21/10/16

856. GIỌT MƯA THU

             Mộc Nhân
                           Cảm nhận về bài hát “Giọt mưa thu” – Đặng Thế Phong
Cuộc đời  Đặng Thế Phong (1918- 1942) rất long đong, lận đận, sống lang bạt và trải qua nhiều nghề nhưng ông là người hết sức tài hoa, chơi được rất nhiều nhạc cụ và là nhạc sĩ thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam, một trong những gương mặt tiêu biểu nhất cho giai đoạn âm nhạc tiền chiến. Anh mất năm 24 tuổi và chỉ để lại ba nhạc phẩm nổi tiếng viết về mùa thu và được xếp vào những tác phẩm bất hủ của tân nhạc Việt Nam: "Đêm thu", "Con thuyền không bến""Giọt mưa thu". Theo Phạm Duy, các sáng tác của Đặng Thế Phong là những bài hát khởi đầu cho dòng "nhạc thu" Việt Nam, được tiếp nối xuất sắc bởi Văn Cao và Đoàn Chuẩn.

Nhạc phẩm cuối cùng “Giọt mưa thu” được anh viết vào những ngày cuối đời trên giường bệnh. Ban đầu bản nhạc mang tên Vạn cổ sầu, nhưng theo ý một vài người bạn, anh đặt lại là Giọt mưa thu cho bớt sầu thảm hơn.
Bài hát này được Đặng Thế Phong viết cho người tình tên Tuyết, lúc này ông đã nhuốm bệnh lao. Bệnh tình ngày càng trầm trọng, Đặng Thế Phong phải chuyển lên Hà Nội, sống chung với ông chú họ để chữa bệnh nhưng tình trạng vẫn không khá hơn chút nào. Gia cảnh nghèo nàn, tiền bạc phải vay mượn để chữa trị, cuộc sống kham khổ làm cho tình cảnh của nhạc sĩ càng thêm nghiệt ngã… Cô Tuyết vì phải phụ giúp gia đình chuyện buôn bán ở thành Nam nên vài hôm mới lên Hà Nội chăm sóc người yêu rồi lại tất tả quay về.
Tháng 7 mưa ngâu cảnh buồn tê tái, Đặng Thế Phong nhớ Tuyết quay quắt, nhạc hứng tuôn trào, chàng gượng ngồi dậy, ôm đàn và viết nên khúc nhạc buồn da diết:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
Mưa buồn chi
Cho cõi lòng lâm ly
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
Mây ngỏ trời xanh chắc gì vui mưa còn rơi
Bao kiếp sầu ta nguôi
Gió xa xôi vẫn về
Mưa giăng mù lê thê
Đến bao năm nữa trời
Vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu
 Cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi, Đặng Thế Phong nhờ ông Thọ đưa về Nam Định. Từ đấy cho đến lúc Đặng Thế Phong lìa đời, cô Tuyết lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh để chăm sóc ông, khiến những người quen biết đều xót xa thương cảm cho một mối tình vô vọng lẫn nể phục tính cách cao thượng chung thủy của Tuyết.
 Hình như trong giọt mưa thu có cả kiếp người mong manh giữa đất trời, lẩn khuất sau một màn mưa mỏng: “bến mơ dù thiết tha, thuyền ơi đừng chờ mong”. Người ta không hiểu sao ở ngưỡng cửa của tuổi hai mươi Đặng Thế Phong đã nghe ra cái tiếng nhân thế bao la sầu. Toàn bài ca mang âm hưởng buồn gởi theo gia điệu thánh thót và những ca từ ám nỗi buồn vào tạo vật: mây hắt hiu ngừng trôi, gió thoảng mơ hồ, chim non chiêm chiếp kêu trên cành, hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây, gió hiu hiu lạnh, mưa giăng mù lê thê… Còn lòng người thì: “cõi lòng lâm ly”, “nức nở thương đời châu buông mau” khiến “dương thế bao la sầu”.
          Tất cả các lời ca của Đặng Thế Phong đều long lanh nhưng chúng không sáng cái ánh sáng của mặt trời, mà sáng cái sáng của lân tinh, của ánh trăng của mưa lấp lóa trời đất và lòng người.

          Về âm nhạc, theo nhạc sĩ Phạm Duy “Trong bài Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa thu ngoài đời và trong đời mình. Với Giọt mưa thu, Đặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Giọt mưa thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn.(...) Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm vói lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng”.
            Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị, nhờ thế sáng tác của ông tuy ít nhưng bài nào cũng trở thành vĩnh cửu. Đó là những cảm xúc chân thành từ con tim, đi vào lòng người và sống mãi! 

Không có nhận xét nào: