28/12/23

3.014. TINH PHÁCH TỎA RA TỪ VÒM CÂY

 Lê Thạnh, dị nhân "Bonsai Ngược", người được tổ chức “Kỷ lục gia Việt Nam” ghi nhận và cấp bằng chứng nhận kỷ lục Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam - năm 2020. Bài đã xuất bản trong tập "Dưới những lớp ngôn từ", Mộc Nhân LĐT, Nxb Đà Nẵng, 2023. Anh sinh năm 1963. Quê quán: Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam. Nghề nghiệp chính: chuyên viên ngân hàng. Ngoài ra, anh là một nghệ nhân sinh vật cảnh. đã xuất bản 2 tập sách: Gieo vần cho cây – tập thơ về sinh vật cảnh, 2020 và Bonsai Ngược – Các vấn đề về lý luận nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác – 2021.

***

Năm 2020, nghệ nhân Lê Thạnh được tổ chức “Kỷ lục gia Việt Nam” ghi nhận và cấp bằng chứng nhận kỷ lục Người tạo tác các tác phẩm Bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam. Anh cũng là tác giả của hai tập sách vừa có tính chuyên môn sinh vật cảnh vừa mang tính văn nghệ.

Anh được giới chơi sinh vật cảnh trong cả nước biết tiếng – là một nghệ nhân thực thụ, có đẳng câp. Dù không phải là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật nhưng những vật phẩm, xuất bản phẩm của anh và sự ghi nhận từ cộng đồng đã chứng nhận anh là người nghệ sĩ thực sự.

***

Hoàn toàn ngẫu nhiên, tôi được Dị Nhân Bonsai Ngược - Lê Thạnh chia sẻ bản thảo tập sách “Gieo vần cho cây” - định danh thể loại Thơ, cốt yếu là để minh họa cho các tác phẩm sinh vật cảnh mà anh đã dày công sưu tập và tạo tác trong khu vườn của mình.

Gọi là ngẫu nhiên bởi vì anh không có ý định nhờ tôi viết giới thiệu tập sách này vì tôi là kẻ ngoại đạo với giới sinh vật cảnh. Sau khi đọc xong tôi có lời khen ngợi cả kênh hình và kênh chữ, lập tức tác giả - đang trong lúc chưa tìm ra người hỗ trợ bài viết – liền ướm thử một lời nhờ cậy con chữ. Vốn là bạn học, đồng hương nên tôi nhận lời ngay dẫu chưa hình dung mình sẽ viết như thế nào khi quá nửa đời người chưa chăm trồng lấy một cây cảnh.

Cảm hứng chính trong tập sách này là gì: tác phẩm thơ hay tác phẩm sinh vật cảnh? Theo tôi thì cả hai. Mỗi sinh vật cảnh đối với Dị Nhân là một niềm yêu gởi gắm trong quá trình tạo tác để người thơ ngắm nghía, nhận ra “Ta thấy em trong tiền kiếp” và rồi bàn tay nghệ nhân thăng hoa trong quá trình hình thành tác phẩm.

Có một điều kỳ lạ không cần lý giải là: bất cứ cái cây, bông hoa nào cũng gợi cho chúng ta nhiều mỹ cảm về vẻ đẹp và sự sống. Từ cây ngũ cốc đến loài hoa dại; từ đại thụ trong rừng sâu đến cây trái trong vườn; từ lọ hoa trên bàn đến cổ thụ nơi đình chùa miếu mạo; cây cảnh và bonsai – càng hiển nhiên… Tất cả đều tạo ra xúc cảm và tất nhiên chúng gợi những xúc cảm khác nhau. Nó khác nhau như mỗi cá thể, riêng biệt như đời sống muôn hình vạn trạng, đa dạng như tạo vật… Trong khi điều này lại không tồn tại khi chúng ta giao tiếp với muông thú và con người bởi dường như ở đó, ngoài những giá trị tự thân còn có sự hung hãn, lọc lừa, gây hại hay giả dối… Cây hoa thì không, tuyệt nhiên không.

Thế giới cây đầy ắp ký ức, mở ra một cõi sống kỳ diệu, tinh tế trong giao tiếp, đầy cá tính, trong môi trường cộng sinh, có số phận tái sinh cùng những thông tin và cảnh báo… hết sức gần gũi với nhân loại.

***

Trong Gieo vần cho cây, thơ là cái để tác giả minh họa. Vậy nên Dị Nhân không quá cầu kỳ, dụng công với con chữ mặc dầu anh có thể làm được hơn thế. Mỗi bài thơ của tác giả là một câu chuyện, gói gởi trong đó là cái tình, cái tâm qua từng hình hài, thế cây, dáng vật. Anh truy xuất đến tận nguồn cơn, cội rễ mà người thơ khởi sinh trong mỗi tác phẩm.

Cái tên Dị Nhân Bonsai Ngược từ lâu mặc nhiên đã trở thành một cụm danh từ riêng khi tác giả dấn thân vào cuộc chơi cây ngược đầy đam mê. Bonsai ngược hiển nhiên là khác hẳn với bonsai hay cây cảnh bình thường. Nó làm chúng ta kinh ngạc, biết ơn và ngưỡng mộ bởi sự độc đáo. Những trải nghiệm mới mẻ này không phải ai cũng nhận thức được giá trị của bonsai ngược hay kỳ công tạo tác hình thế của chủ nhân một các dễ dàng bởi bonsai ngược có một hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng, tư duy, suy luận và kinh nghiệm riêng.

Bonsai ngược không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật mà là những thách đố cùng với bao điều kỳ diệu, cảm động và kịch tính. Nó không chỉ là tạo tác mà còn là tri kiến, sự tử tế khi con người đối đãi với cây cối ngay cả trong trạng thái chúng ta mang đến cho nó một đời sống ngược. Ở đây không chỉ có mối quan hệ một chiều mà người và cây đã thiết lập nên mối quan hệ song hành bằng tương tác qua lăng kính đảo ngược để tạo nên những cá thể khác thường thậm chí là phi thường, cùng những mỹ cảm cho tâm hồn và gợi nhiều suy nghĩ.

***

Trong những trạng thái mê đắm ấy, tác giả khởi ý những sự bất thường như “Treo cây ngược” - tức là trồng cây cảnh trong chậu rồi úp ngược lại để cây phát triển trong một tư thế dị kỳ. Ban đầu là thử nghiệm ý tưởng, về sau thấy thành công thì anh tích lũy kinh nghiệm để phát triển thú chơi có một không hai này. Dần dần cái tên Dị Nhân Bonsai Ngược được định danh trong giới chơi cây khắp nơi, trên mặt báo, tạp chí… và nó mặc định với tên riêng: Lê Thạnh.

Điểm nhấn trong khu vườn của anh chính là các tư thế ngược: hoa ngược, cây ngược, bonsai cũng ngược… Ngược như một nhu cầu của tâm hồn khám phá, tìm kiếm, dâng hiến, thách thức: “Hết tháng ba, tới tháng mười/ Loay hoay tìm thứ tặng người ta yêu/ Tình già chỉ có bấy nhiêu/ Hoa hồng ngược thế có chiều được em?” (Hồng ngược tháng mười).

Thật thú vị biết bao khi giữa cuộc sống xô bồ, tất bật, con người dành thời gian để hòa mình với cây kiểng và tạo ra những thực thể sinh động và hấp dẫn.

Chúng ta hãy lướt qua khu vườn “Gieo vần cho cây” của Dị Nhân. Bên cạnh những kỳ hoa dị thảo chúng ta nhận ra những loài cây hoa rất bình dị. Có khi đó chỉ là một cây hoa dại bên đường: “Cảm thương một kiếp đơn côi/ Mang hoa về phố, vun bồi nước phân/ Hôm nay hoa nở muôn phần/ Hình như là để tri ân cuộc đời” (Hoa Dại). Còn đây là cành trinh nữ với những chiếc lá nhỏ e ấp mà dân gian quen gọi với cái tên bình dân là “cây ngủ ngày” - cũng khiến anh ngẩn ngơ: “Từ chốn nao và tự bao giờ/ Loài hoa biết xếp lá ngây thơ/ Khiến lãng tử dừng chân đắm đuối/ Mà lòng thương, tiếc, nhớ, ngẩn ngơ” (Hoa Trinh Nữ). Hay như cây đa cỗi, cây bằng lăng là loài cây khá phổ biến, thậm chí lăn lóc bên đường nhưng với bàn tay chăm sóc của nghệ nhân đã tái sinh trong hình hài mới: “Qua giông bão, đến sáng trời/ Hôm nay, hai chiếc nụ chồi rất xinh” (Bằng lăng)

Bất chợt tôi nhận ra một cây quý không chỉ đơn thuần là giống cây quý hiếm, khó trồng  mà có khi chỉ là những loài cây bình thường nhưng dưới cái tâm và tài của người chơi, nó thành những thực thể hiếm, có giá trị cao qua tạo tác trong các dáng thế: kiên gan như hoành thế (nằm ngang), bất khuất, dũng mãnh như huyền thế (đổ xuống như thác), hiên ngang như bạt thế (nghiêng qua một bên)…

Không những dáng cây mà các tạo vật khác như hòn đá, phiến gỗ lũa, chiếc cối… trong tay anh cũng mang theo tâm hồn, lưu giữ kí ức nào đó: “Lung linh tinh thể thạch anh/ Điệp trùng như một bức tranh. Điệp trùng” (Điệp trùng).

***

Tôi sẽ không lạm bàn về chuyên môn của giới chơi sinh vật cảnh vì là kẻ ngoại đạo với thú chơi này. Tuy nhiên do tiếp xúc nhiều với Dị Nhân, được nghe anh giới thiệu về cây cảnh… nên cũng học lóm được đôi điều để hiểu thêm về sinh quyển “Gieo vần cho cây”.

Có nhiều trường phái, nhiều thể cách, tiêu chuẩn để thể hiện tính độc đáo, riêng biệt của mỗi thực thể sinh vật cảnh. Về hình thức thì cây kiểng đẹp có bốn yếu tố: Nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp (hình dáng, thế cây, cành, lá). Về ý nghĩa nó phải gói gắm bên trong các nội dung như: lực (sức sống), nhẫn (kiên trì), đức (giá trị nhân bản)… Về tính tạo hình liên tưởng có: long, lân, quy, phụng, hoặc chim, cá… Về giá trị hồn cốt, cây phải đạt được chuẩn “Cổ - kỳ - mỹ - văn” (cổ: mang dấu ấn thời gian; kỳ: dáng lạ thể hiện nội lực; mỹ: có vẻ đẹp cuốn hút; văn: có ý nghĩa, giá trị, thông điệp tư tưởng nào đó được tác giả ký thác).

Anh viết về cội kiều hùng mà như nói về một hiền nhân quân tử với tư thế đầy khí phách nhưng phong thái thật ung dung: “Trước cửa đong đưa cội kiều hùng/ Nửa trắng, nửa hồng sáng linh lung/ Mỗi khi hoa nở bừng khí phách/ Những lúc lá vàng hiện ung dung” (Kiều Hùng Văn Nhân).

Mỗi dáng thế của mỗi sinh vật hàm chứa những hoài bão, nỗi niềm của chủ nhân. Tất cả được Lê Thạnh thể hiện tinh tế, khác biệt để chủ và khách có một lúc nào đó ngồi bên ấm trà mà cùng nhau đàm đạo, bàn luận nhân tâm, thế sự, hoặc thả hồn tận hưởng với tác phẩm của mình để tạm ngưng nhịp sống đương đại trong âm vọng của hồn cây.

***

Trong dòng tự sự của “Gieo vần cho cây”chúng ta còn được nghe những câu chuyện của Lê Thạnh kết nối từ quá khứ đến hiện tại. Nó gắn với thanh âm quê nhà nơi có bà Mẹ quê và lời ru xa xưa: “Ta nghe một thoáng yên bình/ Từ trong sắc tím hoa linh cuối mùa/ Ta nghe trong ngọn gió lùa/ Lời ru yên ả ngày xưa, mẹ hiền” (Hoa nở cuối mùa). Đó không chỉ là những câu chuyện quê mơ hồ mà là một ký ức cụ thể về quê nhà. Dường như trong tâm thức Dị Nhân, hình quê dáng mẹ có sức ám ảnh sâu nặng nên mỗi dáng cây trong tình huống cụ thể đều có sức gợi về quê xứ: “Lộc vừng già khụ bần thần/ Nhờ cây chống đỡ trời gần đất xa/ Vẳng nghe tin bão qua loa/ Thương về quê mẹ miền xa, mịt mùng” (Tin bão đầu đông). Dường như trong tâm thức Dị Nhân, tạo tác và yêu sinh vật cảnh là một lẽ tự nhiên, trong máu huyết, là thú chơi, là trả món nợ tiền kiếp nào đó cho cây, đá, lá, hoa… Anh nhìn thấy cái đẹp của cây khi nó lăn lóc bên hè phố, khi là cây dại nằm nơi khe suối, triền đồi và thậm chí “Em vẫn đẹp cả khi lìa cành” (Lộc Vừng).

Thú chơi ấy đã hình thành trong Dị Nhân tính kiên trì, điềm đạm, cốt cách thanh nhã, phong cách sống thảnh thơi, lòng yêu thiên nhiên, yêu con người và độ lượng với mọi thứ bởi thế giới của bonsai ngược chuyển động rất chậm so với những gì chúng ta quan sát được từ loài người và muông thú nhưng đó là thế giới mà người chơi chăm chút từng giờ, mong đợi từng ngày, cất giấu từng bí ẩn tinh tế và mãi nhen nhóm những mơ ước mới trên con đường xác lập niềm tin vào cái đẹp của mình.

***

Ai đã từng dấn thân vào cuộc chơi nào đó đều thường nhâm nhi, thích thú với câu thơ của Nguyễn Du “Nghề chơi cũng lắm công phu”; từ cái nghề chơi trong câu thơ Nguyễn Du mà người đời mở rộng ra các thú chơi khác. Âu cũng không sai. Đến đây, tôi chợt nhớ người xưa khái quát thú chơi tao nhã thành bốn môn: “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng” (nhất là văn thơ, nhì là tranh họa, thứ ba chơi đồ gốm sứ cổ và thứ tư là chơi cây cảnh).

Ở Lê Thạnh có được hai thứ là chữ (văn thơ) và kiểng (sinh vật cảnh). Thật hiếm có, mặc dù Lê Thạnh tự bạch rằng chữ chỉ là để minh họa cho kiểng. Chữ là màu sắc mới để làm thắm thêm màu của hoa, chữ làm hồn cây hiển lộ để chia sẻ cùng bạn bè, chữ để dòng tự sự mang đến cho chúng ta những trải nghiệm và kết nối với những phức cảm đôi khi chúng ta chưa tiệm cận.

***

Nhìn ở góc độ triết học, bonsai ngược là cách để chúng ta nhận thức thế giới khách quan và biểu hiện tư tưởng con người. Khi chúng ta miêu tả tính nghịch của cây để có thể phát hiện trầm tích từ tính thuận của nó, qua đó nhận thức tồn tại đa dạng, sâu sắc hơn.

Nhìn ở góc độ đời sống, bonsai ngược cho chúng ta thông điệp về sức sống từ nghịch cảnh. Nói như Peter Marshall, nhà thần học người Mỹ: “Hãy nhớ rằng cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược, và kim cương hình thành dưới áp lực” (Remind us that oaks grow strong in contrary winds and diamonds are made under pressure).

Nhìn ở góc độ mỹ học, yếu tố ngược đặc biệt khơi gợi và diễn đạt các tâm trạng tới hạn, lên đến cao trào của các trạng thái có ý nghĩa về thẩm mỹ và nhân sinh.

Nhìn ở góc độ sáng tạo, sự phá cách trong tạo tác bonsai ngược có thể xem như là một dạng thức “hậu hiện đại” (postmodernism) trong nghệ thuật cây cảnh. Nó không chỉ là yếu tố hình thức mà còn hàm ẩn nhiều nội dung. Nhất là khi hiệu quả thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật từ bonsai ngược tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người tiếp nhận, vào tầng bậc văn hoá mà chủ thể sáng tạo sở thuộc và quan trọng nhất là nó mang đến cho người thưởng lãm sự hưởng thụ hoàn toàn mới mẻ cùng với sự thúc đẩy hướng phát triển của một thú chơi mang đậm dấu ấn nghệ thuật, kỳ công, thể hiện phong cách cá nhân.

***

 Auguste Rodin, một nghệ sĩ người Pháp có nói: “Nghệ thuật là niềm lạc thú của một linh hồn bước vào tự nhiên và phát hiện rằng tự nhiên cũng có linh hồn”. Ngẫm rằng câu này đúng với Dị Nhân Bonsai Ngược Lê Thạnh khi những tác phẩm sinh vật cảnh của anh đã đi từ thực thể tự nhiên đến tác phẩm nghệ thuật có hồn.

Với ba cội nguồn: khao khát, cảm xúc, và tri thức, Lê Thạnh đã dấn thân vào cuộc chơi đầy đam mê của mình – không chỉ cho anh mà còn cho bạn, cho tôi, cho những con người "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu".

Và đến một lúc nào đó, nếu chúng ta huân tập cho mình những phẩm chất ấy thì sẽ nhìn thấy tinh phách tỏa ra từ vòm cây. Đó cũng là một điều kỳ lạ không cần lý giải.



 

 

Không có nhận xét nào: