9/10/16

850. LỜI MỞ ĐẦU “BỤI TRONG GIÓ”

Tác giả: Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
Loại hình tác phẩm: dịch thuật (song ngữ Anh – Việt)
Nhà xuất bản Đà Nẵng – tháng 10/ 2016
Nội dung: dịch phần lời tiếng Anh nhiều tình khúc nước ngoài sang thơ tiếng Việt


“The painter turns a poem into a painting
The musician sets a picture to music
The poet turns a song into a poem”
- Robert Schumann
(Họa sĩ biến thơ thành tranh
Nhạc sĩ phổ tranh thành nhạc
Thi sĩ chuyển nhạc thành thơ)
*****
Tại sao tôi làm công việc này: dịch những bài hát, bài thơ tiếng Anh sang Việt ngữ? Với một người không chuyên thì lý do chính xác là “dịch để học hỏi”. Nhưng thật ra trong thâm tâm, khi chọn dịch một tác phẩm văn học hay âm nhạc sang tiếng Việt, người ta đều xuất phát từ nhu cầu muốn ngắm nghía cái đẹp của tác phẩm ấy từ góc độ tiếng mẹ đẻ của mình.
Đọc một bài thơ hay nghe một bài hát tiếng Anh, chúng ta có thể cảm nhận phần nào cái hay của tác phẩm đến từ giai điệu du dương trầm bổng của ca khúc và những ngôn từ trữ tình có khả năng đánh thức tâm hồn con người khiến ta nảy sinh một khao khát: những cái hay ấy sẽ như thế nào nếu được chuyển dịch sang tiếng Việt? Từ thắc mắc đến nhu cầu và hành động dịch là một sự vận động tích cực để những tác phẩm dịch thuật ra đời. Bản thân tôi đã cuốn vào sự vân động đó và xuất bản phẩm này ra đời chính là niềm vui của mình, cho mình và niềm hân hoan trong sự chia sẻ cùng mọi người.
Trong niềm vui ấy người ta lại đối diện với một thử thách mới: đi tìm cái tương đương dù đọc tiếng Anh ta hiểu, chuyển tiếng Việt ta biết nhưng ta lại mất rất nhiều công sức để có thể tìm ra điểm nối, sự tương đương giữa các xúc cảm tâm hồn, nhất là việc dịch ở đây không chỉ thuần túy là chuyển ngữ mà còn là sự tái sáng tạo từ tác phẩm gốc sang các thể thơ tiếng Việt - tùy theo đặc điểm cảm xúc và ngôn ngữ trong mỗi tác phẩm mà tác giả chọn thể thơ khác nhau cho phù hợp: lục bát, năm chữ, bảy- tám chứ, thơ văn xuôi...
Vậy nên, nói như Jacques Derrida:  “một mặt, không có gì không dịch được, nhưng mặt khác, mọi thứ đều không thể dịch; dịch là tên gọi khác của sự bất khả” nhất là từ góc độ ngôn ngữ nghệ thuật khi các vấn đề từ vựng, cú pháp, thi pháp, tu từ, nhạc điệu…đều mang nhiều ẩn dụ khác, được vây bọc bởi một không gian thời gian riêng và gợi lên những trường liên tưởng khác nhau. Vì vậy đôi khi dịch, dù muốn hay không, người ta cũng phá vỡ những tổ chức ấy và đành phiêu lưu vào khu vực có thể là khập khiễng, bất toàn bằng kiểu dịch thoát ý thay thế bằng một thứ khác tương ứng trong cảm hứng chủ quan của người dịch trong đó có cả sự tương nhượng: chấp nhận đánh mất cái này để đạt được cái khác.
Mà thay thế cũng là một hình thức sáng tạo – dù không phải sáng tạo nào cũng được chấp nhận. Vậy nên bạn đọc có trong tay tập sách này- với 46 bài dịch từ tác phẩm âm nhạc và thơ - xin hãy rộng lòng khi xét nét câu chữ, hình thức văn bản chuyển ngữ bởi tác giả chỉ là dịch giả nghiệp dư ham học hỏi và có nhu cầu chia sẻ trong niềm say mê nghệ thuật và sáng tạo của mình.
Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, tháng Mười- 2016.

Không có nhận xét nào: