28/4/18

1.120. TRÊN LỘ TRÌNH TÌM LỜI

Bài viết của Võ Văn NhiGiáo viên Anh ngữ, huyện Thăng Bình, Quảng Nam
     trong tập sách "BOB DYLAN - MAI SAU BIẾT ĐẾN BAO GIỜ" 
          Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, Nhà xb Hội Nhà Văn - 2018

                               Võ Văn Nhi (áo trắng) - nguyên là giáo viên văn chương
                                về sau chán nghề văn, anh chuyển sang học tiếng Anh

                                   hiện đang dạy Anh ngữ tại Thăng Bình, Quảng Nam
                      trên cả 2 lĩnh vực văn chương và ngoại ngữ, bạn đều thuộc hàng siêu.


***
         Dịch thuật hay chuyển ngữ là công việc không hề dễ và chẳng ai dám chắc là không gặp những rủi ro vô tình; dịch ca từ càng nhọc nhằn và mạo hiểm hơn, bởi dịch giả còn phải vượt qua bao ràng buộc của giai điệu và sự khác biệt về ngữ âm, về đặc thù văn hóa, tư tưởng và thậm chí về quan niệm luân lý, đạo đức. Chính vì vậy nên một khi ai đã dấn bước vào dịch thuật, mà lại dịch ca từ cho những nhạc phẩm - nhưng đoạt giải Nobel Văn chương độc nhất vô nhị trong lịch sử giải thưởng danh giá này - của Bob Dylan, thì cũng tức là tự mình lao vào cơn lốc giằng co chữ nghĩa, tự mình đắm vào cuộc truy vấn tư tưởng, và mặc nhiên chấp nhận thân phận như “Những hòn đá lăn”, để mặc cuộc trầm luân “Mai sau biết đến bao giờ”

         Nguyện dịch ca từ những nhạc phẩm-văn chương kỳ vĩ của Bob Dylan là quyết gánh lấy công việc lao tâm khổ tứ đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy bao âm hưởng thi vị bàng bạc, lãng đãng, phiêu du. Chốn ấy, người dịch không chỉ mỗi việc định hình nghĩa cho lớp vỏ từ thô rám mà còn phải làm sao cảm nhận cho đến độ có thể để cố chuyển tải cho được cái tư tưởng phức tạp, cái phong cách văn hóa đa dạng; cảm nhận những vẻ đẹp của giai điệu, và thấu hiểu ngôn ngữ thi ca không chỉ sâu sắc, giàu hình ảnh, mà còn có tính đa nghĩa, đôi khi là mơ hồ về ý nghĩa bởi “ý tại ngôn ngoại” trong lời của những tuệ nhân.
Trong nguyên tác của mình, Bob Dylan đã gầy dựng bao hình ảnh và ẩn dụ gợi những liên tưởng, ám ảnh vào người nghe, đồng thời tạo nhiều “trường khoảng trống” để người thưởng lãm chủ động tham gia đồng sáng tạo. Có lẽ chính điều đó khiến cho ca khúc của ông phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều quốc gia, nhiều thời đại và có sức sống mạnh mẽ vượt thời gian.
Bằng những khám phá, tìm kiếm dày công trên gian nan vạn lý, “Những hòn đá lăn” giờ nắm tay khoát vai phủi rêu phong, bụi bặm - đồng vọng cùng Bob Dylan trong những “tình khúc thì lãng mạn, thắm thiết và sâu lắng; du khúc thì đầy chất giang hồ, bụi bặm và mạnh mẽ; nhạc phản chiến phản kháng thì đến tận cùng của đối cực; ca khúc siêu thực thì lập thể góc cạnh dẫn thính khán giả đến những viễn tượng đậm nét hoặc nhạt nhòa kỳ lạ; ca khúc xã hội thì dằn vặt bao ám tượng đời sống hiện tồn; thánh ca thì thiêng liêng, tràn đầy niềm tin và ân sủng...” (Mộc Nhân Lê Đức Thịnh).
          Tiếp nối cho chặng “Những hòn đá lăn”, Mộc Nhân lại mang đến cho bạn đọc cái cảm thức mãnh liệt mới, những phức hợp đắm đuối cùng cuộc yêu nhân tình, lòng quý yêu nhân loại trong tác phẩm biên khảo dịch thuật thứ hai về Bob Dylan “Mai sau biết đến bao giờ”. Cả hai tập sách, dù chưa khái quát tường tận mọi khía cạnh phong phú về văn hóa, gồ ghề trong tư tưởng, triết học, âm nhạc, mỹ học, văn học…của chân dung chủ nhân Nobel Văn chương 2016, nhưng nó đã mang đến cho bạn đọc một cách tiếp cận khá dễ dàng đối với một tác giả lớn của thế giới nhưng còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật nước ta.
Thành công của Mộc Nhân chính là đã đặt niềm đam mê của mình vào “thần tượng của anh” trên lộ trình tìm lời gian nan để tận hưởng sự hòa điệu trong lời của ngôn ngữ loài người tạm trọ cõi trần vô thuỷ vô chung biết lấy đâu làm lời nguồn cội; lời ngân nga thánh thót, dập dìu, thủ thỉ bên những cuồng nộ cứ trầm bổng đan xen thành những khắc khoải, thăng hoa rồi lắng đọng như tiếng lòng Bob văng vẳng từ xa xăm loang về tiềm thức mỗi chúng ta đây đó giai điệu nào - có lẽ không mấy quen thân mà cơ hồ sao chẳng lấy gì để cho rằng lạ! 
Cách tổ chức bản thảo ở hai tập sách của Mộc Nhân cũng rất khoa học và đầy dụng ý nghệ thuật. Tác giả không nặng ở phần biên khảo mà chỉ gợi và chia sẻ những cảm nhận về Bob thông qua việc tìm hiểu của mình. Đồng thời ở các đoạn sa-pô đầu bài, tác giả đem đến cho bạn đọc những thông tin cơ bản về tác phẩm và giải mã đôi điều về ngôn ngữ, ý nghĩa của ca từ để tạo sự tương cảm cùng độc giả. Bản in song ngữ Anh – Việt vừa thể hiện sự tôn trọng nguyên tác vừa giúp bạn đọc so sánh đối chiếu dễ dàng; nếu ai đó không cảm nhận phần văn chương thì cũng cảm thấy cuốn sách có ích cho mình trong việc đối sánh ngoại ngữ. Riêng về phần dịch, Mộc Nhân rất thận trọng. Anh không chọn cách dịch Việt hóa các bài thơ của Bob bằng cách chuyển dịch sang các thể thơ Việt (mặc dầu tôi tin anh có thể làm được và anh đã thực hiện cách này ở một số ít bài) mà chọn cách trung thành với phong cách ngôn ngữ của tác giả để bạn đọc khỏi bị chi phối trong tiếp nhận văn bản.
          Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, Mộc Nhân đồng ứng tương cầu, can trường tương giao chuyển tải được “hồn phách” của Dylany trong các bài dịch. Sự kỳ công đầy gian truân trong hành trình kiếm tìm lời chính là kết quả có được từ tham vọng mộc mạc - nghệ sĩ của không riêng gì Mộc Nhân Lê Đức Thịnh mà kể cả mỗi chúng ta là mong cầu - một khi đã dấn thân - để quí yêu được trao gởi lại trong những thi phẩm dịch nhạc - thơ này.
Đọc lời mà vẫn rộn lên nhịp-phách trắc-bằng giai điệu; đọc lời mà ngỡ thơ nhạc chung dáng cùng hình thướt tha ngân nga diễu gót qua hồn; đọc lời mà như nghe thấy một chặng đường nào xa ngái vất va vất vưởng sừng sững ghé lại mai sau!
Cùng sẻ chia với Bob Dylan, Mộc Nhân Lê Đức Thịnh thấy lời là dạng thức tồn tại nguyên thủy trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa văn chương và âm nhạc, hay nói cách khác, khi là văn chương thì có thể được ngân - hát lên, cộng hưởng với người tiếp nhận để khắc chế thế giới đang rã rệu thành những mảnh vụn trong sự đổi mới chính mình; luôn hướng về khởi nguồn vừa hiện đại, vừa dân dã, vừa có sức lan tỏa với tính thời sự xã hội rộng lớn, lại vừa có sự thầm kín thiết tha riêng tư.
         Kinh thánh cho rằng “Khởi thủy là lời”, còn Faust thì nói “Khởi thủy là hành động” - có mạo muội chăng khi hiểu bản thân lời nói cũng chính là một hình thái của hành động - hai tiên đề này đồng khởi thủy, kết hợp hài hòa, chắt lọc hiệu nghiệm để nói lên rằng chỉ những tâm linh hàng ngày từng chút dám khám phá, khiêm cung bền lòng chinh phục bằng ngôn ngữ và hành động mới mang lại những sảng khoái tự tại, niềm tự do và hạnh phúc cho mình, cho người. Phải chăng Lê Đức Thịnh đã làm được điều này bằng nội lực và niềm say mê tha nhân, cuộc đời đang ngồn ngộn trong chính tự thân mình?!
Khép lại những tập sách của Thịnh Mộc Nhân, tâm thức mách bảo với ta rằng dường như tác giả không chỉ say mê ngôn điệu giai từ của Bob Dylan mà ngờ ngợ như anh còn đắm đuối hoang tưởng cùng niềm yêu sâu kín gởi gắm ở một nơi nào đó thật xa xăm dịu vợi trên cõi đời này (?!) Chắc hẳn điều này là có thực vì mỗi ca khúc, mỗi bài thơ, mỗi tập sách đều ẩn giấu sâu kín trong lòng nó những bí mật của riêng mình.
Cảm ơn tác giả, cảm ơn tác phẩm đã khắc thêm một dấu ấn mới ngay trong trường thiên ngẫm ngộ và có thể có trong mỗi bạn đọc trên lộ trình hun hút tìm lời.
Võ Văn Nhi

Không có nhận xét nào: