2/3/12

129. SA SÚT DẠY HỌC VĂN

SA SÚT CỦA VIỆC DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN
Lê Đức Thịnh                                 

Không thể phủ nhận môn ngữ văn (NV) là môn học công cụ, là cái chìa khóa mở tất cả các môn khoa học khác bởi “ngôn ngữ luôn gắn liền với tư duy- ngôn ngữ là công cụ của tư duy”. Trong nhà trường phổ thông môn NV vừa đáp ứng yêu cầu về tri thức vừa gắn với rèn dũa cho học sinh có được công cụ để đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống.
Việc giảng dạy môn văn trong nhà trường phổ thông hiện nay thì quả là vô khối chuyện phải bàn, cả tích cực lẫn tiêu cực, tuy nhiên điều đáng buồn là mặt tiêu cực trong dạy học và hiệu quả học tập bộ môn khiến người những trực tiếp dạy học bộ môn không khỏi đau lòng.
Sự sa sút của việc dạy văn và học văn trong nhà trường đã dẫn đến sự khuyết hãm về tri thức khoa học nhân văn của thế hệ trẻ được đào tạo trong nhà trường theo tôi là do những nguyên nhân sau đây: 


1. Đa số học sinh không thích thú đọc sách nói chung và đọc các tác phẩm văn học trong và ngoài chương trình nói riêng. Ít đọc sách hoặc không say mê, hứng thú đọc sách không phải các em không có thì giờ. Thời gian rỗi, học sinh thường vào mạng internet hoặc tiếp xúc với các phương tiện nghe nhìn hiện đại khác.
Một điều mà tất cả chúng ta thừa nhận là trong thời kỳ bùng nổ thông tin hiện nay thì “văn hoá đọc” bắt buộc phải chia sẻ cho “văn hoá nghe nhìn” và Internet. Nếu ai đó bảo rằng đọc là để học làm người thì cũng phải chấp nhận rằng đọc không phải là phương tiện duy nhất, hữu hiệu nhất để học. Nếu như vào những thập kỷ trước, một cuốn sách hay đã là món ăn tinh thần vô cùng quý giá, thì hôm nay giới trẻ còn có rất nhiều cái để chọn lựa.

2. Phụ huynh học sinh cũng không thích cho con học văn. Họ đầu tư cho con học các môn tự nhiên để sau này theo học các ngành kỹ thuật kiếm được nhiều tiền. Từ quan niệm của các bậc phụ huynh, đến tác động của môi trường, dẫn đến việc dạy và học văn thiếu sinh khí.
Trong khi ai cũng nhận thấy là môn NV dẫu không thể làm cho người ta kiếm nhiều tiền, nhưng ai cũng thấy “văn” được ứng dụng rất phổ biến. Giao tiếp trong đời sống, tình huống nào cũng cần đến “văn”.

3. Tình trạng việc dạy văn, học văn hiện nay trong nhà trường chỉ một mình giáo viên văn chèo chống, không có sự phối hợp với các bộ môn khác, lại càng không tìm được sự ủng hộ của bên ngoài xã hội. Đây là vấn đề vượt quá khả năng của người dạy văn, nếu không nói là “lực bất tòng tâm”.

4. Về phía người dạy học: dù người giáo viên dạy môn NV được đào tạo bài bản trong nhà trường nhưng không hẳn ai cũng có đủ tầm và tâm huyết với bộ môn. Nhất là tình trạng mức sống của nhà giáo (nói chung) như hiện nay và cách nhìn thực dụng của xã hội về môn NV đã khiến cho nhiệt tình của người dạy học  với văn chương đã giảm sút.

          5. Chương trình và SGK môn NV ở mọi cấp học hiện nay cũng có nhiều vấn đề gây dư luận xã hội như:
- Sự quá tải về chương trình: vấn đề này không được giải quyết triệt để mà chỉ giải quyết theo cách cắt xén, điều chỉnh giảm tải có khi là tùy tiện và thiếu khoa học.
- Sự quá tải về yêu cầu dạy học: hiện nay trong dạy học văn ngoài yêu cầu chính là đáp ứng các mục tiêu khám phá giá trị thẩm mỹ văn chương của tác phẩm người dạy còn phải cố gắng đạt được nhiều yêu cầu mang tính chính trị tư tưởng xã hội khác …
- Tính khuôn mẫu trong giảng dạy văn học. Tác phẩm nào, đề tài nào cũng được đưa vào khuôn mẫu nên không tạo được nhiều góc nhìn, nhiều cách giải quyết, nhiều cách thưởng thức văn học cho người học văn và dạy văn.
- Nhiều chương trình học không phù hợp với trình độ, tâm lí, khả năng tiếp thu của học sinh (chương trình NV 7 phần văn học Trung đại Trung Quốc).
- Chưa có nhiều tác phẩm hay được tuyển chọn đưa vào SGK NV. Thiết nghĩ các tiêu chí tuyển chọn những tác phẩm nào, ai được đưa vào SGK cũng nên có một cách nhìn thông thoáng hơn, ngõ hầu tạo nên một bức tranh đầy đủ của văn học Việt cũng như văn học nước ngoài.
***
          Tình trạng trên là một thực tế đã được các nhà giáo dục lên tiếng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên trong bài này, chúng tôi không đề cập đến những vấn đề lớn mang tính vĩ mô như tư tưởng, triết lý giáo dục … mà chỉ nêu một vài ý kiến có tính khả thi để góp phần chấn chỉnh việc dạy học môn văn trong nhà trường hiện nay:

1. Không nên bó hẹp việc học văn chỉ ở việc giảng dạy trên lớp. Quá chú trọng việc giảng dạy trên lớp dẫn đến nhồi nhét kiến thức sách vở. Cần đa dạng hóa hình thức học NV như: sinh hoạt câu lạc bộ, hướng dẫn sáng tác, tổ chức giao lưu…

2. Cần cho học sinh hiểu được rằng học văn (theo nghĩa rộng) không chỉ học về tri thức văn chương mà cả thực hành diễn đạt hay, sinh động về điều mình muốn nói. Hiểu theo nghĩa này thì học văn là học suốt đời. Bởi vì cuộc sống cần giao tiếp, cần diễn đạt để hiểu nhau, để nắm thông tin thì văn là phương tiện luôn luôn đồng hành cùng con người.

3. Không nên nghĩ rằng việc rèn môn văn cho học sinh chỉ là trách nhiệm của thầy cô giáo dạy môn văn mà từ các giáo viên trong nhà trường, tới cả xã hội đều phải có ý thức rèn giũa về văn cho con em của mình. Nói cách khác cần xã hội hóa môn NV bởi đây là môn học công cụ quan trọng - có một công cụ ngôn ngữ tốt thì việc giao tiếp sẽ có hiệu quả. Từ thực tế trên đây, rõ ràng để học sinh học tốt môn văn rất cần sự nghiêm khắc phối hợp của giáo viên các môn học khác trong nhà trường.
 
Việc học sinh chán học văn, xã hội lấy quan điểm thực dụng để ứng xử với môn văn trong nhà trường hiện nay đã dẫn đến một hậu quả là tạo ra những khoảng trống nhân văn trong tâm hồn con người. Đây sẽ là một thiếu hụt không bù đắp nổi, làm con người ngày càng trở nên vô cảm hoặc lệch lạc trong văn hóa ứng xử.
Đó là mất mát lớn nhất mà chúng ta đã nhìn thấy và xã hội đang lên tiếng báo động trong những năm gần đây.

LĐT

Không có nhận xét nào: