Chi hội văn học là một
trong 7 chuyên ngành thuộc Hội văn học-nghệ thuật Quảng Nam. Trong năm 2019, bằng
nỗ lực của từng Hội viên và sự “cầm trịch” của Ban điều hành, Chi hội đã có nhiều
hoạt động văn chương hoặc hướng đến văn chương khá tích cực, gợi mở về không
gian và cảm xúc sáng tạo bằng những cuộc đi, đồng thời từng bước đưa văn học xứ
Quảng đến gần với bạn đọc hơn thông qua những tọa đàm, diễn giả mang hiệu ứng
rõ rệt…
***
Không kể thời gian trước
đó, từ sau Đại hội Chi hội văn học nhằm hoàn thiện công tác nhân sự và góp ý
vào dự thảo Đại hội Hội văn học-nghệ thuật Quảng Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ
2019-2024, một Ban điều hành Chi hội đã được bầu ra với những “hạt nhân” nhiều
năm gắn bó và bám sát “địa hạt” văn chương xứ Quảng. Và, Ban điều hành mới đã tỏ
ra mát tay khi ngay sau Đại hội đã thực hiện khá thành công một cuộc tọa đàm
văn học có chủ đề “Thơ, truyện ngắn trẻ Quảng Nam qua hai tác giả Đỗ Tấn Đạt và
Cẩm Giang”. Lựa chọn chủ đề này cho một cuộc tọa đàm văn học, rõ ràng vẫn còn rất
nhiều ý kiến phân vân về sự “Trẻ” và “Già” của văn chương. Tuy nhiên, nói như
nhà thơ Nguyễn Chiến-thành viên Ban điều hành Chi hội văn học nhiệm kỳ
2019-2024, thì “Hội thảo về thơ, truyện ngắn trẻ Quảng Nam qua hai tác giả Đỗ Tấn
Đạt và Cẩm Giang với hi vọng gợi cho mỗi người viết trong Chi hội văn học Quảng
Nam những suy nghĩ về nghề để anh chị em tự rút ra những kinh nghiệm cho con đường
sáng tác nhọc nhằn của riêng mình…”. Hẳn là vậy nên lần đầu tiên đã có một cuộc
tọa đàm nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của Hội viên Chi hội và thu hút rất đông
anh chị em Hội viên Hội văn học-nghệ thuật tham dự. Cùng với đó, sự xuất hiện của
nhiều bạn đọc, bạn viết trẻ trong và ngoài tỉnh tại cuộc tọa đàm đã khẳng định,
văn học Quảng Nam đang có một chỗ đứng nhất định trong lòng bạn đọc, đặc biệt
là bạn đọc trẻ. Đỗ Tấn Đạt và Cẩm Giang cả hai đều còn khá trẻ nhưng không thể
nói là hai hiện tượng văn học trẻ xứ Quảng được. Bởi cùng với hai cây bút này,
sự trẻ của thơ văn xứ Quảng luôn được khẳng định từ nhiều năm nay và với nhiều
cây bút thơ, văn để lại dấu ấn trong lòng người đọc trong và ngoài tỉnh. Những
“thể nghiệm” ở thơ kiểu như liên tục xuống dòng, tứ thơ, thi ảnh dữ dội, phá
phách…đã có nhiều thành công ở những nhà thơ như Phùng Tấn Đông, Phạm Tấn Dũng,
Đỗ Thượng Thế…Chính vì vậy, lựa chọn văn thơ của Cẩm Giang và Đỗ Tấn Đạt để thực
hiện một cuộc tọa đàm về một câu chuyện văn chương “già và trẻ” khó có hồi kết
cũng là một cách gợi mở để lắng nghe những luận bàn, trao đổi mang tính khoa học
và dựa trên tinh thần xây dựng, tránh xa sự công kích hay ve vuốt lẫn nhau. Điều
này được thể hiện rất rõ bằng việc có hàng chục ý kiến thảo luận rất thẳng thắn
được ghi nhận ngoài “danh mục” tham luận do Ban điều hành đề xuất và phân công,
khiến cho cuộc tọa đàm trở nên sinh động và vượt ra ngoài thời gian dự kiến.
Đây có lẽ là một thành công không dễ lặp lại. Cũng từ tọa đàm này, thơ văn Cẩm
Giang, Đỗ Tấn Đạt nói riêng và sáng tác của anh chị em Hội viên Chi Hội văn học
nói chung có điều kiện để đến với người đọc như là một cách quảng bá đáng ghi
nhận…
Sau thành công của tọa
đàm văn học trẻ, Ban điều hành Chi hội văn học lại tiếp tục khởi xướng những hoạt
động hướng đến chào mừng Đại hội Hội văn học-nghệ thuật tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ
2019-2024. Trong đó, có việc giao lưu, trao đổi tác phẩm với các Hội bạn, tăng
cường sáng tác của Hội viên trên Tạp chí đất Quảng. Đặc biệt, mới đây, phối hợp
với trường PTTH chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm-thành phố Tam Kỳ tổ chức tọa đàm “Nhà
văn với bạn đọc” giành cho các em học sinh lớp chuyên văn. Tại buổi tọa đàm
này, hai diễn giả là nhà văn Lê Trâm và nhà thơ Phan Chín đã có những trao đổi
rất thú vị với các em học sinh xung quanh câu chuyện “bếp núc” văn chương và
khái quát về văn học xứ Quảng trong quá khứ, hiện tại. Nhà văn Lê Trâm được biết
đến là cây bút văn xuôi để lại dấu ấn với người đọc qua nhiều tác phẩm, trong
đó đáng chú ý có “Phía gió biển không còn ai”, “ Đêm nguyệt bạch” đều do Nhà xuất
bản trẻ ấn hành. Còn nhà thơ Phan Chín lại là cây bút thơ từng để lại ấn tượng
với bạn đọc, nhất là bạn đọc tuổi học trò bởi một thời gian dài anh tham gia Mực
tím và có rất nhiều sáng tác thơ được lứa tuổi này đón nhận. Cuộc tọa đàm “Nhà
văn với bạn đọc” tuy ở trong một phạm vi nhỏ nhưng lại gởi mở được khá nhiều điều
về nhu cầu, sở thích văn học của lớp trẻ cũng như những mong muốn khám phá câu
chuyện sáng tác của nhà văn. Nhiều câu hỏi được các em đặt ra, kiểu như : Vốn sống
của nhà văn đóng vai trò gì trong sáng tác? Đi thực tế đem lại điều gì cho nhà
văn? Làm sao để xây dựng được một chi tiết đắt giá? Giọng điệu và phong cách của
nhà văn mang tính quyết định gì cho tác phẩm? Nhà văn mong muốn điều gì ở bạn đọc
khi một tác phẩm ra đời? hay Điều gì làm cho nhà văn hạnh phúc nhất…Tất cả đều
được nhà văn Lê Trâm và nhà thơ Phan Chín trao đổi chân thành từ kinh nghiệm
cũng như chuyện sáng tác của bản thân. Nhiều em học sinh tỏ ra quan tâm sâu sắc
đến văn học đất Quảng và mong muốn được “công bố” sáng tác văn, thơ của mình đến
người đọc. Điều này cũng nằm trong “lộ trình” tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng
hạt nhân văn chương mà Ban điều hành Chi hội văn học để ra. Và, thực tế nhiều
năm nay, các cây bút văn thơ tuổi học trò đã được phát hiện, được công bố tác
phẩm trên mục “Văn học-Học văn” của Tạp chí đất Quảng. Do đó, những hoạt động
văn học kiểu như tổ chức tọa đàm phạm vi hẹp ở các trường học trong tỉnh là
cách làm hay để sáng tác văn học, câu chuyện văn chương đến gần hơn với bạn đọc,
để tình yêu văn chương được thắp lên bắt đầu từ những tâm hồn trong trắng tuổi
học trò.
Đ.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét