(Tôi đăng câu chuyện này nhằm mục đích chú giải cho một bài thơ của Louise Gluck - Gretel In Darkness)
Có hai vợ chồng bác tiều phu nghèo sống ven một khu rừng. Gia đình có hai con, con trai tên là Hansel, con gái tên là Gretel. Nhà họ nghèo nên bữa đói bữa no qua ngày.
Một năm kia, trời làm
đói kém, miếng bánh mì ăn hàng ngày cũng không kiếm nổi, nằm trằn trọc mãi trên
giường với những lo cùng nghĩ, bác trai thở dài nói với vợ:
- Chả biết rồi sẽ sống
sao cho qua cơn đói? Không biết lấy gì mà nuôi những đứa con đáng thương của
chúng ta, ngay đến bố mẹ chúng nó cũng chẳng có gì để cho vào mồm.
Hết đường xoay xở, đói
khổ thúc bách khiến người mẹ đâm ra nhẫn tâm, bà nói với chồng:
- Ba nó ạ, biết sao bây
giờ, sáng sớm tinh mơ ngày mai ta dẫn hai đứa vào tận giữa rừng sâu rậm rạp, rồi
đốt lửa lên, cho mỗi đứa một mẩu bánh, rồi bỏ mặc chúng ở đó, còn ta cứ việc đi
làm việc của ta. Chúng chẳng tìm nổi đường về nhà, thế là ta thoát nợ.
Người chồng nói:
- Má nó à, làm thế không
được đâu, ai lại nỡ lòng nào đem con bỏ giữa rừng sâu cho thú dữ đến xé xác ăn
thịt.
Vợ mắng:
- Trời, ba nó thật chẳng
khác gì thằng điên, ba nó muốn chết cả nút phải không. Nếu vậy thì đi bào gỗ
đóng săng là vừa.
Bà vợ chanh chua nói sa
sả, không để cho chồng yên thân, chồng đành chịu nhưng còn nói với:
- Nhưng tôi vẫn thấy
thương những đứa con tội nghiệp.
Đói bụng quá nên hai đứa
trẻ cũng không tài nào chợp mắt được, chúng nghe hết đầu đuôi câu chuyện và những
điều bà mẹ nói với bố chúng. Gretel khóc sướt mướt, bảo Hãnsel.
- Anh em mình chắc chết
đến nơi.
Hãnsel bảo em:
- Gretel, nín đi em, đừng
có lo buồn, anh sẽ có cách.
Chờ lúc bố mẹ đã ngủ
say, Hãnsel dậy, mặc áo, mở cửa sau lén ra ngoài. Ngoài trời trăng chiếu sáng
rõ mồn một, sỏi trắng trước nhà lóng lánh dưới ánh trăng như những đồng tiền bằng
bạc. Hãnsel cúi xuống nhặt sỏi bỏ đầy túi áo, rồi lại rón rén đi vào nhà và dỗ
em.
- Em cưng, khỏi phải lo
nữa, cứ ngủ cho ngon giấc.
Nói rồi Hãnsel cũng lên
giường nằm ngủ.
Tang tảng sáng, khi mặt
trời chưa mọc thì bà mẹ đã tới đánh thức hai đứa trẻ:
- Đồ lười thối thây, dậy
mau, còn phải vào rừng kiếm củi chứ.
Rồi bà đưa cho mỗi đứa
con một mẩu bánh nhỏ xíu và căn dặn:
- Bữa trưa chỉ có thế,
ăn nghiến ngấu giờ thì trưa nhịn.
Gretel bỏ bánh vào túi
áo ngoài, vì túi áo Hãnsel đầy sỏi trắng. Rồi cả nhà kéo nhau vào rừng.
Cứ đi được một quãng Hãnsel lại đứng sững lại ngoảnh nhìn về phía ngôi nhà. Bố
thấy vậy nói:
- Hãnsel, mày nhìn gì vậy,
sao lại tụt phía sau, liệu chừng đấy, đừng có dềnh dàng.
Hãnsel đáp:
- Trời, ba ơi, con mèo
trắng của con ngồi trên nóc nhà, con nhìn nó, nó chào con ba ạ.
Mẹ nói:
- Đồ ngốc, đâu có phải
mèo trắng của mày, ánh sáng mặt trời chiếu vào ống khói nom như vậy đó.
Hãnsel đi tụt phía sau
thực ra không phải để nhìn mèo, mà để móc sỏi ở túi rắc xuống đường.
Khi cả nhà đã tới giữa
cánh rừng, ông bố nói:
- Giờ các con phải đi kiếm
củi đem về đây, ba sẽ nhóm lửa đốt để các con khỏi rét.
Hãnsel và Gretel đi nhặt
cành khô, xếp cao thành một đống nhỏ. Người bố nhóm lửa, khi lửa đang cháy bùng
bùng, người mẹ nói:
- Giờ chúng mày nằm bên
lửa mà sưởi. Tao và ba còn phải vào rừng đốn củi, khi nào xong sẽ về đón chúng
mày.
Hãnsêl và Gretel ngồi
bên lửa sưởi. Đến trưa, đứa nào lấy phần của đứa đó ra ăn. Nghe thấy tiếng động
vang lại chúng tưởng là tiếng rìu đốn cây của bố chúng ở gần quanh đấy. Nhưng
thực ra không phải tiếng rìu đốn gỗ, đó chỉ là tiếng cành cây mà người bố buộc
vào một thân cây khô, gió thổi mạnh cành cây đập qua lại nghe như tiếng đốn gỗ.
Ngồi đợi lâu quá, mắt
hai đứa trẻ đều díp lại vì mệt, chúng lăn ra ngủ say lúc nào không biết. Khi
chúng thức dậy thì trời đã tối. Gretel khóc và nói:
- Bây giờ thì làm sao mà
ra khỏi rừng được!
Hãnsel dỗ em:
- Em cứ đợi một lát, tới
khi vầng trăng lên chúng mình sẽ tìm được lối về nhà.
Trăng rằm đã mọc, Hãnsel cầm tay em đi lần theo vết sỏi cuội lóng lánh dưới ánh
trăng như những đồng tiền Batzen mới, cứ như vậy hai anh em đi suốt đêm đến tảng
sáng mới về đến nhà. Chúng gõ cửa. Mẹ ra mở cửa, tưởng là ai ngờ đâu lại chính
là Hansel và Gretel nên liền mắng:
- Chúng mày lũ con mất dạy,
sao chúng mày không ngủ nữa ở trong rừng. Tao tưởng chúng mày không thèm về nhà
nữa.
Bố thì mừng ra mặt vì
trong thâm tâm không muốn bỏ con lại trong rừng.
Sau đó ít lâu trời lại
làm đói kém khắp hang cùng ngõ hẻm. Một đêm, nằm trên giường hai anh em nghe thấy
mẹ nói với bố:
- Đồ dự trữ cũng đã ăn hết.
Cả nhà chỉ còn nửa cái bánh, ăn nốt chỗ ấy là treo mồm. Phải tống khứ lũ trẻ
con đi. Lần này ta đem bỏ chúng vào rừng sâu hơn trước để chúng không tìm được
lối mà về nhà. Chẳng còn cách nào cứu vãn được ngoài cách ấy.
Người chồng khổ tâm,
nghĩ bụng, thà sống chung cùng với các con chia nhau mẩu bánh cuối cùng vẫn còn
vui hơn. Chồng phàn nàn, nhưng vợ không nghe gì hết, còn la chửi chồng rằng đã
trót thì phải trét, lần trước đã theo ý mụ thì lần này cũng phải theo.
Hai đứa trẻ nằm nhưng
chưa ngủ, chúng nghe hết đầu đuôi câu chuyện bố mẹ bàn với nhau. Khi bố mẹ đã
ngủ say, Hansel dậy định ra ngoài nhặt sỏi như lần trước, nhưng cửa mẹ đã đóng
mất rồi, Hansel không thể ra được nữa. Nó đành dỗ em gái:
- Đừng khóc nữa Gretel,
em cứ ngủ cho ngon, trời sẽ phù hộ chúng ta.
Sáng sớm tinh mơ mẹ đã
kéo cổ cả hai đứa ra khỏi giường, cho chúng mỗi đứa một mẩu bánh còn nhỏ hơn mẩu
lần trước. Dọc đường đi vào rừng, Hãnsel cho tay vào túi, bẻ vụn bánh mì ra, chốc
chốc lại đứng lại rắc vụn bánh xuống đất.
Bố nói:
- Hãnsel, sao mày cứ hay
dừng chân ngoảnh lại thế?
Hãnsel đáp:
- Con ngoảnh lại nhìn
con chim bồ câu của con, nó đang đậu trên mái nhà và nói chào tạm biệt con.
Mẹ mắng:
- Đồ ngốc, đó không phải
là chim bồ câu của mày, đó chỉ là cái bóng ống khói khi có mặt trời chiếu.
Dọc đường đi Hãnsel nín
lặng, nhưng cũng rắc hết được vụn bánh.
Bà mẹ dẫn hai con vào
tít mãi trong rừng sâu, nơi mà chúng từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bước chân tới
bao giờ. Sau khi nhóm lửa xong, đợi cho lửa bùng cháy thì bà mẹ nói:
- Chúng mày ngồi đó, lúc
nào mệt thì ngủ đi một tí. Tao với ba mày còn phải đi đốn gỗ trong rừng sâu, tối
xong việc sẽ quay lại đón chúng mày.
Đến trưa Gretel bẻ bánh
của mình chia cho Hansel, vì bánh của Hansel bẻ vụn rắc dọc đường rồi. Ăn xong
chúng ngủ liền. Trời tối nhưng chẳng thấy một ai đến đón hai đứa trẻ đáng
thương cả. Khi hai anh em tỉnh dậy thì bóng đêm đã bao trùm khắp mọi nơi.
Hãnsel dỗ em gái:
- Gretel, em cứ đợi một
lát, tới khi trăng lên anh em mình sẽ nhìn thấy những vụn bánh anh rắc dọc đường,
cứ lần theo vết bánh ta sẽ thấy đường về nhà.
Trăng vừa mọc thì hai đứa
đứng dậy đi, nhưng chúng không thấy một vụn bánh nào cả, vì trong rừng chỗ nào
mà chẳng có chim muông, hàng nghìn con đã sà xuống mổ ăn hết. Hansel bảo
Gretel:
- Thế nào chúng ta cũng
tìm ra đường về.
Nhưng chúng tìm không ra
đường. Chúng đi thông đêm đến sáng, rồi lại cả ngày hôm sau từ sáng tới tối mà
không ra được khỏi rừng. Giờ đây bụng đói như cào, hai anh em kiếm quanh nhưng
chẳng có gì ngoài dâu đất mọc hoang. Hai anh em mệt nhoài người, bước không nổi
nữa, nằm lăn ra đất dưới gốc cây và ngủ thiếp đi.
Thế là hai anh em xa nhà
đã ba ngày. Chúng lại tiếp tục lên đường, nhưng càng đi càng lạc sâu hơn trong
rừng, chỉ chậm ít lâu nữa mà không có ai cứu giúp chắc chúng đói lả mà chết.
Giữa trưa hai anh em nhìn thấy một con chim đẹp, lông trắng như tuyết đậu trên
cành cây hót véo von. Nghe tiếng chim hót chúng dừng chân đứng lại. Hót xong
chim xoè cánh bay tới trước mặt hai anh em, cả hai liền đi theo hướng chim bay
thì đến một túp lều nhỏ, còn chim thì bay đậu trên mái nhà. Lại gần thì thấy
nhà xây bằng bánh mì, ngói lợp là bánh ngọt, cửa sổ bằng đường kính trắng tinh.
Hansel nói:
- Giờ thì anh em mình cứ
việc tự nhiên mà đánh chén một bữa ngon lành trời cho. Anh lấy một miếng mái
nhà ăn, còn em thì lấy cửa sổ mà ăn, cái đó ăn ngọt đấy.
Hansel giơ tay bẻ một mảnh
mái nhà để ăn thử xem có ngon không. Và Gretel đứng bên kính cửa mà gặm cho đỡ
đói.
Giữa lúc đó thì trong
nhà có tiếng người nói nhẹ nhàng vọng ra: “Gặm
gặm, nhấm nhấm, ngó nghiêng/ Đứa nào dám gặm nhà riêng của bà?”
Hai đứa trẻ đồng thanh
đáp: “Gió đấy, gió đấy/ Có con trời đấy.”
Nói rồi hai đứa đứng ăn
tiếp tục mà chẳng hề sợ hãi.
Thấy mái nhà ăn cũng
ngon, Hansel bẻ luôn một miếng to tướng lôi xuống. Còn Grétêl gỡ luôn cả một tấm
kính tròn, ra ngồi một góc gặm lấy gặm để.
Bỗng cửa mở, một bà lão
già cốc đế đại vương tay chống nạng rón rén bước ra. Hansel và Gretel sợ rụng rời
chân tay, những thứ đang cầm trong tay đều rơi xuống đất. Bà lão lắc lư đầu và
nói:
- Trời, các cháu yêu
quý, ai đưa các cháu đến đây? Nào vào nhà đi, ở đây với bà, bà không làm gì
đâu.
Bà lão cầm tay dắt hai đứa
vào trong nhà, toàn những thức ăn ngon: sữa, bánh tráng đường, táo và hạnh đào.
Hai chiếc giường nhỏ xinh trải khăn trắng tinh để cho Hãnsel và Gretel trèo lên
nằm ngủ. Hai anh em ngỡ là mình đang ở trên thiên đường.
Mụ già chỉ giả bộ tử tế
thôi, thực ra mụ là một phù thủy gian ác chuyên rình bắt trẻ con, mụ làm nhà bằng
bánh chẳng qua là để nhử chúng lại. Đứa trẻ con nào đã vào lãnh địa của mụ sẽ bị
mụ bắt, giết thịt nấu ăn. Đối với mụ ngày đó là một ngày lễ lớn.
Mụ phù thủy này có đôi mắt
đỏ và không nhìn được xa, nhưng mụ lại rất thính hơi, có khả năng nhận biết đó
là súc vật hay là người đang đi tới.
Khi hai đứa trẻ đứng gần
mụ, mụ cười vang đầy nham hiểm và nói giọng ngạo nghễ:
- Đã vào tay bà rồi thì
đừng hòng trốn thoát.
Sáng, khi hai đứa trẻ
còn ngủ say thì mụ đã dậy. Nhìn hai đứa trẻ ngủ nom dễ thương, hai má đỏ hồng
phinh phính, mụ lẩm bẩm một mình:
- Chắc ta sẽ được ăn một
miếng mồi ngon đây.
Mụ đưa bàn tay khô héo nắm
lấy Hansel kéo lôi ra nhốt vào một cái cũi nhỏ, đóng cửa chấn lại. Thằng bé kêu
gào thảm thiết nhưng mụ cũng làm ngơ. Rồi mụ đi đánh thức Gretel dậy và quát:
- Dậy mau, đồ con gái lười
chảy thây, dậy đi lấy nước về nấu cho anh mày một bữa ngon. Nó ngồi trong cũi ở
ngoài kia kìa, nó phải ăn ngon cho chóng béo, khi nào nó thực béo, tao sẽ ăn thịt.
Gretel òa lên khóc nức nở,
nhưng khóc cũng vô ích, vẫn phải làm những điều mụ phù thủy độc ác sai khiến.
Những thức ăn nấu nướng
ngon lành đều chỉ để cho Hãnsel, đồ thừa còn lại mới đến lượt Gretel.
Sáng nào mụ già phù thủy
cũng nhẹ bước tới bên cũi và nói:
- Hãnsel, giơ ngón tay
tao xem mày đã béo lên chút nào chưa.
Hãnsel chìa ra một cái
xương nhỏ, mắt cập kèm mụ cứ tưởng đó là ngón tay Hãnsel. Mụ lấy làm lạ tại sao
không béo lên tí nào cả.
Bốn tuần đã trôi qua mà
thấy Hansel vẫn gầy. Mụ đâm ra sốt ruột, không muốn phải chờ lâu hơn nữa. Mụ gọi
cô gái:
- Gretel, con Gretel
đâu, nhanh tay nhanh chân lên nào, nhớ đi lấy nước nhé. Cho dù thằng Hansel béo
hay gầy thì mai tao cũng làm thịt đem nấu.
Tội nghiệp cô bé, vừa
xách nước, vừa than vãn, hai hàng nước mắt chảy trên gò má trông thật đáng
thương. Cô la khóc:
- Lạy trời phù hộ chúng
con, thà để thú dữ trong rừng ăn thịt còn hơn, như vậy hai anh em còn được chết
chung.
Mụ già bảo:
- Thôi đừng có la khóc nữa,
những cái đó chẳng giúp được gì đâu.
Trời sớm tinh sương
Gretel đã phải chui ra khỏi nhà đi lấy nước đổ nồi, rồi nhóm lửa chất bếp. Mụ
già bảo:
- Nướng bánh trước đã,
lò tao nhóm đã nóng, bột tao cũng đã nhào.
Mồm nói tay mụ đẩy cô bé
tới trước cửa lò, lửa cháy bốc cả ra phía ngoài cửa lò. Mụ phù thủy nói:
- Chui vào, nhìn xem bên
phải lò đã đủ nóng chưa để cho bánh vào.
Mụ định khi Gretel chui
vào thì mụ đóng ngay cửa lò lại, để cho Grétêl bị nướng nóng ở trong đó, sau đó
mụ chỉ việc lấy ra mà ăn. Nhưng Gretel biết mụ đang nghĩ gì, cô nói:
- Cháu không biết làm thế
nào mà vào được trong đó.
Mụ già mắng:
- Ngu như bò ấy, cửa lò
rộng thế này, mày thấy không, tao chui vào cũng lọt nữa là mày.
Mụ từ từ đi lại cửa lò
và chui đầu vào trong lò. Ngay lúc ấy Gretel liền đẩy mụ một cái thật mạnh làm
mụ chúi tọt hẳn vào trong lò. Gretel đóng cửa lò bằng sắt lại và cài then thật
kỹ.
Bạn có nghe thấy không, con mụ già rú lên khủng khiếp. Gretel chạy thẳng một mạch
tới chỗ Hansel, mở cửa cũi và reo.
- Hansel, anh em ta được
giải thoát, mụ phù thủy già đã chết.
Cửa vừa mở Hansel nhảy từ
trong ra như chim sổ lồng. Thật là vui mừng biết bao. Hai anh em ôm choàng lấy
nhau, nhảy tưng tưng, ôm hôm nhau. Bây giờ không còn gì để sợ nữa, hai anh em
đi vào nhà mụ phù thủy thấy xó nào cũng có những hòm đầy ngọc ngà châu báu.
Thôi thì tha hồ mà lấy.
Hãnsel vừa ních đầy túi vừa nói:
- Thứ này chắc chắn quý
hơn sỏi.
- Em cũng phải lấy một
ít mang về nhà mới được.
Gretel nói thế rồi nhét
đầy tạp dề. Hãnsel nói tiếp:
- Giờ chúng ta phải đi
ngay ra khỏi khu rừng của mụ phù thủy.
Đi được vài giờ hai anh
em tới bên một con suối lớn. Hansel nói:
- Anh không thấy có cầu,
làm sao anh em ta sang được bên kia.
Gretel đáp:
- Đò ngang cũng không có
nốt, nhưng kia, có con vịt trắng đang bơi, để em nói khó với vịt chắc vịt sẽ chở
anh em mình sang bờ bên kia.
Rồi Gretel gọi: “Vịt ơi
vịt nhỏ, vịt xinh/ Làm ơn vịt cõng chúng mình sang ngang/ Hansel cùng với
Gretel/ Cám ơn vịt trắng không quên công này.”
Vịt bơi vào sát bờ. Hansel
cưỡi lên lưng vịt và bảo em mình lên ngồi sau. Gretel nói:
- Thôi anh ạ, hai người
thì quá nặng, để vịt cõng từng người một sang.
Vịt tốt bụng cõng lần lượt
hai anh em. Yên ổn sang tới bờ bên kia, hai anh em lại tiếp tục lên đường, đi
được một quãng khá dài, hai anh em thấy rừng ngày càng hiện ra quen thuộc hơn.
Cuối cùng, từ xa hai anh em đã nhìn thấy căn nhà của bố mẹ mình. Thế là chúng
co cẳng chạy, ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào nhà, ôm ghì cổ bố mà hôn. Bà mẹ
thì qua đời từ lâu. Từ ngày bỏ con trong rừng ông bố không có lúc nào vui. Gretel
cởi nút tạp dề, ngọc ngà châu báu lăn tứ tung ra nền nhà. Còn Hansel thì hết nắm
này đến nắm khác móc từ trong túi ra.
Từ đó những lo lắng
không còn nữa, cả nhà sống trong cảnh yên vui hạnh phúc.
--------
* Nguồn: Internet
* Hansel và Gretel gần đây đã được chuyển thể thành phim vào năm 2013. Trong phim, các nhân vật chính được miêu tả là những thợ săn phù thủy tuổi teen.
Tội lỗi háu ăn trong lốt phù thủy và ngôi nhà bánh kẹo cũng được thừa nhận trong câu chuyện. Bánh kẹo là một sự hấp dẫn đối với trẻ em. Nó cho phép mụ phù thủy độc ác lôi kéo chúng. Phù thủy cần thời gian để vỗ béo Hansel. Gretel lợi dụng sự háu ăn của phù thủy để đảm bảo tự do cho họ. Nhiều thế hệ người Đức đã lưu truyền câu chuyện này thông qua một truyền thống dân gian truyền miệng cho đến khi Anh em nhà Grimm đưa nó vào bộ sưu tập truyện cổ tích của họ vào thế kỷ 19. Chủ đề của câu chuyện này mang tính vượt thời gian dựa vào các giai đoạn lễ hội và đói kém, thiếu thốn, nghịch cảnh, khả năng phục hồi và sinh tồn đặc trưng cho thân phận con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét