Nguyễn Chiến
MN: Giữa tháng 01 năm 2021, Chi hội
Văn học - Hội VHNT tổ chức buổi hội thảo về đề tài “Thơ nữ Quảng Nam”. MN đăng
lại một số bài biết trong hội thảo này.
Chi hội văn học Quảng Nam có 10 tác giả nữ làm thơ: Lê Thị Kiều Chinh, Nguyễn Thị Phương Dung, Lê Thị Điểm, Huỳnh Thu Hậu, Đỗ Thị Kết, Hồ Loan, Ngô Thị Thục Trang, Vương Thi, Nguyễn Thị Minh Thùy, Mai Thanh Vinh (không kể những tác giả văn xuôi thi thoảng cũng có thơ trên báo). Thơ họ xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông. Họ đã là những cái tên, tuy mức độ lan tỏa của từng người có khác nhau.
Nhà thơ nữ là thi nhân thì sự nghiệp văn học
chính của họ là thơ. Song dường như, đối với họ, chỉ với thơ thôi không đủ để họ
dốc cạn tâm tư. Nhiều người đã thử sức mình trên những thể loại khác và đã có
những thành công. Ngô Thục Trang, Nguyễn Thị Phương Dung, Hồ Loan, Lê Thị Điểm,
Vương Thi với truyện ngắn, tạp văn. Huỳnh Thu Hâụ với tiểu luận phê bình. Sức
viết, năng lực sáng tạo của họ không hề nhỏ. Cũng có ý kiến rằng: thi sĩ thì tập
trung làm thơ, một đời chưa chắc đã để lại gì riêng cho thơ, mắc chi phung phí
sức bút sang thể loại khác. Sở trường bao giờ cũng hơn sở đoản. Đặt vấn đề như
thế cũng đáng để nghĩ suy. Nhưng nhà thơ đâu phải lúc nào cũng có thi hứng, “lấn
sân” sang thể loại khác là một cách để thử sức mình, để “nói” cho hết, cho tỏ
tường những điều không thể “nói” hết bằng thơ…
Trong 10 nữ nhà thơ thì có đến 6 là nhà
giáo (tỉ lệ giáo viên trong toàn Chi hội khá cao: 29/75). Thơ của nhà giáo có
gì khác biệt? “Danh hiệu”: nhà giáo – nhà thơ, nhà giáo – nhà văn mang ý nghĩa
gì? Trong lời giới thiệu cho tập truyện ngắn Bản hòa âm thôn dã của nhà giáo Võ Nguyên, GS Nguyễn Đăng Mạnh chỉ
ra nhược điểm của tác phẩm: “…thóí quen nghề nghiệp đã khiến anh hay để lộ ý hướng
giáo huấn quá rõ rệt, nhất là những đoạn kết luận”*. Như vậy, nghề nghiệp chẳng
làm vinh, chẳng giúp gì cho thơ, cho văn; ngược lại đã “âm thầm” làm nên những
hạn chế cho những tác giả là nhà giáo – nhà thơ, nhà văn. Thơ mà rõ nghĩa và
khuôn thước như lời thầy có lẽ không còn là thơ nữa; văn mà “lộ ý hướng giáo huấn
rõ rệt” như GS Nguyễn Đăng Mạnh nói, thì văn đó khó được độc giả đồng cảm, chấp
nhận. Theo tôi, nhà giáo là nhà giáo, nhà thơ là nhà thơ. Đừng để hình bóng ông
giáo, bà giáo soi xuống trang thơ. Nhà giáo làm thơ, viết văn khó khăn hơn so với
người viết làm nghề khác. Vì ngồi trước trang giấy, họ phải giấu bớt cái tôi
nhà giáo; phải dè chừng thói quen nghề nghiệp, không để cho nó làm cho trang viết
vo tròn và mang nặng tính giáo hóa. Dường như 6 tác giả thơ nữ nói trên của Chi
hội văn học Quảng Nam đã nhìn ra “nguy cơ” hồn thơ bị khuôn thước nhà giáo o
ép. Nguyễn Thị Minh Thùy tự tra vấn, nhận
ra con người nghệ sĩ của mình khó mà sống hòa hợp, bình yên với con người nhà
giáo:
vẫn biết cuộc sống này có những điều ta
phải đánh đổi
nhưng tại sao đó lại là bục giảng?
tại sao lại là phấn trắng bảng đen?
Niềm vui, nỗi
đau ở đời mênh mông, làm gì có chừng mực. Chiếc áo của người nghệ sĩ phải là
chiếc áo lấm láp bụi đời, không thể là chiếc áo “sạch sẽ” của nhà giáo nơi bục
giảng. Huỳnh Thu Hậu đã can đảm tỏ bày:
em không cần mực thước
không cần sự đạo mạo
trang nghiêm
chỉ cần em được là người đàn bà đích thực
Đọc thơ của các
nhà thơ nữ Quảng Nam, thấy thơ họ mở ra phía cuộc đời rộng lớn và cũng là để đi
sâu khám phá chính mình. Đề tài thơ họ khá phong phú, từ chuyện chợ búa, con
cái, nhà cửa đến chuyện yêu đương, chuyện người, chuyện đời, chuyện quê hương,
đất nước, dân tộc, lịch sử. Qua đó, các chị trải lòng, bộc lộ “bản lai diện mục”
với những sắc màu khác nhau.
Hình ảnh quê
hương trong thơ họ có khi là làn hương thoảng trong vườn cừa, là tàn sưa bên bến
vắng:
hương vẫn thơm Vườn Cừa
sưa vẫn vàng bến vắng
(Vương Thi)
Có khi là hình ảnh
“Ức Trai/Khuê tảo/Ngời ngời…”(Đỗ Thị Kết). Sâu đậm nhất là hồi ức về quê hương
tuổi thơ:
tuổi thơ là lúc tắm mưa
cả bầy đen thui đen thủi
chạy từ làng trên xóm dưới
gái trai chi cũng cởi truồng
(Vương Thi)
Nhiều dư vị khó
quên là mảng hồi ức về quê nhà của Ngô Thị Thục Trang:
em – con gái miền Trung
nấu ăn nêm nhiều gia vị
cọ ngực sông Thu suốt tuổi mười lăm
lên sáu bồng em
mười tuổi sàng gạo
mùa đông bấu mười ngón chân đường trơn đến lớp
rút mái tranh nhen lửa thổi cơm
nón cời trải lúa phơi giữa đường
vừa đuổi gà vừa ngủ gật
Hay:
tôi băng qua cánh đồng của tôi
thả diều bay một miền gió khác
tôi băng qua cánh đồng của tôi
mùi bùn đất mỗi ngày mỗi nhạt
tôi đi ngang những cánh đồng làng
đàn cò vút lên
buổi chiều ập xuống
mùa
gặt vàng ươm
mồ
hôi người thấm mặn
tôi
nhặt bông lúa rơi như nhặt lại mình
nhặt
lại tôi của những bình minh
những
trưa rang trời
những
chiều mây thẳm
nhặt
lại tôi của cánh chuồn chở mùa trên cánh mỏng
tre nở hoa rồi
tôi có về quảy gánh đồng xa?
(Ngô Thị Thục
Trang)
Trong thơ các chị
cũng thấp thoáng hình ảnh dòng sông nhưng không xiết xoáy, cồn cào trong hồn và
tạo thành dòng chảy văn hóa xứ Quảng như trong thơ của các nam thi sĩ quê nhà.
Tôi nhớ có một bạn văn Quảng Ngãi rất thân thiết với anh em văn nghệ Quảng Nam nhận
xét: nếu không cho các thi sĩ Quảng Nam viết về Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang…
thì không biết họ còn làm được thơ và có thơ hay nữa không! Một nhận xét vui
nhưng làm ta giật mình. Đã có một dòng sông thơ ca xứ Quảng. Mong các chị, nhiều
hơn nữa, làm đẹp thêm dòng sông âý bằng thi cảm của mình.
Các chị viết nhiều
về tình yêu, một “anh” nào đó thường có mặt trong thơ của các chị. Đó có thể
người đang yêu, người đã yêu, người sẽ yêu; cũng có thể là đối tượng trữ tình để
các chị bộc bạch, giãi bày. Tình yêu trong thơ các chị nhiều cung bậc. Có những
mối tình thơ:
ta đi suốt tháng ba tìm nụ sưa vàng
gặp
lại thời mười sáu
thời ngu ngơ đánh rơi trái tim con gái
dưới
chân một bài thơ …
(Nguyễn Thị
Phương Dung)
Có những cuộc
tình yêu một lần đau một đời. Cơn đau
tình ái trong thơ các chị không dữ dội, day dưa như trong thơ của các nam thi
sĩ. Hình như các chị cố giấu đi niềm đau, không để cho câu thơ òa khóc mà ta vẫn
thấy hình ảnh một T.T.K.H khác, cũng đau tình nhưng không “mang tiếng” lụy
tình:
muốn
ôm cả trời xưa ấy
em
nay gái đã có chồng
van
anh hãy tìm duyên khác
đừng
chờ em nữa được không !?
(Hồ Loan)
Có khi lấp lánh niềm đam mê thân xác :
em
muốn cắn mây trắng
thèm
hôn lên gió
khi
nỗi nhớ chàng
…
em
lịm vào anh
đắm
đuối
(Huỳnh
Thu Hậu)
gió
lùa nhẹ cởi vạt êm
xoã
dải yếm để mặc đêm tự tình
(Hồ Loan)
Những câu thơ đẹp,
thể hiện mối giao hòa tột cùng của tình yêu như thế rất ít trong thơ các chị.
Tình yêu trong thơ các chị mang vẻ đẹp thuần khiết, trong lành. Thiếu chút
libido giấu sau câu chữ thì sẽ như là “tình ái của ni cô”(Hàn Mặc Tử), dẫu cũng
“thơm”, cũng giàu mĩ cảm nhưng có lẽ không thực như vốn có trong đời. Có thể
coi đây là một nhược điểm trong thơ tình của các nữ thi sĩ trong Chi hội chăng?
Và như thế, tiếc cho một cơ hội giải thiêng cho thơ đã bị bỏ qua.
Cái tôi trữ tình
trong thơ các chị, dễ nhận mặt nhất, là cái tôi trữ tình dịu dàng đắm say. Nhỏ nhẻ tỏ bày và cứ thế đi vào lòng người:
em
là loài phong lan rừng hoang dại
bung
nở tự nhiên
giữa
tơi bời mưa gió...
…
và
ta
đã
ở bên tê bờ xuân sắc
mắc
mớ chi khản tiếng gọi đò
cứ
đứng giữa hàng cây đẫm gió
chăm
chỉ đơm hoa,
kết
nụ nồng nàn
(Lê Thị Điểm)
buổi
về lại Quảng Nam đứng ở đầu sông ta khóc đầy sông nước
thôi
đành làm ngọn gió hoang
nắng
thì trú mái hiên quen
mưa
lẫn vào kẻ lá
may
ra giấu được nỗi buồn
(Nguyễn Thị Phương Dung)
Nhiều khi ném
vào thơ cái tôi xù xì, góc cạnh. Một khát vọng “cuồng ngông” rất đẹp:
Thèm
ngả
lưng lên sóng
vu
vơ uống cạn nồng nàn
thèm
về
tuổi hai mươi
để
tỏ tình lần nữa
rằng
yêu anh
như
thể lần đầu
(Mai Thanh Vinh)
Nỗi buồn đã ngấm,
đã sâu, đã thành mĩ cảm của nỗi buồn:
buồn
hơn cả những chiều tụt qua tay em
buồn
hơn cả những đêm ta ru nhau bằng nước mắt
(Nguyễn Thị Minh Thùy)
Bạn
như ráng đỏ chân trời
Tôi
con sóng khát
đau
vời vợi đau
Mỗi
mình đối diện đêm thâu
Giọt
rơi mằn mặn nát nhàu chiêm bao
(Lê Thị Điểm)
Đó là nỗi buồn
đau của thân phận con người. Ngườì thơ cảm thức về sự nhỏ bé, mong manh của kiếp
người trước cái vô biên của vũ trụ nhưng vẫn không nguôi khát vọng và cứ mãi đi
tìm, tìm chính mình, mà trước mặt là ngả ba, ngả bảy:
chỉ
mình em lang thang
tự
ru mình bằng những vòng xe vô định
đôi
tay chập choạng giữa ngả ba đường
(Nguyễn Thị Minh Thùy)
em
người
đàn bà một mình
trước
ngả năm ngả bảy của thân phận
tần
ngần chọn một lối về
đèn
chưa lên
mê
lộ đã nhập nhòa
…
em
bắt đầu tìm lại em
tìm
lại người đàn bà nhiều năm qua đã chết
(Nguyễn Thị Phương Dung)
Nỗi cô đơn cũng
hạ sinh từ đó. Cô đơn của phận người gặp nỗi cô đơn của người nghệ sĩ trong
hành trình sáng tạo trở thành “lời buồn thánh”, thành nỗi riêng sâu đậm trong
thơ Nguyễn Thị Phương Dung. Chị có những đoạn, những câu lấp lánh nỗi buồn đẹp
và sang trọng:
ta
về đâu
ta
bơ vơ một cõi
ta
chở theo lòng mình ngàn ngàn cụm lục bình chưa kịp trổ
và
ngàn ngàn cụm tàn khô
(Nguyễn Thị Phương Dung)
Về hình thức thể
hiện, có điều gì để bàn thảo không? Thơ Việt Nam hôm nay đã và đang trở mình
theo hướng hiện đại hóa. Cho nên người làm thơ Việt, dù ý thức hay không,
dù ít hay nhiều,
đều mang tâm thức hậu hiện đại. Biểu
hiện của tâm thức này trong thơ rất đa dạng: giao thoa thể loại, yếu tố liên văn bản, yếu tố giễu nhại, phân mảnh, lắp
ghép, lấy chữ làm mục đích biểu đạt…, Theo GS La Khắc Hoà, biểu hiện tập
trung trong cách tân thơ Việt hiện nay ở hai khuynh hướng: tối giản, co ngắn câu thơ và kéo
dài câu thơ như câu văn xuôi.** Đó
là xu hướng phá vỡ cấu trúc hình thức của thơ cũ. Nhiều chị đã có ý hướng vận dụng
các bút pháp mới để tạo nên hiệu ứng cho tác phẩm, tuy vậy chưa thành lối quen,
thành điểm sáng thẩm mĩ cho thơ mình. Ý thức làm mới thơ như vậy đáng được ghi
nhận và biểu dương.
Thơ
nữ của Chi hội văn học Quảng Nam đã góp phần làm nên diện mạo của mảnh đất thơ
“chưa mưa đà thấm”, của một xứ sở yêu thơ vào loại nhất nhì đất nước. Có chị đã
là những cái tên quen trong lòng ngươì đọc, có chị còn đang định hình phong
cách, có chị nhẩn nha dạo chơi trên thi đàn tìm vui với vần điệu, câu chữ. Các
chị đã lựa chọn con đường “khổ hạnh” (chữ dùng của Nguyễn Tuân), “đau đớn và đắm say” mà bước tới, và đi hết đời
mình lại như mới khởi hành. Rất trân trọng các chị và mong các chị, dọc đường
đi, hái được những bông hoa thơ ngát hương đời…
N.C
* Nguyễn Đăng Mạnh
– Vài ý nghĩ về tập truyện của Võ Nguyên
(Lời giới thiệu tập truyện Bản hòa âm
thôn dã của Võ Nguyên, sở VHTT Bình Thuận, 1994)
** Dẫn theo TS Nguyễn Thanh Tâm, trong tiểu luận "Chúng ta đã phản bội thơ như thế nào". (Tham khảo nguồn)
-------------------------
Bài cùng chủ đề: Tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét