8/12/23

3.000. HƯƠNG THỜI GIAN VÀ NHỮNG TRI THỨC MỚI

 Mộc Nhân Lê Đức Thịnh
      Giới thiệu tập sách "Hương Thời Gian" - Biên khảo, Phan Vân Trình, Nxb Đà Nẵng, 2023 


LTS: Hương thời gian là tập biên khảo thứ tư của Phan Vân Trình sau Từ lời hát ru xứ Quảng (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2018), Ngọn bút sắc của vị Kiều tướng (Nhà xuất bản Đà Nẵng - 2020), Ngọc trong đá (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn - 2021). Hầu hết các bài viết trong Hương thời gian đã được đăng tải trên các tạp chí và báo: Xưa và nay, Kiến thức ngày nay, Văn hóa Quảng Nam, Non Nước, Đất Quảng, Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam

***

Với những gì mà Phan Vân Trình đã dày công đọc, truy xuất, ghi chép, tái tạo… trong suốt hành trình nghiên cứu, chúng ta thấy anh có đủ phẩm chất của một nhà biên khảo thực sự.

Tựa sách Hương thời gian khiến chúng ta nhớ đến những câu thơ trong bài Màu thời gian của thi sĩ tiền chiến Đoàn Phú Tứ: “Màu thời gian không xanh/ Màu thời gian tím ngắt/ Hương thời gian không nồng/ Hương thời gian thanh thanh”. Có lẽ với việc mượn tứ thơ trên để đặt tựa, nhà biên khảo muốn nói rằng, thời gian vô thủy vô chung nhưng mang theo những sắc màu đẹp đẽ; những gì vượt lên sự sàng lọc nghiệt ngã của thời gian để còn lại sau khi đã quên đi tất cả có thể ví như một thứ hương bất tử: Hương thời gian.

Hình tượng thi ca trừu tượng mà đẹp đẽ ấy vừa gợi mở đề tài cho tác phẩm vừa dẫn dắt bạn đọc vượt khỏi không gian biên khảo để tiếp cận các giá trị nghệ thuật trường cửu từ đất và người xứ Quảng.

***

Hương thời gian được chia thành hai phần: “Dấu ấn văn đàn” gồm các biên khảo về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất Quảng thời cận đại, hiện đại với những đóng góp lớn cho văn đàn nước nhà trong thế kỷ 20; “Đất và người xứ Quảng” gồm các khảo cứu về văn hóa, lịch sử  đất Quảng xưa và nay.

Với cách tổ chức tác phẩm như vậy, tôi nghĩ rằng khí chất, tài năng của người Quảng cùng những giá trị văn hóa độc đáo của quê xứ chính là thứ Hương thời gian mà tác giả muốn lưu giữ và chia sẻ cùng bạn đọc. Thông điệp này được tác giả diễn ngôn qua một câu trích trang trọng được đặt ở đầu sách: “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên mặt đất, trong trái tim người khác” (Sukhomlynsky).

Trong “Dấu ấn văn đàn”, chúng ta được nghe kể lại câu chuyện văn học sử mà không phải ai cũng biết - từ cận đại đến hiện đại.

Chuyện về chí sĩ Phan Châu Trinh - nhà ái quốc vĩ đại, nhà Duy Tân nổi tiếng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam đầu thế kỷ XX – với trí tuệ, bản lĩnh và cốt cách của một người "Quảng Nam hay cãi" đã dùng văn thơ để lay động tâm can những người có tinh thần ái quốc, khơi dậy lòng yêu nước thương nòi của sĩ tử trong sự nghiệp “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Hậu thế sẽ còn học được nhiều điều từ cốt cách của ông.

Có những giai thoại văn học cận đại mà qua Hương thời gian tôi mới biết đến. Chuyện nhà văn Phan Khôi từng là chủ bút Tràng An báo đã phát hiện, dìu dắt nhiều cây bút trẻ có triển vọng như Nam Trân – người đồng hương xứ Quảng, để sau này Nam Trân trưởng thành là một nhà thơ nổi tiếng. Nam Trân sau này cũng xứng với bậc đàn anh khi ông đã thực hiện bản dịch Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh một cách xuất sắc. Dịch phẩm ấy đã trở thành “Bảo vật quốc gia” khi người dịch đã thấu cảm cái đỉnh cao tư tưởng nguyên tác và tinh hoa Đường thi để chuyển tải tác phẩm một cách giản dị, tự nhiên mà vẫn nguyên chất nghệ thuật.

Những chuyện như thế khá nhiều, có khi nó là chuyện bếp núc, chuyện đời thường của kẻ sĩ nhưng cũng có khi là chuyện liên quan đến vận mệnh, sự nghiệp, thể hiện tính cách của nhà văn. Tôi thấm thía những trang viết về Trinh Đường – “Hiệp sĩ tử vì thơ”, hay Võ Quảng – “người có khả năng lưu giữ gần như nguyên vẹn, và khả năng rung động trước tất cả những gì còn dự trữ được nơi ký ức về quê hương" hoặc Phan Khôi với ý thức khai phóng - “Ngữ ngôn tiến hóa tức là dân tộc tiến hóa"…

Chuyện về những danh sĩ, chí sĩ, nhà cách mạng thì khá nhiều, mỗi người một hoặc nhiều nét nhấn lưu lại sự ngưỡng vọng cho hậu thế. Trần Quý Cáp mới 20 tuổi đã nổi tiếng văn chương khắp vùng. Phan Chu Trinh với "tính không chịu khuất". Phạm Phú Thứ bên cạnh tài kinh bang tế thế còn được lưu danh ở xứ Đông bởi giỏi việc quân cơ, xóa sạch mối lo trộm cướp cho dân lành. Trần Phước là “Thủ lĩnh tài ba” của Phong trào kháng thuế, cự sưu khởi phát từ Đại Lộc, lan rộng ra toàn Quảng Nam và khắp 10 tỉnh Trung Kỳ. Đỗ Đăng Tuyển, người con tài hoa của đất Quảng, một trong những yếu nhân của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam và Duy Tân Hội, được ghi nhận là người đầu tiên thực hành phương thức đấu tranh bằng tuyệt thực trong nhà tù… Ngoài ra, tập sách còn kể đến chuyện bà Nguyễn Thị Bình - nhân vật lịch sử thời hiện đại – một chính khách, nhà ngoại giao Việt Nam trong các cuộc đấu lý, đấu trí và cả ý chí vô cùng căng thẳng nhưng lại có phong cách giao tiếp lịch lãm, sang trọng, nét mặt và nụ cười luôn cởi mở, thân thiện, đầy bản lĩnh, đầy tự tin…

Dòng biên khảo của Phan Vân Trình không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà còn là dòng hoài niệm người xưa, cảnh cũ – dẫu chỉ trong những nét phác họa hay khắc họa vẫn luôn để lại bài học về trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Nhiều chuyện thú vị về đất và người xứ Quảng cũng được Phan Vân Trình tái hiện cho bạn đọc. Chúng ta hiểu thêm về “người đồng mình” khi đọc Người Quảng xưa qua góc nhìn của Cristoforo Borri có “lòng tử tế bẩm sinh và những tập quán bình dị mà họ tạo được khối đoàn kết tinh thần hoàn hảo, họ cư xử thân tình như anh em một nhà… Bản năng tự nhiên của họ là thiện lương và trên hết phải tử tế với người nghèo khổ”.

Những miền đất xứ Quảng mang theo nhiều trầm tích văn hóa xã hội cũng được tác giả khảo cứu khá kỹ.

“Thất châu Quảng Huế” được gọi là “tang căn thổ”, tức đất gốc dâu – loại cây phù hợp với thổ nhưỡng để canh tác nhưng cũng thích hợp với nơi thường xuyên lũ lụt xói lở. Đình làng Ái Nghĩa, nơi lưu trữ nhiều di sản Hán Nôm quý, nơi được chọn để hội họp, vận động nhân dân trong làng tham gia biểu tình chống sưu cao, thuế nặng - nay được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh. Một Hội An, không chỉ là miền đất di sản mà đã từng “không còn đủ chỗ chứa người biểu tình” tham gia vây Tòa Công sứ Pháp và trong những tháng ngày "nước sôi, lửa bỏng" chống thuế Trung Kỳ. Dân Hội An vừa trực tiếp tham gia đấu tranh, vừa cung cấp quần áo, lương thực, thuốc men và sắp xếp nơi ăn ở cho các đoàn biểu tình của các phủ, huyện… Những làng quê khác như Phiếm Ái, Thanh Vân vừa hữu tình hữu cảnh đã từng vang bóng một thời, trở thành chứng nhân lịch sử, nơi lưu tồn các giá trị văn hóa bản địa.

Biên khảo của Phan Vân Trình còn chạm đến các đặc sản của quê xứ vốn là những giá trị vật chất mang trong mình nó nét đẹp văn hóa ẩm thực vùng miền hoặc đơn thuần chỉ là thực thể gắn với đời sống cư dân bản địa.

Tác giả không chỉ ghi lại hình ảnh cây cau xứ Quảng xưa kia mọc thành rừng, được trồng rất nhiều mà còn nói về nó trong mối quan hệ với tập quán ăn trầu của người Việt, tiềm ẩn triết lý về sự tổng hợp của trời – đất hòa quyện nhau, thắm tình nghĩa đậm nghĩa.

Đặc biệt những trang viết về quê hương Đại Lộc được anh chăm chút, nâng cánh trong những lời văn trữ tình thắm thiết. Tác giả thuyết minh về mỳ Quảng là món ăn dân dã, bình dị nhưng đậm nét tinh tế ẩm thực khiến, “người xa quê chỉ nhắc đến thôi cũng đã thấy da diết tình cố hương”; qua đó nêu lên khả năng thích ứng, biến hóa trong ẩm thực để phù hợp với điều kiện sống “ăn theo thuở, ở theo thời” của cư dân ngày mới vào mở cõi.

Tác giả nói về cây dầu rái không chỉ là một sản vật nổi tiếng của núi rừng trung du, là nguồn lợi được thiên nhiên ưu ái cho cư dân một số xã ở Đại Lộc mà qua đó còn thể hiện cách ứng xử của con người: không tận thu, không tranh chấp giành giật những gì tự nhiên ban tặng. Phải chăng đó là nét đẹp trong giao tiếp giữa người với đất, giữa người với người.

Những chi tiết này khiến tôi nhớ đến một câu viết của Nguyễn Huy Thiệp mà ông gắn vào nhân vật Bường, trong truyện ngắn Những người thợ xẻ - để thay cho diễn ngôn của nhà văn: “Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người”.

Và bạn thấy dù sống trên mảnh đất khắc nghiệt, đầy đau thương và mất mát trong những xung đột lịch sử xã hội nhưng người Quảng vẫn xứng đáng với những gì mà họ đang thừa hưởng từ đất đai, tiền nhân để xây dựng một tương lai xán lạn hơn.

***

Ngoài ra, những giá trị văn hóa phi vật thể như các lễ hội dân gian ở đất Quảng là thành tố quan trọng tạo ra "văn hóa làng" và là một “bảo tàng dân tộc học” độc đáo cũng được tác giả tái hiện khá kỹ. Khi trở về với lễ hội dân gian, mỗi người chẳng những có dịp sống trong một không khí cộng đồng thấm đượm tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn được tận hưởng những giây phút thiêng liêng, được ngưỡng vọng và tiếp thu những giá trị tốt đẹp của quá khứ, để qua đó suy ngẫm về nhân cách của cha ông, tự hoàn thiện bản thân trên hành trình vươn tới Chân - Thiện - Mỹ. 

***

Với những gì mà Vân Trình mang đến cho chúng ta trong tập biên khảo này, anh đã ý thức được trách nhiệm của người cầm bút - không phải là thấy được nó, mà là kích hoạt để nó sống lại trong đời sống hiện tồn của cộng đồng, dân tộc.

Hương thời gian là những giá trị lưu cữu từ lịch sử, văn hóa, xã hội được tác giả đem ướp vào trang viết của mình một cách say nồng để nhắc nhở mọi người rằng, nó là gia tài của chúng ta, giúp hình thành nên một loại di chỉ phi vật thể vốn là bằng chứng lớn nhất về sự tiến trình dân tộc nói chung, của quê xứ nói riêng.

***

Tôi nghĩ những phẩm chất cốt yếu của nhà biên khảo là khả năng tìm tòi, sưu tập, đọc tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, xử lý thông tin theo cách tiếp cận và mục đích khảo cứu của mình. Với bốn tập khảo cứu trong tay, Vân Trình đã thể hiện đầy đủ những phẩm chất của nhà khoa học xã hội qua việc tiếp cận hàng chục ngàn trang tư liệu để xử lý thành hàng ngàn trang văn bản hoàn chỉnh. Quả là điều đáng khâm phục.

Phong cách ngôn ngữ của anh vừa khoa học vừa văn chương nên ở một góc độ nào đó, nó cũng là những sáng tạo nghệ thuật chứ không chỉ là ấn phẩm nghiên cứu.

Trong phạm vi xứ Quảng, ngòi bút của anh có đủ nội lực và độ tự tin để khai thác các vỉa tầng văn hóa, lịch sử vùng đất, nơi anh đang trú ngụ và thụ hưởng linh khí từ nó. Và mở rộng ra, người thực hiện có khả năng tiếp cận các vấn đề, phạm vi khảo cứu khác khi hiểu được căn cốt công việc của mình.

Mặc dù bạn đọc có thể đã đọc những sự kiện, nhân vật hoặc đã biết đến các giá trị vật thể hay phi vật thể này từ trước, ở đâu đó nhưng khi đọc các biên khảo của Phan Vân Trình, chắc chắn bạn sẽ yêu quý, khâm phục và trân trọng những tích lũy hay tái tạo từ anh.

Nó vừa là quá khứ vừa hiện tại; vừa quen thuộc vừa mới mẻ; vừa trầm tích vừa kết nối; đôi khi từ những mảng tối của lịch sử xã hội nhưng anh lại soi sáng tài năng nhân cách con người để tri ân những tấm gương cùng hậu thế.

Đọc những biên khảo của Phan Vân Trình, chúng ta thấy cách tiếp cận của tác giả không chỉ đi vào các giá trị nguồn cội, bản sắc văn hoá cộng đồng mà thấy ở đó cả những phận người, tình người, nhân cách kẻ sĩ trước sự biến động của xã hội từ cận đại đến hiện đại. Tất cả được Vân Trình viết bằng tình yêu quê xứ, trách nhiệm nhà quản lý, thiên chức người cầm bút với những gì thuộc về di sản quá khứ, giá trị cộng đồng.

Và thay cho lời kết, tôi muốn dẫn lại câu trích của Neil Armstrong để nói về những gì mà một nhà nghiên cứu/ biên khảo đã mang đến cho chúng ta: “Nghiên cứu là phương cách tạo ra những tri thức mới” (Research is the way creating new knowledge).

Điều này cũng có ý nghĩa khi tôi đọc cả bốn tập sách của Vân Trình chứ không chỉ riêng tập Hương thời gian mà bạn đang có trong tay.

Xin cảm ơn tác giả về những gì anh đã mang đến cho cộng đồng. Chúc anh có nhiều phát tiết mới trong những bản thảo sắp đến.

Mộc Nhân Lê Đức Thịnh, tháng 8 năm 2023.

 

 

Không có nhận xét nào: