4/12/12

253. TRONG ĐẦM GÌ ĐẸP BẰNG SEN

Mộc Nhân 
      Trong đầm đẹp bằng sen
      Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng
      Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
      Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Bài ca dao kết hợp giữa lối tả chân, với phép tượng trưng, ẩn dụ. Hình tượng cây sen trong đầm được giới thiệu, miêu tả cụ thể, chính xác vừa chân thực sống động, vừa mang tính tượng trưng và khái quát rất cao. Tính chất ẩn dụ, tượng trưng nổi bật nhất ở câu cuối cùng, nhưng ngay ở câu này trước hết vẫn là sự tả thực về cây sen ở trong đầm. Ở đây, nội dung nội dung và thẩm mĩ triết lí, nhân sinh gắn liền với nội dung sinh vật học tạo ra sự đa dạng, phong phú và vẻ đẹp tuyệt vời của một bài ca dao.
          Câu thứ nhất: “Trong đầm gì đẹp bằng sen” đã khẳng định và tuyệt đối hóa vẻ đẹp của cây sen ở trong đầm. Sự tuyệt đối hóa ở đây được nhấn mạnh trong một phạm vi không gian cụ thể, có giới hạn nên người nghe, người đọc lại không có cảm giác khó chịu mà cho rằng đó là sự đánh giá cực đoan, khiên cường thái quá.
Câu thứ hai: “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng” miêu tả từng bộ phận trong cây sen để cụ thể hóa cho vẻ đẹp của hoa sen. Nhân dân đã quan sát hoa sen từ ngoài vào trong, rất tự nhiên, hợp lí. Từ “lại” có tác dụng nhấn mạnh sự đa dạng về màu sắc của cây sen, từ “chen” diễn tả cây sen vừa có hoa vừa có nhị, chứng tỏ đây là một bông sen vừa mới nở.
Câu thứ ba: “Nhị vàng, bông trắng, lá xanh” có thể xem là câu chuyển để chuẩn bị cho câu kết. Điều đặc biệt là sự “chuyển” được thể hiện trên cả ba phương diện: chuyển vần, chuyển nhịp, chuyển ý.
- Chuyển vần: vần thay đổi đột ngột khác thường từ vần “ang” sang vần “anh” mà vẫn dễ đọc, thuận tai khiến cho nhiều người không để ý vì thấy rất tự nhiên và hợp lí. Huy Cận đã nhận xét là: “Hầu như bạn (và tôi) không bao giờ để ý bài thơ đã đổi vần đột ngột. Người tác giả vô danh đã chấn động sâu mạnh trong cảm xúc của bạn mà cứ tiếp thu hồn nhiên như không”.
          - Chuyển ý: tác giả nhắc lại ý của câu thơ thứ hai “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng” thành“Nhị vàng, bông trắng, lá xanh” bằng cách đảo ngược thứ tự các chi tiết. Câu thơ này còn có tác dụng như cái bản lề, khép lại vẻ đẹp bên ngoài và đem đến cho người đọc ý nghĩa, giá trị đích thực của hoa sen.
Tất cả sự chuyển đổi ấy đã được thực hiện một cách khéo léo, tự nhiên, hợp lí, khiến cho bài ca dao cứ phát triển liên tục và ngày càng mạnh mẽ về cả nội dung lẫn hình thức; không có chỗ nào bế tắc ngưng trệ; tựa hồ như một dòng sông,tuy có chỗ chuyển dòng, đổi hướng uốn lượn quanh co nhưng vẫn chảy thông, chảy mạnh.  
Sự sắp đặt thứ tự các hình tượng và từ ngữ trong hai câu thơ trên chẳng những phản ảnh  được quá trình quan sát, tư duy của tác giả mà còn phản ánh được một cách tổng quát vẻ đẹp của hoa sen nhìn từ mọi góc độ:  nhìn từ ngoài vào trong hay nhìn từ trong ra ngoài hoa sen đều đẹp cả.
Câu thứ tư: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” được xem là cái hồn của bài ca dao. Thiếu câu này hình tượng hoa sen vẫn tồn tại nhưng không có hồn. Câu thơ đã khép lại vẻ đẹp hình thức của hoa sen và mở ra vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của loại “quốc hoa” này.   
Từ hình tượng hoa sen với những vẻ đẹp giản dị, toàn diện, tác giả dân gian đã chuyển sang hình tượng con người với những ý nghĩa triết lí nhân sinh một cách tự nhiên ẩn chứa bên trong.
Và thế là “sen” mang ý nghĩa ẩn dụ về con người; “bùn” trong đầm lầy mang ý nghĩa ẩn dụ cho “bùn nhơ” trong xã hội; “đầm” và mùi “hôi tanh” của nó cũng được coi là hình ảnh tượng trưng ẩn dụ cho môi trường xã hội …
Ngẫm cho kĩ, cái tiếng nói trong bốn câu ca dao trên có lẽ là tiếng nói khẳng định giá trị, nhân phẩm của một con người tự hào đã giữ được bản chất trong trắng của mình giữa cuộc sống đầy rẫy những xấu xa. Đó là lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam từ ngàn đời nay. 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

cung kha hay do...!

Đỗ Trọng Khơi nói...

“ÔI, CHÂN LINH TRONG HOA SEN”
Phật giáo lấy hoa sen làm Phật đài, biểu tượng tinh thần về 5 điều cơ bản. 1) Tính vô nhiễm. Sen mọc lên từ chốn tối tăm bùn lầy hôi tanh mà sen không bị vương bẩn. 2) Tính thanh lọc. Khi cây sen lớn lên, sinh sôi nẩy nở thì sẽ làm cho dòng nước nơi đó trở nên trong mát. 3) Tính thuỳ mị của mùi hương. Hương sen toả lên một mùi thơm thanh khiết, không quá nồng nàn, ngào ngạt. 4) Tính thuần khiết. Bông hoa sen từ khi nở tới lúc tàn không hề bị một loài ong bướm nào tới đậu lấy nhụi. 5) Tính kiên nhẫn.
Cây sen từ lúc nẩy mầm trong bùn đất, ở đáy nước cho tới lúc vươn lên trên mặt nước rồi xoè lá, trổ hoa là cả một quá trình sinh trưởng kiên nhẫn lớn lao. Trong thế giới thảo mộc, các loài hoa không có loài nào phải chịu đựng sự gian khó của hoàn cảnh sống đến vậy. Và ở điểm này sen còn hàm chứa ý nghĩa tốt đẹp, là sinh trưởng trong bùn tối nên sen đã tránh không phải cạnh tranh vị trí sống vói loại cây nào.
Ngoài năm lẽ cơ bản về phẩm chất – tinh thần sống trên, sen còn có thêm những giá trị cao quý vô lường khác. Như hạt sen có thể cất giữ hàng trăm năm khi gieo vẫn nẩy mầm như thường. Và đời sống của sen còn thể hiện nên 3 tầng sống riêng biệt, là trong bùn tối và vươn lên khoảng trong sạch là dòng nước rồi cuối cùng vươn lên khoảng hư không, lên với bầu khí quyển và vầng mặt trời. Quan niệm nhà Phật xem đó như biểu trưng cho 3 tầng sống là cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Và cây sen trải qua 3 tầng sống đó khi nở hoa xem như sư đạt ngộ, giải thoát…
Thêm nữa, hoa sen trong Phật học còn mang nhiều lớp nghĩa khác. Như kiết già, ngồi phỏng theo thế bông sen gọi là Liên hoa toạ. Khi hai tay chắp lại làm lễ Phật, phỏng theo hình búp sen thì gọi là Liên hoa hợp chứng. Và hai bàn tay chắp lại là biểu hiện của Lý và Trí. Năm ngón tay trái là ngũ trí – Thai tạng giới, năm ngón tay phải là ngũ trí – Kim cương giới. Mười ngón tay chắp lại thành Thập độ, hay còn gọi là Thập pháp giới. Về Thập pháp lại chia ra năm phàm và năm thánh. Tay trái thuộc phàm là Địa ngục, Ngũ quỷ, Súc sinh, Nhân và Thiện. Tay phải thuộc thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Quyền Phật và Thiện Phật… lại thêm những nghĩa, 4 chữ Vi, 12 chữ Diệu, 2 chữ Hương, 3 chữ Khiết.vv… Hay như câu chân ngôn “Án – pa – ni bát mê hồng”, tạm dịch ra tiếng Việt là “Ôi! Chân linh trong Hoa sen”, một câu chân ngôn được xem có huyền lực vô biên của pháp Phật. Còn nhiều ý nghĩa khác của sen trong Phật học. Qủa không gì quý bằng, lạ bằng sen.

Đỗ Trọng Khơi nói...

Sở học phương Đông, ngoài Phật học, sen còn mang giá trị triết học về âm dương, ngũ hành và đây cũng là một cơ sở Phật học dụng nghĩa cho Phật đài – Yên hoa tạng thế giới.
Về ngũ hành, cây sen thuộc hành mộc. Để vươn lên mặt ao hồ sen phải vượt qua tầng nước sâu, nước là hành thuỷ. Bông hoa sen màu hồng, màu thuộc hành hoả. Nhụi sen màu vàng, màu thuộc hành thổ. Và ngó sen màu trắng, màu thuộc hành kim. Ngũ hành – năm hợp chất quan trọng, có thể gọi đó là bản thể của thế gian này.

Người đẹp và hoa sen
Ngoài ngũ hành, giá trị của hoa sen cũng phải kể tới hương thơm. Có thể tính làm phần giá trị thứ sáu. Số 6 này xem như phần “linh” của đời sống. Nó vô hình, vô sắc nhưng lại hữu linh.
Về âm – dương. Từ phần gốc, thân sen chìm trong nước, trong tối khuất, thuộc âm, phần lá và hoa nở trên mặt nước, khoe hình sắc dưới ánh mặt trời là thuộc dương.
Về ý nghĩa nhân sinh, nhân chủng và xã hội học. Tôi nghĩ, trong thế giới cơ bản cũng có năm loại người. Loại người thứ nhất thân phận cũng giống như gốc rễ của cây sen. Phải sống chìm khuất sâu trong bùn đất và đời đời phải chịu cách bức giữa nước với bầu khí quyển, mặt trời phía trên cao. Ấy là thân phận đại đa số con người lao động lam lũ, khổ nghèo. Dù phần “gốc rễ” mang giá trị nền tảng vô cùng quan trọng của kiếp nhân sinh đi chăng nữa, nhưng tầng lớp người lao động này do thiếu tri thức và những phương tiện, kỹ năng sống trong đời sống xã hội nên họ khó có thể vươn lên các tầng nổi - mặt trên của đời sống được.
Tầng sống thứ hai, ứng với phần thân sen, phần đó vươn lên trên bề mặt bùn đất để có sức tạo hình dáng và có thể “đung đưa” mình trong khoảng nước trong mát, ấy là hạng người, có thể nói, đã có kiến thức, kỹ năng sống nhất định và đã ít nhiều tạo được tiếng nói riêng. Có thể ví với lớp người đó có học thức nhất định. Tuy vậy ở tầng sống này vẫn còn nhiều hạn chế về tri thức, môi trường ví như thân sen còn chim trong nước chịu bám bíu với những rong rêu, đục bẩn. Tầng sống thứ ba, ứng với lá sen. Ở tầng sống này là lớp người đó trang bị cho mình kiến thức đời sống đáng kể đủ sức vươn lên với một không gian sống cao rộng, với ánh sáng ấm nóng mặt trời, có thế giới quan, có tầm nhìn bao quát, chiêm nghiệm và gây được tầm ảnh hưởng của mình với đời sống xã hội. Ấy là tầng lớp trí thức bậc trung. Tầng sống thứ tư, tầng sống ứng với bông hoa sen. Với tầng sống này hẳn thuộc về lớp người có thể toả hương, phát sắc đời sống không chỉ cho ý nghĩa cá nhân họ mà họ đã là Đài hương sắc của đời sống, có thể nói tiếng nói về giá trị cuộc đời này. Ấy là lớp trí thức cao cấp. Sức ảnh hưởng, chi phối đời sống xã hội - thời đại của lớp người này có tính quyết định. Bởi họ là đại diện không thể thay thế của giá trị xã hội, thời đại họ. Cũng như cây sen, tất yếu giá trị cao nhất của nó là hoa sen.
Còn tầng sống tối cao, tầng thứ năm của cuộc sống, ứng với phần nhụi sen. Phần sống này ứng với hạng trí thức lớn, hạng các danh nhân, các lãnh tụ tinh thần và xã hội. Tầng sống trung tâm này vừa ngự ở vị trí trung ương mà toả hương, kết hạt đời sống và sâu sắc, vừa mang vẻ vàng rực rỡ tựa phần ánh tinh tuý, dịu dàng nhất của hào quang mặt trời vừa giữ nguyên đấy màu sắc vàng nguyên khôi của thổ - phần sống gốc rễ của sen bám vào mà sinh trưởng. Qủa là một vị trí trung tâm với đầy đủ phẩm chất xứng đáng nhất trong sức ôm trùm từ gốc rễ tới đỉnh ngọn.
Và cũng như cách tính ngũ hành, ở cách tính phân loại này cũng có con số 6, con số hợp với điều linh, vô hình, vô sắc. Ấy là phần “linh” ứng với một hạng người đặc biệt, hạng thánh nhân. Hạng người này dù khi đã khuất hình và sắc vào thiên thu nhưng phần sống hoá linh từ phẩm chất tinh thần, tâm hồn họ thì mãi mãi ngự trị trong lòng người hậu thế. Như Đức Phật, Chúa Jêsu, Đức Thánh Trần hay các bậc vĩ nhân về văn hoá. v.v…
Âm dương, ngũ hành, tám vị thuốc quý hay lục chất (số 6), năm, sáu hạng người hay điều 6 linh thiêng trong cách ứng dụng với đài hoa sen - Phật đài là một bản trùng phức, tương giao như có ý của tạo hoá mầu nhiệm tạo thành. Sen - Thật là một loài hoa có một không hai, vô cùng quý giá của thế gian này.
Ôi, chân linh trong hoa sen!

Phùng Quán nói...

"Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn "
Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền
Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm chất của sen.
Nhưng tôi không thể nào tin được
Câu ca này gốc gác tự nhân dân
Bởi câu ca sặc mùi phản trắc
Của những phường bội nghĩa vong ân !
Vốn con cái của giai cấp cùng khổ
Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son
Nghĩ đến cha mẹ chúng xấu hổ
Chúng mưu toan giấu che từ bỏ
Nói xa gần chúng mượn chuyện sen
....Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tất cả là trong cái chữ " gần "
Chỉ một chữ mà ta thất gan thấu ruột
Những manh tâm bội nghĩa vong ân.
Bùn với sen đâu phải chuyện gần ?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh...
Tất cả, tất cả, tất cả !...
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh !
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ...
Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian !