20/2/18

1.084. QUỐC PHỤC - LOAY HOAY ĐI TÌM CÁI ĐÃ CÓ

                         Nhà văn Hoàng Quốc Hải 


            MỘT NỀN Y PHỤC TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI
Từ khi loài người đoạn tuyệt với giai đoạn sơ khai, dời hang động ra sinh sống ngoài trời. Bắt đầu có ý thức đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống, cũng là lúc con người biết xấu hổ, biết tìm cách che đậy bộ phận kín bằng các thứ lá khô hoặc vỏ cây khô. Đó chính là áo quần của nhân loại thời tiền sử.
Vào khoảng thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, bộ đội Trường Sơn khi mở đường đã gặp bộ tộc người Rục vẫn mặc áo quần bằng vỏ cây sui, đó là bằng chứng y phục thời tiền sử còn vương sót lại. 

Từ chỗ tìm kiếm đồ che đậy thân thể để chống lại thời tiết khắc nghiệt bằng các sản phẩm thiên nhiên như lá cây, vỏ cây chuyển sang giai đoạn biết dùng các loại sợi lấy từ cây cỏ như tơ chuối, tơ dứa,tơ tằm và cả đến lông thú, da thú thì y phục của nhân loại đã có bước tiến khổng lồ. 
Mỗi dân tộc sử dụng vải bông, vải lụa làm đồ may mặc đều phụ thuộc vào khí hậu và thói quen của chính dân tộc đó. Thường là người trong mỗi bộ tộc, mỗi dân tộc đều có lối ăn mặc giống nhau. Trong một nước có nhiều dân tộc, trang phục của mỗi tộc người, gọi là y phục dân tộc. Trang phục của dân tộc đa số mang tính tiêu biểu cho quốc gia đó thì gọi là quốc phục. 
Vậy quốc phục là gì? Quốc phục của một nước, là cách dùng các đồ vải sợi,tơ lụa,len dạ… chế tác thành các kiểu áo quần, được dân chúng trong cộng đồng dân tộc tự nguyện chấp thuận và sử dụng một cách ổn định qua nhiều đời. Vậy quốc phục là nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc được kết tụ lại.
Do đó, quốc phục của nước ta chính là một bộ phận văn hóa được kết cấu chung vào nền văn hóa Đại Việt từ cổ xưa. Thật vậy, y phục của một dân tộc được hình thành từ trí tuệ và tập tục của chính dân tộc đó; không một người tài giỏi nào nghĩ ra được lối y phục cho cả một cộng đồng dân tộc, và cũng không một người quyền uy nào bắt được cả một dân tộc phải mặc như thế này, hoặc như thế kia. 
Nước ta có quốc phục không? Đó là một câu hỏi dở. Rất dở. Đó là câu hỏi ở người không am hiểu lịch sử dân tộc mình. Lỗi này có thể tạm tha thứ vì không hiểu biết. Nhưng cũng có kẻ có học thức, song mất gốc, muốn phủ định quá khứ của dân tộc mình. Loại này thường nói, y phục của ta là sản phẩm học mót của người Tầu. Đó là giọng lưỡi của kẻ có ý thức hệ làm nô lệ, làm tay sai cho ngoại bang từ trong máu huyết di truyền. 
Thử nhìn vào mặt trống đồng Đông Sơn, trống đồng Ngọc Lũ, cách ta từ 2500 - 3000 năm,tức là trước cả thời Hùng vương, trong đó có các phụ nữ mặc váy dài, đứng thẳng, đâm chày giã vào cối gạo, và các chàng trai đóng khố, đầu đội mũ lông chim, tay cầm giáo, cầm khiên đang múa. Đó chẳng phải là người Việt cổ, tổ tiên của chúng ta sao? Và cho đến 1945, hầu hết phụ nữ nông thôn miền Bắc vẫn mặc váy và yếm, còn đàn ông tuy mặc quần áo bình thường, nhưng để tiết kiệm, do vải sợi đắt, những người thợ cầy vẫn đóng khố đi cày ruộng như hình người trên trống đồng. 
Y phục các đời đều có cải tiến để cả dân tộc có một nền quốc phục tương đối hoàn thiện, và nó tồn tại suốt chiều dài lịch sử cho đến tận năm1945. 
Ngoài ra, bằng chứng về nền quốc phục và cả lễ phục, còn lưu giữ trên hệ thống tượng thờ các đời vẫn nằm rải rác trong khắp nước. Lại nữa, chính sử ghi chép khá phong phú, ngay cả sự xê dịch về kích thước cũng được ghi chép,bất kỳ người nào cũng có thể khảo cứu được. 
Không chỉ sử sách ta ghi chép, mà sử sách của các sứ giả Trung Hoa cũng có mô tả chi tiết. Trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, trang 81, Nhà xuất bản sử học Hà Nội, tác giả viết: "Trần Cương Trung, nhà Nguyên đi sứ nước ta về, viết trong cuốn "Sứ Giao Châu về chiếc áo của người Việt thời nhà Trần" Người trong nước đều mặc lụa thâm, áo hoa, quần mỏng, cổ áo tròn khâu bằng là. Đàn bà cũng mặc áo thâm, nhưng màu trắng ở trong rộng hơn để viền vào cổ áo rộng bốn tấc, họ cho đó là khác với áo đàn ông. Các sắc màu xanh, hồng, vàng, tía, tuyệt nhiên không có". 
Trần Cương Trung đâu biết là những màu ông ta không thấy dân chúng dùng, là bởi họ không được dùng. Ví dụ màu tía, chỉ các quan trong hàng đệ nhất phẩm như tam thái, tam thiếu (thái sư, thái phó, thái bảo, thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo) mới được dùng. Còn sắc xanh dùng cho các quan thuộc hàng lục, thất phẩm ở các cấp phủ, huyện. 
Hoàn toàn khác với Trung Quốc, các vua nhà Lý dùng màu đỏ chứ không dùng màu vàng. Không những thế, Lý Thái tông (1028-1054) còn sai các cung nữ trồng dâu, chăn tầm lấy kén làm tơ sợi. Lý Thái tông là người dẫn đầu việc dùng hàng nội. Sử chép "Tháng hai năm Canh thìn (1040), vua dạy cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống ở trong kho ra để may áo bào ban cho các quan, để chứng tỏ rằng triều đình không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa. Từ đó triều phục may thuần bằng gấm vóc nội". 
Vua dạy cung nữ dệt gấm vóc, và triều phục trong triều đình may thuần bằng đồ nội. Thử hỏi trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm, có vị vua nào làm được như Lý Thái tông?
Như vậy, ta có một nền văn hóa y phục xuyên suốt từ cổ đại cho tới năm 1945; đó là quốc phục. Như mọi người đã biết, quốc phục là loại áo quần do dân chúng trong nước thường dùng một cách phổ cập. Nhưng cần biết thêm, trong quốc phục, lại phân ra thường phục và lễ phục. Thường phục là loại y phục mặc thường ngày, lễ phục là y phục mặc vào những ngày lễ, tết hoặc giao tiếp trong các dịp có tính long trọng như hội hè, cưới, hỏi, thăm viếng hoặc du ngoạn và cả giao tế v.v... Vậy lễ phục khác với quốc phục ở chỗ nào? Về nguyên tắc, việc chế tác lễ phục phải lấy cốt cách và chuẩn mực từ quốc phục, nhưng khác ở chỗ vải vóc sang quí hơn, màu sắc sáng sủa hơn, và thợ cắt may lành nghề hơn. 
Việc chọn vải và chọn thợ là tùy khả năng tài chính của mỗi người. Đây là nói về quốc phục và lễ phục của một dân tộc, còn triều phục lại có qui chế riêng, nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt dân tộc. Tức là không được thoát ly quốc phục. 
Ngày nay,nếu các nguyên thủ quốc gia đều mặc quốc phục, thì chỉ trông vào mũ áo của từng người, ta nhận ra ngay quốc tịch của người đó. Ví dụ, Thủ tướng Ấn Độ khi họp Quốc hội hoặc tiếp khách nước ngoài, ta thường thấy ông đội chiếc mũ tựa như chiếc khăn vành dây quấn theo hình chữ nhân ( l) của người Việt xưa. Ông vận chiếc áo dài lửng màu trắng, ngoài mặc thêm chiếc gi-lê. Nguyên thủ các nước vùng Vịnh thường mặc áo trắng vừa rộng vừa dài, đầu phủ một chiếc khăn trắng dài, trên chỏm có vành đai đen ôm lấy đầu. v.v… 
Ngày nay Âu phục đã trở thành quốc tế phục, nhưng trong mỗi quốc gia, ngay cả các quốc gia Châu Âu, phần y phục truyền thống vẫn được lưu giữ, được tôn trọng, ngay đến các nguyên thủ vẫn phải mặc các trang phục truyền thống trong các dịp lễ tiết của dân tộc mình. 
Khẳng định có bằng chứng được ghi chép trong chính sử, và cả hiện vật khảo cổ cùng nhiều tranh, tượng còn lưu giữ trong bảo tàng, và sinh động nhất là trong dân gian cả nước vẫn đang sử dụng quốc phục một cách bình thường trong các dịp hội hè, tết lễ và cưới hỏi. Vậy đó, quốc phục truyền thống của dân tộc ta vẫn đang tồn tại là điều không thể bác bỏ. 
Nhân đây nhắc lại bộ quốc phục thường ngày của người dân Việt Nam, tiêu biểu là miền Bắc Việt Nam. 
Khi mặc ở nhà, với đàn ông thường dùng chiếc áo cộc. Cộc có nghĩa là hai vạt trước của áo chỉ dài tới nửa đùi, đuôi áo khi ngồi chấm chiếu. Ngay trên thân áo, từ đầu tới nửa thế kỷ 20 cũng có thay đổi ấn tượng. Đầu thế kỷ 20, áo cộc nam không có túi, khuy tết bằng vải. Sau có thêm một túi ngực. Vào những thập niên 30, 40 lại bỏ túi ngực, thay vào hai túi ở cuối vạt, bỏ khuy vải, thay khuy bằng sừng, bằng trai như chiếc áo cộc ngày nay. Đàn ông xưa thường hút thuốc lào. Và tục ăn trầu thì phổ biến cả nam, nữ. Nên hai túi, một bên đựng sáp thuốc lào, một bên đựng bọc trầu cau. Khi đi làm đồng, người ta vấn quần cao tới háng. Sau thay quần dài bằng quần cộc để khi làm việc ở nhà và làm đồng cho tiện. 
Tuy nhiên, khi đã ra khỏi nhà, kể cả chạy qua thăm hàng xóm hoặc đi chợ búa, thì mọi người đều phải vận thêm chiếc áo dài. Đó là qui ước bất thành văn của xã hội. 
Với phụ nữ ngày thường vận áo cộc, trong có chiếc yếm, quần là chiếc váy. Ngang lưng bất kể lúc nào cũng thắt chiếc dải yếm. Dải yếm là một khổ vải rộng độ 20cm dài gần 2 mét. Trong dải yếm, phía bụng giắt một bịch trầu cau ở bên trái, và một túi vải có quai buộc vào giải yếm, còn túi giắt trong dải yếm, phía bụng phải. Trong túi thường đựng một ít tiền xu, chiếc gương tròn hoặc bầu dục to bằng quả trứng vịt, và chiếc lược thưa chải tóc bé tẹo. Đó là y phục phụ nữ mặc ở nhà hoặc đi làm đồng. Khi lao động, hai dải yếm buộc quàng về phía sau lưng, thường thì buông dài quá đầu gối. 
Trước 1945, mỗi khi gia đình có khách, mọi người trong nhà đều phải mặc áo dài. Như thế là biểu hiện một phần của lễ nghi giao tiếp theo phong tục cổ xưa. 
Đó là thường phục của nam nữ. Còn lễ phục như phần trên đã nói. 
Trớ trêu thay, thứ quốc phục truyền thống ấy, ngày nay lại không được nhà nước thừa nhận, và cũng không chính thức phủ nhận. Nhưng lại cứ mải mê đi tìm hình hài quốc phục mãi tận đâu đâu? 
MỘT VÀI KHỞI ĐỘNG ĐỂ TÌM LẠI QUỐC PHỤC 
Câu chuyện tìm về quốc phục bắt đầu hé lộ từ năm 1989. Khi ấy Nhật hoàng Akihito, (đúng ra phải gọi: Hoàng đế của nước Nhật Bản (Emperor - of Japan) lên ngôi. Nước Nhật có mời một số nguyên thủ quốc gia tham dự, trong đó có nước ta. Giấy mời ghi rõ: Về trang phục, xin quí Ngài vận quốc phục của nước mình. Hoặc quí Ngài có thể dùng lễ phục Châu Âu, nhưng xin cho biết trước để chúng tôi tiện sắp xếp. 
Bộ ngoại giao ta phúc đáp, Việt Nam sẽ tham dự. Việc này lãnh đạo nước ta bàn khá kỹ mà vẫn chưa quyết được. Có ý kiến đưa ra nên mặc theo y phục truyền thống: khăn đóng, áo dài, may thật sang, đẹp. Lại có ý kiến: nếu thế thì trùng với Ngô Đình Diệm à? Ông ta tiếp các đại sứ trình quốc thư, hoặc đi công cán nước ngoài đều dùng trang phục truyền thống. 
Trong khi ta chưa quyết được, thì Tòa đại sứ Nhật thỉnh thoảng lại nhắc hỏi: Lễ phục đại diện của quí quốc sẽ dùng loại nào? 
Khi gần hết hạn, ta mới quyết: Lễ phục Châu Âu. Và tức tốc gửi số đo của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nguyễn Hữu Thọ vào thành phố Hồ Chí Minh may gấp. 
Lần thứ hai vào năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là khách mời của Hiệp hội Đông Nam Á, họp tại Malaysia. Nước chủ nhà tặng quốc phục Malaysia cho tất cả các quan khách. Hội nghị trở nên đồng phục Malaysia. Dường như bị kích thích bởi tinh thần dân tộc. Khi về nước, Thủ tướng cho triệu ngay Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Văn Phác, trao nhiệm vụ phải nghiên cứu và sớm trình Thủ tướng bộ quốc phục của nước ta. 
Bộ trưởng trao nhiệm vụ này cho thứ trưởng Nông Quốc Chấn. 
Một cuộc họp được triệu tập gấp, thành phần gồm có: Vụ Mỹ thuật, Cục Văn hóa quần chúng, Cục Bảo tồn bảo tàng, Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia cùng một số họa sĩ. 
Vào họp, thứ trưởng Nông Quốc Chấn hỏi: 
- Các nhà chuyên môn, có ai biết quốc phục là thế nào không? 
Im lặng. 
Thứ trưởng lại hỏi: 
- Liệu loại y phục truyền thống trước đây của ta có phải là quốc phục không? 
Vẫn im lặng. 
Thứ trưởng bèn chỉ định Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật phát biểu. 
Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật nói ngập ngừng: 
- Báo cáo thủ trưởng, tôi cũng không hình dung được quốc phục của ta trước đây như thế nào, và bây giờ nếu phải làm, tôi cũng không biết bắt đầu như thế nào. 
Các họa sĩ không nói được điều gì khả dĩ về quốc phục. Thậm chí nhiều người tham dự cuộc họp còn ngỡ ngàng với từ quốc phục, và dường như không có cả khái niệm về quốc phục. 
Thứ trưởng Nông Quốc Chấn đề nghị mở cuộc thi sáng tác mẫu quốc phục, thời gian trong hai tháng, giải 1 triệu đồng. 
Trao đi đổi lại mãi. Kết thúc cuộc thi, có được vài chiếc áo, chiếc thì từa tựa áo cộc của người Việt, chiếc thì từa tựa áo cộc của người Tày, từ màu sắc đến kiểu dáng, nó đạt tới tuyệt đỉnh của sự phản cảm về y phục. 
Cách đây ít năm còn thấy lưu giữ mấy chiếc áo ấy tại Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. 
Kể từ cuộc thi sáng tác mẫu quốc phục thất bại năm 1991, tới nay Bộ văn hóa và các Cục, Vụ chuyên môn tổ chức có tới gần chục cuộc hội thảo bàn về quốc phục. 
Nếu kể cả các năm 1998 - 1999 chuẩn bị cho giỗ tổ Hùng Vương năm 2000, thì chỉ riêng việc này, Bộ Văn hóa cũng tổ chức tới 5-6 cuộc hội thảo bàn về áo lễ - lễ phục truyền thống để may cho vị chủ lễ và phụ lễ Đền Hùng.Công việc chuẩn bị khá hào hứng và sôi nổi.Thực sự đã ra mắt bộ áo lễ khả dĩ làm mọi người tạm hài lòng.Việc đến tai ông Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.Ông Mạnh đề nghị Bộ Văn hóa may cho ông một bộ để ông mặc dâng hương trong ngày giỗ Tổ.Nếu ngày ấy không có gì trắc trở,giỗ Tổ Hùng Vương ngoài Chủ tịch Quốc hội còn có Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Chủ tịch tỉnh Phú Thọ mặc aó lễ truyền thống dâng hương.Nếu việc đó được thực hiện,chắc chuyện quốc phục đã tới hồi kết.Tiếc quá,tới phút chót Văn phòng Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gọi điện tới Bộ Văn hóa truyền đạt rằng, ý kiến của Tổng bí thư là Lễ phục truyền thống trong lễ dâng hương Đền Hùng năm nay, chỉ đại biểu địa phương mặc thôi,đại biểu trung ương tạm hoãn.Tạm hoãn,có nghĩa là ông Tổng bí thư vẫn chưa thật sự yên tâm về chuyện quốc phục. 
Và thế là các cuộc hội thảo lại tiếp tục; hội thảo nào cũng sôi nổi truy tìm quốc phục, mà vẫn chưa nắm bắt được hình hài. 
Điều dễ hiểu, các cán bộ lãnh đạo và chuyên môn sinh sau 1945, nay đều đã trên dưới 70 tuổi. Suốt thời gian đằng đẵng ấy không ai đả động gì đến vai trò của quốc phục. Gần hết cuộc đời họ, vẫn chưa có khái niệm gì về cái gọi là quốc phục. Ngay cả các nhà lãnh đạo quốc gia từ cụ Hồ Chí Minh, ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng… suốt từ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, đến họp Quốc hội đầu tiên năm 1946, và cả sau 1954 khi họp Quốc hội, họp chính phủ, tiếp ngoại giao đoàn đều vận áo theo kiểu Tôn Trung Sơn hoặc kiểu áo đại cán của người Trung Hoa. Do đó các thế hệ tiếp nối cứ ngỡ thứ trang phục đó là quốc phục của nước mình. Tuy nhiên trong các bức ảnh chụp các đại biểu quốc hội họp năm 1946, ta còn nhận thấy một số nhân sĩ, trí thức vẫn vận quốc phục khi làm việc công như Bùi Bằng Đoàn, Lê Văn Hòe, Trương Thị Mỹ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ, Huỳnh Thúc Kháng v.v... 
Ngay thứ trưởng Nông Quốc Chấn cũng gợi ý các họa sĩ: "Hay là ta may theo kiểu áo Tôn Trung Sơn, nhưng cải tiến cho dài hơn và có nhiều túi". 
Vì những lý do trên mà các cuộc hội thảo chỉ có bàn. Và lại bàn tiếp trong các cuộc hội thảo sau. Tuyệt nhiên không có một quyết sách hoặc một định hướng nào khả dĩ, để vươn tới kết quả mong muốn. 
Bởi vậy các cuộc khởi động, tái khởi động đi tìm quốc phục của Bộ Văn hóa suốt mấy chục năm qua, tựa như một vận động viên điền kinh già, ráng hết sức mình để chạy tại chỗ. 
Sự thật, đây là cuộc hành trình đi tìm cái đã có. 
TẠI SAO NÓI Y PHỤC LÀ VĂN HÓA 
Khái niệm văn hóa khá rộng. Văn hóa ôm trùm dường như tất cả mọi hoạt động của con người. Từ lịch sử, chính trị, kinh tế, kiến trúc, giáo dục, y phục, ẩm thực, giao thông, giao tiếp, khoa học, kỹ thuật vv... đều nằm trong phạm trù văn hóa. 
Nhân loại có điểm nhất quán là ăn, mặc, ở giống nhau. Nhưng mỗi dân tộc có lối ăn khác nhau, mặc khác nhau và nhà ở cũng khác nhau. Các đối tượng dinh dưỡng đều giống nhau do nguồn từ lương thực, thực phẩm. Nhưng cách chế biến lại hoàn toàn khác. Mặc cũng vậy, nguồn đều từ sợi bông, sợi tơ, len, dạ, da... nhưng khi cắt may thành áo quần lại khác nhau. Chính sự khác nhau đó là nét riêng văn hóa của mỗi dân tộc. 
Về chiếc váy của phụ nữ Việt Nam, các bà, các chị từ xa xưa đã tự hào mà giới thiệu: 
"Cái thúng (1) mà thủng hai đầu 
Bên ta thì có bên Tầu thì không" 
Việc khẳng định "Bên ta thì có bên Tầu thì không" như ý Nguyễn Trãi đã nói trong Tuyên cáo Bình Ngô: "Non sông bờ cõi đã riêng. Phong tục Bắc-Nam cũng khác”. Khác cơ bản, chính là văn hóa. 
Chiếc váy, không chỉ là mảnh vải che nửa thân dưới của người phụ nữ, mà nó còn là hồn cốt Việt, bởi nó tượng trưng cho văn hóa Việt tộc . Vì thế, người mặc nó rất tự hào. 
Muốn xóa sổ một dân tộc, trước hết phải xóa đi cái riêng thuộc về dân tộc đó. Khi giặc Minh xâm lược nước ta, theo lệnh của Minh Thành tổ, chúng đã hủy hoại và thiêu đốt tất cả những gì thuộc về văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt, nhằm mục đích Hán hóa dân tộc ta. Khi đã chiếm được nước ta hoàn toàn, Minh Vĩnh Lạc còn ráo riết hơn, như Đại Việt sử ký toàn thư tờ 794 quyển I chép rằng: "Nhà Minh cấm con trai, con gái không được cắt tóc; đàn bà con gái thì mặc áo ngắn quần dài, hóa theo phong tục phương Bắc". 
Giặc Minh bắt dân ta để tóc dài, giặc Thanh lại cấm dân ta để tóc dài. 
Vì vậy phát Hịch đánh giặc Thanh, vua Quang Trung đã viết: 
"Đánh cho để răng đen 
Đánh cho để tóc dài 
Đánh cho chúng trích luân bất phản 
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn 
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ...” 
Tục nước ta xưa trai gái đều nhuộm răng đen và để tóc dài, đó là để phân biệt giữa người ta với người Tầu. Giặc Thanh tuy chưa đô hộ được dân ta, nhưng chúng đã lăm le bắt dân ta phải cạo trọc đầu và để răng trắng. Cho nên vua Quang Trung mới hạ quyết tâm đánh cho chúng không còn một cỗ xe nào có thể quay về nước (trích luân bất phản). Và đánh cho chúng tơi tả không còn mảnh giáp (phiến giáp bất hoàn),đánh cho chúng biết nước Việt Nam anh hùng đã có người Việt Nam làm chủ.Đánh giặc, để bảo tồn lấy phong tục của người mình; cũng tức là bảo vệ nền văn hóa dân tộc. 
Sau việc 29 vạn quân xâm lược nhà Mãn Thanh bị tiêu diệt, vua Lê Chiêu Thống chạy theo giặc Bắc, trong đó có một số quan lại tòng vong. Sau bị Càn Long ngược đãi, bắt mọi người phải cạo trọc đầu như người Thanh, vận áo quần như người Thanh và cấp cho một ít ruộng đất để cày cấy sinh nhai. 
Lê Quýnh đã khẳng khái ném vào mặt lũ giặc gian ác, xảo quyệt những lời quyết liệt: "Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả thế, bì khả tước, phục bất khả dịch dã". Tạm dịch: "Có thể chặt đầu ta, nhưng không thể cắt được tóc ta. Có thể lột da ta, nhưng không thể bắt được ta phải thay đổi y phục”. 
Bị lừa chạy theo giặc, nhưng thà chết vẫn phải giữ lấy văn hóa của nước mình. Ấy là điều quốc sỉ. Lịch sử coi Lê Quýnh lầm lỡ theo vua vì có chút ngu trung, chứ ông vẫn là một người yêu nước, kiên trinh với cốt cách văn hóa Việt tộc. 
Dám đổi cả mạng sống mình, để giữ lấy một biểu tượng văn hóa của dân tộc mình. Ai dám bảo y phục là chuyện nhỏ. Không nhỏ chút nào cả, bởi nó là văn hóa. 
Chuyện quốc phục, chỉ riêng chiếc váy phụ nữ cũng gian nan. Tưởng chỉ có giặc Minh, giặc Thanh ép dân ta phải bỏ váy. Ai ngờ vua Minh Mạng, một ông vua có học hành đầy đủ, có nhiều công lao với đất nước, được coi là vị vua giỏi nhất của nhà Nguyễn. Ấy thế mà đổ đốn, bán linh hồn cho quỉ, để theo về văn hóa Tầu. Tất cả các tên làng xã ngày xưa đều đặt theo tên Nôm (thuần Việt), Minh Mạng bắt phải đổi sang Hán-Việt hết. Tên cũ như Kẻ Noi, Kẻ Bưởi, Kẻ Nhuế, Kẻ Sặt... hoặc Đanh Xá, Chử Xá... Neo, Bùi vv… Tất cả những tên cổ đó, đã biến mất dưới thời Minh Mạng. Và Minh Mạng đã hai lần ban dụ cấm phụ nữ miền Bắc, từ Quảng Bình trở ra không được mặc quần một ống.
Năm 1822, nhân dịp ra Bắc Thành (Hà Nội) nhận lễ thụ phong của nhà Mãn Thanh, vua Minh Mạng rất khó chịu khi thấy phụ nữ miền Bắc vẫn vận quần một ống. Năm Đinh hợi (1827) ông ban dụ bắt phụ nữ Bắc Hà phải vận quần hai ống. 
Sau 10 năm thấy người Bắc có vẻ "bất úy quốc pháp" (không sợ phép nước). Nên năm Đinh dậu (1837) nhà vua lại ban dụ, lần này có vẻ gay gắt: "Ngày trước từ Linh Giang (sông Gianh) trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như tục cũ. Đã ban dụ truyền sửa đổi theo y phục từ Quảng Bình trở vào miền trong để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mạng thứ 8 đến nay đã 10 năm rồi vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại từ Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn, quần áo đều theo cách của nhà Hán, nhà Minh xem khá chỉnh tề... Hạn trong năm nay phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau còn giữ theo y phục cũ sẽ bị tội". 
Lệnh vua nghiêm là vậy, quan lại các địa phương đốc thúc, lính tráng canh gác các cổng ra vào chợ, ai vận quần một ống(váy) không được vào mua bán. Nhưng nào có cấm được. Dân phản ứng rất khôi hài:
"Tháng tám có chiếu vua ra 
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng 
Không đi thì chợ không đông 
Đi thì phải lột quần chồng sao đang" 
Hoặc:
“Có quần ra quán bán hàng 
Không quần ra đứng đầu làng trông (1) quan” 
Và cho đến tận 1945, khi vương triều nhà Nguyễn kết thúc, phụ nữ miền Bắc vẫn cứ mặc váy. 
Vì sao dân miền Nam mặc quần hai ống. Là vì chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) có ý tự cường, muốn lập nước riêng, ông cho đúc ấn quốc vương, định triều nghị, cải y phục.
Đây là việc nội bộ, tự cường để đối đầu với phe Lê- Trịnh ngoài Bắc. Vì vậy dân theo. 
Còn như Minh Mạng ép dân Bắc Hà phải theo về văn hóa Tầu, nên dân Bắc Hà chống lại. 
Ý nghĩa của văn hóa y phục - quốc phục là ở chỗ đó. 
Việc nhân dân bảo vệ y phục truyền thống, tức bảo vệ quốc phục, không phải bảo vệ bộ quần áo che thân. Mà là bảo vệ phẩm giá của dân tộc, bảo vệ hồn cốt dân tộc. Đó là tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân, nhằm bảo vệ sự trường tồn của đất nước. 
Hơn ai hết, nhân dân biết: Giữ được văn hóa là giữ được nước. Nước tạm thời có lúc có thể mất vì thế giặc mạnh, nhưng vẫn có cơ may đuổi giặc đi, đòi lại nước. Nhưng để mất văn hóa, là vĩnh viễn mất nước. Một dân tộc để mất đi nền văn hóa, tựa như dân tộc đó đã bị tước đoạt mất linh hồn, chỉ còn trở lại xác phàm. Và sẽ sống như một bầy đàn. 
Gương người Do Thái đó. Người Do Thái bị mất nước tới hai ngàn năm. Nhưng dân tộc Do Thái dù tản mác khắp năm châu bốn biển, vẫn giữ nguyên tiếng nói, chữ viết và phong tục.
Dù chỉ có một gia đình người Do Thái sinh sống trong thành phố của một đất nước xa lạ, nhưng khi đã bước chân vào ngôi nhà của mình, tất cả đều nói tiếng Hébreu. Và người lớn phải dạy cho trẻ em học để đọc thông viết thạo chữ của người Do Thái. Việc cầu nguyện Chúa, cũng theo kinh bổn Do Thái, và không hề xao nhãng. Về phong tục, chỉ riêng chi tiết này đối với mọi bé trai, là một bắt buộc. Tức là khi trẻ em tới 6 tuổi, phải thực hiện việc cắt bao qui đầu. Qua chi tiết này, đại chiến thế giới thứ hai, phát xít Đức đã phát hiện ra và giết không biết bao nhiêu trẻ em người Do Thái. 
Nhờ sức mạnh của ngôn ngữ, chữ viết, phong tục và tôn giáo được duy trì. Dù người Do Thái có tản mác khắp năm châu bốn biển tới hai ngàn năm. Nhưng khi có điều kiện lập quốc, tập hợp lại những người Do Thái phiêu bạt, vẫn là một quốc gia Do Thái nguyên vẹn - Một quốc gia đúng nghĩa, khiến cả thế giới đều khâm phục và ngưỡng mộ. 
Vậy đó, văn hóa của một dân tộc, chính là linh hồn của dân tộc đó, và cũng là sức mạnh gắn bó để dân tộc đó trường tồn. 
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 
1. Thế giới ngày nay là một thế giới phẳng, không một quốc gia nào có thể sống biệt lập. Cho nên việc giao lưu văn hóa, trao đổi văn hóa, học hỏi và bắt chước các điều hay, điều tốt đẹp của các dân tộc khác, làm phong phú cho nền văn hóa của dân tộc mình, là nhu cầu chung của nhân loại. 
2. Y phục Châu Âu đẹp, hợp lý, thuận tiện nên đã trở thành quốc tế phục. Nếu ta vận thường phục hoặc lễ phục Châu Âu, đều không phải mua bản quyền. 
Nhưng nếu vì quá chuộng ngoại mà bỏ hẳn quốc phục thì chúng ta là những kẻ phản bội tổ tiên, nòi giống.(Thật ra,chúng ta vừa vô tình vừa cố ý làm thất thoát khá nhiều thứ trong kho báu văn hóa dân tộc.Nay phải có ý thức chắt chiu gìn giữ những gì còn lại.) 
3. Ai chủ trương cho toàn dân Việt Nam phải nhất thể hóa vận theo quốc phục từ trước 1945, đều không thức thời. Và dù có dùng luật pháp chế tài cũng trở nên bất lực. 
4. Nếu ai đó lại chủ trương phủ định sạch trơn nền quốc phục nước nhà, thì người đó sẽ là kẻ chân không về lịch sử. Là người không có quá khứ, không có nguồn gốc. 
Và như vậy những nhà ái quốc như Nguyễn Trãi, Quang Trung và cả người có nhầm lẫn đôi chút như Lê Quýnh, nói rộng ra cả mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã đổ máu xương xây đắp bờ cõi này trở nên vô nghĩa sao? 
Nhất định không thể như vậy được. 
5. Bộ Văn hóa nên chủ động nộp văn bản trình Quốc hội, để Quốc hội chính thức phê chuẩn y phục cổ truyền là quốc phục, chứ không phải tìm kiếm ở đâu nữa. Còn việc cải tiến y phục dân tộc như thế nào sẽ bàn sau.Nhưng phải dựa vào người có lòng yêu nước,yêu đến từng ngọn cỏ lá cây của nước mình,rồi lại phải có tài năng cỡ như họa sĩ Cát Tường,năm 1934 ông đã cải tiến chiếc áo dài phụ nữ cổ xưa thành kiểu áo dài tân thời, có tên Lemur thật gọn đẹp.Đẹp đến tận ngày nay,khiến cả thế giới đều ngợi khen.Vậy là chiếc ào dài nữ truyền thống đã ổn.Còn lại chiếc áo nam như hiện có, tưởng cũng đã là đẹp.Nhưng nếu muốn đẹp hơn thì lại đầu tư cải tiến.Chuyện quốc phục tưởng như đơn giản,bỗng trở thành chuyện quốc sự dài dài. 
Một khi Bộ Văn hóa đệ trình văn bản, và nếu được Quốc hội phê chuẩn, thì việc hướng dẫn sử dụng quốc phục cũng phải đưa vào cơ chế luật. Theo đó người đứng đầu Nhà nước, các Bộ trưởng trong các ngày đại lễ như Quốc khánh, tiếp Ngoại giao đoàn nhất thiết phải vận Quốc phục. Ngày giỗ tổ Hùng Vương, các vị lãnh đạo nhà nước lên dâng hương tại Đền Hùng, nhất thiết phải vận Quốc phục. 
Việc Chủ tịch nước nhận trình quốc thư của các sứ đoàn, nếu đoàn nào họ vận quốc phục của dân tộc họ, thì Chủ tịch nước Việt Nam cũng vận Quốc phục của mình để nhận trình quốc thư. 
Chủ tịch Quốc hội, khi điều khiển họp Quốc hội trong mọi hoàn cảnh, bắt buộc phải vận Quốc phục. 
Ngoài ra với toàn dân, nhà nước khuyến khích mặc quốc phục vào những ngày lễ trọng chứ không bắt buộc. Thật ra, nhân dân cả nước hiện nay đang thực hiện việc này. Bởi họ biết chỉ có văn hóa mới là vũ khí vạn năng để giữ nước. Tuy nhiên, nhà nước nên khuyến khích mở một số tiệm may quốc phục, và giới thiệu quốc phục một cách rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, liên tục trong một thời gian vừa đủ để nhân dân nhận biết. Mặt khác, khuyến cáo các dân tộc ít người bảo tồn y phục dân tộc của họ. 
Xin mượn lời nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh để kết thúc bài viết này: "Phàm đã là một dân tộc sinh tồn trên hoàn vũ, đã có một cái lịch sử chính đáng, thì phải giữ gìn sự vẻ vang trong lịch sử của dân tộc mình, nghĩa là gìn giữ lấy những đức tính hay, tốt từ mấy nghìn năm ông cha để lại, khiến cho nước nào, dân tộc nào đối với mình cũng đem lòng kính trọng. Nói tóm lại, là một cái tính chất của một dân tộc đã trải lâu năm kết tinh lại như hòn ngọc, mài không mòn, như sắt nguội đánh không bể thì mới gọi là đạo đức được" (Phan Châu Trinh 1872- 1925). 
Hoàng Quốc Hải - nguồn: Tễu Blog
------------------------------ 
(1) Có bản chép là "cái trống" 
(1) Nghĩa là canh gác xem quan có về khám xét mặc quần hay mặc váy.

Không có nhận xét nào: