21/2/19

1.354. BA CÂU CHUYỆN RỜI TRONG TUẦN



          Ghi lại 3 sự việc rời rạc, rắc rối, run rẩy, rụng rời trong tuần qua:
          - Kẻ nào khinh mạn, báng bổ thần thánh thì trước sau gì cũng sẽ chết thảm
          - Xấu hổ thay những khen thưởng không đáng nhận trên nỗi đau người khác
          - Sự vụng về của một tổ chức “tầm cao văn hóa”

1. Bà Nguyễn Thị Thu – phó CT phụ trách văn xã của UBND Tp HCM chết vì ung thư trong ngày 20-02-2019. Được biết bà này bị ung thư đã từng sang Nhật chữa trị, rồi về bệnh viện Bình Dân nằm, gia đình chỉ đưa bà về nhà một ngày trước khi mất. Tuy nhiên trước khi mất, bà lại là người kí quyết định “di dời lư hương” trước tượng đài Đức Thánh Trần ra khỏi vị trí đã an vị cả trăm năm nay đến vị trí khác khi sắp tới ngày kỉ niệm 40 năm cuộc chiến tranh chống giặc Trung Quốc xâm lược các tinh biên giới phía bắc.
Được biết nơi đây là địa điểm nhân sĩ trí thức và nhân dân hay đến “tụ tập đông người” để dâng hương trong những dịp lễ trọng đại và có “yếu tố nhạy cảm”.
Thực chất đây là việc cản trở người dân đến thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, nhân ngày 17-2-1979, ngày tưởng niệm Trung Cộng xua 600.000 quân sang Việt Nam, giết hại người già, phụ nữ, em bé… và tàn phá làng mạc Việt Nam.
Trước sự giận dữ của dư luận về sự việc này, nhà cầm quyền Tp HCM đã vội vã tổ chức lễ an vị lư hương của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại đền thờ Ngài tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1, (tức Hiền Vương cũ), ngay vào trưa 20-2, nhằm 16 âm lịch Kỷ Hợi. Đồng thời nói rằng trách nhiệm người "kí quyết định" di dời lư hương là bàThu dù thời điểm này bà là người “sắp chết”.

2. Vụ án chấn động dư luận: ngày 30 Tết, 5 "ác thú"  quá dã man, bắt giữ một nữ sinh xinh đẹp và tổ chức hiếp dâm tập thể nhiều lần, gia đình nạn nhân báo án ngay trong ngày nhưng công an không có biện pháp kịp thời ngăn chặn. Đến ngày mồng 2 Tết, gia đình tìm được chiếc xe của nạn nhân và tiếp tục trình báo công an. Sáng mùng 3 Tết, hai người dân tìm được thi thể của nạn nhân tại một ngôi nhà vắng chủ và tiếp tục trình báo công an. Ngay lập tức sau khi tìm thấy thi thể, công an Điện Biên lập ban chuyên án và "quyết liệt vào cuộc" thực hiện nhiệm vụ họ được trả lương. 3 ngày sau khi lập ban chuyên án, kẻ tình nghi đầu tiên bị bắt. 10 ngày sau khi tìm thấy thi thể, 5 người bị bắt, tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo, khen thưởng ban chuyên án và Công an huyện Điện Biên (nơi Duyên bị mất tích và sát hại).
Rồi công an tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến vụ án, khen thưởng thành tích của công an là đã mau chóng tìm ra kẻ thủ ác.
Vậy thì khen thưởng vì thành tích gì khi nhiệm vụ của lực lượng công an là bảo vệ an ninh cho người dân, nghĩa là phòng ngừa, ngăn chặn là chính, điều tra, trấn áp tội phạm khi xảy ra án là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng lâu nay, có vẻ đã hiểu ngược lại. Công an bắt tội phạm mới có thành tích, CSGT phạt được nhiều người vi phạm mới đạt chỉ tiêu. Nếu lực lượng công an vào cuộc và cứu được cô gái thì khen bao nhiêu, thưởng bao nhiêu cũng chẳng ai nói, dù biết đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng cô gái đã bị hiếp dâm và sát hại. Vậy việc đó có gì đáng khen?
Nhưng đáng xấu hổ là họ đã cười vui và nhận thưởng trên nỗi đau của gia đình nạn nhân. Thật phản cảm và không có tính giáo dục, không mang đến cho người dân cảm xúc thẩm mỹ mà trái lại, gây rất nhiều bức xúc.

          3. Ngày 17-2-2019, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII với chủ đề "Sông núi trên vai" - Phần phông nền của sự kiện này được dịch sang tiếng Anh là "Mountains and Rivers on the Shoulder". Cách dịch như vậy đã gây nênmột cuộc tranh cãi, cho rằng dịch sang tiếng Anh như vậy là không đúng ... Từ ghép “Sông núi” là danh từ đã mang nghĩa khái quát, nghĩa biểu niệm, đồng nghĩa với “Quốc gia”, “Tổ quốc”, không phải là “con sông” và “ngọn núi” với nghĩa biểu thị vật thể như trong cách dịch. Chẳng hạn : cha ông, con cháu, nhà cửa, ruộng nương, rường cột, xe cộ, cây cỏ, trời đất, trăng sao… khi sử dụng đã mất hoàn toàn nghĩa biểu vật mà chỉ còn biểu niệm chung, khái quát. Như vậy “sông núi” không thể dịch thành "mountains and rivers” cũng như “đất nước” không thể dịch thành “land and water” được (???). Trong tiếng Việt hai chữ "Sông Núi" không nên hiểu là một hòn núi hay một dòng sông.
Cách dịch tiếng Anh như vậy không chỉ chứng tỏ trình độ tiếng Anh chưa cao mà còn phản ánh trình độ tiếng Việt, văn hóa Việt chưa sâu. Nhất là ở một cơ quan thuộc tầm cao văn hóa như Hội Nhà văn Việt Nam.
* MN tổng hợp từ nhiều nguồn

Không có nhận xét nào: