* Lưu lại vài cảm nhận
của bạn văn về dịch phẩm “Bob Dylan – Những hòn đá lăn” của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
BOB DYLAN - THIÊN TÀI CỦA
ÂM NHẠC VÀ THƠ CA
Hồ Sĩ Bình
(Bài đăng trên báo Đà Nẵng - Chủ Nhật, 26/11/2017)
Đã một năm trôi qua kể từ khi Bob Dylan được
trao tặng giải Nobel Văn chương 2016. Thế nhưng đối với bạn đọc Việt Nam thường
chỉ nghĩ đến Bob Dylan là ông hoàng nhạc nhẹ của thế giới, chưa có nhiều cơ hội
để tiếp cận gia tài thơ ca của ông. Hơn nữa, sách viết về Bob Dylan ở nước ta đến
nay vẫn còn khiêm tốn. Tập sách Bob Dylan - Những hòn đá lăn của Mộc Nhân Lê Đức
Thịnh vừa được ra mắt với bạn đọc đã góp phần giúp mọi người tìm đến thế giới
âm nhạc và thơ ca của Bob Dylan nhiều hơn.
Không có mặt trong buổi lễ trao giải, trong
diễn từ gửi cho Viện Hàn lâm Thụy Điển, ông viết: “Bất cứ khi viết một quyển
sách hay một bài thơ, một vở kịch, một ca khúc… đều có thể nuôi dưỡng giấc mơ
bí mật sâu thẳm. Có thể giấc mơ đó được chôn sâu đến mức chính họ cũng không nhận
ra”. Cuộc đời của Bob Dylan - nhạc sĩ-ca sĩ-thi sĩ-nhà hoạt động xã hội suốt
hơn 50 năm qua, trong đầu ông luôn ám ảnh bởi một câu hỏi lớn rằng, liệu những
gì ông viết ra có giá trị văn chương đến mức nào. Và cho dù có những tranh cãi
về giải thưởng nhưng việc Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao Giải Nobel về
văn 2016 cho ông thì không có gì phải nghi ngờ gì nữa, đó là một câu trả lời
tuyệt vời về giá trị toàn bộ những sáng tác nghệ thuật của ông.
Ông là người nhạc sĩ đầu tiên được nhận giải
Nobel Văn chương vì như nhận định của Viện Hàn lâm Thụy Điển “đã sáng tạo nên
những biểu đạt thi ca mới trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”, “một thi
sĩ vĩ đại trong truyền thống Anh ngữ”. Nói như Chcristopher Ricks, Giáo sư
ngành Thi ca tại Đại học Oxford về ông “khiêu khích bí ẩn, gây xúc động, đầy
nghi vấn, khó có thể định vị, và nhắc cho chúng ta biết rằng thiên tài hoàn
toàn tự do chọn lựa”.
Bob Dylan có một điểm chung với Trịnh Công
Sơn là toàn bộ ca từ của ca khúc 2 nhạc sĩ thiên tài này đều là những thi phẩm
đầy quyến rũ, có sức hấp dẫn rủ rê người đọc. Tùy vào nội dung mà nhạc-thơ
đều chia ra nhiều mảng đề tài riêng biệt Tình ca, phản chiến, du ca, hiện thực,
trừu tượng, triết lý xã hội… Đằng sau những ca từ như thơ đấy, dù viết dưới đề
tài nào cũng thể hiện tinh thần nhân văn cao cả hướng đến sự tử tế, niềm khao
khát yêu thương, tự do và khát vọng - trong tình cảm đôi lứa lại thơ mộng lãng
mạn bằng một tâm tình hiến dâng say đắm.
Và điều kỳ lạ trong nhiều tác phẩm của
mình, Bob Dylan chứng tỏ sở đắc một vốn tri thức sâu rộng và triết học uyên
thâm nhưng chính tâm hồn nghệ sĩ ấy được bắt đầu và ươm mầm từ nhưng quán rượu
bình dân, được tiếp cận bước đầu bởi 2 dòng âm nhạc dân ca Folk song cộng với
country music như Woody Guthrie, Hanhk Williams… để rồi Bob Dylan có những ca
khúc được sáng tác đầu tiên trong đời được kết hợp tuyệt vời từ giai điệu blues
và nhạc folk. Với Bob Dylan có sự dung hợp hài hòa giữa nghệ thuật hàn lâm và
nghệ thuật bình dân. Điều này rất gần với Charles Chaplin bởi vì nghệ thuật của
họ vừa chinh phục trái tim và khối óc của những người trí thức, quý tộc cũng
như người bình dân. Bên cạnh những sáng tác có độ uyên thâm tầng sâu của văn
hóa thì những du khúc, du ca của ông luôn mang một chất giang hồ lãng tử, phong
trần…
Đối với Bod Dylan, trong cuộc đời sáng tác
và hoạt động nghệ thuật ông đã dành được nhiều giải thưởng cao quý về âm nhạc của
thế giới. Bộ sưu tập giải thưởng về tác phẩm và vinh danh cá nhân của ông khó kể
hết. Ông được tạp chí có uy tín Rolling Stone bình chọn là nghệ sĩ vĩ đại thứ 2
của mọi thời đại sau The Beatles. Âm nhạc của ông là sự cộng hưởng của folk,
blues, thánh ca, rock “no” roll và đôi khi pha trộn với Jazz, swing… Bài hát đánh
dấu một cái mốc quan trọng nhất trong đời ông là bản Like a rolling stone khi
ông bị khủng hoảng có ý định không sáng tác lại nữa, được lấy từ cảm hứng về nỗi
cô đơn trầm trọng, đơn độc thất vọng của con người được viết vào tháng 4,
5-1965. Ca từ của bài hát là một bài thơ đầy ẩn dụ và nỗi trầm tư mà Dylan đã
viết lại những nguyên tắc mới cho nhạc pop. Nhưng nhờ sự đón nhận nồng nhiệt của
công chúng đã giúp ông trở lại với đời sống âm nhạc.
Bằng những đóng góp của mình cho âm nhạc và
thơ ca, ông trở thành một nhạc sĩ, một thi sĩ lớn nhất, vĩ đại nhất của thế kỷ
XX.
Bob Dylan - Những hòn đá lăn (NXB Hội Nhà
văn 2017) của Mộc Nhân Lê Đức Thịnh gồm 40 bài thơ được tuyển dịch từ hàng trăm
ca khúc, thi khúc của Bog Dylan bao gồm nhiều thể loại. Sở hữu kho tư liệu về
Bob Dylan tương đối và bỏ nhiều công sức tìm hiều về Bob Dylan và niềm đam mê
âm nhạc, Lê Đức Thịnh đã chuyển ngữ thơ ca của Dylan khá tốt, đặc biệt Thịnh vốn
là nhà thơ nên bản dịch của anh lại giàu chất thơ.
***
Hồ Sĩ Bình – Nhà văn, Biên tập viên xuất bản
Hội Nhà Văn
--------------------------------------------------
TRÊN LỘ TRÌNH TÌM LỜI.
Võ Văn Nhi
Một
năm vụt thoắt qua. Một năm rẫy đầy khắp nơi bao biến cố. Năm ngoái có
đôi dị biệt; năm nay - bằng những khám phá, tìm kiếm dày công trên
gian nan vạn lý, “những hòn đá lăn” giờ nắm tay khoát vai phủi rêu
phong, bụi bặm - đồng vọng cùng Bob Dylan trong những “tình khúc thì
lãng mạn, thắm thiết và sâu lắng; du khúc thì đầy chất giang hồ,
bụi bặm và mạnh mẽ; nhạc phản chiến phản kháng thì đến tận cùng
của đối cực; ca khúc siêu thực thì lập thể góc cạnh dẫn thính khán
giả đến những viễn tượng đậm nét hoặc nhạt nhòa kỳ lạ; ca khúc xã
hội thì dằn vặt bao ám tượng đời sống hiện tồn; thánh ca thì thiêng
liêng, tràn đầy niềm tin và ân sủng...” (Lời Tựa - Mộc Nhân Lê Đức
Thịnh).
Đọc
thi phẩm dịch “Bob Dylan - Những hòn đá lăn” để tận hưởng sự hòa
điệu trong LỜI của ngôn ngữ loài người tạm trọ cõi trần vô thuỷ vô
chung lấy đâu làm LỜI nguồn cội; ấy mà nay trong tay thi phẩm dịch,
LỜI sao lại ngân nga thánh thót, dập dìu, thủ thỉ bên những cuồng nộ
cứ trầm bổng đan xen thành những khắc khoải, thăng hoa rồi lắng đọng
như tiếng lòng Bob văng vẳng từ xa xăm loang về tiềm thức mỗi chúng ta
đây đó giai điệu nào - có lẽ không mấy quen thân mà cơ hồ sao chẳng
mấy lấy gì để cho rằng lạ!
... How many years can some people exist
before they're allowed to be free?
How many times can a man turn his head
and pretend that he just doesn't see?
The answer, my friend, is blowin' in the wind
The answer is blowin' in the wind.
How many times must a man look up
before he can see the sky?
How many ears must one man have
before he can hear people cry?
How many deaths will it take till he knows
that too many people have died?
The answer, my friend, is blowin' in the
wind
The answer is blowin' in the wind.
*(Blowin' in the wind - Bob Dylan)
Bằng sự tinh tế và nhạy cảm, Mộc
Nhân đồng ứng tương cầu, can trường tương giao chuyển tải được “hồn
phách” của Dylany:
Phải bao thời kỷ núi dựng non sừng
sững
mà nay tinh khôi thuỷ mặc biển khơi?
Đã bao tháng năm mấy kiếp người có
được
cho tự do được phép khoát áo một
lần?
Liệu ai có vờ ngoảnh mặt được trọn
đời
khi giả bộ rằng ta chỉ kẻ mù đui?
Thì bạn ơi, câu trả lời gió cuốn xoay
cùng gió
Câu trả lời mặc theo gió cuốn trôi đi.
Đã bao lần ngước trong chiều vời vợi
chẳng phải được trông thấy trọn góc
trời?
Và người ơi, đôi tai này có đủ
thấu nỗi đau nhân loại đã cam trần?
Còn sẽ bao tử biệt rồi đây chờ đợi
khi người biết có đã muộn màng?
Thì bạn ơi, câu trả lời gió cuốn xoay
cùng gió
Câu trả lời mặc theo gió cuốn trôi đi.
Sự kỳ công đầy gian truân trong hành
trình kiếm tìm LỜI chính là kết quả có được từ nỗi tham vọng mộc
mạc-nghệ sĩ mà không riêng gì Mộc Nhân Lê Đức Thịnh (mà kể cả mỗi
chúng ta) mong cầu - một khi đã dấn thân - để quí yêu gởi lại trong
thi phẩm dịch nhạc-thơ này. Đọc LỜI mà vẫn rộn lên nhịp phách, trắc
bằng giai điệu; đọc LỜI mà ngỡ thơ nhạc chung dáng cùng hình thướt
tha ngân nga diễu gót qua hồn; đọc LỜI mà như nghe thấy một chặng
đường nào xa ngái vất va vất vưởng sừng sững ghé lại mai sau!
Cùng sẻ chia với Bob Dylan, Mộc Nhân Lê
Đức Thịnh thấy LỜI là “dạng thức tồn tại nguyên thủy trong mối quan
hệ gắn bó chặt chẽ giữa văn chương và âm nhạc, hay nói cách khác,
khi là văn chương thì có thể được ngân-hát lên, cộng hưởng với người
tiếp nhận, để khắc chế thế giới đang rã ra thành những mảnh vụn
trong sự đổi mới chính mình, luôn hướng về khởi nguồn vừa hiện đại,
vừa dân dã, vừa có sức lan tỏa với tính thời sự xã hội rộng lớn,
lại vừa có sự thầm kín thiết tha riêng tư...” (Mộc Nhân)
Cảm ơn tác giả, cảm ơn tác phẩm đã
khắc thêm một dấu ấn mới trên lộ trình hun hút tìm LỜI.
***
Võ Văn Nhi – giáo viên Anh ngữ Trường THCS Phan Bội
Châu, Thăng Bình, Q.Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét