12/2/18

1.074. THÁNG CHẠP MƯA HOÀI

           Tạp Bút Huỳnh Minh Tâm

Tháng Chạp năm nào mà chả mưa. Nhưng năm nay bỗng dưng ngớ ngẩn lại suy nghĩ tháng Chạp năm nay mưa hoài, mưa miết. Rồi chợt nhớ hình như năm trước mưa lưa thưa, mưa đủ đội nón cầm dù đi rong chơi trong mưa để ướt vài sợi tóc cho nó có…duyên, buồn buồn mà làm thơ. Đời người không làm thơ thật là phí của, phí thời gian, phí cái mưa. Đời người làm thơ cũng thật phí, bởi đặt bút xuống, cầm bút lên cũng phí cái vui vầy với trời đất nước non. Mà bọn làm thơ viết câu thơ ra cũng là ủy mị quái quỷ. 
Trời mưa mà làm thơ nắng ấm vui gì. Năm nay nông dân làng mình thất bát quá, gieo hạt năm bảy bận cũng chả ra gì, mà lại thơ chi. Rồi nhà thơ lại nhớ cái tháng Chạp năm kia năm kìa trời cũng mưa lai rai cho xốn xang mấy anh trai tơ đi tán dóc tán gái. Mưa một chút cũng tạo ra hứng khởi đầm ấm cảnh cà phê, chè đậu nóng cùng mấy cô nàng ỡm ờ hớn hở môi son tuổi mười lăm, mười sáu. Đời người không yêu thật phí cái trai tân, cái sức trâu, sức hổ, cái đôi mắt xanh thẳm, trong sáng như hồ nước sang xuân. Để rồi qua thời tán tỉnh phì nhiêu điêu đứng lại tưởng nhớ mông lung mà thơ với thẩn:
“Làm sao tôi có thể
gặp lại người đẹp năm xưa
như một khúc sông, đi qua đời tôi”
                   (Khúc sông- Huỳnh Minh Tâm).
Tháng Chạp năm nào mà chả mưa. Tôi lại nhớ lại quên cái tháng Chạp năm xa lăng lắc. Một cánh đồng cải vàng, cúc vàng và hoa vạn thọ. Nhưng rồi mưa không còn bay bay, nhẹ nhàng nữa. Mưa như trút nước xuống khuôn mặt của thi ca. Mưa làm cho các nàng hoa gãy cánh gãy chân. Mưa cũng làm cho má em phôi pha cái diệu linh diệu vợi khấp khởi. Cơn mưa tan tành cái mộng thi ca bất tuyệt. Cơn mưa cũ kỹ yếu mềm đè lên cơn mưa mới phôi thai. Cơn mưa lạnh hồn người. Lần đâu tiên tôi khóc vì mưa:
“Những chiếc lá vàng tản mác phía dòng sông
những chiếc non tơ vô tình lôi cuốn
những ước mơ xa
trôi theo bóng nước
những ngón tay thập thò miết lửa”
          (Những đóa hoa râm - Phạm Tấn Dũng)
Tháng chạp năm nào mà chả mưa. Tôi nhìn các bà mẹ quê mà tức tưởi, mà buồn buồn. Cảnh mẹ lạnh run sau những cơn lũ, nhà cửa trống huơ trống hoác. Và năm nay tôi đã mất mẹ. Mặc dầu vẫn hiểu cuộc đời có sinh là có tử, một cánh cửa mở ra thì ắt có ngày khép lại. Mẹ đã 96 tuổi rồi. Thiêng đường nào phía sau ? Thiêng đường nào phía trước ? Và tôi đã thực sự sẻ chia:
“Tết này mẹ không còn bước bâng khuâng
lo thịt mỡ dưa hành trên đôi chân thoăn thoắt
dù hoa trổ thềm nhà vẫn tràn hương sắc
con giấu hơi xuân lặng lẽ trong lòng”
    (Bài thơ cuối năm dâng mẹ - Mộc Nhân- Lê Đức Thịnh).
          Cho con- cái thằng chỉ biết cái chữ, chẳng ra gì-thắp mộ mẹ những nén nhang tâm linh u mật.
Và những con đường của thi ca lại bắt đầu chào đón một năm mới, dẫu rằng rất ư là mưa móc phủ phê. Đó là con đường của tâm hồn miên viễn trong thể tất du dương viễn vọng rất quê nhà:
“Tôi lớn lên từ vùng quê Đại Lộc
ngọt nước Thu Bồn
Mát nước Vu Gia”
                  (Đại Lộc quê tôi - Hưá Châu Long).
Tháng Chạp là ranh giới lững lờ của mùa xuân và thi ca. Tháng Chạp tự dưng lòng người bung nở như là:
           “Ta về ngày xưa tìm trong ký ức
con đường mùa mưa bùn lầy, chật lối
con đường mùa hè chân trần cực nhọc
con đường bây giờ- mặt trời mùa xuân
rộng nẻo đi về nhịp vui chân sáo”
          (Mặt trời mùa xuân - Phạm Thế Chất)
Tháng chạp năm nào mà chả mưa. Nhưng tháng Chạp năm nay mưa nhiều. Và hứa hẹn giao thừa sẽ rét đậm. Chuẩn bị áo bông chăn ấm là vừa. Nhưng chuẩn bị tình yêu không hè? Hay cứ bập vào là được cho ấm lòng nhất là những kẻ tha hương:
          “Vài phút nữa thôi là đến giao thừa
          mà trời đất vẫn chưa hòa hợp
         đêm sáng bừng lên trong ánh chớp
         một vì sao lặng lẽ ra đi”
       (Làm sao vịn được giao thừa - Nguyễn Ngọc Hạnh).
          Thi sĩ một đời lang thang mưa móc, sùi sụt cảnh đời cảnh người bon chen tứ tán, nén bạc không, đớn đau nhiều, giờ bó gối ngồi một mình ở thềm nhà phố lạnh mà chợt ngẩn ngơ thương nhớ, mà chợt bin rịn trông mong một cánh quê hương phơ phất.
                           “Câu thơ lạc vần lối rẽ chiều loang
em đà ngày xanh tóc biếc
em đà thơm tho những miền ký ức
còn đêm mười lăm gánh nước giếng làng”
      (Những câu thơ anh viết muộn màng - Nguyễn Hải Triều).
          Cứ vậy cứ thế, những bài thơ kéo mãi cảnh ký ức nồng say, thắp cho đời vài giọt nắng. Mà thực ra có thắp được gì, chỉ là lơ thơ mộng mị. Nên đôi khi tếu táo bông phèn:
                           “Qua ao rồi sẽ gặp làng
đi thêm chút nữa gặp hàng tre xưa”
                (Làng - Nguyễn Tấn Sĩ).
          Biết rồi, khổ lắm…, tháng Chạp mưa. Nhưng chúng ta lại có cái vui vầy quê nhà sum họp sau ba trăm ngày ly tán đớn đau.
                    “Đã bao xuân lòng còn bạc sóng
                   mơ tình người lạc bước phiêu lưu”
                             (Về thôi ta - Trần Vương).
          Để chúng ta hàn huyên bao chuyện đời trên trời dưới bể. Để quên đi cái mưa phiêu hốt lạng lùng, lê thê. Để ta còn có thời gian nghĩ ngợi cố quận trong lòng ta. Để cho mấy nàng nhớ nắng mông lung ngơ ngẩn:      “Nắng trải dềnh dàng trên giàn mướp, nắng bung nở giữa ngàn cảnh mẫu đơn đỏ thắm. Nắng rang khô những hạt cam thảo dây, nắng giục buồng chuối cuối vườn mau chin bói trên cây, nắng đẩy mây lên cao cho trời sâu hun hút” (Nắng - Ngô Thị Thục Trang).
          Hòa trong sắc xuân của cánh đồng lúa sạ màu xanh, của núi đồi chập chùng cây xanh là của biển xanh, là những con thuyền ra khơi xa đánh cá. Con người tạo dựng nên sức mạnh và sự sống: “Hãy lắng chút lòng bâng khuâng trước biển/ bỗng thấy mình nhỏ bé lẻ loi/ con sóng xanh gọi bình minh thức dậy/ biển đảo muôn đời bình yên như câu hát mẹ ru” (Biển đảo tôi yêu - Thơ: Sương Thu, Nhạc: Nguyễn Lương Tín).
          Tháng Chạp rồi sẽ hết mưa, nắng sẽ hửng phía chân trời, nắng lên đọt khoai lấn sang đọt sắn, nắng lên mang tai, lên đỉnh đầu. Và
                           “trong đống phế liệu
cái kẹp tóc
kịp ánh lên”
       (Cái kẹp tóc - Nguyễn Giúp).
          Dẫu muộn màng, nhưng tình yêu, ký ức và sự sống vẫn sinh sôi như chính bản thể trời đất nước non.
                                             H.M.T.

Không có nhận xét nào: