1/7/20

1.827. KHÔNG CÓ KÝ ỨC NÀO LẠI KHÔNG MANG THEO THI CA

Lê Đức Thịnh 
          Đọc “Thiên Nga Bay Đi” - tập thơ, Nguyễn Giúp (Nxb Hội Nhà Văn - 2020)



Trong những người thơ Đất Quảng, Nguyễn Giúp là cái tên quen thuộc, dung dị. Sinh ra và lớn lên nơi hợp lưu của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn, thổ nhưỡng đã nuôi dưỡng hồn thơ anh. Anh viết thơ đã lâu, viết trong niềm say chữ, không ồn ào lập ngôn, không háo sự hiếu sự, không bút danh, ra sách lặng lẽ nhưng xuất hiện khá đều trên tạp chí Văn nghệ Quân Đội, Đất Quảng… cùng nhiều trang văn nghệ ở các báo trung ương và địa phương.

Tính đến lúc này, anh đã chắt lọc cho mình ba tập thơ khá đằm: Gió Từ Sông Thổi Lên (2017), Thiên Nga Bay Đi (2020) và Sóng Thu Bồn (2021).
Người viết bài này không có ý định rút tỉa hay tìm kiếm những giá trị thi pháp thơ Nguyễn Giúp mà chỉ cảm nhận đôi điều về thi giới trong thơ anh bởi rõ ràng là có một miền ký ức rất thực - cũng có thể là siêu thực - đã và đang tồn tại trong không gian Thiên Nga Bay Đi - nơi ấy không có ký ức nào lại không mang theo thi ca.
Thiên Nga Bay Đi  là những ám ảnh, trải nghiệm qua những tháng năm rong ruổi, là sự tiếp nối của Gió Từ Sông Thổi Lên trong hành trình sáng tạo của Nguyễn Giúp để có thể chạm đến chốn sâu thẳm trong tâm cảm người đọc. Nơi ấy Nguyễn Giúp chia sẻ kí ức hồn hậu, đau đáu của mình qua từng câu chữ: “em mang nỗi buồn sang nhà tôi/ cỏ xanh bên thềm chiều mỏng dính” (Cỏ); “mặt trời lên cha vấn thuốc ra đồng/ đứa em chi cũng hoe vàng tóc chẻ” (Cổ tích cho chị); “ngày em theo sông mới hay sông chảy ngược/ có tiếng gà bên kia đồi đứng bóng” (Ngõ xưa)…
Thiên Nga Bay Đi là một thế giới đầy tình tứ, xôn xao ánh sáng và sắc màu trong đó mỗi hình ảnh, sự vật từ miền ký ức đều được chạm khắc khá nổi nét và cụ thể trên cái nền dường như bị làm nhoè để phối cảnh thêm mông lung mà sống động.
Tập thơ Thiên Nga Bay Đi gồm năm mảng rời kết nối với nhau thành câu chuyện mang cảm thức về những khoảnh khắc và miên viễn, có cảnh ngộ riêng nhưng cũng khái quát, ngưỡng vọng và khao khát, trầm tích và tái hiện, có tiếng reo thầm và lời xuýt xoa của người thơ.
1. Những Linh Hồn Rạ là câu chuyện quê xứ với 17 bài thơ đầy sức ám ảnh. Ở đó ta nhận ra hình ảnh cố xứ với các địa danh quen thuộc: Ngọc Linh, Hòn Kẽm, Đá Dừng, Đại Bường, Mỹ Sơn, Thu Bồn, Sông Thu, Sông Tiên, Ch’nóc... Nơi ấy đất và người giao thoa, tựa gởi linh hồn vào nhau trong cái đẹp: “Đại Bường em đôi mươi tóc thơm da nuột/ cỏ non bò gặm nắng/ sông sâu cá mơ trăng” (Hát với Thu Bồn); “như nguyên sơ em đi chợ sớm Phú Đa/ như mẹ đò ngang Bến Dầu/ và sông cũng nhu mì như thế” (Trên đỉnh Phường Rạnh). Nơi đây ta bắt gặp  thổ nhưỡng với đất đai, bãi bờ, đồi cỏ… chạm lên cảnh sắc “quê nhà một dòng sông chảy suốt/ nắng mưa mẹ cha cấy cày” (Cò trắng bay cao)... Những sản vật như rượu Ta-đinh miền cao, lòn bon trung du Tiên Châu, khoai xiêm đồng bằng… đi vào câu thơ mà thành “vàng ngọt… thơm/ chờ người” (Ngõ xưa).  Điều không thể thiếu trong Những Linh Hồn Rạ là hình ảnh bao nhân vật trữ tình thân thiết: người cha lật đất, bóng mẹ xanh trời, chị xắn quần lội ruộng (Cổ tích cho chị), người em “đôi mắt ngọt ngào và xanh hơn trời cao” (Chiều tối có mưa giông trên đồi)… Tất cả hiện lên khá rõ nét trong những câu chuyện tưởng đã phôi phai mà thành ám ảnh “đôi mắt em hoang dại/ tan loãng/ vào cơn mưa núi” (bon)… Những thi liệu bản địa ấy không chỉ chạm khắc nên hồn thơ xứ Quảng trong anh mà ở tầm khái quát hơn, nó là hình ảnh quê hương đất nước thể hiện qua cảm thức và chiều sâu nhân sinh nhưng quan trọng hơn là nó tạo nên những câu thơ đầy mỹ cảm - những nếp thơ màu vàng lục – có mang theo linh tánh sự vật cùng với hồn quê “chúng xếp ngay ngắn thành từng hàng/ và bắt đầu diễu binh” (Những linh hồn rạ).
2. Chuyện với Bon gồm 6 bài thơ là những ám tượng về miền sơn cước nơi anh đã sống và công tác gần như hết thời trai trẻ. Bon là tên người thực, cũng có thể là cái tên siêu thực nào đó tự nghĩ ra, lạ lẫm mà gần gũi, mang theo sức sống của “những mầm cây mọc lên từ đất”, hồn hậu “như lũ ong bay đi tìm hoa/ đẹp như nụ hoa kia vươn tới ánh sáng” nhưng cũng nhiều “nỗi buồn và nhau loảng xoảng cùng niềm vui trong tiếng mưa lập nên tạp âm mới của núi/ dấy nên những mầm cây” (Chuyện với Bon).
Trong 6 bài thơ sơn cước ấy, Nguyễn Giúp đã vẽ ra những bức tranh thiên nhiên đậm chất tạo hình, gần gũi và sống động: “cánh hoa trên đồi nhật thực/ mùa xuân hồng phía đỉnh cao” (Trong đôi mắt em có giấc mơ của núi), “tiếng chim đơn độc/ ngọn gió vẽ khuya/ rừng cũ vỡ òa khuôn mặt anh” (Tiếng chim rừng cũ)… Song đây không đơn thuần là những bức tranh thiên nhiên, cho dù có khá nhiều chi tiết tả thực mà nó là những ấn tượng về một không gian ký ức tràn đầy ánh nắng, có sự dồn nén của thời gian trong một khoảnh khắc để tạo nên thứ ánh sáng phản chiếu rực rỡ kì lạ trong “chút ánh sáng hoang dại và mỏng manh để rực sáng”. Song nó không phải là những ánh sáng cảm nhận từ thị giác mà là sự cắt nghĩa, lí giải của tâm hồn “lung linh khuôn mặt ấy/ bầy chiêm bao đánh thức mặt trời” (Trong đôi mắt em có giấc mơ của núi).
3. Sóng gồm tám bài thơ mang theo những dập duềnh phía gió biển. Dường như có sự liền mạch và rộng mở không gian thi ca từ miền cao đến phía sóng tạo ra những “va đập đến nát lòng”. Không phải ngẫu nhiên khi những câu thơ viết về làng biển lại có hình ảnh ví von với núi rừng khi miêu tả con người làng chài “thật thà như rừng nguyên sinh” (Mắt lưới) hoặc “chiều nay có cánh rừng ngoài khơi rất xanh” (Trước biển). Điều ấy chứng tỏ trong tâm trí của người thơ là một không gian chan hòa, rộng mở, xuyên suốt, đầy ám ảnh của quá khứ “mà lấp lánh những xà cừ vẽ nên tâm hồn biển” (Kịp sóng). Nơi ấy dường như ám ảnh anh qua những phận người - “Người đàn bà mang bầu dầm dề sóng” (Biển & người đàn bà mang bầu), “người con gái từ bỏ giấc mơ vợ chồng” (Trước biển)… luôn khắc khoải trong anh “Khi chiều nay những khoảng lặng giao nhau” (Khoảng lặng)…
4. Cung Đàn gồm 12 bài thơ có thanh âm trú ngụ trong trái tim yêu trẻ trung và chín chắn, sôi nổi và kín đáo, hữu hạn và bất tận, có thể và không thể. Những nhan đề trong phần thơ này có nhiều sức gợi: Và bất tận có thể, Hoa mộc lan nhả hương, Cho em và hoa cúc, Phế tích một sân ga, Đôi mắt em có chút buồn cỏ may… Đó là những diễn tả riêng biệt, cảm tính, tri giác một cách trực tiếp tuy nhiên phải hiểu được cái thế giới hình tượng được thiết lập nên từ tiềm thức thì mới có thể khám phá, lí giải được “nơi bắt đầu những âm thanh” (Em/ Một ly đen/ Chiều). Đó là những “thanh âm trở về ẩn trắc” từ “lồng ngực em hãy còn thanh xuân”, từ “vườn khuya không còn tiếng chim” (Cung đàn)…
Viết/ đọc đến đây, tôi chợt nhớ đến bài hát nổi tiếng "The Sound of Silence" (Thanh âm tĩnh lặng) do nhạc sĩ người Mỹ Paul Simon sáng tác năm 1964, giai điệu và dòng ca từ trong ca khúc như là lời tự nhủ, nhắn gửi cho chính mình rằng khi con người cô đơn thì những thanh âm tĩnh lặng chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim: “Một ảo ảnh đang từ từ gieo mầm khi tôi đang ngủ/ và ảo ảnh ấy lớn dần trong tâm trí cho đến khi cái đọng lại là thanh âm của tĩnh lặng/ đó là nghi lễ, là ngôn ngữ kí hiệu, là lời tiên tri được viết trên tường của hầm ngầm/ lời thì thầm trong thanh âm của tĩnh lặng” (A vision softly creeping left its seeds while I was sleeping/ and the vision that was planted in my brain still remains within the Sounds of Silence/ that it was forming, the signs said, the words of the prophets are written on the subway walls/ and whisper in the sounds of silence) – Trích ca từ bài hát đã nêu.
Có lẽ những Cung đàn ấy là tiếng vọng, là âm thanh tĩnh lặng cộng hưởng bừng tỉnh bên trong tâm hồn, tạo nên những cú va đập mạnh trong xúc cảm, mở đường cho sự trỗi dậy “cồn cào trái tim đói dưỡng khí thoi thóp những cơn yêu/ đuối ngợp đuổi theo bóng con đường khuất/… lâng lâng những con đường trôi dạt/ đôi mắt em có chút buồn cỏ may” (đôi mắt em có chút buồn cỏ may). Chính nhờ sự nhập thân trong âm vọng ấy trọn vẹn ấy mà những gì từ trong quá khứ lại hiện lên tươi mới trong hiện tại “dưới thảm mục những linh hồn mở ra loài thủy chung” (Cho em và hoa cúc).
5. Thiên Nga Bay Đi là tâm thức thăng hoa thể hiện độ chín của chiều sâu cảm xúc "báo hiệu một bình diện ý thức khác với cái hiển nhiên; nó là mật mã của bí ẩn để nói ra được cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác (Jean Chevalir).
Nơi Thiên Nga Bay Đi ta bắt gặp những Vũ điệu “bày ra những hoang đường/ dọa dẫm vía người/ cát cứ bùa mê/ vũ điệu ma trơi..." (Vũ điệu); những mùa đông có "niềm vui rét mướt/ yếm nâu ngực trầm/ hạt mưa lõa thể..." (Mùa đông); những kí ức phố có “xếp hàng chờ cắt tem phiếu/ đôi mắt em rất sáng nhưng không đủ triết lí/ căn nhà tồi tàn/ bài hát nghe nhiều lần nhưng vẫn thấy mới…” (Kí ức phố); những cõi khác với “tình yêu như lớp thực bì đã cháy/ em ngồi khóc rất tự do…” (Cõi khác)…
 Cái không gian nơi Thiên Nga Bay Đi phát lộ nhiều hình ảnh giàu ý nghĩa dù rất phi thực, mơ hồ nhưng luôn lung linh, khắc khoải, dằn vặt, nuối tiếc và khát khao  “tiếng cười thiên nga phong thanh như giọt dương cầm nhả ra từ nhà thờ Chúa…” (Thiên Nga Bay Đi); "chừng ấy đủ để ta say chừng ấy đủ để các nơ ron được tự do” (dỉm ơi, chiều tàn rồi)… để lắng nghe hoài niệm “anh không còn làm thơ cho em nữa”, nhìn ngắm dĩ vãng “tro than và những chồi non lẫn vào nhau” (Thơ) và cảm nhận vầng sáng “của những vì sao lỏng lẻo mắc vào thiên hà” (Ảo giác)…
Từ trong những câu thơ Nguyễn Giúp, chúng ta thấy rõ một phần không thể thiếu của đời sống nội tâm trong anh là quê nhà, bãi bờ, phận người, giấc mơ và những ký ức.
 Bằng tiếng nói riêng, kiểu nhả chữ khác biệt tạo nên giọng thơ không lẫn vào đâu trong thơ ca Đất Quảng, anh gói gởi những ẩn số của đời sống và tự mình giải mã nó trong niềm chia sẻ cùng bạn đọc “Tôi làm mưa nhưng không thấm nổi” (Mưa Tháng Năm).
 Dưới đôi cánh Thiên Nga Bay Đi, câu thơ của anh luôn đồng hành cùng cõi nhân sinh với bao biến cố đời sống mà ở đó, anh như một chứng nhân cho những câu chuyện với hạnh phúc và khổ đau, chia tay và hạnh ngộ, khóc và cười trong hành trình thi giới vô thức và hữu thức của mình: “Thời gian chảy đi vô thức/ Khóc ư, muộn rồi/ Cười ư, cũ rồi/ Buồn ư, trễ rồi/ Vui ư, chán rồi/ Và chi nữa đây… đủ rồi” (… Và bất tận có thể).
Thơ Nguyễn Giúp có độ nén của ngôn ngữ dù đôi khi những câu thơ văn xuôi kéo dài nhịp xúc cảm hay ngắt nhịp rơi dòng kiểu thi pháp hiện đại (Chiều tối có mưa giông trên đồi, Nợ…) chúng đều neo đậu được trong tâm cảm người đọc. Những câu thơ làm dáng, hay ngôn tình hầu như không (hoặc rất ít) xuất hiện trong thế giới thẩm mỹ Thiên nga bay đi.
Xuyên suốt thơ anh là những hình ảnh thiên nhiên, quê hương, con người  trở thành một thế giới cảm xúc xoay quanh cái trục chính là ký ức để qua đó anh cắt nghĩa, phản chiếu, đánh thức trong lòng mình bao niềm yêu thắc thỏm. Nó không chỉ vận động trong mạch thơ của anh mà còn mở ra những khoảng ảo mờ cho phép độc giả tiếp tục truy vấn những ý nghĩa mới bởi - như đã nói ở đầu - không có ký ức nào lại không mang theo thi ca và với người thơ thì ký ức của mỗi con người đều có khả năng dựng lên khu vườn thơ cho riêng mình.



Không có nhận xét nào: