26/7/20

1.841. NGẪU KHÚC CHƯ ĐĂNG YA

    Mộc Nhân
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm ở làng Ia Gri xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Theo thổ âm Jrai, Chư Đăng Ya có nghĩa là "Củ gừng dại". Đây là một ngọn núi lửa có niên đại hàng triệu năm và đã ngừng phun dung nham từ lâu. Chư Đăng Ya có hình dáng như một lòng chảo, một hình phễu khổng lồ với đất đỏ bazan màu mỡ khiến cây cỏ ở đây quanh năm xanh tốt. Nơi đây là địa điểm tổ chức các lễ hội lớn của người Jrai Tây Nguyên. 



mỗi ngọn núi đều mang theo một bí mật
ẩn giấu dưới một cái tên
cuốn hút từ những con đường
mở ra vài huyền thoại
trên da thịt đất đai sự sống cái chết và bóng tối

Chư Đăng Ya đã tắt từ triệu năm
nhưng bí ẩn của nó còn nằm trong trang phục nghi lễ
dã quỳ vàng tháng mười nhuộm sườn núi đỏ
những mùa màng im lặng quanh lòng chảo núi lửa
ấm áp tươi tốt trong những vũ điệu J’rai và tiếng cồng chiêng mùa hội

đêm ta nghe loài chim sinh hạ một tiếng hót
kích hoạt cơn lũ thạch nham tràn ra họng núi
tung lên trời ngàn vạn đóa hoa
đâu đây mùi gừng dại và muôn hương tràn núi rừng Ploi lagri

có tiếng nước chảy vào họng núi
đất bazan trào lên cảm xúc
khi chúng ta gần như đang bị xóa khỏi thế gian trong sự lãng quên
núi đỏ vẫn trầm mặc như dấu lặng cùng tán rừng bí ẩn

Chư Đăng Ya lưu giữ mình trong võng mạc thung lũng
và nơi đất mẹ chỉ còn tiếng thì thầm
với những điều đã khắc ghi trong sâu thẳm
nghe bước chân vọng tưởng xa xăm
điệu múa xoang đi vào giấc ngủ cùng với một ngôi sao cuối cùng

bài thơ của chúng ta oằn vần trong đất cằn
miên man cơn sốt trong những tháng ngày lễ hội
lao ra khỏi trang giấy
thảng thốt cùng những giấc mơ
tái sinh trong hương thơm và sắc màu xứ núi.

Không có nhận xét nào: