24/10/11

41. CÁI MỚI VÀ SỰ ĐỔI MỚI

Mộc Nhân - Lê Đức Thịnh 


1. Thế nào là đổi mới ?
          Tự điển tiếng Việt giải thích từ “đổi mới ” là : biến đổi, thay đổi, và có tiến bộ nhiều hơn trước ( innovate, renovate).
          Như vậy, nội hàm của khái niệm đổi mới bao gồm hai nét nghĩa:
a.      Thay đổi.
b.     Có tiến bộ nhiều hơn cái cũ.
Với cách hiểu chuẩn mực như trên thì lâu nay chúng ta đã lạm dụng khái niệm đổi mới ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh.
         
Tôi xin nêu ra một vài ví dụ cụ thể nhu sau:
          Ví dụ 1 : Trong mấy năm gần đây ngành GD nêu lên phương pháp dạy học đổi mới mà cốt lõi là lấy người học làm trung tâm; phát huy tính tích cực của người học trên con đường tự khám phá tri thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người thầy.
Xem ra đây là cốt lõi của sự đổi mới phương pháp dạy học …
Thực ra đây cũng không phải là vấn đề mới. Từ xa xưa – trong đạo học, Đức Phật đã nêu ra khái niệm Trí vô sư trong sự so sánh với Trí hữu sư.
Trí vô sư là tri thức mà con người lĩnh hội được bằng con đường tự tu tập, rèn luyện, không nhờ vả, ỷ lại một cách thụ động vào người thầy.
Trí hữu sư là tri thức mà người học có được nhờ thầy giáo.
Trí vô sư là sự giáo dục và tự giáo dục cao cấp; còn trí hữu sư là sự giáo dục ở cấp thấp. Đó là phương pháp học tập đúng đắn mà người xưa đã nêu ra.
Như vậy, cái mà ngày nay chúng ta gọi là cốt lõi của sự đổi mới đã được người xưa khởi xướng từ hàng trăm năm trước công nguyên.
Ví dụ 2: Những đổi mới mà các cấp đã và đang chỉ đạo thực hiện khiến cho chúng ta rơi vào ma trận của sự đổi mới để rồi chẳng còn phân biệt được được đó có phải là mới, là đổi mới hay không.
Xin đơn cử: Trong dạy học môn Ngữ Văn, từ xưa kiểu kiểm tra tự luận là hình thức kiểm tra tối ưu. Nhưng đến những năm thay đổi chương trình - sách giáo khoa (2003) thì cấp trên chỉ đạo kiểm tra có hình thức trắc nghiệm; đến những năm từ 2007 trở lại đây thì chúng ta quay trở lại kiểu kiểm tra tự luận … và trong thời gian vừa rồi 2010 – khi học chuyên môn về chuẩn kiến thức, kĩ năng dạy học thì từ cấp Bộ lại nêu lên đổi mới kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm trắc nghiệm với các thứ ma trận …
Ở đây chúng tôi không bàn luận hình thức kiểm tra nào có ưu điểm hơn, hoặc hay hơn; chúng tôi chỉ băn khoăn rằng với kiểu chỉ đạo, đổi mới như thế khiến cho người giáo viên lúng túng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; chẳng thể phân biệt được cái mới hay cái cũ; cái mới có gọi là đổi mới hay không?
Từ hai ví dụ trên, chúng tôi xin đưa ra những cách hiểu về đổi mới trong tình hình hiện nay để chúng ta có thể tạo được sự tương thông khi thực hiện nhiệm vụ và khi đánh giá công việc của đồng nghiệp.
Cụ thể là:
a. Cái mới không nằm trong tương quan nhị nguyên với cái cũ bởi không có cái nào là mới hoàn toàn, cũng như không có cái nào là cũ cả.
b. Cái mới được sáng tạo, vận dụng và phát triển trên cơ sở cái cũ.
c. Cái mới là cái có hiệu quả bởi mục tiêu của đổi mới là để mang lại một hiệu quả nhất định, còn nếu không có hiệu quả thì cũng chẳng đổi mới làm gì. Cái mới mà không hiệu quả thì cũng không gọi là mới.
Chỉ có thống nhất với nhau về cách hiểu khái niệm đổi mới thì chúng ta mới đánh giá được năng lực và sự sáng tạo của đồng nghiệp trong công tác chuyên môn.


                                      Lễ Khai giảng năm học mới 2011 - 2012 / Trường THCS Nguyễn Trãi


2. Làm thế nào để thể hiện sự đổi mới trong công tác dạy học ?
          Đây là một câu hỏi khó bởi yêu cầu đổi mới là một yêu cầu thường xuyên, trở thành một chỉ tiêu thi đua của giáo viên trong nhà trường.
          Muốn đổi mới phải luôn tư duy, sáng tạo. Descartes, một triết gia người Pháp thế kỉ 16 đã nói “ Tôi tư duy tức là tôi tồn tại ”. Trong phạm vi hẹp, chúng ta luôn tư duy và đổi mới để tồn tại với nghề nghiệp của mình mà không bị cho là lạc hậu.
          Sự đổi mới cũng không cần phải thể hiện là một cái gì quá lớn lao:
- Đổi mới trong cách nhìn nhận, đánh giá, cho điểm học sinh.
- Đổi mới trong tổ chức một tiết dạy.
- Đổi mới trong lời giảng bài, trong ghi bảng.
- Đổi mới trong sử dụng phương tiện thiết bị dạy học …
Dù nhỏ nhưng vẫn được xem là đổi mới miễn sao nó có hiệu quả, có tiến bộ hơn so với cái trước đó.
Theo tư tưởng biện chứng thì đổi mới là qui luật tất yếu của phát triển. Đổi mới là sự vận động nội tại để theo kịp những yêu cầu mới của xã hội.
 Muốn đổi mới trước hết phải đổi mới bản thân mình trong quan hệ với đồng nghiệp, với học sinh, thái độ với công tác chuyên môn và cách nhìn về vấn đề đổi mới
Nói cách khác tự đổi mới bản thân là quyết định. Nếu chúng ta không đổi mới tư duy chính mình thì việc đổi mới chỉ là chắp vá, hô khẩu hiệu, và làm theo phong trào rồi đâu lại vào đấy.


LĐT  /  10 - 2011 


          

Không có nhận xét nào: