10/6/22

2.418. CẦU “DRINA” CỦA TÔI

   Tản văn Mộc Nhân 

  Nhìn quanh mọi nẻo, nhận ra phần lớn các thị trấn đều có ít nhất một dòng sông, một cây cầu, khu phố và chợ. Thị trấn Ái Nghĩa quê tôi cũng không ngoại lệ - cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia nối hai bờ; đôi khi anh em ngồi tán chuyện gọi vui là bờ bắc và bờ nam. Cầu Ái Nghĩa luôn là điểm nhấn của thị trấn. Nó đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, nhiều lần thay hình đổi dạng mà vẫn tọa mố trên bến xưa.



(Bài đăng trên trang Văn nghệ Báo Quảng Nam - số ra ngày Thứ Sáu, 10-6-2022
Do khuôn khổ trang in nên bài báo đã được biên tập, rút gọn vài đoạn so với bài gốc)

Đã quá nửa đời người, dù ngày nào mình cũng đi qua con đường này, cây cầu quen thuộc mang theo diện mạo mới của quê xứ nhưng mỗi lần đi qua nơi đây nó đều  mang đến cho mình niềm vui nho nhỏ mông lung, một hạnh phúc trở về trong tỉnh táo và già nua.

***

Thị trấn nhỏ này được nhà thơ Nguyễn Giúp đặc tả trong bài thơ “Ville” mà mỗi khi đọc lại, nó làm nổ bung trầm tưởng về một miền quê bình yên cố xứ: “Dòng sông đã tạc vào mênh mông tôi kí ức/ Dằng dặc mặt người qua sông/ Dằng dặc chợ trưa xơ xác/ Đêm đêm thuyền chài gõ nhịp/ Sông cũng phong phanh như người nằm nghe tiếng chuông nhà thờ đổ/ Tiếng chim sáo ri ri trên tầng cao hoa gạo đỏ…” (1).

Ngày còn đi học, chúng tôi hay gọi cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia là "Chiếc cầu trên sông Drina" - lấy theo tên một tác phẩm lớn của nhà văn Nam Tư - Ivo Andric, người đoạt Nobel Văn chương 1961. Truyện viết về một chiếc cầu nổi tiếng, kiến trúc đẹp xây trên sông Drina ở Vichégrad, Nam Tư. Mọi biến cố ở hai miền đất bên sông Drina đều được tác giả chứng kiến và ghi lại: nạn lụt, loạn lạc, bệnh dịch, chiến tranh, mưu sinh, những cuộc tình, những cái chết…

Cầu Ái Nghĩa ở thị trấn miền quê tôi tuy không nổi tiếng, đẹp mắt và lâu đời như cầu sông Drina nhưng nó cũng gắn bó với người dân và chứng kiến những sự kiện tương tự như thế. Một sự liên hệ như vậy tuy hơi khiên cưỡng nhưng vì tình yêu quê xứ, cũng xem là được chứ sao - bởi vận mạng cư dân thị trấn và vận mạng chiếc cầu dính liền chặt chẽ với nhau đến nỗi người ta không thể nào nghĩ rời ra được (2).

Chiếc cầu "Drina" của quê tôi thuở xa xưa có thù hình khô khốc nhà binh với mấy nhịp sắt đơn điệu, không lan can, vắt ngang qua sông Vu Gia trên độ cao đủ để ngợp người yếu vía. Dù trong chiến tranh cầu đã mấy lần gãy nhịp do bom đạn nhưng vẫn nối được đôi bờ dẫn về những làng mạc xác xơ hoang vắng vì người dân đã đi khỏi vùng chiến sự. Trên cây cầu lúc đó hằn lưu nhiều dấu vết chiến cuộc như các vệt đạn cứa trên thanh dầm cong; hai đầu cầu lúc ấy quán xá lụp xụp, vắng khách lúc đêm về... Nơi này từng diễn ra những trận công đồn Ái Nghĩa của bộ đội cùng những câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ. Vậy nên với chúng tôi, nó vẫn mang trong mình những trang bi hùng của một cuốn “chronique” (biên niên sử) - Tất cả đen tối đều phải đi qua cây cầu. Cả ánh sáng cũng đi qua (2).



Cầu Ái Nghĩa - hình chụp cầu cũ năm 2012

***

Hết chiến tranh, cây cầu được làm lại trông bề thế hơn, vì nó là bộ mặt mới của thị trấn -"cây cầu nối những bờ vui". Có lẽ những kỉ niệm thời trai trẻ của chúng tôi với cây cầu miền quê được ghi dấu từ thời gian này.

Nhớ lại một ngày nào đó đẹp trời xa lắc xa lơ, cũng có thể là một ngày mưa bay nhàn nhạt trời chuyển gió mùa, hay ngày nắng hanh vàng ngạt ngào gió... thật thú vị khi được bạn bè nhã hứng rủ đi lang thang, lòng vòng quanh những đường xưa lối cũ chẳng mấy xa lạ. Đôi khi tạt vào một quán cóc quen thuộc uống ly cà phê đen nóng rồi nhâm nhi tách trà và tán dóc với mấy em gái rỗi hơi, thích nghe những chuyện bông phèng... Nếu có rủng rỉnh tí tiền thì rủ nhau đến quán nhỏ đầu cầu thưởng thức đặc sản mì Quảng bình dân miền quê mà cảm nhận sự ngon lành từ sắc màu xanh rau đỏ ớt đến vị mặn mắm chua chanh và cả âm thanh dòn tan của tiếng bánh tráng nướng vụn vỡ trong lòng bàn tay...

Cuối cùng dù có đi lên đi xuống bao vòng thì đích cuối vẫn là chiếc cầu Ái Nghĩa - "cầu trên sông Drina" của chúng tôi. Khi xưa thành cầu thấp, bằng bê tông nên có thể ngồi vắt chân trên lan can để đón gió chiều đồng nội, ngắm hoàng hôn đang lịm dần trên những hẻm núi phía tây nơi đầu nguồn con sông Vu Gia và nhìn những bãi bồi ven sông lúc "bóng chia nửa bãi" đẹp như tranh vẽ rồi đọc mấy câu thơ của Ôn Như Hầu: “Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ/ Quán thu phong đứng rũ tà huy/ Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”

 Có dăm thằng bạn cùng sở thích với mình, nghiện ngồi trên lan can cầu để ngắm đủ thứ, quả thật là vui: ngắm cảnh, ngắm người, ngắm sông, ngắm nước... và tất nhiên không thể không  ngắm các em nữ sinh trung học tan trường về "ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay", tung tăng tha thẩn trên cầu nghiêng nghiêng "bờ vai em nhỏ" thật dễ thương.

Hồi đó các em làm gì mặc áo dài trắng tha thướt như nữ sinh bây giờ. Thời buổi cơm cao gạo kém, người khôn của khó, cha mẹ bán mặt cho đất bán lưng cho trời kiếm được miếng ăn cho no, cái mặc cho ấm đã vã hơi, nói gì đến quần là áo lượt. Nhưng các em đi học thì vẫn có tấm áo phẳng phiu sạch sẽ, các chị ra phố thị với áo bà ba lụa mượt mà, chiếc nón lá không che hết khuôn mặt và đôi mắt đẹp lạ lùng. Các em gái hồn nhiên trong veo như nước dưới chân cầu, mang vẻ đẹp dung dị làng quê còn những thằng lông bông thơ thẩn thì thích ngắm nghía mộng mơ.

Nhiều giấc mơ đã mang lại cho mình niềm hạnh phúc ngắn ngủi, mau phai nhạt như bụi cuốn cuối đường và bị đánh rơi ngay lúc tỉnh giấc. Hóa ra sau nhiều năm rời xa cố xứ, mang theo bao thứ ngán ngẩm phiền muộn từ đời sống nhiễu nhương nhưng khi trở về bến xưa thấy mình vẫn còn trẻ trung, yêu đời và nhất là... thích có những trải nghiệm kiểu nhà thơ. Những gì còn đọng lại sau những giấc mơ như thế thật êm đềm như mặt nước chiều thu. Dường như nó là một bản phối tưởng giữa mơ mộng và các tầng đan xen của hồi tưởng từ quá khứ đến hiện tại.

Nhớ cây cầu và dòng sông, nhớ những tháng ngày trẻ tuổi rong chơi. Nhiều đêm tự tình dìu dặt, đưa em về nhà sau buổi xem chiếu bóng sân bãi, băng qua vườn ổi loang ánh trăng khuya mà không dám nắm tay, để vụt mất một người đi qua đời nhau. Thậm chí có đêm đi chơi về khuya nên ngủ luôn trên hành lang cầu. Đêm gió tốc thức giấc, nằm xuống lòng cầu cho bớt lạnh, rạng sáng xe chở hàng đến chợ sớm chạy qua đánh thức giấc... Mở mắt ra nhìn lên trong sương mờ thấy các bà mẹ quê oằn lưng gánh hàng ra chợ sớm, cảm thấy có lỗi với cha mẹ trong những lần vui chơi quá đà.

Đó là một quá khứ xa xăm mà thỉnh thoảng khi ngồi ở đâu đó mình cũng cố gắng tìm một sự liên hệ để ôn lại những cảm xúc mơ hồ xưa cũ, tìm lại cảm giác đã từng trú ngụ trong cuộc sống có pha niềm tiếc nuối mung lung và trắc ẩn muộn màng.

***

Giờ đây, cầu "Drina" của chúng tôi đã được làm mới, hiện đại, mặt cầu có hai làn xe rộng thoáng, không còn chỗ để ngồi thõng chân mà ngắm núi sông hữu tình. Nước sông Vu Gia không còn màu xanh trong vắt mà chỉ thấy cái màu ngầy ngầu, đùng đục của đất núi được cào ra từ đào rừng trên thượng nguồn, trôi về xuôi mang theo thứ phù sa dữ dằn ngán ngẩm.

          Bất giác nghĩ đến những bông gòn trắng xóa màu tuyết nhiệt đới từ trên cây gòn cô đơn ở đầu cầu Ái Nghĩa rơi rơi nhè nhẹ xuống mặt sông tĩnh lặng hay lãng du trong khoảng không rồi vu hồi về bãi bồi nào đó mà lòng thấy bình yên trong cảm xúc trào dâng bất chợt. Những bước chân chập chững đầu tiên của tuổi thơ và những trò chơi ban đầu của tuổi trẻ đều xảy ra trên cầu (2). Những cảm giác ấy bây giờ không còn nữa, có thể nó đã trôi theo con nước Vu Gia về tít tắp chốn mù khơi – nhưng ký ức vẫn còn đây.

Bỗng dưng bao cồn cào quẫy đạp từ hoài niệm nhưng lại đạt đến thăng bằng của lý tính và xúc cảm khi tôi hiểu rằng trong mỗi một thoáng quê hương đều có màu trắng của tuổi thơ, màu xanh của sông nước cỏ cây, màu đỏ của xương máu tiền nhân. “Tôi hít thật sâu niềm vui ngày mới/ Ngày mới níu tôi quay về với giấc mơ hoa cỏ với mỗi điều kỳ diệu/ Hoa gạo cháy trời/ Tôi thừa hưởng một bìa làng mênh mông và sâu thẳm…” (1)

***

(1) Trích bài thơ “Ville” - Nguyễn Giúp (Ville là tên gọi thời Pháp chỉ Thị trấn Ái Nghĩa)
(2) Trích tác phẩm "Chiếc cầu trên sông Drina" - Ivo Andric.
--------------


Không có nhận xét nào: