17/1/21

1.940. TÂM THẾ SÁNG TẠO CỦA THƠ NỮ QUẢNG NAM

 Nguyễn Tấn Ái



 MN: Giữa tháng 01 năm 2021, Chi hội Văn học - Hội VHNT tổ chức buổi hội thảo về đề tài “Thơ nữ Quảng Nam”. MN đăng lại một số bài viết trong hội thảo này.

  Nhận được những bản thảo của các bạn thơ nữ, chỉ sáu cái tên, rõ ràng là chưa đầy đủ cho thơ nữ hôm nay, tôi trân trọng các bạn thơ đã gửi thơ để chúng tôi tham khảo. Và trân trọng gọi là những gương mặt đại diện. Tiêu chí đại diện ở đây với tôi là tình yêu với thơ ca và nhiệt tình với cuộc chơi văn chương, với hoạt động văn chương của Hội mà hội thảo hôm nay là một ví dụ.

Không có điều kiện đi sâu vào đặc điểm sáng tạo của từng cá nhân, cũng không thể tìm hiểu các gương mặt thơ như là một trào lưu, tôi tìm đến điểm chung nhất của các nhà thơ là tâm thức thi ca và tâm thế sáng tạo.

I. Tâm thức sáng tạo:

1. Vấn đề tâm thức:

Thơ luôn là nơi trú ngụ của những ẩn ức khó thành lời. Chính sự mơ hồ ngữ nghĩa và sự kín đáo của thi ảnh lại là nơi trú ngụ của tâm thức với vô vàn những điều khó nói rõ thành lời. Và ở phương diện tâm thức thơ, thiên tính nữ vẫn thiên về tình yêu, chứ chẳng phải thiên hạ không hàm hồ chút nào khi gọi thơ ca là nàng thơ đó sao?

Dẫu mỗi nhà thơ chỉ gửi mười bài thơ làm tiêu biểu cho mình, một lựa chọn thật khó khăn và... đau lòng, song nhận thấy đề tài tình yêu vẫn là một ưu tiên của các nhà thơ. Mỏng nhất, tiết chế nhất trong mảng đề tài này là Vương Thi (3 bài), Nguyễn Thị Minh Thùy (4 bài).

Hiện tượng ấy nói gì? Tình yêu có sức sống bền bỉ ở những nhà thơ nữ. Khi mọi nợ đời tạm thanh thản thì nợ tình yêu vẫn chưa nguôi. Những người trẻ có lẽ còn nợ nần nhiều với trần thế nên tiết chế khi nói đến tình yêu chăng?

2. Sự tinh tế trong tình yêu là đặc điểm của tâm thức nữ:

Nhìn chung thì ứng xử với tình của những người nữ thường thiên về phía tinh tế, dịu dàng. Dấu hiệu để đọc ra thiên tính nữ đậm nhất. Nếu đọc thơ tình nam giới trong thời gian gần đây, chúng ta thấy dường như phá bỏ cái dịu dàng nâng niu như là một phương cách để giải thiêng tình yêu thì tình yêu với bản tính dịu dàng lại có sức sống lâu bền ở thiên tính nữ.

Với Nguyễn Thị Phương Dung, một nhà thơ thuộc thế hệ đàn chị, một cuộc sống giàu trải nghiệm, chị táo bạo và tung phá ở nhiều cách nhìn, song với tình yêu vẫn là một Phương Dung rất đỗi dịu dàng, khẽ khàn như khẽ nói:

Em

Người đàn bà tiêu pha đến câu thơ cuối cùng của mình

Vẫn không còn lối thoát

Chợt một hôm nhận ra tiếng hát

Từ trong lồng ngực anh

 (Bây giờ và mãi mãi)

Và qua những câu thơ đầu, ta đã nhận ra thân phận tình yêu luôn là trăn trở da diết và riết róng ở Nguyễn Thị Phương Dung:

Người đàn bà ấy là người đàn bà cũ

Không có gì hoàn mỹ

Chỉ còn yêu thương nguyên vẹn đến lạ kỳ

(Dạ khúc)

Với Mai Thanh Vinh, xin trang trọng ghi lại ấn tượng ban đầu khi lần vào tập thơ Một giấc mơ vừa: Mai Thanh Vinh già dặn câu chữ là kết quả trải nghiệm của một đời thơ. Dù nền nả quen thuộc hay tự do phá cách chị đều rất chắc tay, thong dong không bị ràng buộc vào khuôn vần hay nhạc tính. Thơ vì vậy rất tự nhiên.

Ở tình yêu, đôi khi chỉ một tứ thơ lại được chiêm nghiệm nhiều lần, thử nghiệm bằng nhiều chất giọng.

Là giọng thét gào đòi được quyết liệt:

Biển và ta như lạc giữa cơn mê

Tung sóng trắng thét gào giận dữ

Đâu còn nữa trong biển chiều nghẹn ứ

Nuốt một lời từng muốn nói lại thôi...

(Biển chiều)

Là giọng thỏ thẻ giấu mình:

Nhớ chiều/ thương chiếc lá rơi

Giá như/ được buộc một lời dấu yêu

(Quên)

Là giọng da diết tiếc nuối:

Thèm

Ngả lưng trên sóng

Vu vơ uống cạn nồng nàn

Thèm về tuổi hai mươi

Để tỏ tình lần nữa

(Khi sắc xuân về)

Với nhà thơ Lê Thị Điểm thì ít khi trực tuyến với tình yêu. Tình yêu trong thơ chị luôn là tiếng nói thầm từ phía sau một câu chuyện mô tê nào đó. Song cũng đủ để da diết nhớ. Mà không nhớ làm sao được khi chị thì thầm:

Hãy nhìn từ đằng sau/ anh nhé

Để nét xuân phai

Đỡ chạnh lòng

(Thì thầm)

Khi người đàn bà trong chị vẫn không bao giờ nguôi một bàn tay vẫy về phía tình yêu:

Hãy luôn lay gọi

Người đàn bà trong em

(Thiên sứ)

Với Nguyễn Thi Minh Thùy, cô gái rất mới trong làng thơ, mà đã rất thấm thía trong đề tài tình yêu, hãy nghe nỗi buồn của Thùy nói với ta về những thấm thía ấy:

Anh giấu tất cả vào cơn mơ nhập nhòa tháng sáu

Chỉ giữ lại trên môi một nụ cười buồn

Buồn hơn cả những chiều tuột qua tay em

Buồn hơn cả những đêm ta ru nhau bằng nước mắt

(Bóng anh nhòa trong chiều mưa)

Cả khi tự “bản lĩnh” mình cũng nhoi nhói trong một bất cần:

Đưa đôi tay đã nhiều lần sấp ngửa

Tự vuốt lại mình

Và đi

(Bóng anh nhòa trong chiều mưa)

Vương Thi gia nhập hội thơ đã trẻ hóa đội hình thơ nữ mà lại cổ điển hóa thơ tình khi tình yêu chỉ thoáng trong giấc mơ sưa:

Tàn xuân hoa cũng lấy chồng

Bầy bươm bướm với mùa không kịp về

Ve nghìn năm vẫn mải mê

Gào lên trong gió lời thề thủy chung

(Tàn sưa)

Khi nỗi trăn trở tình ái tan loãng vào không gian thời gian, một lựa chọn ít khi được các nhà thơ hôm nay lựa chọn để thể hiện tình yêu:

Sẽ về đâu anh với nỗi nhớ chông chênh

Mưa tạnh, mây tan trời mênh mông nắng

Cơn sóng qua đi biển kia có bình lặng

Hay tận đáy sâu một vết thương lòng

(Mơ)

Chị Đỗ Thị Kết không lựa chọn tình yêu làm tiếng nói đại diện của mình. Lựa chọn của chị lại ở một phương diện khác, và rất ấn tượng, sẽ có dịp ta bàn đến sau.

Mượn góc nhìn tình yêu, tôi bàn đến tâm thức thơ nữ, để vui mừng nhận ra thiên tính nữ vẫn là nét riêng của các nhà thơ Quảng Nam hôm nay. Như một truyền thống, ứng xử với thơ và đặc biệt với tình yêu, các nhà thơ nữ vẫn nghiêng về phía dịu dàng, tiết chế, chừng mực, cả khi họ rất riêng.

Dường như vào những năm 80 người đầu tiên có khuynh hướng giải thiêng tình yêu ở nữ giới là Dư Thị Hoàn, rồi kế tiếp vào những năm 90 là Vi Thùy Linh. Thơ nữ Quảng Nam không có sự kế tục hay không thiên về khuynh hướng ấy? Tôi không nghĩ như thế, chỉ có điều các cây bút nữ ấy là không lấy giải thiêng làm lựa chọn để trình làng, hay chỉ là vốn riêng để các chị tự thưởng thức. Tôi nghĩ vậy bởi có lúc đã được nghe một ý thơ rất ác liệt ở một “nghi phạm” có mặt hôm nay:

Đêm đêm ngửa nón ra đường

Hốt trăm thiên hạ phố phường điêu ngoa

Đêm về lật trái tim ra

Lựa một chiếc bóng để mà tương tư

(Phương Dung)

II. Tâm thế sáng tạo:

Trong mỗi con người thì khát khao chính đáng và tầm cỡ nhất vẫn là khát khao được sống một lần hết mình với đời bằng chính bản ngã của mình. Nhiều cuộc cách mạng tư tưởng, những thành tựu triết học tựu trung lại cũng chỉ để giải phóng bản ngã, để trao quyền sống cho bản ngã. Con người khi đối diện với xã hội thường băn khoăn về sự nghiệp, và khi đối bóng với mình lại rất băn khoăn về bản ngã. Thơ là một sự đối ảnh đàm tâm, người làm thơ thường trong tâm thế diện bích khai tâm nên ý thức bản ngã, khát khao thể hiện bản ngã lại thường rõ nét nhất.

Đó là cái bản ngã muốn sống hết mình một lần thật đủ với cuộc đời để không tự trách mình hờ hững:

Phương Dung:

Thương cho hết những ngày mưa trộn nắng

Những khóc cười lẫn lộn cuối chiêm bao

(Bài tháng sáu)

Mai Thanh Vinh:

Phất phơ như thể cuộc chơi

Loay hoay đốt cháy ngàn lời trống không

(Lục bát cuối năm)

Lê Thị Điểm:

Tôi là ai?

Bạn là ai?

Vô danh vô thực ta bày cuộc chơi

(Đêm và facebook)

Minh Thùy:

Bỗng một ngày

Ta trở thành người lớn

...

Bỗng một ngày

Ta được gọi: Nhà thơ

(Danh nghĩa)

Vương Thi:

Sống một đời mộng viết cả nghìn thu

(Viết)

Khát khao khẳng định bản ngã bằng thơ cũng đồng nghĩa với khao khát khẳng định bản ngã bằng một tài năng. Bởi thơ chính là sáng tạo. Là cảm xúc riêng biệt. Là cách mời cuộc đời gọi tên mình. Không đem cái tôi cá nhân ra mà phân chất như cách các nhà thơ nam vẫn thích thú thường dùng, nhà thơ nữ lấy cái khát khao sống cạn ngày cạn giờ với tư thế nhà thơ làm điểm tựa và đích đến cho hành trình sáng tạo. Vẫn chừng mực, đó chính là hạn chế đáng yêu của các nhà thơ nữ Quảng Nam.

Và cuối cùng khi bàn đến tâm thế sáng tạo, tôi băn khoăn câu hỏi: Thơ có vị trí thế nào với người nữ hôm nay?

Thời đại mà công nghệ thông tin hỗ trợ đắt lực để con người tự thể hiện mình, với thơ ca đó cũng là một lợi thế. Chẳng phải đã có khá nhiều gương mặt văn chương được bạn bè người đọc công nhận rộng rãi trước khi chính thức đến với diễn đàn văn học tỉnh nhà đó sao?

Thi ca đã giải phóng người phụ nữ khỏi cái tầm quẩn quanh gia đình, công việc để có diện tiếp xúc xã hội rộng rãi hơn. Thi ca giúp người nữ khẳng định vị trí nghệ thuật của mình giữa xã hội. Những tâm lý kín đáo bị che đậy bị khuất lấp bởi bất tiện của giới tính cũng được tỏ bày. Thi ca nếu không là sự nghiệp của người nữ thì cũng là chốn đi về nương náu cần thiết của người nữ, sau mái gia đình của họ. Điều này rõ nhất ở nhà thơ Đỗ Thị Kết khi mà chị rất thành công ở mảng đề tài lịch sử. Ở đó chị được thoát khỏi cõi nhân sinh bé nhỏ để thao thức cũng những vấn đề lớn lao của lịch sử, để trải nghiệm và kinh nghiệm về nhiều vấn đề có tầm quốc gia, dân tộc. Hầu như vấn đề lịch sử nào cũng được chị quan tâm. Và ở mảng nào cũng thấy trăn trở của người thơ.

Trăn trở về vụ án Lệ Chi viên:

Kia sao Khuê vằng vặc bầu trời

Soi mỗi trái tim, soi mãi muôn đời

(Vằng vặc sao Khuê)

Về bi tình của chàng Trọng Thủy:

Để khi hối tiếc còn đâu nữa

Giếng thẳm gieo mình, ta với ta

(Dấu xưa)

Về linh hồn Chăm nữ:

Mắt em trong vắt mà chan chứa

Thăm thẳm nỗi niềm qua tháng năm

(Vẫn là em)

Lựa chọn cách sống sâu với mảng đề tài lịch sử của Đỗ Thị Kết một mặt rất riêng, mặt khác cũng rất thống nhất với tâm thức thơ của những nhà thơ nữ: Cảm xúc được che dấu qua một khúc xạ, và khao khát thi ca ấy cũng sống bền lâu với sự bền lâu của lịch sử.

Xin được trân trọng cảm ơn các nhà thơ đã gửi những tâm huyết của mình để đóng góp vào hội thảo!

Xin lỗi nếu có và chắc sẽ có, những thẩm thơ, những nghĩ thơ chưa gặp được sự đồng điệu của các nhà thơ!

                                                          N.T.A

Không có nhận xét nào: