Không và Vô ngã là các giáo nghĩa căn bản trong Kinh Kim-cang...
Kinh nói: Hết thảy pháp hữu vi đều là như chiêm bao, như huyễn thuật,
v.v...; đó là nói về giáo nghĩa Tánh không và Vô ngã bằng kinh nghiệm trực giác
hay thực chứng.
Nói một cách đại cương, thế giới này chỉ là huyễn hóa, vậy ta là ai, hay
ta là cái gì, trong tấn tuồng huyễn hóa này?
Vì phủ nhận sự tồn tại của tự ngã thường hằng là phủ nhận luôn cả sự tồn
tại của Brahman, là Thượng đế Sáng tạo. Ngay cả trong Phật giáo, sau khi Phật
nhập niết-bàn, trong nội bộ Phật giáo đã xuất hiện một số bộ phái chấp nhận có
tự ngã hay ātman, như Độc tử bộ hay Hóa địa bộ. Những bộ phái này lý luận rằng,
nếu không tồn tại một tự ngã, không có một cái tôi thường hằng bất biến, vậy ai
hay cái gì luân hồi, lang thang chìm nổi trong biển sinh tử? Cũng nên biết rằng
tự ngã hay ātman trong tư tưởng tôn giáo Ấn Độ là cái mà trong các tôn giáo,
Đông cũng như Tây, hiểu là linh hồn. Cho nên, có linh hồn mới có đầu thai, mới
có việc sinh lên Thiên đường hay đọa địa ngục như là hậu quả của hành vi tội
hay phước.
Giáo nghĩa Phật dạy, có tác nghiệp thiện ác, có quả báo lành dữ, nhưng
không có người hành động, không có người thọ quả. Đây là điều rất khó hiểu.
Chúng ta nên đi từ cái dễ, rồi đến cái khó. Cái dễ hiểu là tất cả đều có một
cái tôi: tôi đi, tôi đứng, tôi ăn, tôi ngủ, v.v... Nhưng khi người ta ngủ, mà
ngủ như không chiêm bao, thì hình như cái tôi này biến mất. Hoặc như người bị
tai nạn mà mất trí nhớ, không còn nhớ ra mình là ai. Nếu được chữa trị, trí nhớ
phục hồi, bấy giờ vẫn là cái tôi như khi trước. Rồi khi người ta chết, cái tôi ấy
còn hay không? Thừa nhận còn, tức là thừa nhận có linh hồn tồn tại bất biến,
khi thức cũng như khi ngủ, lúc còn sống cũng như sau khi chết.
Đấy là kinh nghiệm thường nhật về một cái tôi. Kinh nghiệm ấy là sự tích
lũy trong một đời người những hoài niệm, những đau khổ, hạnh phúc, những danh vọng,
khốn cùng. Từ những kinh nghiệm tích lũy ấy mà hình thành ý tưởng về một cái
tôi thường hằng. Trong trình độ thấp nhất, cái tôi ấy được đồng hóa với thân
xác và những sở hữu cho thân xác. Vị Đại hoàng đế có cả một đế quốc: ta và đế
quốc của ta. Nhưng một khi thân xác này tan rã, mà chắc chắn là như vậy, thì ta
là ai, mà đế quốc này là gì? Những hoàng đế ấy, như Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế,
Thành Cát Tư Hãn, tin vào một cái ta và thân xác ta có thể tồn tại lâu dài, vì
không muốn cái danh vọng, quyền lực đang có mất đi; họ đi tìm đạo sỹ, cầu thuốc
trường sinh. Những người đi tìm trường sinh ấy, bây giờ ở đâu?
Lại còn những người khác, giàu sang có cả một cơ đồ, nhưng khi thị trường
chứng khoán sụp đổ, nhảy lầu tự tử. Ta và tài sản của ta; cái này mất thì cái
kia cũng không còn lý do tồn tại. Thật sự thì ở đây ta là ai, trong cái cơ đồ
phú quý ấy?
Với một hạng người khác, ta là danh, đã sinh ra trong trời đất, thì phải
có danh gì với núi sông. Một mai vật đổi sao dời, để bảo tồn danh tiết, họ đâm
cổ tự sát. Vậy, ta là gì trong cái danh này?
Với những tín đồ tôn giáo tin vào một linh hồn bất tử, một cái ta tồn tại
trên thiên đường, hưởng những lạc thú mà Thượng đế ban cho vì đã biết phục tùng
Thiên ý. Vì thế họ sẵn sàng giết đồng loại để chinh phục nước Chúa dưới trần
gian.
Ta là ai, ta là cái gì, để vì phục vụ nó, bảo tồn nó, mà tự gây khổ cho
mình, và cũng gây khổ cho người? Có chăng một cái ta thường hằng, siêu việt
thân xác này, và tâm trí này, để cho mọi hành vi trong một đời người, dù thiện
hay ác, ngu hay trí, chỉ nhằm mục đích là phục vụ nó, vì ích lợi của nó, vì hạnh
phúc của nó, vì danh dự của nó, vì quyền lực của nó?
Trước khi muốn hỏi ta là ai, trước hết nên hỏi, từ đâu có ý tưởng về cái
ta ấy?
Có một người mới mua về một con chó, đặt tên cho nó Lucky. Ban đầu, gọi
Lucky, nó dửng dưng, vô cảm. Dần dần, nghe hai tiếng Lucky, nó mừng rỡ, ngoắt
đuôi. Nó đã hiểu Lucky là cái gì, và như vậy nó cũng hiểu nó là cái gì. Nó hình
thành một cái vỏ tự ngã mới qua một cái tên gọi mới. Trước khi có một tên gọi,
nó vẫn tồn tại, và tự bảo vệ sự tồn tại ấy. Nó tìm thức ăn, tìm chỗ ngủ, và cắn
bất cứ ai đến gần như muốn đe dọa, uy hiếp nó. Khi được đặt tên, toàn thể sự tồn
tại ấy bây giờ tồn tại dưới một cái tên gọi Lucky. Dù vậy, nếu có ai xúc phạm đến
cái tên Lucky, nó không có phản ứng gì. Nhưng với một con người, khi cái tên gọi,
một cái danh gì đó, mà bị xúc phạm, thì hãy coi chừng. Tất nhiên, con người cho
đến một tuổi nào đó mới biết nó tên gì, cũng như con Lucky vậy. Rõ ràng, cái
danh mang nội hàm tự ngã ấy chỉ là hư danh, nhưng con người cũng như vậy đau khổ
hay hạnh phúc bởi chính cái hư danh đó.
Một ông thầy giáo có cái ngã là thầy giáo. Ai xúc phạm đến danh từ thầy
giáo, chức nghiệp nhà giáo, người ấy phải bị khiển trách.
Nó là ông vua, nhưng ban đêm lẻn ra ngoài thành chơi. Dân nào không biết
mà đối xử vô lễ như với dân thường, hãy coi chừng.
Tự ngã chỉ là một cái danh, và đó là giả danh do nghề nghiệp, hay do chỗ
ngồi, chỗ đứng giữa mọi người mà đạt thành. Cái giả danh chỉ mới hình thành
trong một đời người thôi, mà đã khó quên, khó trừ như vậy; nếu là cái ngã được
tích lũy trong nhiều đời, tất không dễ gì trừ bỏ.
Cái ngã của ông xã trưởng chỉ to bằng cái xã của ông. Cái ngã của một quốc
vương to bằng cái vương quốc của ông. Cái ngã của một nhà thông kim bác cổ thì
dài bằng thời gian kim cổ, rộng bằng không gian đông tây. Cái ngã của một chúng
sinh luân hồi trong tam giới, tất cũng lớn bằng cả tam giới. Cái ngã ấy không
phải dễ nhận ra. Không nhận ra nó, để thấy nó là thật hay giả, thì cũng không
thể tận cùng biên giới đau khổ.
Trong kinh Phật có một câu chuyện: Một thiên thần kia, hiện đến Phật, nói
rằng trong quá khứ, ông là một tiên nhân, có tên là Ngựa Đỏ, có phép thần thông
quảng đại. Ông muốn thấy được biên tế vũ trụ, để thấy được biên tế khổ, và chấm
dứt khổ. Thế là ông bắt đầu đi tìm biên tế của vũ trụ. Tuổi thơ của ông
bấy giờ dài đến một đại kiếp, đại khái là tỷ tỷ năm, nhưng không bao giờ thấy
được cái biên tế của vũ trụ. Rồi ông hỏi Phật: “Có cần đi suốt cái biên tế vũ
trụ này mới chấm dứt khổ không?” Phật xác nhận rằng, “Nếu không thấy được cái
biên tế của vũ trụ thì không chấm dứt được khổ”. Song Phật lại nói thêm: “Nhưng
không cần. Chỉ trên cái thân cao một tầm này, với năm uẩn nầy, ta có thể biết
được thế gian sinh, thế gian diệt”.
Điều đó có nghĩa rằng, thân thể này, với xúc cảm này, với tư duy này, với
nhận thức này, là tập hợp tích lũy cả một khối kinh nghiệm lớn bằng biên tế vũ
trụ. Cái khối ấy đông kết thành cái vỏ cứng dày. Nó chỉ có thể bị đập vỡ bằng
chày Kim-cang mà thôi. Nói tóm lại, giáo nghĩa trong kinh Kim-cang bắt đầu bằng
sự đối trị tự ngã: vô ngã tưởng, vô nhân tưởng… Trong các tôn giáo, trong mỗi hệ
thống tư tưởng triết học, đều có riêng một quan niệm về tự ngã. Trong nhiều tôn
giáo, tự ngã là linh hồn do Thượng đế ban cho. Giữ cho linh hồn đừng bị mất, để
sau này được hưởng ân phước của Thượng đế, đó là mục đích đời người.
Trong Nho giáo, người quân tử phải biết lập thân và lập danh. Lập thân
cho hiện tại, lập danh cho hậu thế. Đó là xác lập tự ngã trong xã hội.
Lão Tử nói: Ta có đại hoạn vì ta có thân. Nếu ta không có thân, nào đâu
có đại hoạn? Đó là hãy sống trọn tuổi trời chớ đuổi theo hư danh, hãy để cho
thân và danh cùng mục nát với cỏ cây.
Các đạo sĩ Upanishad đi tìm cái tự ngã chân thật là gì. Vượt ra ngoài cái
tôi trong đời sống thường nhật, và cái tôi lang thang trong luân hồi để chịu
đau khổ, có hay không có một cái tôi thường hằng, chân thật? Cái tôi như giọt
nước biển bị cô lập trong một cái vỏ cứng nhỏ mọn, vô nghĩa, trôi nổi bồng bềnh
trong đại dương; để rồi khi cái võ cứng ấy đạp vỡ, giọt nước ấy sẽ hòa tan vào
nước biển trong đại dương. Khi ấy, Tiểu ngã hòa tan vào Đại ngã.
Trong Phật giáo, Tiểu ngã hay Đại ngã, chỉ là những khái niệm giả danh.
Nhưng cái giả danh được đông kết bởi tích lũy vô số vọng tưởng điên đảo. Cái
ngã được hình thành trong đời này, do ảnh hưởng truyền thống, tôn giáo, tư tưởng,
xã hội, để từ đó hình thành một nhân cách, một linh hồn, và rồi chấp chặt vào
đó để mà tồn tại. Cái đó được gọi là phân biệt ngã chấp.
Cái ngã do tích lũy từ điên đảo vọng tưởng nhiều đời, hình thành bản năng
khát vọng sinh tồn nơi cả những sinh vật li ti nhất; đó là câu sinh ngã chấp.
Vì vậy, không cần đi tìm ở đâu Tiểu ngã và Đại ngã, mà cần diệt trừ khái
niệm giả danh bởi vọng tưởng điên đảo.
Trích đăng từ nguồn: Hương Tích Phật Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét