13/1/22

2.257. KHI TÔI NGHE BÀI GIẢNG CỦA NHÀ THIÊN VĂN

    Mộc Nhân dịch từ nguyên tác “When I Heard The Learn’d Astronomer” (1) của Walt Whitman (2). 

Chân dung Walt Whitman

   Khi ngẫu nhiên đọc bài thơ này trên trang poetryfoundation, tôi nhớ đến câu nói của Ralph Waldo Emerson (Nhà thơ, triết gia người Mỹ): "Thiên nhiên và sách thuộc về những đôi mắt đã nhìn thấy chúng" (Nature and books belong to the eyes that see them).
  Và tôi muốn dịch bài thơ để chia sẻ.
  Dịch xong, tôi cũng muốn sửa lại câu trích dẫn nêu trên của R.W. Emerson - để tặng em Cọp Dữ bản dịch này: "You and me belong to the eyes that see each other" (Tôi và em thuộc về những đôi mắt đã nhìn thấy nhau). Và tự hỏi: "Không biết câu nào - trong 2 câu - hay hơn nhỉ" ❤ ❤ 

KHI TÔI NGHE BÀI GIẢNG CỦA NHÀ THIÊN VĂN


Khi tôi nghe bài giảng của nhà thiên văn

khi những minh chứng, những hình vẽ

được xếp theo cột trước mặt tôi,

khi tôi được xem những đồ thị và biểu đồ

cộng vào, chia ra, rồi đo đạc

khi tôi ngồi, nghe nhà thiên văn,

ông ấy giảng bài với nhiều tiếng vỗ tay trong khán phòng.

 

Thật không thể hiểu nổi, tôi trở nên mệt mỏi và phát ốm,

đến khi tôi đứng dậy, bước ra ngoài và lang thang một mình,

Trong đêm không khí ẩm huyền nhiệm, thỉnh thoảng

Tôi ngước nhìn sự tĩnh lặng tuyệt vời của những vì sao

---------------------

Chú thích: 

(1) Đây là một bài thơ tự sự ngắn kể lại trải nghiệm của người thơ khi nghe một bài giảng của một nhà thiên văn học. Nhà thiên văn học giải thích sự thật về các ngôi sao bằng một số công cụ toán học; biểu đồ, sơ đồ và cột. Khán giả đánh giá cao kiến ​​thức và cách giải thích của ông ta nhưng người thơ lại cảm thấy mệt mỏi vì bài giảng không thú vị và đơn điệu.

Cuối cùng, anh bước ra khỏi giảng đường và nhìn lên những vì sao trong im lặng hoàn hảo. Anh ta dường như bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của những ngôi sao hơn là những bằng chứng và chứng cứ về các ngôi sao. Bài thơ truyền đạt rằng sự khôn ngoan không dựa vào những giải thích toán học do con người tạo ra. Ở một mức độ sâu hơn, bài thơ nói rõ hơn về cách con người có thể cảm nhận hiện diện của thiên nhiên bằng cánh của tâm hồn để hiểu được bí ẩn của nó.

(2) Walt Whitman (1819 – 1892) là nhà thơ, nhà báo, nhà cải cách thơ quan trọng của nước Mỹ. Ông là tác giả của tập thơ Lá cỏ (Leaves of Grass) nổi tiếng thế giới. Tập thơ này đã được tái bản 6 lần khi Walt Whitman còn sống. Tập thơ thể hiện vẻ muôn mặt của đời sống nước Mỹ và đề cao tư tưởng dân chủ. "Lá cỏ" được thừa nhận là một trong những sự kiện văn học quan trọng nhất, đã làm một cuộc cách mạng trong thi ca, với sự ra đời của một thể thơ mới – thơ tự do, mà Walt Whitman là người khởi xướng. Thơ của Walt Whitman có sự ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ lớn của thế giới như: T. S. Eliot, Ezra Pound, Galway Kinnell, Langston Hughes, William Carlos Williams, Pablo Neruda, Arthur Rimbaud, Federico García Lorca, Fernando Pessoa, Vladimir Vladimirovich Mayakovsky... (Tham khảo nguồn)

      * Nguồn nguyên tác: Walt Whitman

  Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân



 

Không có nhận xét nào: