30/9/16

843. KIỀU Ở LẦU NGƯNG BÍCH

Mộc Nhân
(Tư liệu giáo khoa)
          
         Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm ở phần “ Gia biến và lưu lạc”. Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa hẹn đợi Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới. Đây là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. 
          Trong đoạn trích, Nguyễn Du đã đặt nhân vật vào cảnh ngộ éo le để thấy rõ tấm lòng thuỷ chung trong sáng, sự hiếu thảo, tấm lòng nhân hậu của nàng.

          1. Khung cảnh của bi kịch nội tâm:
           Kiều bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, những ngày tháng trôi qua như khoá kín tuổi xuân, nàng sống như một cô gái cấm cung. Quá khứ là bao nỗi đau đớn tủi nhục, hiện tại là sự giam cầm, tương lai mờ mịt chưa biết đời mình rồi sẽ ra sao!
Nguyễn Du đã đặt Kiều sống trong cảnh ngộ ấy để cho nàng tự bộc lộ tâm trạng của mình theo từng dòng thơ:
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
                    Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
                    Bốn bề bát ngát xa trông
                    Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
Cảnh vật nơi đây có không gian, thời gian, có hình ảnh, màu sắc, có hình ảnh con người đầy tâm trạng. Từ trên lầu cao ngước mắt xa trông, nàng chỉ thấy non xa, nhìn lên trời cao chỉ thấy mảnh trăng treo lơ lửng trên đầu tưởng như rất gần. Tất cả như cùng ở chung trong một bức tranh đẹp. Nhìn xuống mặt đất thì bốn bề bát ngát xa trông, một bên là cồn cát vàng nhấp nhô sóng lượn, một bên là bụi hồng trải khắp dặm đường xa.
Cảnh thiên nhiên mênh mông vắng lặng heo hút không một bóng người được chấm phá bằng những nét bút tài hoa đã làm nền cho bức tranh tâm trạng của nhân vật.
   “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
                             Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
          Từ bẽ bàng nói lên nỗi xấu hổ, tủi thẹn của Kiều. Tâm trạng đó kéo dài và khép kín theo thời gian và không gian từ lúc mây sớm đến lúc đèn khuya.  Nàng Kiều đang rơi vào hoàn cảnh cô đơn tuyệt đối, không bầu bạn, không biết tâm sự cùng ai. Vì vậy mà “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng ”.
Ngôn ngữ miêu tả đặc sắc, chỉ với vài nét tả cảnh vật đơn sơ mà gợi ra một khung cảnh ngoạn mục.
Mỗi câu thơ là một cặp đối xứng: non xa- trăng gần; cát vàng cồn nọ- bụi hồng dặm kia; mây sớm- đèn khuya;  nửa tình- nửa cảnh…sự đối xứng ấy thực ra là sự chia cắt trong lòng nhân vật với bao nỗi ngổn ngang bề bộn trăm mối bên lòng chẳng biết chia sẻ cùng ai.
Bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được thể hiện tinh tế. Nhà thơ đã xây dựng bức tranh ngoại cảnh làm nền cho bức tranh tâm trạng nhân vật.
2. Nỗi nhớ của Kiều về những người thân.
Kiều đau đớn khi nhớ tới người yêu:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
                       Tin sương luống những rày trông mai chờ ”
          Nhớ đến Kim Trọng là nhớ đến kỉ niệm về mối tình đầu. Dưới vầng trăng năm xưa, hai người đã cùng uống chén rượu thề với lời nguyện ước sẽ sống chung thuỷ đến trọn đời. Nàng hình dung Kim Trọng chưa hay biết gì về bi kịch đời nàng nên vẫn mòn mỏi trong sự trông chờ tuyệt vọng.
          Nhớ người yêu, Kiều nghĩ đến mình với những lời chân thực thiết tha:
                   “Bên trời góc bể bơ vơ
                   Tấm son gột rửa bao giờ cho pha ” 
          Nàng càng thấm thía tình cảnh bơ vơ lưu lạc nơi chân trời góc bể của mình. Nàng ý thức được thân phận của mình nhưng chẳng thể nào gột rửa được tấm lòng thuỷ chung son sắt dành cho Kim Trọng.
          Đoạn thơ đã thể hiện bao cảm xúc, xót xa, hoài niệm về người yêu.
Chưa nguôi nỗi đau đớn nhớ người yêu, Kiều lại chồng chất thêm nỗi thương nhớ cha mẹ.
Kiều xót xa nhớ đến cha mẹ:
          “Xót người tựa cửa hôm mai
                     Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
                     Sân lai cách mấy nắng mưa
                     Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
             Với cha mẹ, nỗi nhớ của Kiều cũng xót xa da diết. Nàng hình dung cha mẹ vẫn hằng ngày tựa cửa ngóng tin con. Nàng day dứt khôn nguôi khi nghĩ đến cảnh cha mẹ ở nhà chẳng có ai chăm sóc phụng dưỡng.
Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điển cố “sân Lai”, “gốc tử” nói lên tâm trạng nhớ thương, lo lắng, tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà đã thay đổi mà sự thay đổi lớn nhất là “gốc tử đã vừa người ôm” nghĩa là cha mẹ ngày một thêm già yếu.
          Trong đoạn thơ, nhà thơ Nguyễn Du đã để cho Thuý Kiều nhớ tới người yêu trước rồi mới nhớ đến cha mẹ sau chứng tỏ nàng không thể giấu giếm được nỗi nhớ người yêu da diết mãnh liệt.
Viết về tâm trạng nhớ thương của Kiều, ông đã đặt chữ tình lên trên chữ hiếu, đảo ngược trật tự của đạo lý phong kiến. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tâm trạng của những người đang yêu, nó chứng tỏ nhà thơ am hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật nên đã thể hiện một cách tinh tế.
          Lời thơ ít, ý thơ nhiều, ngôn ngữ độc thoại nội tâm được sử dụng một cách tài tình, trong lời thơ như có nhịp thổn thức của một trái tim yêu thương đang nhỏ máu.
          Cách sử dụng ngôn ngữ văn học cũng rất độc đáo. Ở đây có cả thành phần thi liệu lấy từ điển cố Trung Hoa như quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử…nhưng chủ yếu là ngôn ngữ dân tộc với nhiều yếu tố thành ngữ, tục ngữ như rày trông mai chờ, tựa cửa hôm mai…
          3. Tâm trạng buồn lo của kiều.
          Đoạn thơ diễn tả tâm trạng của Kiều trong cảnh ngộ hiện tại, Nguyễn Du đã chọn cách biểu hiện “tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này”.
Bút pháp tả cảnh ngụ tình được thể hiện rất đặc sắc, trong đó ngoại cảnh luôn luôn thể hiện tâm cảnh. Nỗi buồn được diễn tả hết sức gợi cảm và tinh tế. Mỗi cảnh vật qua con mắt của nàng đều gợi những nét buồn khác nhau.
          - Cánh buồm thấp thoáng xa xa nơi cửa bể, lúc chiều hôm đã gơị lên trong lòng nàng một nỗi buồn da diết nhớ về quê nhà xa cách, trong đó ẩn chứa một chút hi vọng về ngày đoàn tụ.
          - Nhìn cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa, Kiều xót thương cho thân phận của mình như hoa trôi bèo dạt, lênh đênh chẳng biết sẽ đi đâu về đâu.
          - Nội cỏ rầu rầu với một màu xanh xanh trải dài đến tận chân mây mặt đất gợi ra một không gian bao la khiến nàng Kiều cảm thấy cô đơn lạc lõng, chán chường, tuyệt vọng cho cuộc sống hiện tại không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.
          - Thiên nhiên xung quanh thật dữ dội với gió cuốn mặt duềnh, ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi lại gợi lên ở nàng tâm trạng hãi hùng lo sợ trước những tai hoạ như lúc nào cũng rình rập, vùi dập cuộc đời của nàng.
          Với bút pháp nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và việc sử dụng sáng tạo ngôn ngữ văn học, Nguyễn Du đã khắc hoạ được một cách sinh động bức tranh ngoại cảnh và tâm cảnh.
Những hình ảnh trong đoạn thơ như cánh buồm, hoa trôi, nội cỏ, tiếng sóng…vừa tả thực vừa mang những ý nghĩa ẩn dụ gợi mở nhiều liên tưởng, nói lên tâm trạng của Thuý Kiều trong những ngày đầu tiên lưu lạc
           Đặc biệt là cách dùng nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn buồn trông đặt ở đầu dòng thơ với một cấu trúc hoàn chỉnh có tác dụng tô đậm, nhấn mạnh nỗi buồn của nàng đồng thời tạo âm hưởng trầm buồn cho lời thơ.
Bốn lần buồn trông mở ra bốn cảnh tượng. Cảnh trong đoạn thơ có trời mây, biển cả, có màu xanh đồng nội, cảnh vật nhìn từ xa đến gần, tất cả đều mờ ảo, mênh mông dường như được nhìn qua làn nước mắt.
Đó là điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng nhân vật.
          Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một bức tranh tâm tình buồn thảm làm đau xót lòng người. Chỉ với hơn hai mươi câu thơ nhà thơ đã vẽ nên bức tranh tâm trạng nhân vật có cả buồn thương da diết, nỗi cô đơn, sự xót xa cho thân phận mình. Chính điều ấy làm cho ta thêm xót thương cho nhân vật và căm giận cái xã hội đã gây ra đau khổ cho con người.
           Qua đoạn trích, người đọc không chỉ cảm thương với nỗi buồn của nhân vật mà từ trong nỗi buồn ấy vụt lên một tiếng kêu thương, một lời tố cáo. Đó cũng là cảm hứng nhân đạo của một con người “có con mắt trông thấu cả sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”, đó cũng là giá trị nhân văn của tác phẩm.

Không có nhận xét nào: