1/10/18

1.243. BÔNG LÚA CHÍN CÚI ĐẦU

             Mộc Nhân

Người Nhật có một câu nói nổi tiếng: “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” – câu nói ngắn gọn, chân thành, giản dị, đầy hình ảnh đã khái quát tầm cao văn hóa ứng xử của người dân xứ Phù Tang. Thật đáng khâm phục ở một nơi không gắn với nền văn mình cây lúa lại có một câu nói sử dụng hình ảnh cây lúa hay đến như vậy.

  Hẳn chúng ta ai cũng biết cây lúa từ khi gieo cho đến khi gặt trải qua nhiều giai đoạn sinh trưởng: mạ non mơn mởn – lúa xanh mát mắt – trổ đòng vươn cao - tỏa thơm mùi sữa – và ngậm hạt chờ thu hoạch.
Mỗi giai đoạn, cây lúa đều thể hiện vẻ đẹp của mình. Đẹp nhất là giai đoạn trổ đòng đòng, người ta ví bông lúa như cô gái xuân thì (Thân em như chẽn lúa đòng đòng/ Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai – Ca dao); lúc này bông lúa ngẩng cao đầu để phô vẻ đẹp hình thể và hương thơm của mình trước nắng gió.
Khi bông lúa vào giai đoạn chín - người ta gọi bằng một hình ảnh khá cụ thể là “lúa cúi đầu” – đòng đòng ngậm sữa dần nặng hạt làm cho nhánh lúa oằn cong trông thật đẹp mắt. Lúa cúi đầu là lúa đã tích lũy đủ dinh dưỡng bên trong để trở thành hạt lúa và chuẩn bị phục vụ cho cuộc sống con người. Hay nói theo kiểu triết học là lúa đã hoàn thiện cả về lượng và chất.
Từ hình ảnh lúa cúi đầu, người Nhật đã gởi gắm một hàm ngôn sâu xa: người trẻ có thể tự mãn về vẻ đẹp của mình nhưng khi đã từng trải, trưởng thành thì càng phải thể hiện những phẩm chất: khiêm tốn, nói ít làm nhiều, biết thu mình để tạo ra giá trị cho đời, sắn sàng cống hiến phục vụ…
Con người giai đoạn này đã hiểu mình, hiểu lẽ đời nên không cần phải tự tôn cùng cái tôi cá nhân nữa.
Mọi thứ rồi cũng qua đi… tự vấn cuối cùng trong đời là mình đã làm được gì; mình đã ứng xử với mọi người ra sao để không cảm thấy hổ thẹn cùng đồng loại.
Điều thú vị ở đây là những người biết cúi mình thì trở nên vĩ đại và những người vĩ đại mới biết cúi mình khiêm tốn. Ngạn ngữ Anh có câu Tri thức làm ta khiêm tốn, ngu si làm ta kiêu ngạo” cũng với ý nghĩa đó.
Sông lớn biết hạ mình xuống thì trăm sông ngàn suối đổ về. Mây hạ mình xuống để đem mưa về cho đời…
Hãy thử nhìn lại văn hóa cúi đầu của người Nhật chúng ta sẽ thấy họ vĩ đại như thế nào: gặp nhau cúi đầu chào với cung cách trọng thị; ông chủ cúi đầu – khoanh tay trước khách hàng vì khách hàng là thượng đế; trong những biến cố họ đều xếp hàng nhường nhịn nhau không tranh giành xô đẩy để hưởng lợi trước; cửa vào nhà của họ cũng thấp vừa phải để chủ hay khách vào ra cũng đều chú ý động tác cúi chào…
Câu nói của người Nhật thể hiện triết lý sống của một dân tộc: khi khó khăn hãy cứ vươn mình; có cái đẹp hãy tỏa sáng còn khi thành công và trải đời hãy biết cúi đầu , không kiêu ngạo tự mãn. Triêt lý lúa cúi đầu đã  làm nên một nước Nhật - đất nước thường xuyên phải gánh chịu thương đau từ thiên tai, thảm họa, bước ra từ cuộc chiến tranh hủy diệt nhưng chính tính cách kiên cường mà khiêm tốn, biết học hỏi đã làm họ vươn mình hồi sinh khiến cả thế giới nghiêng mình ngưỡng mộ.
Hành động cúi đầu còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa như cúi đầu để thể hiện sự tôn trọng, để tỏ lòng biết ơn và kể cả cúi đầu hối lỗi, xin lỗi…
Tuy nhiên, chúng ta đừng nhầm lẫn giữa cái cúi đầu “tri kỉ tri bỉ” như đã nói trên với cái cúi đầu khiếp nhược, nép mình. Đó là hai kiểu hành xử khác nhau: một bên làm cho con người thêm vĩ đại, đáng kính; còn kiểu kia khiến con người trở nên tự ti, đớn hèn cần phê phán.
Lúa cúi đầu mang trong nó một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một tính cách khiêm nhường và chỉ có những người ở tầm cao văn hóa, tri thức mới biết cúi đầu như thế. Balzac – nhà văn Pháp gọi “Sự khiêm tốn là lương tri của cơ thể” (Modesty is the conscience of the body) bởi khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường.
Lúa cúi đầu không chỉ là văn hóa ứng xử và phong cách Nhật, rộng ra đó là văn hóa nhân loại mà mỗi chúng ta cần chinh phục bản thân mình trước khi chinh phục nhân loại.
Lúa cúi đầu  khiến ta ngẫm ra một câu nói của John Wooden : “Tài năng và hình thể Chúa ban cho – hãy thể hiện khiêm tốn; danh vọng và tiền bạc người đời cho - hãy tỏ lòng biết ơn; tính tự phụ bản thân ta tự cho - hãy ứng xử cẩn thận”.

Không có nhận xét nào: