5/12/23

2.996. MỎNG - NHỮNG HOÀI NIỆM

Mộc Nhân

Đọc tập tản văn Mỏng – Nguyễn Thị Thanh Thảo

Bài viết đã xuất bản trong tập tiểu luận: "Dưới Những Lớp Ngôn Từ", Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, Nxb ĐN, 2023 (*)

Thanh Thảo

LTS: Nguyễn Thị Thanh Thảo sinh năm 1978. Quê quán: Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam. Nghề nghiệp: giáo viên ngữ văn, Đại học Quảng Nam. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Đã xuất bản: Rừng núi dang tay – tập truyện ngắn, 2005; Mỏng – tản văn, 2020

***

 Tôi đã viết trong một tản văn về làng cổ Lộc Yên: “Tôi từng ngạc nhiên khi đọc gần trăm bài báo, tản văn, ký sự, chuyện kể, sách vở, tranh ảnh của một vài tác giả - họ chỉ viết, quan tâm về mỗi đề tài làng quê, nơi họ sinh ra và lớn lên”. Đọc tản văn Mỏng của Nguyễn Thị Thanh Thảo, tôi hiểu tình yêu làng đã thấm sâu vào máu huyết, trí não, tâm hồn của bạn. Khi nó hóa thân thành chữ nghĩa thì quê xứ luôn là niềm cảm hứng để bạn tái hiện, tái tạo cùng với sáng tạo các giá trị mới. Đây là điều mà nhà thơ Mỹ, Walt Whitman viết trong bài thơ Lá cỏ: “Trụ đỡ của sự sáng tạo là tình yêu” (A kelson of the creation is love).

***

            Dường như khi đọc Mỏng của Nguyễn Thị Thanh Thảo, tôi nghĩ đến những bài thơ trong tập Lá cỏ của Walt Whitman bởi lẽ tên tác giả và tập sách gợi cho tôi cái gì đó mỏng manh, hồn nhiên như lá cỏ, lại tràn đầy tình yêu quê xứ. Chẳng hạn một đoạn thơ của Walt Whitman trong bài Tự khúc (Song of Myself) mà tôi dịch sau đây: “Tôi ngợi ca và hát về mình/ Điều tôi có thì các người cũng có/ Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi, cũng hiện tồn đâu đó/ Thuộc về các người, thuộc về sinh linh/ Tôi là kẻ rong chơi mời gọi hồn mình/ Nhàn nhã lang thang ngắm nhìn mùa hè cây cỏ/ Mỗi hạt máu trong lưỡi tôi có đất đai và gió/ Nguyên quán nơi đây, cha mẹ sống tại chốn này”. Tôi đã lạm trích Walt Whitman để dẫn dụ rằng: may mắn cho ai sinh ra và lớn lên luôn có một miền ký ức để gắn bó, để làm điểm tựa tinh thần, là huyết mạch đời sống.

***

Tập tản văn Mỏng của Thanh Thảo là những ghi chép, hồi ức, câu chuyện dành cho quê hương. Mạch cảm xúc của Thanh Thảo dẫn người đọc đi trong nỗi nhớ theo dòng thời gian; từ suy tư đến những điều đằm sâu, thao thiết và ngưng đọng trong sinh quyển quê xứ.

Tác phẩm gồm 24 đoản khúc được bao bọc trong vẻ đẹp cỏ cây (Màu hoa di sản), âm vọng (Tập hát ru con), sản vật (Nhớ tộ đường non, Mùi chè xanh), cảnh vật (Phiến đá tuổi thơ), nỗi buồn nhớ xa xăm (Niềm thương nhớ), chạm đến ẩn ức người viễn xứ (Chuyển nhà, Tình hoài hương)… Một số bài gần với bút ký hay hồi ký và nhân vật trần thuật xuất hiện ở điểm nhìn người trong cuộc.

Những vỉa tầng thẩm mỹ, văn hóa bản địa được Thanh Thảo khai quật, khám phá – dẫu rất mỏng nhưng đó là những gì mà tác giả đã đồng điệu trong dòng chảy của hồn quê.

Hãy đọc vài đoạn trong bài Màu hoa di sản, ta thấy cả một niềm yêu: “Màu hoa ngô đồng ở vùng trời hải đảo này cũng khác xứ Tàu hay xứ Huế, giữa xanh thẫm của núi rừng cứ ngời ngợi lên sắc chói chang rực rỡ của một thức đỏ cam. Màu ấy, tự những năm gần đây đã mang về cho vùng đất Tân Hiệp cù lao một di sản đặc thù: di sản một loài cây”. Không chỉ dừng lại ở đó, từ cây ngô đồng trên một cù lao miền trung, tác giả liên tưởng đến “màu ngô đồng với sắc tím nhạt thơ mộng như xứ sở thần kinh nở nhiều trong thành nội khiến cái nắng oi ả của ngày đầu hè cũng trở nên êm dịu”. Và những huyền thoại được nhắc đến trong sách xưa “loài cây tươi tốt để dành cho phượng hoàng ghé đậu”. Cuối cùng là những hoài niệm về vẻ đẹp của “cây ngô đồng trong vườn nhà gắn với những bàn tay thoăn thoắt bện võng ngô đồng của cụ bà ở quán bên đường… tất cả như vừa được khơi mở lại niềm vui”.

Quả là một trường liên tưởng tài tình. Dưới cái nhìn của tác giả, cỏ cây không những chỉ có đặc điểm nhận diện mà còn ẩn chứa sự sống, vận khí, tinh hoa giữa cõi thực và thơ. Màu hoa di sản ấy vừa là niềm trân trọng trước vẻ đẹp, lòng ngưỡng vọng trước đất trời và niềm cảm phục với tiền nhân.

Không chỉ hoa mà những thứ bình dị hơn như cái ao với “mùi thơm sực nức ấy, mùi thơm thân tình của một xóm nghèo tàn lụi sau chiến tranh” dẫu “thay vào đó là mùi bê tông, mùi vôi vữa, mùi hóa chất, mùi của những nỗi bất an giữa thời đại thái bình” nhưng vẫn là “một chứng nhận gốc gác nhà quê bần cốt đến thâm căn cố đế không cách gì có thể rời xa” (Nhớ ao).

***

Phần lớn các tản văn trong Mỏng là những mảnh ghép ký ức mà phông nền của nó là khung cảnh làng quê, ruộng đồng, vườn tược, sông suối, núi đồi, bàu cồn… giúp bạn đọc hình dung sinh thái xứ trung du trong từng câu chữ.

Trong tâm tưởng hướng về phía cội rễ - nơi người kể sinh ra và lớn lên, sự gắn bó với sinh cảnh làng luôn đi liền với niềm thương cha nhớ mẹ trong những năm tháng cơ cực: “Tuổi thơ anh em chúng tôi lớn lên cùng những nghèo khó của sắn của khoai, của những cua cá ngoài đồng nhưng đó là tuổi thơ đầy cảm giác an toàn và tinh sạch”. Câu văn của Thanh Thảo day dứt niềm cảm thán và lòng người còn thơm mãi mùi vị quê hương trong dư âm tuổi thơ đọng lại theo thời gian chẳng thể nào phôi pha: “Có lẽ, khó có mùi thơm nào khiến tôi lại có thể dễ dàng hình dung đến thế… Tôi khó mà quên thứ mùi thơm sánh mịn của đường non được ăn trong cảm giác chực chờ thèm đến rỏ nước dãi của mấy anh em khi mà cái bụng dường như lúc nào cũng cồn cào vì đói. Vị ngọt ấy, màu vàng đượm ấy tan chảy trong miệng, trong nỗi thèm thuồng của đám trẻ nghèo mà rồi có thể cả cuộc đời không thức cao lương mỹ vị nào có thể lấp đầy (Nhớ tộ đường non).

***

Tôi nghĩ những mảnh ghép Mỏng ấy đã thành tháng năm, thành tuổi thơ, thành một phần không thể thiếu của đời người. Chúng nối vào nhau trong một bức panorama với nhiều gam màu  xen kẽ đầy mỹ cảm và linh hồn của nó neo đậu nơi những sự vật gần gũi, bình dị như tờ thư cũ, cánh thiệp, phiến đá, mùa màng, ngọn đèn dầu… Mọi thứ gợi cho chúng ta cảm giác an nhiên, hiền lành: “Hình ảnh chiếc đèn dầu với chúng tôi là một quá khứ thân thương hơn bao giờ hết… Cả nhà tôi chắt chiu mua được cái đèn măng sông chỉ được dùng trong những kỳ lễ tết hoặc giỗ chạp, còn lại ba cái đèn dầu con con đều là sản phẩm tự chế của các anh tôi. Trong suốt một thời gian dài của tem phiếu và đói khổ, cả nhà “ba ngày ăn hết một cân mắm” là nỗi lo tột cùng của mạ thì hy hữu lắm cả nhà trên nhà ngoài mới được phép cùng sáng mấy ngọn đèn dầu. Nhưng chính từ ánh sáng lờ nhờ hiu hắt ấy, anh em chúng tôi đã nương nhờ để lớn lên bớt tăm tối đời mình… Nhưng trong một ký ức bất chợt, tôi bỗng nhớ đến nao lòng những buổi sáng tới trường với cái mũi ám khói đèn dầu. Nỗi xấu hổ xa xưa giờ đây dường như cơ hồ như một mùi hương kỷ niệm. Mùi hương ấy, nhất định phải là một buổi tối ấm áp cả gia đình được sum vầy cùng nhau quanh một ngọn đèn dầu” (Nhớ ngọn đèn dầu).

Những hoài niệm ấy vừa tạo tác, vừa che chắn, vừa là điểm tựa tinh thần cho con người. Tiếng lòng của tác giả đồng vọng với những thao thức từng hiện tồn mà hôm nay trở thành ký ức – nối dài giữa cội nguồn với bản thể: “Tôi chỉ có thể tin rằng, nếu có tuổi thơ nào đã từng được dung dưỡng trong những giá trị tri túc, thì thức cao lương này nhất định sẽ còn mãi trong vẻ đẹp vang bóng của hồi ức” (Nấm nướng lùi tro).

***

Một trong những yếu tính của văn chương là hướng đến cái đẹp và sáng tạo nên những giá trị thẩm mỹ kết tinh từ những mỹ cảm, tâm thức hiện sinh và năng lực ngôn ngữ. Những gì mà Thanh Thảo tái hiện trong Mỏng không chỉ là những trầm tích, dấu lặng hay khoảnh khắc mà tất cả đã trở thành tín hiệu thẩm mỹ với hành trình sống của tác giả. Nó không chỉ là quá khứ mà là hiện tại; vừa cụ thể lại vừa khái quát; nói theo ngôn ngữ triết học là nó vượt qua cảm quan “hiện tượng luận” để đi đến những giá trị thuộc “bản thể luận” - luôn ám ảnh, khắc ghi, nương tựa trong tâm thức, hình thành cá tính và thiện căn của người viết.

Bạn hãy lắng lòng đọc những điều tác giả viết về sự cao cả của đấng sinh thành trong những đoản văn cảm động: “Thời niên thiếu của tôi đã lấy đi của cha một phần cuộc sống. Khi tôi 15 tuổi, tóc cha chỉ chớm muối tiêu; năm vào đại học, lần đầu tiên trở về nhà, tôi rưng rưng thấy tóc cha trắng bạc. Lòng thảng thốt nghĩ về những cuộc vui bất tận với bạn bè, những giờ cà phê, những buổi mưa dầm trốn học đi hoang…thấy ba lô trên vai đã để xuống mà chân muốn khuỵu lại vì cảm giác mang tội với biết bao âu lo của người cha già… Mỗi người, có thể sớm hay muộn hơn, có thể không bao giờ, nhưng ý niệm về cha mãi mãi là ý niệm vĩnh viễn. Nếu mẹ là dòng suối của dịu dàng, yêu thương thì cha tựa như núi kia, uy nghi và lồng lộng” (Lời yêu thương).

***

Tôi bắt gặp cụm từ khí hạo nhiên được Thanh Thảo sử dụng nhiều lần, chẳng hạn: “Chị sinh vào mùa thu nên đấng sinh thành đã ước con gái mình lớn lên sẽ hưởng được khí hạo nhiên ấy: hương mùa thu” (Tình hoài hương) hoặc: “thổ nhưỡng vùng miền cù lao vẫn đủ khí hạo nhiên của đất trời để dung dưỡng vẻ đẹp của một loài cây” (Màu hoa di sản)… Có lẽ tác giả muốn nói đến cái linh khí tự nhiên của đất trời vận vào con người hay tạo vật. Nhưng sâu xa hơn, khí hạo nhiên (Hạo nhiên chi khí) là khái niệm đạo học chỉ về một phẩm cách tinh thần cao quý  được biểu hiện ở nhiều mặt: nhân hậu, cương trực, thái độ ứng xử tốt đẹp có khả năng thấu cảm với tự nhiên… Tôi tin rằng với những gì được tái hiện trong Mỏng, người viết đang hấp thụ và nuôi dưỡng cái khí hạo nhiên đó trong bản thể. Tinh tế hơn, bạn sẽ nhận ra trong Mỏng không (có thể là ít hoặc rất ít) những dòng chữ sân si, thù hằn, chê bai, xung khắc với đối thể - phải chăng đó cũng là tinh thần của khí hạo nhiên mà tác giả nói đến thông qua các nhân vật của mình. Nói như nhà thơ Lê Đạt: “Thơ văn là một cố gắng về mỹ học cũng là một cố gắng về đạo đức học bởi nó thúc đẩy hướng thiện và nhân tính”.

***

Tản văn là thể loại văn học phi hư cấu, ít huy động tình tiết để tạo cốt truyện. Nó chú trọng việc tái hiện cảm xúc từ quá khứ hay hiện tại bằng thể nghiệm của cái tôi trữ tình thông qua chuyện hay trạng thái; được biểu đạt bằng ngôn ngữ trữ tình, tự nhiên, chân thực cùng với các phương thức nghệ thuật linh hoạt: biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, tự sự, miêu tả. Với những điển phạm thẩm mỹ như thế, tôi nghĩ Mỏng của Thanh Thảo tự nó đã mang đến cho bạn một tập tản văn hay – hoặc ít nhất là gần gũi, dễ cảm, dễ thương.

Những điều nhỏ nhặt như: “một tô canh rong mơ nấu đơn giản với chút ít tôm tươi, rắc thêm vài cọng hành lá chắc chắn sẽ là sự kích thích vị giác vô cùng. Mùi của món ngon này, với tôi không thể lẫn vào đâu được…” (Mùi rong mơ); hoặc “vị ngon của nấm không phải chỉ ở cái đẹp của hình dáng, hương thơm của thảo mộc mà chính là sự khơi gợi ở vị giác một vẻ đẹp về sinh tồn” (Nấm nướng lùi tro); hay “Giọt sương trên ngọn cỏ là có thể là công án thượng thừa để bày tỏ một triết lý nhân sinh” (Giọt sương trên lá)… đều trở thành chất liệu cho tản văn ra đời.

Nhưng để viết ra tản văn thì đòi hỏi tác giả phải có trải nghiệm nội tâm, kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ để tạo ra các liên văn bản với lịch sử, xã hội, nhân sinh, văn hóa, nghệ thuật, triết lý… trong những cấu trúc mở và tự do. Nói cho cùng, đó cũng là thử thách sáng tạo khi người viết nắm trong tay quyền hạn của ngôn ngữ để tồn lưu ký ức đời sống mới có những trang văn hay và đẹp.

***

Mỏng – đúng như tên gọi của nó - là một tập sách mỏng với nhiều bài viết ngắn/ có bài chỉ dàn ra hai trang in khổ nhỏ, khoảng hơn 400 ký tự, đề tài bình dị. Ranh giới thể loại trong tác phẩm khá "mỏng" nhưng bút pháp tự sự lại phong phú: có khi là dòng ý thức (stream of consciousness), có khi là tối giản (minimalism), có khi là ước lệ (formula)… được sử dụng đan xen một cách có chủ đích nhằm tạo ra hiệu quả thẩm mỹ của dòng hoài niệm.

Bằng không gian tồn tại, thời gian hồi tưởng, tâm thức chiêm nghiệm, Mỏng của Thanh Thảo đã mang theo những cảm thức cội nguồn trong trí tuệ, tâm trí và tiềm thức để chia sẻ cùng bạn đọc. Đó cũng là thái độ thẩm mỹ của tác giả đối với đời sống. Chúng ta đọc được điều đó trên văn bản, qua những ký tự nhưng trong tâm hồn mỗi người, nó lại đau đáu một dòng sóng vô ngôn thao thiết.

Và tôi nghĩ rằng, chỉ đến khi “Tâm thức tĩnh lặng thì mới nhận được phóng chiếu của vô thức” (The conscious mind must be still in order to receive the projection of the unconscious) – dẫn theo triết gia Đức, Krishnamurti – lúc đó chúng ta mới cảm thấu những hoài niệm thật Mỏng từ Thanh Thảo.


Không có nhận xét nào: