19/2/19

1.351. ĐÊM THƠ NGUYÊN TIÊU 2019



Đêm sinh hoạt kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 - Nguyên tiêu Kỷ Hợi do Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thanh- Truyền hình huyện Đại Lộc phối hợp với Câu lạc bộ Văn học Nam Trân tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Từ năm Quý Mùi 2003, Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức khắp các tỉnh, thành vào dịp Nguyên tiêu. Năm nay, với chủ đề “Mùa xuân và những câu thơ đồng hành”, đêm sinh hoạt thơ là dịp để các tác giả bộc bạch bằng ngôn ngữ những cảm xúc chân tình của mình về vùng đất và con người Đại Lộc; tình yêu sâu lắng và mơ ước khát vọng về sự phát triển của quê hương cũng như trách nhiệm các trang viết của mình sao cho tương xứng với tình yêu ấy. Đây cũng là dịp một mùa thơ mới được khởi động để thơ được giao cảm với mỗi tâm hồn, để mọi người tôn vinh thơ ca, tôn vinh các giá trị văn hóa - tinh thần đã thành truyền thống của dân tộc và đất nước.
Xin nhiệt liệt đón chào quý vị khách mời, quý vị đại biểu, các nhà thơ cùng đông đảo các bạn yêu thích thơ ca đã đến dự đêm thơ Nguyên Tiêu xuân Kỷ Hợi 2019.
Kính chúc quý vị và các bạn sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Chúc đêm sinh hoạt giao lưu của chúng ta thành công tốt đẹp.
Các tiết mục chính trong đêm thơ:
- Những năm qua, đồng hành cùng với những thành tựu đạt được trên mọi lĩnh vực của huyện nhà, đội ngũ sáng tác văn học- nghệ thuật của huyện cũng đã đóng góp phần không nhỏ, ngày càng định hình một phong cách thơ nói về đất và người Đại Lộc: “Ngược sông Thu/ Chào những ban mai/ Chào những chiều tà/ Có tôi quay về chốn cũ/ Bãi bồi quê cha quê mẹ/ Xanh non lúa non dâu/ Mỏng mảnh nỗi niềm sông từng hồi thức…” Những cảm xúc được giãi bày từ niềm yêu thương đất mẹ ân tình; từ những ruộng vườn bãi lúa nương dâu, những nhà máy công trình, khu công nghiệp…đã khoác lên trên cơ thể mạnh mẽ Đại Lộc một sức bật mới tự hào qua bài thơ “Lang thang trên những ngọn đồi” của Nguyễn Giúp.
- Nỗi niềm trở trăn, tấm lòng con người và đất đai nơi đây, những thành quả đạt được, ấm no hạnh phúc mỗi ngày, sự sẻ chia trong cam go khốn khó đời thường trong những triền quê, đồng bãi, phố phường, làng xóm…đã tạo nên cảm xúc trong thơ của các cây bút Đại Lộc, làm mạch nguồn để các anh chị sáng tác. Hơi thở mùa xuân trên quê hương ngập tràn yêu thương được thể hiện qua những dòng thơ tự sự của nhà thơ Đinh Huyền.
- Trên quê hương Đại Lộc, ta từng bắt gặp những câu thơ đầy cá tính, phong cách riêng của Nguyễn Giúp, Đỗ Tấn Đạt, Trần Vương, Đỗ Thượng Thế…, sâu lắng, nhẹ nhàng nhưng đầy trăn trở, khắc khoải của Đinh Huyền, Sương Thu, Ngô Thị Thục Trang…, hay thênh thang lục bát của Nguyễn Nhị, Lê Văn Lữ… rồi còn Huỳnh Minh Tâm, Lê Đức Thịnh … Mỗi tác giả đều có một phong cách thơ riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong thơ Đại Lộc để giãi bày nỗi lòng với tha nhân, với cuộc đời; góp tiếng nói của mình trước cuộc sống hiển hiện sự đáng yêu, đáng quý trọng hôm nay!
Bên cạnh đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp,  Đại Lộc quê ta còn có một dòng cảm xúc lai láng, những câu thơ từ ngóc ngách tâm hồn của những người viết không chuyên ở khắp những câu lạc bộ thơ Xứ Đại: Nam Trân, Vu Gia, Trăng Non, Phú Hòa, Bến Quê… Xin cảm ơn tất cả các anh chị, qua thi phẩm của mình, đã biết chia sẻ, đã đồng hành cùng quê hương trên bước đường dựng xây, phát triển vì một Đại Lộc no ấm đẹp giàu!... Chúng ta cùng nghe sau đây bài thơ “Chờ xuân” của tác giả Tạ Thị Quế, do Thu Sương diễn ngâm.
- Mỗi một lần bão lũ về trên đất mẹ là để lại bao nhiêu đau thương mất mát mà người dân quê phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Tình yêu với thơ ca luôn đồng hành theo ta mỗi bước đường rong ruổi trong cuộc đời, cho ta những phút giây cảm xúc trước cuộc sống mưu sinh, trước mọi yêu thương hờn giận, nhớ nhung,...với quê xứ và kỷ niệm; đưa dắt ta về với những hồi ức xa xăm... “Anh có về thăm lại Quảng Nam / nơi ta ở hai mùa mưa nắng/ anh sẽ thấy không còn yên ắng / sống cuộc đời bình lặng ngày qua…” (bài thơ “Anh có về” của tác giả Phan Thị Hoa Xuân)
- Anh Nguyễn Vĩnh, chủ nhiệm CLB Trăng Non xã Đại Hồng là người tâm huyết với thơ ca, dù tuổi không còn trẻ, anh vẫn lăn lộn trong đời sống và dành thời gian cho thơ ca. Đầu năm 2019, anh đã tập hợp những sáng tác của mình và cho ra mắt tập thơ “Chiền chiện hót trên đồng cỏ” – mời anh Nguyễn Vĩnh lên giao lưu tác phẩm của mình.
- Thơ ca – âm nhạc, sự hòa quyện ôn hòa và luôn nâng cánh nhau bay vào thế giới của sự thăng hoa nghệ thuật. Người ta thường nói: trong nhạc có thơ, trong thơ có nhạc, họa…Từ lâu, ta đã biết đến nhiều thi phẩm nổi tiếng được các nhạc sĩ phổ nhạc, những bài thơ của những thi nhân được tung cánh bay cao vào tận ngóc ngách tâm hồn người bao thế hệ qua giai điệu của những nhạc sĩ tài hoa để khẳng định được cái duyên thiên phú của thơ và nhạc song hành: “Màu tím hoa sim” – Hữu Loan, Phạm Duy; “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển” – Xuân Quỳnh, Phan Huỳnh Điểu; “Mùa hoa cải” – Nghiêm Thị Hằng, Lê Vinh… mà chúng ta không thể kể hết trong gia tài thi ca – âm nhạc Việt Nam. Với Đại Lộc, vùng đất luôn mặn duyên với văn thơ nhạc họa này cũng không thiếu những tác phẩm thơ phổ nhạc từng đi vào lòng công chúng. Nhạc sĩ Trần Đào giao lưu một ca khúc phổ thơ Tạ Thị Quế.
- Đại Lộc của chúng ta được bạn bè gọi là xứ thơ. Đất này không những sinh ra những nhà văn nhà thơ lớn đồng hành cùng dòng chảy văn nghệ của đất nước từ thế kỉ trước như: Trinh Đường, Nguyễn Học Sĩ, Nguyễn Văn Bổng... mà còn có nhiều các nhà văn nhà thơ đương đại được cả nước biết đến. Bên cạnh đó, hoạt động văn nghệ theo nhóm sở thích cũng nở rộ. Nhiều Câu lạc bộ văn học được tổ chức tại các địa phương và sinh hoạt khá hiệu quả. Phòng VHTT huyện cũng đã tổ chức thành lập nhiều CLB trong đó có CLB Văn Học Nam Trân đã hòa nhịp và cùng cảm hứng chung của quê xứ, góp phần đưa văn học nghệ thuật huyện nhà tiếp tục mở ra những chiều kích sáng tạo - phần giao lưu của Lê Đức Thịnh - chủ nhiệm CLB Văn học Nam Trân Đại Lộc đã nói lên những khó khăn và thuận lợi trong hoạt động văn nghệ huyện nhà; tuy nhiên những năm gần đây, CLB VH Nan Trân đã có nhiều đóng góp nhất định trong dòng chảy văn nghệ quê hương góp phần vào công việc của “thơ ca gieo những ước mơ trên cánh đồng người”.
- Qua nhiều sinh hoạt giao lưu ở CLB Vu Gia, chúng tôi nhận thấy phong trào văn nghệ nơi đây rất sôi nổi, không những CLB có nhiều tác giả tác phẩm hay mà còn có nhiều giọng ngâm truyền cảm - giọng ngâm của anh Văn Công với bài thơ “Mùa xuân ngang qua cửa sổ” của tác giả Sương Thu…

















          * Đêm sinh hoạt thơ kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ  17, Xuân Kỷ Hợi – 2019 với chủ đề “Mùa xuân và những câu thơ đồng hành” đã khép lại. BTC xin gửi lời tri ân đến các đồng chí lãnh đạo huyện, quý vị khách quý, các bạn yêu thơ đã về tham dự. Chúng tôi mong ước trong sâu xa mỗi tâm hồn chúng ta đều đồng hành, nhịp bước và tiếp sức cho thơ, cho những ước mơ đồng hành cùng quê hương đất nước.
---------
* Chịu trách nhiệm nội dung và kịch bản đêm thơ: Mộc Nhân Lê Đức Thịnh

Không có nhận xét nào: