5/6/22

2.412. GRETEL IN DARKNESS - Louise Glück

     “Gretel in Darkness” được xuất bản lần đầu tiên trong tập thơ “The House on Marshland” (1975) của Glück. Bài thơ sử dụng câu chuyện dân gian “Hansel và Gretel” dưới góc nhìn của Gretel để nói về sự mất mát, đau buồn, sợ hãi và chấn thương của con người trong các mối xung đột. Trong bài thơ đặc biệt này, nhà thơ miêu tả nỗi kinh hoàng của Gretel trước những ký ức về mụ phù thủy mà em bé đã ra tay sát hại để cứu anh trai mình. Bất chấp cái tên của nó, bài thơ là một câu chuyện trừu tượng về những cảm xúc lo lắng hơn là một câu chuyện về các nhân vật.

Tôi nghĩ rằng trước khi đọc bài thơ này bạn cần xem lại chuyện “Hansel và Gretel” – tại đây.

 

GRETEL TRONG BÓNG ĐÊM

Mộc Nhân dịch từ nguyên tác:

Gretel In Darkness - by Louise Glück


Đây là thế giới mà chúng tôi muốn.

Những người có thể đã nhìn thấy chúng tôi chết

đã chết. Tôi nghe thấy tiếng kêu của phù thủy

dưới ánh trăng xuyên qua một mái nhà

lợp bằng đường: cứ nghĩ là Chúa ban thưởng.

Lưỡi bà ta cong lại trong ngọn lửa…

 

Bây giờ thoát khỏi đôi tay những người đàn bà

những người đàn bà trong ký ức, trong túp lều cha tôi

chúng tôi ngủ, không bao giờ đói.

Tại sao tôi không thể quên?

Cha tôi chặn cửa, thanh chắn làm hỏng

mái ấm này, từ nhiều năm qua.

 

Không ai nhớ. Ngay cả anh, anh trai của tôi,

buổi chiều mùa hè anh chăm sóc tôi mặc dù

anh có ý định rời đi,

như thể nó chưa bao giờ xảy ra.

Nhưng vì anh mà tôi giết chóc. Lần đầu tiên tôi ra tay

những ngọn tháp của lò lửa ấy cứ trở đi trở lại…

 

Có nhiều đêm tôi quay lại để anh ôm tôi

nhưng anh lại không có ở đó.

Tôi có cô đơn không?

Người giấu mặt rít lên trong sự tĩnh lặng, Hansel,

chúng tôi vẫn ở đó và nó là thực, thực,

rừng đen và ngọn lửa như điềm báo.

----------------

* Nguyên tác: Gretel in Darkness - Louise Glück

* Analysis:

Trong những dòng đầu tiên, nhà thơ bắt đầu bằng việc mô tả thế giới như nó vốn có” “This is the world we wanted”. Điều này sẽ làm cho bài thơ trở thành một bài thơ hạnh phúc. Mọi thứ vẫn như chúng nên diễn ra.

Thế nhưng mặc dù thời gian đã trôi qua, cô vẫn có thể nghe thấy tiếng phù thủy mà cô đã giết để cứu anh trai mình đang la hét. Cái chết của mụ phù thủy đang ám ảnh cô và cô tự hỏi tại sao mình không thể quên những gì đã xảy ra (Why do I not forget?) – vì hiện cô đang sống một cuộc sống hạnh phúc và an toàn trong ngôi nhà của mình với anh trai và cha. Có cảm giác như không ai nhớ chuyện gì đã xảy ra với mụ phù thủy và Hansel, ngoại trừ cô ấy nên cô cảm thấy vô cùng đơn độc trong nỗi đau mà cô đã trải qua và không có ai ở đó để an ủi hoặc hiểu rằng cô đang phải chịu đựng.

Xuyên suốt bài thơ, nhà thơ đặt ra những chủ đề về sự dồn nén, lầm lạc và những kỷ niệm để qua đó Glück kể một câu chuyện rộng hơn về cách phụ nữ được “bảo vệ” khỏi cuộc sống. Những người đàn ông trong cuộc sống của cô ấy không muốn thừa nhận hoặc ghi nhớ những gì cô ấy đã làm. Thay vì giải quyết vấn đề, họ khóa cửa và phớt lờ mọi lời cầu cứu rõ ràng của cô ấy. Trong nỗ lực bảo vệ cô ấy, họ thực sự đang làm hại cô ấy.

Giết chết phù thủy đã dẫn đến việc Gretel trải qua những gì dường như là triệu chứng của PTSD – sự rối loạn stress sau sang chấn.

Mặc dù cha cô “chặn cửa” để bảo vệ con nhưng cô vẫn cảm thấy không an toàn. Khi cô ấy tìm đến các thành viên trong gia đình để được giúp đỡ, họ dường như không hiểu rằng cô ấy vẫn chưa vượt qua những tổn thương mà cô ấy đã trải qua. Họ sẵn sàng giả vờ như điều đó chưa bao giờ xảy ra. Hansel từ chối thừa nhận nỗi đau của cô, giống như cha cô. Anh ấy đang ở trong “những buổi chiều mùa hè” trong ánh sáng, trong khi Gretel ở trong “bóng tối,” như tiêu đề đã thông báo cho người đọc. Cô ấy phải gánh vác cái chết của phù thủy một mình, mặc dù cô ấy đã làm điều đó cho Hansel.

Cuối cùng Gretel cảm thấy cô đơn, không có ai để ôm ấp hoặc an ủi cô ấy. Trong bóng tối, cô ấy trở lại trong khoảnh khắc đau thương với ngọn lửa và khu rừng đen. Bằng cách ngăn cản thực tế của cô ấy, những người đàn ông trong cuộc sống của cô ấy đang kìm nén cảm xúc của cô ấy và buộc cô ấy phải đối mặt với những hình ảnh này một mình. Ngọn lửa và khu rừng là "có thật, có thật" đối với cô ấy, bất kể gia đình cô ấy làm gì để cố gắng giả vờ cái chết không xảy ra.

* Nếu bạn thích bài này, bạn cũng nên đọc lại những bài thơ khác của Louise Glück có cách khai thác chủ đề tương tự như:

- “All Hallows” - khám phá bản chất của Halloween trong sử dụng những hình ảnh đen tối và cô đơn.

- “Circe’s Power” – khám phá nỗi đau dựa trên câu chuyện thần thoại về Circe.

- “Mock Orange” - sử dụng màu cam để tượng trưng cho sự thất vọng của người nói đối với cuộc sống…

------------------------

Dịch và chú thích bởi Mộc Nhân



 

Không có nhận xét nào: