23/12/12

270. NHỮNG PHÂN VÂN KHI DẠY BÀI "CHIẾU DỜI ĐÔ"



  Nguyễn Minh Khiêm

       Chiếu dời đô (hay Thiên đô chiếu) của Lý Công Uẩn được đưa vào giảng dạy trong sách Giáo khoa Ngữ Văn 8, THCS từ 2004. Mục đích đưa bài Chiếu dời đô vào giảng dạy ở chương trình Ngữ văn 8 đã được ghi rõ trong Sách giáo viên Ngữ văn 8 như sau : "-Thấy được khát vọng của nhân dân ta về một đất nước độc lập, thống nhất, hùng cường, và khí phách của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh được phản ánh qua chiếu dời đô ; - Nắm được đặc điểm cơ bản của thể chiếu. Thấy được sức thuyết phục to lớn của Chiếu dời đô là sự kết hợp giữa lý lẽ và tình cảm. Biết vận dụng bài học để viết văn nghị luận". 

        Phần ghi nhớ được đóng khung, cũng có nội dung tương tự :"Chiếu dời đô phản ánh khát vọng của nhân dân về một đất nước độc lập, thống nhất, đồng thời phản ánh ý chí tự cường của dân tộc Đại Việt đang trên đà lớn mạnh. Bài chiếu có sức thuyết phục mạnh mẽ vì nói đúng được ý nguyện của nhân dân, có sự kết hợp hài hoà giữa lý và tình". Về tác giả, sách giáo viên nhấn mạnh: "Lý Công Uẩn là người thông minh, nhân ái, có chí lớn, sáng lập vương triều Lý". 
  Đó là phần cứng phải đạt được. Nói cách khác, dù bằng bất cứ giá nào, cách nào, phương pháp nào giáo viên cũng phải đạt được những yêu cầu bắt buộc ấy. Trong óc học trò, trong trí nhớ học trò phải có những điều ấy để ghi nhớ. Nhưng trong thực tế, không ít những phân vân, những điều khó lý giải thấu đáo, trong quá trình giảng dạy bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.
       1. Trước hết về tác giả:
      -Trong tác phẩm Chiếu dời đô, không có dòng nào thể hiện rõ Lý Công Uẩn là người "thông minh, nhân ái, có chí lớn". Chỉ có mục dấu sao (*) phần Chú thích, trong SGK Ngữ văn 8 ghi : "Lý Công Uẩn ( 974-1028) tức Lý Thái Tổ, người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ông là người thông minh, nhân ái, có chí lớn, và lập được nhiều chiến công. Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thần vệ điện tiền chỉ huy sứ" Như vậy là, SGK cũng như Sách giáo viên (SGV), nhấn mạnh cái không hề có trong tác phẩm Chiếu dời đô; Nhưng người biên soạn sách lại cố tình không đả động đến một chi tiết ghi rõ trong chú thích, một phần đời thực tế trong sự nghiệp của Lý Công Uẩn là : "Dưới thời Tiền Lê, ông làm đến chức Tả thần vệ điện tiền chỉ huy sứ». Hiểu cho đúng, cho trung thực thì Lý Công Uẩn được Lê Hoàn yêu quý, tin tưởng, bồi dưỡng, cất nhắc làm đến chức "Tả thần vệ điện tiền chỉ huy sứ". Lý Công Uẩn được hưởng lộc rất lớn nhà Tiền Lê. Tại sao SGK và SGV lại coi như không có chi tiết này? Có thể, đối với một số giáo viên, một số phụ huynh không biết cụ thể chi tiết này, nhưng hầu hết giáo viên và phụ huynh học sinh đều hiểu lịch sử. Và cho dù, bây giờ giáo viên không đả động đến chi tiết này thì khi lớn lên, các em cũng sẽ hiểu về lịch sử. Lỗ hổng này sẽ làm sụt lở niềm tin của các em, làm ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của một dân tộc.
      - Câu kết của bài Chiếu dời đô, tác giả viết : "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào" ( NMK tô đậm ) ? Vấn đề nảy sinh câu hỏi ở đây là, "chỗ ở" của vua khác Kinh đô một nước ở chỗ nào? Nó có khác không? Tại sao Lý Công Uẩn không nói trẫm muốn chọn nơi này làm Kinh đô Đại Việt ? Khi giảng, dù giáo viên có cố lái chỗ ở của vua cũng là Kinh đô, đồng nhất với Kinh đô của đất nước thì cái tầm của vua, cái chí của vua không rạng rỡ được, không có sức thuyết phục bởi cái thực tế rất đơn giản, rất tầm thường của con chữ: "định chỗ ở"
  Còn câu hỏi :"Các khanh nghĩ thế nào" ? Hoàn toàn là hình thức. Nó thể hiện hai ý: Một, Tính quyết đoán của vua không cao, không dứt khoát, không mạnh mẽ; Hai, nó thể hiện vua chỉ hỏi lấy lệ. Bởi vì, chiếu vua không phải là chỗ tham khảo ý kiến. Chiếu vua là chỉ thị, là mệnh lệnh. Chiếu vua không phải là thứ còn trưng cầu ý kiến. Sự thật, vua cũng không lắng nghe ai cả ở câu hỏi này.        
       2. Về tác phẩm.
  - Mở đầu bài Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết : "Xưa nhà Thương đến vua Bàn Canh năm lần dời đô; nhà Chu đến vua Thành vương cũng ba lần dời đô"… Giảng như thế nào về các dẫn chứng Lý Công Uẩn nêu ra trong bài ? Mục đích chỉ vì đóng đô ở trung tâm, mưu nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu ? Đây là cách lập luận để dời đô của Lý Công Uẩn. Nhưng khi giảng về sự kiện này có rất nhiều vấn đề nảy sinh. Rất nhiều câu hỏi nghịch được đặt ra. Khoan hãy nói tới tính chính xác các lần dời đô của hai nhà Thương, Chu. Hãy nhìn vào thực tế Lịch sử Trung Quốc cổ đại xem dời đô nhiều thế có phải là do muốn cháu con hưng thịnh hay không ? Không phải thế. Sở dĩ nhà Thương, nhà Chu phải dời đô nhiều như thế vì giặc dã quấy phá liên miên, chiến tranh huynh đệ tương tàn liên miên. Các nước thi nhau xưng hùng xưng bá. Vua này lên ở kinh đô cũ không ổn, không được lòng dân ở đó, sợ bị tiêu diệt nên phải dời đến nơi đất mới. Và cuối cùng bị tiêu diệt. Đó là sự thật. (Điển hình cho sự thật này là trường hợp Hồ quý Ly ở nước ta sau này). Học trò không biết điều đó nhưng giáo viên biết. Lịch sử biết. Người thy không thể vì sự áp đặt của SGV hướng dẫn mà làm sai lệch sự thật lịch sử. Một khía cạnh khác ẩn trong lập luận là, học sinh dễ hiểu một quy luật tất yếumuôn đất nước hưng thịnh thì phải dời đô ; không dời đô là bảo thủ. Trong thực tế nước ta, thời đại các vua Hùng hàng nghìn năm, sản sinh ra nền văn minh trống đồng rực rỡ, có dời đô lần nào đâu ?
  - Mở đầu đoạn 2, Lý Công Uẩn viết: "Huống gì thành Đại La , Kinh đô cũ của Cao Vương" Cao Vương là Cao Biền. Đây là viên tướng của nhà Đường, được vua Đường phong chức Tiết Độ Sứ, cai quản Giao Châu (tức Đại Việt) từ năm 866 – 875. Sau Cao Biền làm phản nhà Đường, bị vua Đường bắt, giết năm 887. Cao Biền đã tàn sát dân tộc ta vô cùng tàn khốc trước khi đặt được ách đô hộ. Trong thời gian cai trị (10) năm, Cao Biền cho đắp thành Đại La, (sau gọi là La Thành). Đại La là Lỵ sở của Cao Biền chứ không phải là Kinh đô của Cao Vương như Lý Công Uẩn nói. Vả lại, nói Kinh đô cũ của Cao Vương là không đúng. Vì Cao Biền chỉ được phong tước Vương, là quan, được nhà Đường cử sang cai trị nước ta chứ Cao Biền không phải là Vua. Nơi quan ở làm việc sao gọi là Kinh đô được? Vậy khi giảng đến các chi tiết này, giáo viên có dám nói thật cho học sinh hay không? Ai bảo học sinh không hỏi về Cao Biền? Ai bảo không có những câu hỏi Đại La là đất muôn đời tại sao Cao Biền chỉ cai trị được 10 năm? Dẫn chứng và lập luận của Lý Công Uẩn chỗ này đầy mâu thuẫn. Nó thể hiện, Lý Công Uẩn không có kiến thức sâu, rộng, uyên bác ; tác giả cố nói lấy được. Nếu giảng theo kiểu bưng bít thì học trò phải chịu. Nhưng lương tâm người thy không cho phép thế. Phương pháp giảng dạy văn chương là phải để cho câu chữ tự nói, tác phẩm tự nói. Học sinh tự thấm.
  - Sau khi đưa một loạt dẫn chứng dời đô của các triều Thương, Chu (Trung Quốc), Lý Công Uẩn giáng một câu: "Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền" !…Tại sao Lý Công Uẩn lại mỉa mai, chê bai hai nhà Đinh, Lê ghê thế? Lý Công Uẩn có phải được sinh ra từ Tiền Lê hay không ? Vậy chỗ này giảng về đạo lý làm người, uống nước nhớ nguồn; giảng về nhân cách làm người, cho học sinh như thế nào ? Quả là vô cùng khó. Còn nguyên nhân ai làm cho nhà Tiền Lê không được lâu bền ? Có phải Lý Công Uẩn không ? Tại sao khi còn là quan Đại Thần trong triều, Lý Công Uẩn không hiến kế cho Lê Hoàn dời đô ? Rất nhiều câu hỏi học sinh có thể hỏi.
3. Về gợi ý, hướng dẫn giảng dạy, tìm hiểu tác phẩm trong sách giáo khoa và sách giáo viên.
  a. Sách giáo khoa: Có 4 câu hỏi lớn cho học sinh ọc - Hiểu" bài văn. Cả bốn câu đều chung một chiều thuận là hướng học sinh trả lời đến cái đích mà yêu cầu đặt ra. Chỗ nào SGV cũng định hướng GV "nhấn mạnh" theo chủ quan người biên soạn chứ không xuất phát từ tác phẩm. Điển hình cho loại dẫn dắt đó là câu 4 : "Chứng minh Chiếu dời đô có sức thuyết phục to lớn bởi có sự kết hợp giữa lý và tình". Có nghĩa là, tất cả cùng một dạng áp đặt, trả lời ý chung chung. Không hề có một câu hỏi nào tìm, cảm nhận cái hay, cái đẹp của từ, ngữ, hình ảnh.
  b. Các câu hỏi trong sách giáo viên thường ở dạng thế này: "Theo suy luận của tác giả thì việc dời đô của các vua nhà Thương, nhà Chu nhằm mục đích gì ? Kết quả của việc dời đô ấy" ? "Theo tác giả, không dời đô sẽ phạm những sai lầm: Không theo mệnh trời, không biết học theo cái đúng của người xưa và hậu quả là triều đại ngắn ngủi, nhân dân thì khổ sở, vạn vật không thích nghi"
    Nhìn vào toàn bộ hệ thống câu hỏi định hướng cho học sinh, cả SGV và SGK không hề dẫn dắt cho học sinh tự khám phá tác phẩm, tự tìm ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm mà định ra một hệ thống câu hỏi, một hệ thống các ý trả lời mang tính sắp đặt. Thực tế "mệnh trời" và "cái đúng của người xưa"  lại là những cái rất mơ hồ, không hề có căn cứ. Điều này trái với phương pháp dạy văn và học văn, trái với phương pháp dạy học hiện đại là phát huy trí lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học trò. Người thy chỉ làm nhiệm vụ gợi mở, dẫn dắt.
  Không có tác phẩm văn chương nào được đưa vào chương trình Ngữ Văn THCS mà tính hai mặt của nó lại rõ, phức tạp, nhiều phân vân trong giảng dạy như Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Theo tôi nghĩ, chưa nên đưa bài Chiếu dời đô vào chương trình Ngữ văn ở bậc học này.

Không có nhận xét nào: