“Norwegian Wood” (rừng Na-uy hoặc gỗ Na-uy) là một
sáng tác nổi tiếng nằm trong album “Rubber Soul” (1965) của ban nhạc The
Beatles do John Lennon sáng tác. Bài hát được tạp chí âm nhạc “Rolling
Stone” xếp thứ 12 trong danh sách 100 bài hát xuất sắc nhất của The
Beatles và đứng thứ 83 trong danh sách "500 bài hát vĩ đại nhất".
Điều gây tò mò nhất khi nghe bài hát là nhan đề lạ và ca
từ hết sức giản dị của nó. Nội dung bài hát kể lại câu chuyện: chàng trai đến
thăm nhân tình, trong gian phòng bằng gỗ rừng Na-uy, chàng ngồi trên tấm thảm
sàn uống rượu và nói những câu chuyện rời rạc suốt đêm, rồi ngủ lại trong phòng
tắm. Sáng hôm sau cô gái đi trước bỏ chàng lại; chàng ngồi lại đốt một ngọn lửa
bằng những đồ vật làm bằng gỗ rừng Na-uy có trong gian phòng để giải sầu !
Rừng Na-uy là rừng gì? Đó là loại rừng trồng cây thông
phổ biến ở xứ Na-uy, không có giá trị gì lớn, thường chỉ để làm nhà ván thông lắp
ghép hoặc đóng đồ gỗ thông thường. Các ngữ liệu trong ca khúc toàn là những điều “thường”: cô gái bình thường trong ngôi nhà bằng gỗ thông Na-uy thường, vật dụng
trong nhà đơn sơ thiếu hụt, họ nói với nhau những câu chuyện tầm phào, tiếp đón
tình nhân tuềnh toàng, làm tình rồi ngủ luôn trong phòng tắm, sáng ra chia tay
đột ngột và chắc chắn là tình cảm cũng thường thường không có gì để lưu luyến.
Vậy nên chàng trai buồn ý mà đốt đi vài đồ vật trong gian phòng cũng là chuyện
bình thường… !!! Đốt xong chàng thốt lên "chẳng phải là quá đẹp sao" (isn't it good) !!!
Chuyện trong bài hát chỉ có vậy, chẳng có chất thơ
nhưng chất nhạc và sự mới mẻ trong giai điệu, hòa âm phối khí khiến bài hát được
đánh giá là "sản phẩm thuần chất, một trong những ca khúc pop hay nhất đương
thời". Nhà phê bình nghệ thuật Richie Unterberger cho rằng: "không
nghi ngờ rằng đây là phần ca từ hay nhất mà The Beatles từng viết giữa làn sóng
folk rock".
Có lẽ văn hóa, ngôn ngữ và thời đại khiến chúng ta
chưa cảm nhận hết cái hay của ca từ bài hát chăng ? Nhưng đối với tôi, những ca
khúc bất tử của The Beatles như: “Norwegian wood”, “Let it Be”, “Yesterday”,
“Imagine”… luôn có sức lôi cuốn kì lạ, nghe đi nghe lại không bao giờ chán và
dường như mỗi lần nghe đều khám phá một nét mới trong giai điệu hoặc bắt gặp điều
gì đó tương cảm từ sâu thẳm hồn mình.
Ca từ bài hát Norwegian Wood
NORWEGIAN WOOD
By John Lennon
I once had a girl
or should I say, she once had me.
She showed me her room
isn't it good,
Norwegian wood.
She asked me to stay
and she told me to sit anywhere.
So I looked around
and I noticed there wasn't a chair.
I sat on a rug,
biding my time, drinking her wine.
We talked until two
and then she said, "It's time for bed".
She told me she worked in the morning
and started to laugh.
I told her I didn't
and crawled off to sleep in the bath.
And when I awoke I was alone
this bird had flown.
So I lit a fire
isn't it good
Norwegian wood.
|
RỪNG NA-UY
Chuyển ngữ Mộc Nhân
Tôi đã từng có một cô gái
hay nói đúng hơn, cô ấy có tôi.
Nàng dẫn tôi đến gian phòng của mình
chẳng phải là thật đẹp hay sao
gỗ rừng Na uy.
Nàng bảo tôi ở lại
và hãy ngồi xuống bất cứ đâu.
Tôi nhìn quanh
và thấy chẳng có cái ghế nào.
Tôi ngồi trên thảm,
giết thời gian, uống rượu.
Chúng tôi nói chuyện đến 2h,
và rồi cô ấy nói "đã đến lúc đi ngủ".
Cô ấy nói mình làm việc vào buổi sáng
và bắt đầu cười.
Tôi bảo nàng rằng tôi không như thế
rồi tôi lê chân vào ngủ trong nhà tắm.
Khi tôi tỉnh dậy chỉ còn một mình
cánh chim ấy đã bay xa.
Vậy nên tôi đốt lên một ngọn lửa
chẳng phải thật đẹp hay sao
gỗ rừng Na uy.
|
***
Hơn
hai thập kỷ sau, Haruki Murakami, nhà văn người Nhật, từ niềm cảm hứng với bài
hát này đã viết nên câu chuyện của riêng mình thành tiểu thuyết “Norwegian wood”
(Rừng Na Uy). Cuốn truyện nhẹ nhàng, sâu lắng như tình khúc của Lennon lấy bối
cảnh nước Nhật thời hậu chiến: phồn vinh mà cô đơn, thế hệ trẻ lớn lên sau
chiến tranh cảm thấy lạc lõng, bế tắc. Cuốn sách đã lay động trái tim của hàng
triệu độc giả trên thế giới và đưa tên tuổi của tác giả lên vị trí của một
trong những nhà văn được yêu thích nhất của Nhật Bản và thế giới.
Tác
phẩm có sự pha trộn của rất nhiều yếu tố: tình cảm lãng mạn, tình dục trần trụi,
kinh dị, hoang tưởng thông qua nhiều ẩn dụ cùng những tình tiết mơ hồ, thực tại
và tưởng tượng đan xen, chồng lên nhau.
Nhân
vật chính trong truyện Wantanabe khi nghe bản nhạc “Norwegian wood” của The
Beatles nhớ về Naoko, mối tình đầu thời sinh viên 20 năm về trước. Nhưng ký ức
về Naoko giờ đây đã nhạt mờ dù anh vẫn yêu và nhớ về nàng khiến Wantanabe nghĩ
rằng anh phải viết lại câu chuyện của mình như một cách để hiểu về Naoko và
hiểu về chính con người anh.
Dòng
ký ức của Wantanabe quay về thời ở trong một khu học xá đại học. Các sự việc,
nhân vật nối tiếp nhau xuất hiện trong bối cảnh những sự kiện của nước Nhật đầu
những năm 70 như: phong trào bãi khóa, sự xuất hiện của những hệ tư tưởng, nỗi
cô đơn lạc lõng đến tột độ của con người, nhất là lớp trẻ. Họ chơi vơi trong
thế giới của mình vì không tìm được lí tưởng và sự hòa nhập xã hội nên đã đi theo trái tim, tìm
cho mình một lối sống riêng trong đó có cả tình yêu, tình dục, rong chơi… và ít
nhiều mâu thuẫn với những giá trị đã được định hình trong xã hội.
Tình
yêu và sự mất mát là hai chủ đề chính luôn song hành và đan xen nhau trong tác
phẩm. Với tình yêu, Murakami chọn cho mình một cách diễn tả rất riêng, không có
những mối tình lãng mạn cổ điển mà những mối tình rất thật, rất đời, không tô
vẽ. Dưới con mắt của tác giả, tình yêu là điểm tựa cho những nhân vật cô đơn và
dường như tình yêu luôn phức tạp, mâu thuẫn, có một khoảng cách ngăn cản vô
hình nào đó không thể gọi tên, cũng không thể khỏa lấp. Nó là những dấu hỏi
trong thế giới nội tâm của các nhân vật, để mỗi người đọc đều được tự do tìm
cho mình câu trả lời riêng. Trong tình yêu luôn có tình dục, tình dục được Haruki
Murakami viết rất tự nhiên, không hề gò bò hay gượng ép. Yếu tố tình dục xuất
hiện rải rác khắp tác phẩm, có những cảnh sex trần trụi nhưng người đọc sẽ chấp
nhận vì đó là tự nhiên, được tác giả thể hiện tinh tế. Tình dục đối với tác giả
là phương tiện để giải phóng con người khỏi những nỗi thất vọng, là phương cách
để khỏa lấp nỗi cô đơn trong tâm hồn.
Cách
kể chuyện chậm rãi đi vào từng chi tiết khiến bạn đọc cầm cuốn sách lên là khó
dừng lại.
Bất
cứ ai đọc Rừng Na Uy cũng sẽ có những cảm nhận rất riêng bởi hệ thống nhân vật
đa chiều, đa tính cách: kẻ thì u buồn trầm uất, người thì ham mê tình dục, kẻ
ăn chơi buông thả, thích phiêu lưu xê dịch, người thì yêu đương chân thành…
Chính vì vậy, tùy theo tính cách mà người đọc dễ dàng nhìn thấy bóng dáng mình
nơi những nhân vật trong truyện.
Bề
sâu tư tưởng của tác phẩm là những ẩn dụ mang đậm màu sắc triết học đặt ra
những vấn đề về sống – chết, yêu thương – mất mát, nỗi đau và sự cô đơn… và câu
trả lời cho những điều ấy là sự dấn thân cho tình yêu đôi khi rất phức tạp của
mình.
Và
tôi… đến tuổi này vẫn cứ nghe ca khúc “Norwegian wood” của The Beatles, vẫn cứ
đọc “Rừng Nauy” của Haruki Murakami và vẫn cứ giữ lấy tình yêu lạ lùng của
mình.
Nhiều
năm nay tôi đã cá cược cùng bạn bè rằng Haruki Murakami sẽ đạt giải Nobel Văn
chương nhưng tôi đã luôn thua cuộc.
Năm
nay tôi sẽ tiếp tục đặt cược giải Nobel Văn chương cho Haruki Murakami … và đặt cược vào tình yêu của mình. Dù biết là … thua cuộc.
Nhưng mãi sau vẫn thế…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét