7/6/22

2.414. CÁ DỌN HỒ

  A Fiction Story - by Mộc Nhân 



Trong hồ cá cảnh, bên cạnh những chú cá đầy màu sắc, bơi lượn tung tăng, còn có một loài cá khác suốt ngày chỉ lầm lũi làm nhiệm vụ dọn hồ, bể kính; chúng ăn những thứ uế tạp do các loài khác thải ra, hoặc rêu tảo bám trong bể để nước sạch sẽ... người ta gọi đó là cá dọn hồ hay cá lau kính (gọi theo công dụng), cá tỳ bà (do thân dẹp phẳng như đàn tỳ bà), cá mặt quỷ (mặt mũi miệng trông gớm chết)… 

Theo Wikipedia, đây là một loài cá nhiệt đới thuộc họ Loricariidae, có tên khoa học là Hypostomus plecostomus, tên tiếng Anh là "suckermouth catfish" (cá có miệng ống hút), janitor fish (cá quét nhà)… Xem ra đây là một loại cá xấu xí nhưng lại có khá nhiều tên Tây lẫn tên ta. 

Cá lau kính có rất ít hoặc không có giá trị như là một loại cá thực phẩm, tuy nhiên do nhu cầu về nuôi cá cảnh trong bể khiến nó hiển nhiên tồn tại với nhiệm vụ như tên gọi: dọn hồ, lau kính, quét nhà, hút bẩn...

Điều này ngoài ý nghĩa về công dụng còn có một cảnh báo khác là khả năng sống của nó trong nhiều điều kiện môi trường sinh thái khác nhau, kể cả nhiễm bẩn và có nguy cơ là vấn nạn đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản do nó trở thành một loài xâm lấn thủy sinh.

Là cá dọn hồ nên chúng chuyên sống ở dưới đáy hồ để ăn rêu, dọn chất nhớt, chất thải… nhưng nhìn vào bản mặt chúng thì thật hung hăng, sân sần; có khi chúng còn tỏ ra muốn dọn luôn các chú cá đẹp khác!

***

Theo lời kể của nhiều người thì sự tích cá dọn hồ cũng là một câu chuyện thú vị để cho mỗi chúng ta suy ngẫm:

Ngày xửa ngày xưa, các loài cá chung sống với nhau thân thiện trong ao hồ sông nước. Loài nào được ông Tạo ban cho môi trường sinh sống và tập tính nấy nên chúng mặc định số phận mình: con thì ăn rong rêu, con thì ăn các loại thủy sinh khác nhỏ hơn… con thì sống nước nông, nước ngọt; con thì ưa nước sâu, nước mặn…

Vào một ngày nọ, có một chàng cá vô danh bị bệnh tâm thần phân liệt do hậu quả của chứng hoang tưởng.

Cá nọ nghĩ rằng mình có thể vượt vũ môn, hoá rồng như anh cá chép hoặc có thể vượt thác về nguồn như chàng cá hồi hay đe dọa muôn loài cá như cá piranha hay bơi được ngàn dặm biển như cá mập…

Nghĩ sao làm vậy. Chàng cá kia ra sức quẫy nước, nhảy tưng tưng trên mặt nước nhưng chẳng thể vượt “vũ môn” như cá chép; cũng chẳng thắng được dòng nước ngược như cá hồi chứ nói gì đến vượt thác; cũng chẳng có hàm răng sắc nhọn khiến các con cá khác sợ hãi như cá piranha; cũng chẳng thể ra biển lớn như cá mập...

Bao nhiêu lần nhún nhảy là bấy nhiêu lần rơi tòm lại xuống nước! Cá ta vẫn là cá trong ao hồ!

Bệnh hoang tưởng của chàng cá kia ngày càng nặng. Không thực hiện được ảo tưởng, hắn ta lại quay sang kì thị đồng loại hoặc than thân: “Than ôi! Kẻ trượng phu này chưa gặp thời vận, nên phải sống chung với các giống tầm thường. Bọn bay có biết đâu cái chí của kẻ sĩ muốn vươn ra khỏi ao tù!”. Rồi hắn lại chê bai, dè bỉu, xỏ xiên, đủ thứ mà hắn cho rằng bọn cá kia đáng nhận lãnh những lời như thế.

Bệnh tình trầm kha. Hắn ta lại tiếp tục chửi rủa “đồng ngư”: “Ôi chúng bay là lũ ngu lũ dốt, biết đâu chí lớn của loài đại ngư…” (hay đại ngu ?).

Bệnh tình trầm lâm. Cá ta càng quay quắt mong đến lúc hoá rồng. Các đồng ngư phần thì thấy bệnh của hắn chẳng còn mấy ngày về hầu thủy tề nên không đôi co chi với hắn, hắn lại được thể…

Bệnh tình trầm trọng. Cá ta không còn hoá rồng được nữa mà đã hoá ma.

Khi xuống thủy phủ, vua Thủy Tề xét tội của hắn ta như sau:

- Không tự biết mình, dám lấy thân phàm để sánh với thân thánh.

- Làm ô uế môi trường (văn hoá) bằng những kiểu nói năng tục tằn, thô lỗ.

- Hoang tưởng, cãi lại vận số mà không thông qua giai đoạn quá độ nào…

Vậy nên vua Thủy Tề cho cá ấy đầu thai làm “Cá dọn hồ” để tái sinh kiếp cá với khuôn mặt gớm ghiếc. Nhưng lần đầu thai này thì cá dọn hồ sẽ không được bơi nhảy trên mặt nước để hoang tưởng chuyện hoá rồng, vượt thác mà chỉ lầm lũi dưới đáy hồ hoặc mon men bốn phía thành hồ. Đồng thời “Cá dọn hồ” sẽ dọn dẹp những thứ mà khi sống với đồng loại hắn đã phun ra làm vấy bẩn mọi người. Tất nhiên, nếu đồng ngư có thải ra chất bẩn nào, hắn cũng phải dọn luôn !!!

Thế là từ đó, có một loài cá mà người đời quen gọi là “Cá dọn hồ”.

***

Người đời nay kể thêm:

“Cá dọn hồ” sau khi trở lại kiếp cá do biết tu thân, làm tốt nhiệm vụ của mình nên lúc chết đi được đầu thai làm kiếp người. Những người ấy thường có những biểu hiện cho thấy tiền kiếp của họ là “Cá dọn hồ” :

- Không có tài cán gì nhưng thường tự cho mình tài giỏi hơn người.

- Hay chửi rủa, đe dọa đồng loại bằng ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn.

- "Ăn không chừa thứ gì"

- Và nhiều thứ bẩn khác không tiện nêu ra.

* Niềm an ủi duy nhất của chúng trong kiếp này là: được sống chung với các loài cá đẹp - nên đôi khi chúng cũng được xem là... cá cảnh !

Không có nhận xét nào: