20/10/18

1.255. TÔI SẼ LÀM GÌ TRƯỚC KHI CHẾT


           Mộc Nhân

Thường thì ở giai đoạn sung mãn về vật chất và tinh thần, người ta không để ý, không suy nghĩ đến cái chết. Rồi chúng ta - bạn và tôi - một ngày nào đó đều sẽ phải từ giã cõi đời. Chúng ta đương đầu với cái chết khi những tình huống an nguy hiển hiện trước mắt.

Có thể là bất đắc kì tử hay một cái chết dự báo trước vì một lí do nào đó như bệnh tật, thất tình, vỡ nợ… Cũng có những cái chết bất chợt như: vui quá cũng chết, buồn quá cũng chết… Có người sợ chết, có người đón nhận cái chết bình thản: “Chết chẳng là gì, không sống mới đáng sợ” . Cái chết luôn lẩn khuất ở một góc kín trong tâm trí, tác động lên tiềm thức và cuối cùng sẽ xui khiến hành động chúng ta.
Đa số chúng mang đến những tác động tích cực như: làm việc thiện, đi chùa hoặc nhà thờ, ăn chay, giảm sân si, quan tâm con cái, viết sách hay hồi kí, lập di chúc, nói về chuyện hậu sự, đối xử tốt hơn với những ai đồng cảm đồng cảnh với mình, sẽ sống lại những hồi ức về tình yêu cuộc sống, trở nên vị tha, biết hy sinh bản thân nhiều hơn, suy ngẫm thấu đáo hơn về những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực mà họ từng trải qua trong đời.
Cũng có nhiều người ám ảnh về cái chết mà sinh ra những tác động tiêu cực như: sinh hoạt buông thả, tiêu pha hoang phí, hủy hoại những gì mình không thích, bất cần, trở nên yếm thế hơn… Đôi khi họ bị xâm chiếm bởi cảm giác vô nghĩa; ta có cần gì phải làm điều ấy vì trước sau gì cũng chết thôi ! Cảm giác vô nghĩa cũng sẽ khiến nhiều người từ bỏ suy nghĩ tích cực.
Để chống chọi với điều đó, con người nương tựa vào những niềm tin do văn hóa tạo dựng nên để trấn an nỗi kinh sợ và phản ứng một cách thù địch với bất cứ điều gì đe dọa những niềm tin này đồng thời cố khẳng định bản thân. Chẳng hạn như người đi “coi bói” biết được hậu vận rằng mình sẽ chết đuối thì họ sẽ tập bơi hoặc tránh qua sông qua đò; người được tiên đoán sẽ chết vì tai nạn giao thông sẽ chọn tránh đi xe bằng bất cứ giá nào; người được tiên đoán chết vì tình sẽ không tha thiết yêu đương hoặc yêu rồi dừng lại…
          Chết là một phần tất yếu của sự sống, sự mong manh của cuộc sống sẽ giúp ta ý thức được rõ hơn về giá trị cuộc sống và nhìn nhận được rằng 'tất cả chúng ta đều cùng trên một con thuyền'," làm tăng lòng khoan dung và lòng trắc ẩn.
Phản ứng thế nào khi biết được về cái chết của mình sẽ thay đổi tùy vào nhân cách và những đặc điểm của mỗi cá nhân.
Người bị loạn thần kinh thì lo nghĩ về cái chết nhiều hơn.
Người tịnh tâm chuẩn bị cho cái chết hơn là sợ chết.
          Cái chết cũng tạo nên nhiều thiết chế văn hóa xã hội như: các lễ nghi, tập tục, cúng bái, bùa phép… thậm chí có nhiều nghi thức và tập tục xã hội biến ngày chết thành ngày vui mừng, hội ngộ…
          Bao giờ tôi sẽ chết nhỉ?
          Và tôi chết vì lí do gì nhỉ?
         Câu trả lời là bí số!!! Nhưng trước khi chết ai cũng phải tự mình nghĩ lấy hai điều: niềm tin của chính mình và cái chết của chính mình.

Không có nhận xét nào: