19/1/21

1.944. TRÁNG CA CHO BIỂN

       Lê Đức Thịnh

Hôm nay chúng ta kỉ niệm 47 năm
 ngày Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc

chiều ngồi với bờ cát

tôi cố tưởng tượng để kí ức không va đập

như những con tàu tránh không cọ vào nhau

khi đang tranh chấp rượt đuổi ngoài khơi xa


nỗi nhớ bay dưới cánh chim

ước mơ la đà trên sóng

nỗi sợ đi qua và bây giờ lại đến

như hơi thở không thể đứt quãng trong cõi người

 

trong âm i của gió

tôi nghe tiếng sóng dội lên từ lưu tốc

thành niềm hạnh phúc và sự nhọc nhằn

đưa chúng ta đi từ suối nguồn ra đến biển

nơi tiềm thức từng khắc ghi cột mốc và lãnh hải

trải rộng từ núi cao nơi có làn sương mỏng manh trên tán lá rừng

đến trung du đất cằn sỏi đá, đồng bằng châu thổ

và nơi con sóng xa ở cột mốc số 0 bắt đầu một đợt hải triều

nơi Hoàng Sa Trường Sa dềnh con nước

lên con đường ngập úng Sài Gòn

hay một viên đá lăn xuống từ vách gềnh

cũng thành sóng dội vào tâm thức

 

khoảnh khắc nghe tiếng gõ cửa của tiền nhân

vào căn nhà thênh thang chữ S

nghe lễ hội của những con sóng bay lên từ cơn mưa

trong chiếc áo bạch kim rực rỡ của chớp

thời gian đọng lại như trân châu

vài hạt lung linh trong bàn tay thủy thần

 

bỗng dưng đôi chân muốn vượt qua những va vấp trên đất

gót giày bỏ lại những vết cháy trên mặt đường

đôi tay vẫy vùng qua những ràng buộc

trái tim bỏ lại những điều nghi ngại

để lặn ngụp vào sóng biển quê nhà

nơi có đôi cánh của tiếng hát

nơi có oan hồn tử sĩ trong trận hải chiến năm 1974

 

vượt qua biên độ của âm

vượt qua hàm ngôn của lời

vượt qua xúc cảm của màu

vượt qua sự mềm lòng của nước

để chạm giấc mơ dập dềnh trên lưu giang viễn tượng

mà trổ hoa thành vũ điệu

để chạm vào cát - biển – sóng

nơi có màu máu năm xưa từ Gạc Ma tan loãng

và mùi tanh tưởi của kẻ đầu hàng

 

dưới bầu trời này

ta chẳng cần gì phải che đậy vài góc khuất

khi ngọn đèn vừa bóc tem bóng tối

hoàng hôn lộ ra những cánh dơi

 

trên cõi đất này

những làng chài mọng như bình minh

dù trong tấm lưới rấm rứt nỗi đau mùa biển động

nhưng vẫn tuôn chảy một bản giao hưởng

khi quê xứ là tâm hồn

là máu thịt của mình.



Không có nhận xét nào: