4/1/22

2.252. ĐỌC LẠI BÀI THƠ “NHỚ RỪNG”

      Mộc Nhân

     Bài thơ quen thuộc và sự phân tích trong nhà trường cũng quá quen thuộc; tôi đọc lại và có thêm mấy góc nhìn mới - nhân sắp đến xuân con Cọp - Nhâm Dần, 2022

Bài đăng trên Tạp chí Đất Quảng – số xuân Nhâm Dần – 2022


“Nhớ rừng” – một bài thơ quen thuộc, được Thế Lữ viết năm 1934, trong tập “Mấy vần thơ”. Câu đề dẫn “Lời con hổ ở vườn bách thú” nhằm tránh đi sự suy diễn, quy chụp trong bối cảnh văn chương đương thời bị thực dân kiểm duyệt gắt gao. Tuy nhiên nội dung chủ đề của nó thì ai cũng nhận ra: một thông điệp về khao khát tự do, lòng yêu nước thầm kín được ẩn sâu vào tâm hồn của chủ thể.

Hình tượng con hổ trong bài thơ cho dù là sự hóa thân trong nỗi niềm của thi sĩ, nó vẫn là một chủ thể trữ tình, nhất quán và toàn vẹn.

Phần nổi của bài thơ là câu chuyện của con hổ như lời đề từ. Phần chìm có ý nghĩa gợi liên tưởng đến ý thức giải phóng cái tôi cá nhân, có cả tâm trạng nhớ tiếc, u hoài của một dân tộc đang bị xiềng xích, khát vọng tự do; phủ nhận thực tại hướng về quá khứ oanh liệt. Đó chính là thông điệp từ bài thơ.

Bi kịch của con hổ được nhìn nhận ở mấy góc độ:

- Hoàn cảnh đổi thay nhưng con hổ không đổi thay. Bởi nó không chịu hạ mình, không chấp nhận hoàn cảnh.

- Ý thức về vị thế “chúa sơn lâm” nên nó không chấp nhận hoàn cảnh thay đổi mà thay đổi theo hoàn cảnh.

- Nhận thức về nghịch lí là nó phải chung sống với những thứ giả tạo, tầm thường, kém cỏi mà nó không thể nào chấp nhận được.

Đó là những bi kịch và nghịch lý mà nhà thơ Anh Lord Byron viết trong một tiểu luận: “Con người là trò tiêu khiển của hoàn cảnh khi mà hoàn cảnh tưởng chừng như là trò tiêu khiển của con người (Men are the sport of circumstances when it seems circumstances are the sport of men).

Cả ba góc độ ấy tạo nên niềm u uất chạy suốt bài thơ, đi vào từng câu thơ để từ đó tạo nên sự xung đột, giằng xé dữ dội. Trong cái xung đột ngột ngạt ấy có nỗi đau của kẻ bất đắc chí về những tháng ngày: “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa”. Còn giờ đây là những tháng ngày ngao ngán mà chủ thể trư tình đang trải qua: “Nay sa cơ chịu nhục nhằn tù hãm/ Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi”

Xem ra, có vẻ như hiện thực đầy đủ về vật chất để làm vui lòng “kẻ nô lệ”, làm cho họ quên đi thân phận tôi đòi nhưng thật ra đó là những thứ sắp đặt vô hồn nhằm thủ tiêu sức mạnh và ý chí của hổ, biến con hổ thành vật trang trí cho cuộc sống màu mè của con người: “Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng/ Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng/ Len dưới nách những mô gò thấp kém”

Và chua chát hơn nữa là nó bị “tầm thường hóa” khi chung sống với những kẻ “dở hơi”, yên phận, cơ hội làm tôi mọi cho kẻ mạnh mà tàn ác.

Giữa con hổ với những con thú khác giờ đây đã có sự thay bậc đổi ngôi. Từ vị thế của kẻ nhận thức được giá trị của mình là “chúa tể muôn loài”, lúc này con hổ đã thực sự đau buồn, uất hận khi phải chấp nhận nghịch cảnh: “Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.”

Nói theo ngôn ngữ hiện đại là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội thay đổi đã tạo nên những xung đột nội tâm của chủ thể trữ tình.

Tâm trạng chán ngán “Nằm dài, trông ngày tháng dần qua” là sự chờ đợi một cách vô vọng; còn “khối căm hờn” thực sự có lẽ nó hướng về con người. Những kẻ dùng sức mạnh để cướp đi quyền tự do; gán ghép vào đời sống của nó một thứ “bình đẳng” giả hiệu.

Nhưng thật đáng trân trọng là dù môi trường, thân phận, thứ bậc, quan hệ… tất cả đã thay đổi; quyền lực, sức mạnh đã bị tước đoạt nhưng con hổ vẫn không cúi mình.

Trong từng đoạn thơ, chủ thể đã bộc lộ nhiều sắc thái tâm trạng khác nhau: lúc thì chán chường trước hiện tại: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua”; lúc thì hồi tưởng mở về phía quá khứ vàng son oanh liệt: “Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây gìà/ Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi/ Với khi hát khúc trường ca dữ dội/ Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng…”; lúc thì uất hận, tiếc nuối đến quặn lòng mà thốt lên thành lời: “Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối/ Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan/ Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn/ Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới…”; lúc thì đớn đau than vãn: “Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu!”… Nhưng toàn bài thơ, người đọc không hề thấy cái bi lụy của kẻ sa cơ mà cảm nhận được cái bi tráng của bậc anh hùng bất đắc chí: “Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ/ Là nơi giống Hùm thiêng ta ngự trị/ Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa/ Nơi ta không còn được thấy bao giờ!”

Chính sự đa dạng về ngôn ngữ, trạng thái cảm xúc như vậy nên người đọc mới cảm nhận được cái không khí tuy chán ngán nhưng không buông xuôi mà kìm nén để sẵn sàng bùng phát làm nên xung lực trong toàn bài thơ.

Quá khứ và hiện tại, tự do và nô lệ, cái mất và cái còn, tầm thường và trác việt, chán chường tẻ nhạt và rực rỡ huy hoàng… luôn đan xen nhau, hỗ trợ cho nhau tạo nên những vẻ đẹp lấp lánh nhiều sắc màu, nhiều cung bậc tình cảm, nhiều giọng điệu trong toàn bài thơ.

Tuy nhiên, tinh thần cơ bản của bài thơ là một hoài niệm, từ đó mở ra cả ba phía: quá khứ huy hoàng - hiện tại u uất và tương lai là một hướng mở mà ẩn số của nó là nội lực cá nhân cùng với xu hướng giải phóng dân tộc bị áp bức của thời đại bấy giờ.

Đó chính là yếu tố tạo nên chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Mạch cảm xúc trong tác phẩm vận động theo cả ba chiều. Đối với con hổ, quá khứ dầu sao cũng đã đóng lại, chủ thể trữ tình trong hiện thực ách nô lệ nhưng nó vẫn khơi gợi tương lai từ sức mạnh của mình. Điều đáng quí là dù kẻ bị tước mất tự do, bất lực, bế tắc dường như vô vọng nhưng vẫn giữ được niềm tin, vẫn giữ được mình, không vì hoàn cảnh mà vong thân, cúi đầu. 

Vậy nên cách duy nhất để ứng phó với một thế giới không tự do là trở nên tự do tuyệt đối đến mức thậm chí sự tồn tại đầy lãng mạn của cá thể cũng là phản kháng (dẫn theo Albert Camus - triết gia Pháp, Nobel Văn học 1957).

Chuyện con hổ sống trong vườn bách thú với tâm trạng “nhớ rừng” mang theo nhiều thông điệp đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm!

Tôi nghĩ nếu lời đề từ mang tính tự sự của bài thơ là thông điệp giam cầm thì cái kết biểu cảm - than vãn của nó là ý hướng tự do được ẩn sâu bên trong tiến trình của bản thể.

Hay nói như Hegel – triết gia Đức: “Lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do” (The history of the world is none other than the progress of the consciousness of freedom).

Mộc Nhân

 


Không có nhận xét nào: