Mộc Nhân - nhật ký phượt cùng Văn Sáu
Thung lũng Tà Lang – Giàn Bí nằm trong địa phận xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, phía Tây thành phố Đà Nẵng. Nơi này gần giáp với vườn quốc gia Bạch Mã, có 2 làng người Cơtu sinh sống khá biệt lập là làng Tà Lang và Giàn Bí (tiếng Cơtu gọi làng là Cơr noon hoặc Cr' noon).
Dù sống gần với cộng đồng người Kinh nhưng
người Cơtu vẫn giữ được những nét sinh hoạt truyền thống của mình qua các bày
biện đồ đất nung, gốm sứ, xương đầu thú… trong mái nhà gươl; sơn nữ vẫn mặc đồ
thổ cẩm với hoa văn đặc trưng… Và trong làng có nhiều cây tà-vạt.
Tà-vạt (còn có tên gọi khác là cây đoác) là
loại cây rất quen thuộc với người Cơtu, cây mọc ở các triền núi thấp, gần khe,
hố. Nó là nguyên liệu để làm ra thức uống có men của núi rừng gọi là rượu tà-vạt;
phần đọt non của cây này được dùng làm thực phẩm, lá cây dùng để lợp nhà.
Rượu tà-vạt là đặc sản của đồng bào Cơtu
nói riêng và miền núi nói chung.
***
Khi đến thăm hai làng Tà Lang và Giàn Bí, tôi thích thú nhất khi nhìn những cây tà-vạt. Điều thú vị
là dân làng biết giữ gìn cây tà-vạt để phục vụ cho cuộc sống của mình. Những
cây tà-vạt không phải mọc trong rừng sâu mà nằm trên rẫy, trong góc vườn nhà
hay trên đường làng bê tông; cây tà-vạt vẫn sống chung với các loại cây trái
khác mà không bị coi là cây rừng.
Tôi ấn tượng nhất với hình ảnh một cây tà-vạt
tại một nhà dân trong làng với buồng trái khủng dài đến gần 4 mét, rất đẹp,
trái nhiều và xanh đều.
Tôi có sáu năm từng sống và lội qua những
cánh rừng nguyên sinh ở khu bảo tồn Sông Thanh, Sông Bung cùng các làng bản
nương rẫy đồi núi trong khu vực mà chưa hề gặp cây tà-vạt nào có buồng trái to đẹp
như thế bao giờ.
Một điều rất độc đáo nữa là già làng đã ra
“nghị quyết” không được đốn hạ hay sử dụng buồng trái này để lấy rượu tà-vạt
như người Cơtu vẫn thường làm – chủ vườn phải tuân theo. Họ để đó làm đẹp làng
và cho khách ghé đến chụp hình lưu niệm (mà thật ra rất ít người biết đến cây
tà-vạt này).
Tôi từng có thời gian uống rượu tà-vạt trên
xứ núi Nam Giang nên biết nó có ý nghĩa như thế nào đối với người Cơtu.
Nhớ những chiều dăm ba thằng bạn đi bộ gần 10 km chỉ để uống tà-vạt hoặc vào bản làng Cơtu vác về canh rượu tà-vạt mười lít và vừa uống vừa hát hò nguyên đêm.
Cái mùi của rượu tà-vạt sau một thời gian lên men với vỏ cây chuồn thì tỏa ra hương thơm nhẹ nhàng mà đắm say không thể lẫn với các thứ mùi men rượu khác như rượu tr'din bên cánh rừng Tây Giang và một số cây rừng cho men khác. Cái sự thơm tho của nó pha quyện giữa mùi cây trái rừng già, cỏ hoa sơn cước, đất đai hoai mục, sông suối mát lành và phảng phất vị chua ngọt ngái ngái của da thịt sơn nữ tỏa ra sau cuộc ái ân.
Cái say của nó cũng nhẹ nhàng - không say vật vã quăng quật như khi dùng các thứ đồ uống có cồn khác mà lâng lâng khi tỉnh giấc, đầu óc sảng khoái nhớ nhung.
Cứ nhớ đến cái màu màu trắng đục của nó là mong cho đến chiều để đi đến đầu bản làng dân tộc nơi tiếp giáp với rừng để đón những mẻ rượu tà-vạt vừa được người dân mang ra khỏi núi.
Đôi khi vài người muốn tỏ ra sành điệu và ham hố nên mua tà-vạt đem về phố để khoe khoang hay làm quà tặng thì cái thứ tà-vạt đó thành thứ nước chua lè, nồng mùi lạ, vứt đi - vì khi ra khỏi sinh quyển núi rừng phóng khoáng trong thời gian ngắn, nó không còn là tà-vạt để uống mà chỉ là thứ nước tà đạo, ô trọc, nhiễm bẩn... Ví như ôm ấp một sơn nữ Cơtu trong bộ váy thổ cẩm sẽ gợi hứng, an toàn và thích thú hơn là mặc cho em ấy bộ áo dài người Kinh rồi vừa làm tình với em vừa chê em trang phục không hợp lý. ☺☺☺
Sau này khi có dịp lên lại xứ núi, chúng tôi
cũng chỉ chọn món uống yêu thích là rượu tà-vạt và khước từ bia Tiger, Heineken…
Rượu tà-vạt cũng đã đi vào những trang viết của tôi:
"Ta yêu em điên cuồng mộng mị trong đau đói vật vờ.
Ta yêu em hoan lạc men rừng, chén tavac sầu cay chiều bến dốc.
Nhớ em qua sông Thanh thuyền cây nghiêng ngả
Ngỡ tình tròng trành theo cánh lá trôi đến miền thẳm xa.
Nhớ em bên làng Dung ngọt lịm trái tà bon chín tới
Ngọt ngào môi mọng ngày em đớn mình hoan hỉ tặng trinh nguyên…”
Và khi về xuôi không còn tà-vạt để uống,
tôi sẵn sàng từ bỏ tất cả các thứ rượu bia thời đại. Cây tà-vạt cũng như các ký
ức về xứ núi luôn là một phần của đời sống và trải nghiệm giang hồ của tôi và bạn.
Hôm nay bắt gặp những cây tà-vạt đẹp nơi
núi rừng gần với phố thị, lòng sao khỏi bồi hồi nhớ nhung.
Tôi – cũng như những người bạn LSB - luôn
yêu những gì thuộc về ký ức của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét