10/12/23

3.001. HÀI MẶT QUỶ - tập truyện ngắn HỒ LOAN

 Mộc Nhân 

 Phát biểu giao lưu trong buổi ra mắt tác phẩm "Hài mặt quỷ” - tập truyện ngắn thứ hai của tác giả Hồ Loan.



       “Hài mặt quỷ” - tập truyện ngắn thứ hai của Hồ Loan -  mang đến cho người đọc một mối liên kết giữa những tích lũy từ đời sống cá nhân với văn chương. Dường như những tồn tại nội tâm của tác giả được tái cấu trúc theo cách mới trong các câu chuyện.

Nhân vật trong các câu chuyện của Hồ Loan vừa mang tính biểu tượng vừa là những mảng rời của tâm lý, tính cách trong từng cảnh ngộ cụ thể thông qua lăng kính sáng tạo của tác giả.


Tôi đã đọc các truyện của Hồ Loan trong dịch chuyển của những nếp gấp tình huống, những tầng cảm xúc có khả năng chạm tới tâm hồn người khác, với tất cả những yếu đuối trong chi tiết và cả sự mạnh mẽ của sự kiện. Tất cả mang một dấu ấn không thể nhầm lẫn trong cách kể, cách xây dựng nhân vật, tạo tình tiết, đẩy lên cao trào và dẫn đến một cái kết làm hài lòng bạn đọc.

Những câu chuyện Hồ Loan kể khá hiền lành, nhân vật tiếp cận với thống khổ nhưng không có màu sắc cái chết; gần gũi với hoang địa hiện sinh nào đấy nhưng không vỡ mộng, họ kháng cự lại nó để tồn tại nhưng không thù ghét mà có sự bao bọc lấy nhau trên trang viết, trong hy vọng về cái có hậu, niềm tin vào tính thiện.

Cách nhìn nhận nỗi khổ của nhân vật trong truyện Hồ Loan phù hợp với lý giải phân tâm học của Sigmund Freud: “Chúng ta bị đe dọa bởi sự đau khổ từ ba hướng: từ thể xác chúng ta, từ thế giới bên ngoài và từ mối quan hệ với những người khác... Điều cuối cùng này có lẽ đau đớn tận cùng hơn mọi thứ” (We are threatened with suffering from three directions: from our body, from the external world , and finally from our relations with other men... This last source is perhaps more painful to use than any other) - Sigmund Freud, Civilization and Its Discontents.




Cả ba vấn đề trên đều được tác giả đề cập rải rác trong các truyện và tất cả đều được giải quyết bằng tình yêu: “Chúng ta không bao giờ bất lực trước đau khổ trừ khi chúng ta mất đi cái để yêu thương và tình yêu của nó” (We are never so defenseless against suffering but when we have lost our love object and its love) - Sigmund Freud, sách đã dẫn. (Xem nguồn mở về Freud)

***

Văn Hồ Loan tuy chưa đạt đến tính độc đáo của chữ nghĩa nhưng âm vang trong chúng ta tính chính danh của văn chương ở các giá trị thiện mỹ. Bạn đọc thích thú với những gì vừa trải qua cùng Hồ Loan trong những trang viết dịu dàng cảm động như một thứ đả thông tâm hồn.

Với tập truyện ngắn thứ hai và bản thảo cuốn thứ ba đang dần hoàn thiện, tôi nghĩ rằng: “Có lượng thì mới có chất và khi lượng đổi thì chất sẽ đổi”...

Bạn hãy đọc Hồ Loan, thay vì tin lời “kẻ nói hớt” này. Xin chúc mừng tác giả có buổi ra mắt tác phẩm mới thành công tốt đẹp...



Nguồn: MN - Chém gió

Không có nhận xét nào: