23/10/18

1.256. CHIẾC GIÀY THỦ THIÊM

Chị Thùy Dương - nhân vật chính trong câu chuyện ném giày

Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Thủ Thiêm vào sáng 20/10/2018, một phụ nữ trong khán phòng đã ném thẳng chiếc giày (thương hiệu giày UYÊN - Quận 2, SG) về bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.Hồ Chí Minh.

Người phụ nữ sau đó ngay lập tức bị  nhiều nhân viên an ninh áp chế và đẩy ra khỏi khán phòng.
Chi tên là Nguyễn Thị Thùy Dương, một người nội trợ, biết làm bánh, gia đình có công với cách mạng.
Hành động ném giày của chị là do bức xúc lâu năm sau khi gia đình chị cũng như nhiều bà con khác nơi đây bị thu hồi đất ruộng mà không đền bù thỏa đáng và hành trình đi kiện tụng kéo dài.
Chị nói: "Tôi không có quan điểm chính trị. Chỉ là mình không chấp nhận được việc sai trái." Và "lúc bị đưa ra khỏi hội trường, tôi chỉ thấy mình khác người bởi họ (chính quyền) không giống tôi, khi tôi phạm lỗi thì xin lỗi, hối lỗi và khắc phục hậu quả của người bị tổn hại, còn họ thì không”.
Chị bị phạt 750.000 đồng về tội "ném vật dụng vào người khác".
          Lời nói của chị Dương cũng đã phản ảnh sự bức xúc của nhân dân trước thái độ và hành xử của chính quyền trong những việc gây ra oan sai ở Thủ Thiêm:
          - Họ chỉ xin lỗi suông mà không tích cực giải quyết những tồn đọng.
- Từ oan sai về cưỡng chế đất đai trong giải tỏa sai trái mà dẫn đến những nỗi đau về nhân mạng, phá vỡ hạnh phúc và cuộc sống bình yên nơi đây.
- Người dân Thủ Thiêm khi khiếu kiện lại bị coi như "thế lực thù địch".
- Người đại biểu của nhân dân nơi đây đã không làm gì để bảo vệ lẽ phải khiến họ mất niềm tin, đẩy bức xúc của người dân đến tận cùng.
- Giờ đây không muốn nghe hứa nữa, họ muốn được trả lại công bằng và lẽ phải.
Đành rằng hành động của chị Dương là khó có thể chấp nhận, có biểu hiện “vi phạm pháp luật” nhưng dường như hành động đó được cộng đồng mạng hưởng ứng, đồng tình thậm chí là hả hê; thậm chí họ còn tiếc rằng chị Dương ném chiếc giày không trúng đích (ném vào mặt bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Tp HCM).
Tôi nghĩ rằng người đại biểu của dân phải biết nhìn lại mình, trước hết lỗi thuộc về họ vì đã một thời gian dài họ không làm gì để cho người dân hết bức xúc, không làm tròn bổn phận mà người dân gửi gắm niềm tin, nỗi bức xúc đã dồn nén lâu ngày trờ thành “nước tràn ly”.
Đã vậy thay vì giải quyết nỗi oan cho người dân thì gần đây Hội đồng Nhân dân TP.Hồ Chí Minh lại triệu tập một cuộc họp bất thường để thông qua kế hoạch xây Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng ngay chính trên mảnh đất mà người dân vừa bị mất, giống như trêu ngươi, hát cười trên nỗi đau của họ.
Hành động ném giày của chị Dương khiến ta liên hệ với hành động của chị Dậu trong tác phẩm “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố khi chị Dậu phản kháng tên cai lệ thúc sưu, dồn gia đình chị vào đường cùng khiến “tức nước vỡ bờ” nên chị Dậu đã túm lấy cổ tên cai lệ và ấn dúi ra cửa khiến hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất… Hai hành động, hai thời điểm, hai bối cảnh khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự bức xúc: khi nỗi đau dồn nén, khi không còn biết tìm công lý ở đâu… thì người dân sẽ phản kháng mạnh mẽ, “con giun xéo mãi cũng oằn”.
Một nhà báo đã phát biểu: "Đừng hứa suông nữa mà hãy dũng cảm nhặt chiếc giày lên và trân trọng gửi lại cho người ném giày”
Còn chị Thùy Dương, nhân vật chính trong chuyện ném giày cũng nói thêm: "Đầu tiên hãy xây dựng nhân tính trước khi bàn đến xây dựng văn hóa." ...
Chiếc giày mà chị Dương ném vào mặt bà QT

Không có nhận xét nào: