoặc khiến qua một đêm tóc cha tôi bạc trắng và những câu chuyện cỏn con mang dáng dấp truyền thuyết của làng quê ven sông Thu: khi một cái chết vừa ra đi không vướng gì thì cũng có một sự sống từ một người đàn bà đơn thân trở dạ, khi con người ngụp lặn giữa cơn giận dữ của đất trời trong một trận đại hồng thủy để giành lấy sự sống cho mình thì cũng là lúc Thủy thần đến lấy mạng…
Lê Trâm nhẩn nha trong từng câu chữ và sự kiện; không dồn nén nhưng cuốn hút người đọc từ chuyện đến truyện mà trong đó có trăn trở từ đời sống không cùng nhưng cứ tuần tự “trôi vèo một kiếp người”; có lãng mạn làm xao động mạch nhịp trái tim “vừa hồn nhiên vừa cuồng nhiệt”, có hiện thực cụ cựa ám chặn trong từng số phận nhân vật hữu danh hay vô danh và đôi khi tác giả ám thị người đọc trong không khí liêu trai hư thực ma mị (Đêm của bướm, Truyện đốt theo sông…) khiến người trong cuộc “lạnh buốt sống lưng”…
Đọc hết tác phẩm, bạn đọc có thể nhận ra màu sắc riêng từ đời sống hiện thực nhưng trong đó chắc chắn có màu trắng mênh mang bất tận của sông nước miền Trung mùa bão lũ, màu đen ám ảnh trong quá khứ, màu đỏ của thời chiến tranh, màu lam của chùa Phật trong những lời tụng niệm…
Nhiều truyện có kết cấu lập thể, từ những mảng rời của sự kiện tác giả để người đọc tự xâu chuỗi và tìm ra mạch đời sống chảy ngầm len lỏi trong những khuôn hình đời sống. Đa số các cốt truyện nặng về kiểu truyện tâm lý nhiều hơn là kiểu tạo chuỗi sự việc gay cấn hấp dẫn nên người đọc buộc phải theo dõi để nắm bắt diễn biến tâm lý nhân vật hơn là theo dõi để đi đến cái kết.
Vậy đó, đọc… và đến khi kết truyện… thoáng có tí bâng khuâng nuối tiếc; nhưng cũng có cái cảm giác mãn nguyện vì cái độ gợi mà tác giả mở ra cho bạn đọc trong tưởng tượng không cùng đầy nhân văn nhân tình nhân nghĩa… Mỗi câu chuyện đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn để lại cho bạn đọc nhiều suy nghĩ.
Có thể khẳng định rằng “Phía gió biển không còn ai” là một tập sách đẹp ở nhiều mặt – nội dung tác phẩm: hiển nhiên - nhưng có thể kể đến nhiều yếu tố phi văn bản khác. Từ cái nhan đề mang theo “kí ức mù xa tít tắp”“bứt rứt không yên” đánh động lòng xao xuyến, tha thiết của con người đến bản in đẹp, cầm sách trên tay mà muốn ngắm nghía trước khi đọc; phương thức phát hành tuy không nặng về vật chất nhưng thể hiện sự trân trọng sản phẩm văn chương của người cầm bút; rồi cách P.R (Public Relations) tác phẩm của nhiều nhà phát hành, nhà truyền thông, bạn bè văn nghệ… phần nào đã đem thông tin đến với rộng rãi bạn đọc, kích hoạt cái văn hóa đọc có phần nào đã ngủ yên…
Nhà thơ Lê Đạt có câu rất hay “Chữ bầu lên nhà thơ”. Với tác phẩm thứ 9 trong nghiệp cầm bút 40 năm của mình, tập truyện ngắn “Phía gió biển không còn ai” cùng các giá trị của nó hoàn toàn có đủ nội lực để bầu lên nhà văn Lê Trâm, cây bút đàn anh xứ Quảng. 
Xin chúc mừng anh, bạn đọc vẫn còn tin rằng sau “Phía gió biển không còn ai”vẫn còn nhiều điều để mọi người chờ đợi.

Bài đăng trên báo Công An Đà Nẵng số 231 ra ngày 26-9-2016


Không có nhận xét nào: